Bi hài trên chiếu bạc đầu năm

Bi hài trên chiếu bạc đầu năm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
Bắt đầu từ Tết Nguyên đán cho đến hết tháng giêng, chỗ “du xuân” của nhiều quý ông, quý bà không phải thắng cảnh hay đền chùa mà là chiếu bạc. Cũng từ “đam mê” này mà nhiều chuyện bi hài xảy ra.

Những sòng bài tự phát đầu xuân

Ngã tư Hoàng Hoa Thám-Nguyễn Thượng Hiền là giao điểm giữa quận Bình Thạnh - Phú Nhuận, nên mỗi dịp xuân về nơi đây trở thành trọng điểm của các tệ nạn, đặc biệt là bài bạc. Có năm, tại đây cùng lúc mở đến 3- 4 sòng bài, bầu cua... Tuy nhiên, năm nay do sự cương quyết của các cơ quan chức năng, trọng điểm này đã trở nên yên lành, không còn tình trạng đánh bài.

Tuy nhiên, các sòng bài, bầu cua vẫn không có dấu hiệu giảm mà chỉ di chuyển địa điểm. Dọc theo bờ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, hàng loạt sòng bài tự phát được mở ra, người đánh bài, kẻ đứng xem gây mất trật tự suốt bờ kênh. Thậm chí, tại đây còn có những sòng bài “thiếu nhi” với các con bạc còn ở độ tuổi đi học. Trên đường Trần Nhật Duật, quận 1, từ trước tết đã xuất hiện một sòng bài tự phát, gây mất trật tự cả một góc phố, nhiều người dân trong khu vực đã phản ánh nhưng sòng bài này vẫn ngang nhiên tồn tại.

Sự kiện - Bi hài trên chiếu bạc đầu năm

Ở hẻm 283, đường Bông Sao, phường 5 quận 8, xuất hiện một sòng bài cào rất lớn, mỗi cây (ván) có giá từ 500.000 - 1 triệu đồng. Có người đã thua đến vài chục triệu đồng/lần chơi. Cá biệt, có một cặp vợ chồng đã thua ở sòng bài này đến gần 100 triệu đồng lần chơi. Mùng 2 Tết, lực lượng công an đã tiến hành xóa sổ sòng bài này, nhưng sau đó sòng bài này vẫn tiếp tục hoạt động dù lượng con bạc không nhiều như trước. ở khu vực các con hẻm gần chợ Phạm Thế Hiển, phường 4 quận 8, nhiều sòng bạc cũng hoạt động xôm tụ không kém.

Còn tại Hà Nội, Lễ hội thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội diễn ra song hành cùng nhan nhản các sới bạc, núp bóng dưới cái mác “vui chơi có thưởng”. Sới đỏ đen thậm chí được lập ngay trong vườn của ngôi đình làng Triều Khúc, nơi hàng ngàn du khách, phật tử đến tham quan, lễ bái. Sới gà chọi ăn tiền náo nhiệt được mang danh “trò chơi dân gian”. Nhiều trận đá gà có số lượng tiền cá cược lên đến hàng chục triệu đồng.

Ở lễ hội chùa Yên Tử (Quảng Ninh), cảnh đánh bạc diễn ra công khai ngay trước mắt các cơ quan chức năng với đủ các tên gọi hấp dẫn: xóc đĩa, tôm cua cá, giải thế cờ, chiếc nón kỳ diệu... Anh Phạm Xuân H, một an ninh viên tại lễ hội chùa Yên Tử cho biết: “Do số lượng các sới bạc quá đông nên khi chúng tôi dẹp chỗ này thì chúng lại mọc lên chỗ khác. Hơn nữa, nhiều du khách cũng có máu đỏ đen nên các chủ sới bạc càng có cơ hội làm ăn”.

Lễ hội rước kiệu xã Trung Hòa, Chương Mỹ, Hà Nội có từ hàng trăm năm nay. Hai ngày hội (mồng 9 - 10 tháng Giêng) là hai ngày người dân nơi đây thoải mái đánh bạc công khai. Chỉ với một mảnh chiếu và vài con xúc xắc là các chủ bạc đã có thể kiếm ăn thâu đêm suốt sáng. Khi chúng tôi đến thôn Chi Nê, xã Trung Hòa tham gia lễ hội, không khỏi ngạc nhiên chứng kiến những bộ đồng học sinh đang lê la hết sới bạc này đến sới bạc khác.

Cụ Nguyễn Thế Duy, một người dân thôn Chi Nê, buồn rầu nói: “Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày hội làng là tệ nạn cờ bạc lại nở rộ. Những năm trước đây, trong thôn có nhiều người phải bán cả nhà cửa để trả nợ vì thua bạc. Lũ trẻ giờ lại nối gót...”.

Những chuyện bi hài bên chiếu bạc

Chiều mùng một Tết, H (TT Phùng, Hà Nội) “cắp” theo đứa con trai hai tuổi sang nhà anh họ “họp” với hội chơi bài. Vợ H, bị cảm nặng sau những ngày rét mướt cật lực chuẩn bị Tết, nằm bẹp trong giường gọi với theo: “Mang cháo đi cho con ăn”. Nhưng ông bố quá vội chỉ kịp quát lại: “Tết nhất thiếu gì cái ăn mà phải mang”. Vào “sới”, H miệt mài chinh chiến, thua nhiều hơn được. Bị mấy thằng cháu họ khích bác, H cay lắm, thà chết không rời trận địa. Thằng con tha thẩn chơi bên cạnh, thỉnh thoảng sán vào ôm cổ bố, hoặc thò tay giật lá bài, lập tức bị quát: “Tránh ra ngay. Mày cứ sờ vào thảo nào bố đen như chấy”. Nhiều lúc đang chơi hăng thì thằng con lèo nhèo: “Bố, con đói”. “Sao chưa gì đã kêu đói thế? Đừng phá đám. Chờ bố gỡ lại bố cho ăn”.

Tối mịt, H vẫn chưa “gỡ” được trong khi con khóc nhếch khóc nhác đòi ăn. “Nín đi, nốt ván này tha hồ ăn”, H nói, rồi quờ tay lên bàn vơ một nắm bánh kẹo đưa cho con, nhưng thằng bé nhất định không ăn, chỉ đòi cháo đòi sữa, nhưng chẳng lấy đâu ra vì nhà không có trẻ con, cũng chẳng có hàng quán nào bán. Điếc tai, mấy con bạc khác bảo H: “Thôi ông đưa nó về đi ông ơi”, nhưng H nhất định không chịu. Đến 9h tối, chủ nhà sốt ruột quát vợ nấu cháo, nhưng khi đưa ra thì thằng bé đói lả không ăn được nữa.

Mùng hai Tết, V chở vợ con từ Thường Tín (Hà Nội) về Phủ Lý (Hà Nam) thăm ông bà nhạc. Nghe con rể chào và chúc mừng năm mới, bố vợ đang ngồi đánh bài rối rít gọi: “Xuống đây, xuống đây ngồi với bố, con. Thằng Thịnh, ra cho anh mày vào”. V hớn hở ngồi hầu bài nhạc phụ, bố con vô cùng tương đắc. Nhưng thái độ của ông bố thay đổi dần theo diễn biến các ván bài. Đen cho V là hôm ấy anh chơi bài rất “đỏ”, trong khi bố vợ cứ liên tục rút túi. Thấy ánh mắt ông già gườm gườm nhìn mình vơ tiền, V nhột quá muốn kiếm cớ chuồn, vừa may con trai anh đánh nhau với con trai anh vợ, khóc ầm ĩ, trong khi hai bà mẹ đều đang lúi húi dưới bếp.

Lấy cớ dỗ con, V rời chiếu thì ông bố gầm lên: “Ngồi im đấy, việc của đàn bà mày dính vào làm gì? Định chạy làng hả?”. Chàng rể đang vừa bế con vừa phân bua thì bố vợ nổi giận, mắng nhiếc không ngớt lời về những tội lỗi của V từ... Tết năm ngoái, nào biếu bố chậu cây cảnh thì bị gắn cành giả, hoa giả, được hai hôm thì gật gù cả lá lẫn hoa, nào say rượu nôn hết ra đệm của ông... Rồi khi nhớ ra là “thằng mất dạy” mấy tháng trước cũng vì say rượu mà tát con gái ông hai cái, ông điên lên cầm dép đánh vào đầu chàng rể. Cả nhà náo loạn.

Con cháu bà Loan, 74 tuổi, nhà ở Nam Định, không bao giờ phải biếu quà Tết, bởi bà chỉ thích được biếu tiền mặt để còn đánh bài. Suốt mấy ngày Tết, hôm nào bà Loan cũng họp hội bạn già ở nhà mình chơi bài. Hễ thắng, bà cười khanh khách, hô hào lũ cháu lại xếp hàng để bà mừng tuổi. Đã có kinh nghiệm, bọn trẻ chẳng vui sướng gì vì biết thừa là nếu thua, bà lại lôi chúng lại lột túi “vay” sạch. Còn trai gái, dâu rể nhà bà Loan nếu muốn mừng tuổi mẹ 1 triệu đồng thì bao giờ cũng chỉ đưa 300.000 đồng, số còn lại sẽ đưa dần vào những lần sau, để bà được “tiếp máu” suốt cả cái Tết.

“Cả năm trông con cho chúng nó, mấy ngày Tết chơi tí cho vui, đáng bao nhiêu đâu”, bà Loan cười tít mắt phân bua, “Tôi đã máu thế nào được bằng bà chị con dì tôi. Bà ấy vừa đau khớp nặng vừa tiểu đường, nằm ngồi gì cũng kêu đau oai oái, làm nũng con cháu đến kinh. Thế mà ngồi đan quạt suốt mấy ngày Tết cấm có than thở câu nào. Lúc nào bà ấy cũng để một hộp kẹo bên cạnh, thỉnh thoảng ngậm một viên cho đỡ hạ đường huyết để còn chơi tiếp”.

Quách Ngọc Anh