Bị kỳ thị vì mang họ là tên đệm của cha

Bị kỳ thị vì mang họ là tên đệm của cha

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Theo PGS.TS Quý Đức, chẳng ai cấm người dân Sơn Đồng không được lấy chi họ làm họ cho con gái. Tuy nhiên, điều này gây phiền hà cho chính bản thân người trong gia đình đó, phức tạp cho quản lý xã hội, phức tạp cho đời sống, quản lý hộ tịch…

Trao đổi với PV Người đưa tin, PGS.TS Ngôn ngữ học Phạm Văn Tình (công tác tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) nêu quan điểm: "Dù đã đi rất nhiều vùng miền, đã nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa, cách đặt tên của các dòng họ nhưng tôi chưa thấy nơi nào đặt tên họ giống người dân Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội). Từ xưa tới nay, họ của người cha coi như bất di bất dịch, chỉ có tên đệm thay đổi được. Cách đặt họ cho con gái theo chi là phong tục cũng như quy định riêng của người dân nơi đây. Điều này cũng trái với tập tục bình thường, không chỉ riêng Việt Nam mà trên thế giới không nơi nào đặt như vậy".

Nhịp sống - Bị kỳ thị vì mang họ là tên đệm của cha

P.GS Ngôn ngữ học Phạm Văn Tình

Tính là họ, danh là tên, danh tính là những thông tin nhân thân bắt buộc đối với mọi người. Theo đó, họ của mỗi người phải thống nhất bởi vì họ là căn cứ quan trọng xác minh lý lịch. Nhiều người cho rằng, việc con gái không được đặt theo họ cha là trọng nam khinh nữ nhưng hoàn toàn không phải, đây là phong tục riêng của mỗi một vùng quê. Vấn đề các nơi theo chế độ phụ hệ (lấy họ cha) hay mẫu hệ (lấy họ mẹ) lại là chuyện khác, cái này không có chuẩn.

"Trong việc đặt tên con cái, lẽ thường là lấy người cha làm làm nòng cốt. Nếu ở lý lịch ghi họ nhất định thì tất cả những người thuộc thế hệ trực hệ, hay trước đó đều phải theo một họ. Chẳng hạn, tôi họ Phạm, ở làng có mấy chi nhưng dù chi Phạm Xuân, Phạm Chi, Phạm Thanh thì khi sinh con gái, con trai đều lấy họ Phạm là họ chính. Bây giờ, ông thân sinh tự dưng đổi họ khác là sai về mặt quy chế, không chấp nhận được về mặt pháp lý, về truyền thống tập tục", PGS.TS Phạm Văn Tình nhấn mạnh.

Cùng trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức, Viện Văn hóa Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: "Phong tục này làm rắc rối cho rất nhiều gia đình, nhiều cá nhân. Tôi được biết, có cô gái làng Sơn Đồng đi lấy chồng ở vùng khác, thấy con gái mang họ khác với họ cha ruột, nhà chồng nghi là con nuôi hay con ngoài giá thú rồi kỳ thị, hắt hủi. Chỉ đến khi cô gái mang về tờ giấy xác nhận huyết thống mới được "minh oan"".

Cũng theo PGS.TS Quý Đức, chẳng ai cấm người dân Sơn Đồng không được lấy chi họ làm họ cho con gái. Tuy nhiên, điều này gây phiền hà cho chính bản thân người trong gia đình đó, phức tạp cho quản lý xã hội, phức tạp cho đời sống, quản lý hộ tịch… Gần đây nhất là quy định đưa tên bố mẹ vào chứng minh thư nhân dân. Nếu với địa phương khác chỉ rắc rối một thì cách đặt tên con gái theo họ như nơi đây sẽ rắc rối gấp 10 lần.

Nói thêm về vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng cần có những nghiên cứu cụ thể khi làm chứng minh thư mới. Có rất nhiều cách để quản lý công dân, chứ không nhất thiết phải ghi tên cha mẹ lên đó.

Ngoài ra, việc lấy chi họ làm họ cho con gái thì chị em con chú con bác khác họ với nhau, việc nhận họ hàng trở nên phức tạp. Làng Sơn Đồng nên làm theo những phong tục tập quán chung của xã hội. Phong tục cũ thuộc về văn hóa tuy nhiên đây là một lối cục bộ riêng của một làng, một dòng họ, làng đó còn liên quan tới cả nước, người làng còn phải đi ra ngoài làm việc, lập gia đình.

Hồng Mây