Bí mật của những nữ sinh mắc bệnh xã hội

Bí mật của những nữ sinh mắc bệnh xã hội

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Với việc tiếp cận quá nhiều nguồn tin lại thêm sự thiếu quan tâm của gia đình, các em nữ ở tuổi vị thành niên thường tự lập thành những băng quậy học đường, sa vào thói ăn chơi lêu lổng dẫn đến quan hệ tình dục bừa bãi. Đến lúc phát hiện bị nhiễm bệnh, các teen mới “tá hỏa tam tinh”.

Giật mình những nữ sinh hư hỏng

Cứ tưởng chừng như bệnh xã hội chỉ xảy đến với người trưởng thành, thế nhưng đến khi gặp chị Trần Thị Hường, điều dưỡng phòng dịch học của Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, tôi mới nhận ra rằng không ít nạn nhân của những căn bệnh khó nói này còn ở tuổi vị thành niên.

Thử tưởng tượng các em mới 15 - 16 tuổi đầu đến để khám và chữa bệnh lậu, giang mai, mào gà... mà vẫn còn khoác trên mình bộ đồng phục học sinh hoặc khép nép đi cùng với phụ huynh. Phòng dịch học nơi chị Hường làm việc là điểm tư vấn tâm lý, nơi những con bệnh bộc bạch hết mọi nỗi niềm sâu kín nhất sau khi được bác sỹ chẩn trị bệnh. Riêng chị Hường đã bao lần trong vai trò người mẹ, người bạn tâm sự là bấy nhiêu lần chị không khỏi xót xa khi chứng kiến những khuôn mặt ngây thơ phải đối mặt với những mầm bệnh đau đớn.

Chị Hường cho hay: "Các em nữ còn ở tuổi vị thành niên bị mắc bệnh thường là những em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt và không được cha mẹ gia đình quan tâm. Cũng có thể là do bản tính của các em ham chơi muốn thể hiện mình nên kết bè kết nhóm để quậy.

Mới nhìn em Nguyễn Thị C, học sinh lớp 9 trường THCS LQD lần đầu ắt hẳn ai yếu bóng vía sẽ phải ngất xỉu với mớ cồng kiềng chằng chịt kêu loảng xoảng trên người cô bé. Nào là khuyên mũi, khuyên chân mày, một lũ lĩ vòng khuyên xỏ dài chạy dọc mép tai, cộng thêm cái quần cạp trễ để lộ cái khuyên hình con rắn mãng xà phùng mang trợn má ở rốn.

Xã hội - Bí mật của những nữ sinh mắc bệnh xã hộiẢnh minh họa

Không tỏ vẻ e ngại, C hồ hởi khoe: "Nhóm em có 5 bạn gái học cùng lớp, đứa nào cũng như em vậy hết đó. Phải độc, lạ, khác biệt mới thể hiện được cá tính chứ, càng chơi nổi càng được để ý. Và việc thể hiện sự chơi trội của nhóm chính là kết bạn với một nhóm nam cũng thuộc dạng có tiếng “ăn chơi không sợ mưa rơi” cùng khóa. Thay vì lên lớp, hai nhóm tụ họp lại ở các quán cà phê, bar, vũ trường và cả... nhà nghỉ. Sau những giờ quay cuồng thì sẽ đến màn kết đôi bạn tình. Chẳng cần có tình cảm chỉ cần thấy ưng là được. “Chơi” chán một đứa thì tráo đổi với đứa khác. Hết hứng ngủ với mấy giai cùng khóa thì ngủ với mấy anh lớp trên... mà đúng là mấy anh lớp trên bao giờ cũng có “kinh nghiệm” hơn...”, C vô tư kể cứ như chuyện đi mua sắm hằng ngày.

C thú nhận, đôi khi các em vẫn lên lớp học như bình thường nhưng đến giờ sinh hoạt tập thể thì lẻn ra ngoài, vào trong toilet của trường để thực hành làm chuyện người lớn với “đối tác”.

Có một số trường hợp đau lòng là các em nữ bị viêm nhiễm nặng mới đi khám thì bệnh đã rất nặng, khó điều trị gây ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản sau này. Còn có em sau khi quan hệ tình dục bên ngoài và đường miệng thì đến bệnh viện để kiểm tra còn trinh hay không thì phát hiện ra bị mắc bệnh xã hội mà không biết. “Đa số các em cho rằng quan hệ tình dục theo cách thức truyền thống mới bị lây bệnh nên vẫn rất vô tư, đến khi mắc bệnh rồi mới té ngửa”, chị Hường khẳng định thêm.

Đối với trường hợp của Lê Thị N còn đau lòng hơn. Nghỉ học nửa chừng, mới 15 tuổi mà N phổng phao, da dẻ hồng hào trắng trẻo. Xót xa cho N ở chỗ người mẹ nhẫn tâm bảo N đi làm gái kiếm tiền, N phải nghe theo. Tưởng rằng N sẽ đau đớn và buồn tủi ghê lắm nhưng khi thẳng thắn khuyên N đổi nghề khác thì N hồn nhiên: "Tại em thích mà, em chỉ có quan hệ với khách bằng đường miệng thôi nên em vẫn còn trinh chứ có mất mát gì đâu. Mỗi ca em kiếm được tới 100 - 200 ngàn đồng, mỗi ngày làm mấy ca là đủ tiền xài. Sau này kiếm được chút vốn rủng rỉnh em vẫn lấy chồng như thường”. Hồn nhiên là vậy, nhưng đến khi bác sỹ báo kết quả N bị mắc bệnh lậu, N vẫn không thôi kinh ngạc.

Hậu quả khôn lường

Đi cùng với mẹ đến khám bệnh nhưng C một mực không tiết lộ lý do bị bệnh và cuộc sống thác loạn của mình. Những vòng khuyên dày đặc trên người C dường như rung lên khi bác sỹ thông báo bị bệnh giang mai. Hậu quả của việc quan hệ với nhiều bạn trai của C trong thời gian trước đây.

Xã hội - Bí mật của những nữ sinh mắc bệnh xã hội (Hình 2).Bác sĩ Mai Thu Đường, trưởng khoa Lâm sàng 3, bệnh viện Da liễu TP.HCM

Rất nhiều trường hợp bị ngộ nhận khi cứ đinh ninh rằng quan hệ bằng đường miệng thì sẽ không bị lây bệnh qua đường tình dục. Trong trường hợp của N, lúc đầu cảm thấy đau rát họng, tưởng viêm họng nên N uống thuốc kháng sinh nhưng mãi vẫn không khỏi. Nhưng để lâu ngày mà chỗ viêm họng cứ càng ngày càng sưng đỏ khiến N không khỏi nghi ngờ nên đi xét nghiệm thì mới phát hiện đang mang trong mình khuẩn lậu.

Nghe kết quả từ chính miệng bác sỹ chuyên khoa mà N vẫn không tin, than thở: “Con có xúc miệng listerin hàng ngày mà”. Sau khi được bác sỹ giải thích quan hệ bằng đường miệng cũng có khả năng truyền bệnh qua những vết trầy xước. Lúc này N mới ngơ ngác ngồi phịch xuống ghế. Không biết sau thời gian trị bệnh N có còn nghe theo lời mẹ làm cái nghề “vẫn còn trinh” này không.

Riêng V thì may mắn phát hiện bệnh sớm nên đã chữa trị kịp thời. Thường trường hợp như V rất hiếm vì khi người nữ bị vướng khuẩn Chlamadya. Bởi có đến gần 80% số trường hợp không có triệu chứng rõ ràng nên thường phát hiện bệnh muộn. Được bác sỹ khuyến cáo nếu bệnh nghiêm trọng không điều trị sớm sẽ bị nhiễm khuẩn nặng gây tắc vòi trứng dẫn đến vô sinh, V tái hết cả mặt.

Từ lúc bị bệnh, V giã từ luôn cậu bạn trai thích của lạ. Không dám tâm sự với bạn bè vì xấu hổ, ngại tiếp xúc, V chỉ biết lầm lũi trở về nhà. Mỗi lần đi tái khám V phải dùng khăn bịt mặt kín mít, lén lén lút lút nhìn trước ngó sau vì lo sợ bị phát hiện. Đến cả cha mẹ, anh chị em trong nhà V cũng giữ kín. Đôi khi bị đau buốt quá, V tủi thân trốn trong toilet hàng giờ để khóc.

Nói chung, teen đặc biệt là các em nữ còn nhỏ tuổi thiếu hiểu biết không lường trước được có thể mắc phải các bệnh xã hội. Bác sỹ Đường khuyên các teen nữ cần phải có lối sống lành mạnh và quan tâm tới bản thân. Hậu quả nặng nề nhất các bệnh xã hội có thể để lại là mất đi khả năng sinh sản. Điều đó đối với nữ giới là một nỗi đau khôn tả.

Mắc bệnh lậu có thể bị vô sinh hoặc sinh con bị mù

“Các teen nữ khi bị bệnh xã hội sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. Vai trò làm mẹ là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ nhưng nhiều em nữ ở tuổi vị thành niên chưa ý thức được điều đó nên có những mối quan hệ tình dục bừa bãi dẫn đến mắc bệnh. Ví dụ như bệnh lậu, vi khuẩn lậu có thể sinh sôi nảy nở nhanh chóng trong môi trường nóng và ẩm ướt của đường sinh sản như cổ tử cung, buồng trứng, vòi trứng và cả đường tiết niệu. Vi khuẩn cũng có thể phát triển ở miệng, họng, mắt và hậu môn.

Với phụ nữ, bệnh lậu là một nguyên nhân thường gặp gây bệnh viêm tiểu khung, viêm tiểu khung có thể làm cho vòi trứng bị tổn thương để gây ra hiếm muộn hay tăng nguy cơ bị chửa ngoài tử cung. Phụ nữ có thai bị bệnh lậu có thể lây bệnh cho con khi đi qua âm đạo và có thể làm cho trẻ bị mù, nhiễm khuẩn khớp hay máu đe dọa sinh mạng trẻ. Còn một số bệnh khác như Chlamadya cũng là một bệnh lây qua đường tình dục (STD) thường gặp.

Bệnh lậu và chlamadya có những triệu chứng giống nhau và có thể gây ra các biến chứng tương tự nhau nếu không được chữa trị. Ngoài ra còn có bệnh mào gà là bệnh STD gặp nhiều nhất ở Bệnh viện Da liễu TP.HCM, có thể lây từ mẹ sang con trong giai đoạn chuyển dạ”, bác sĩ Mai Thu Đường.

Hiền My


Tag: khôn tả