Bí mật sau cuộc đời thứ phi của vua Bảo Đại

Bí mật sau cuộc đời thứ phi của vua Bảo Đại

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
Sáng 1/7, tại Phủ Kiên Thái Vương (TP Huế) đã diễn ra lễ cầu siêu cho thứ phi của cựu hoàng Bảo Đại, bà Bùi Mộng Điệp, cùng thời điểm lễ tang người phụ nữ này được tổ chức tại nghĩa trang Thiais (Pari, Pháp).

Người thứ phi cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam đã qua đời ở tuổi 87 tại bệnh viện Saint Antonie (Pháp) vào ngày 26/6 sau ca phẫu thuật tim không thành công.

Thứ phi Bùi Mộng Điệp

Long đong duyên phận

Theo những tư liệu còn lưu lại, thứ phi Bùi Mộng Điệp sinh năm 1924, quê ở tỉnh Bắc Ninh, từ nhỏ đã có nhan sắc "nghiêng nước nghiêng thành" mặc dù bà chỉ xuất thân trong một gia đình bình thường có cha làm trong ngành đường sắt, từ nhỏ sống chủ yếu cùng bà nội.

Là người dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu triều đại nhà Nguyễn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho hay từ thủa thiếu nữ, bà Mộng Điệp từng phải lòng một bác sĩ nổi tiếng ở Hà Nội sau khi quyết định "di cư" lên đất Hà Thành sinh sống năm 17 tuổi. Kết cục của mối tình này là đứa con Jean Bùi, sau đó hai người chia tay do vấn đề tôn giáo. Ông Xuân giải thích rõ: "Bà Mộng Điệp theo đạo Phật, còn vị bác sĩ kia theo đạo Thiên chúa giáo, không được có hai vợ nên hai người đã chia tay, sau đó Mộng Điệp ở vậy nuôi con khôn lớn".

Cũng theo ông Xuân, duyên cớ đưa cựu hoàng Bảo Đại gặp Mộng Điệp là trong khoảng thời gian tháng 8/1945, lúc Bảo Đại thoái vị trao ấn kiếm cho Chính phủ Cách mạng lâm thời. "Trong thời gian Bảo Đại làm cố vấn cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bà Mộng Điệp được một người sắp xếp gặp mặt cựu hoàng trên sân tennis. Lúc đó mặc dù đã có vợ là Nam Phương Hoàng hậu nhưng ngài Bảo Đại rất si tình trước nhan sắc Mộng Điệp, chẳng mấy lúc hai người phải lòng nhau, Mộng Điệp trở thành thứ phi cựu hoàng Bảo Đại", ông Nguyễn Đắc Xuân nói.

Trong thời gian này, bà Mộng Điệp (mà cựu hoàng Bảo Đại xem bà là thứ phi phương Bắc) sống ở ngôi nhà số 51, phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội (nay là trụ sở Liên hiệp các Hội văn học- Nghệ thuật Việt Nam). Hoàng nữ Phương Thảo chính là con gái đầu của Mộng Điệp với Bảo Đại. Vài năm sau đó, họ chuyển về sống tại Đà Lạt.

"Trong thời gian Bảo Đại tránh mặt người Pháp sống ở Buôn Mê Thuột (1949 - 1953) thứ phi Mộng Điệp đã đứng ra tổ chức, sắp xếp cuộc sống cho cựu hoàng. Một mình bà đã chọn lựa 40 con voi khỏe mạnh để Bảo Đại thỏa mãn thú săn bắn giữa rừng sâu, lúc nào Mộng Điệp cũng bên chồng, bà có tài lái xe, cưỡi voi rất giỏi. Mặc dù làm vợ thứ và không được tổ chức cưới hỏi nhưng bà Mộng Điệp sống được lòng mọi người, nhất là Đức Từ Cung luôn cưu mang bà", nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nhấn mạnh.

Thứ phi đi buôn... đất

Vì sao tổ chức lễ cầu siêu thứ phi ở Kiên Thái Vương ?

Kiên Thái Vương là con của vua Thiệu Trị, cựu hoàng Bảo Đại là chắt nội của Kiên Thái Vương. Giải thích về lễ cầu siêu thứ phi Bùi Mộng Điệp, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân lí giải: "Do vấn đề truyền thống gia tộc nên việc tổ chức lễ cầu siêu của thứ phi Bùi Mộng Điệp tại phủ Kiên Thái Vương là hoàn toàn phù hợp".

Năm 1953, nghe theo lời cựu hoàng Bảo Đại, chính bà Mộng Điệp đã mang ấn kiếm và một số cổ vật sang Pháp trao cho Nam Phương hoàng hậu. Do Bảo Đại không còn làm vua nữa, đất nước chiến tranh nên Mộng Điệp rơi vào cảnh túng thiếu nơi đất khách quê người. Mặc dù không được học cao nhưng bà Mộng Điệp vốn có tố chất thông minh, nhanh nhẹn, nhờ tài kinh doanh bất động sản bà đã trở thành người giàu có ở Pháp, trang trải mọi chi phí gia đình lúc đó.

"Bà Mộng Điệp mua nhà cũ giá rẻ rồi thuê những kiến trúc sư nổi tiếng (trong đó có kiến trúc sư Lê Phổ sinh sống ở Pháp) về trang trí nội thất theo ý tưởng của bà rồi bán lại, chủ yếu cho những người giàu có. Chỉ sau mấy năm kinh doanh nhà bà trở nên giàu có hẳn", ông Xuân tỏ ý thán phục người phụ nữ đa tài.

Theo lời nhà nghiên cứu này, thứ phi Mộng Điệp không chỉ đảm đang, tháo vát mà còn rất có năng khiếu trong lĩnh vực trang trí nội thất, sắp xếp nhà cửa, chủ yếu theo kiến trúc cổ xưa. ông Xuân tỏ vẻ cảm thông: "Sau hoàng nữ Phương Thảo, bà Mộng Điệp sinh thêm hai con trai nữa: Hoàng nam Bảo Hoàng sinh ở Việt Nam nhưng đã mất không lâu sau đó, hoàng nam Bảo Sơn sinh tại Pháp, đạt tới học vị tiến sĩ trong ngành kĩ thuật chế tạo, tiếc rằng Bảo Sơn qua đời quá sớm ở tuổi 32 trong một tai nạn trên biển".

Sau cái chết của hai người con trai, thứ phi Mộng Điệp trở nên sống khép kín hơn, bà thu mình trong không gian nhỏ bé của ngôi nhà ở thủ đô Pari không tiếp đón bất kì một vị khách nào. Chuyện được tiếp xúc với bà Mộng Điệp, như lời ông Nguyễn Đắc Xuân là do "trời xui đất khiến thế nào mà khi tôi tìm đến nhà, thứ phi Mộng Điệp đã tiếp đón niềm nở, thân tình" vì "Năm 1996, tôi lên đường sang Pháp bạn bè đều không tin rằng tôi sẽ được gặp thứ phi Mộng Điệp". Nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân cho hay bà thứ phi sống hết mực bình dân, dễ mến nhưng cực kì nghiêm túc, lễ giáo.

Theo lời kể của ông, trong ngôi nhà bà sinh sống luôn có bức chân dung Bảo Đại trên tường, bàn thờ tổ tiên được bày trí nghiêm trang theo đúng truyền thống người Việt. Đặc biệt thứ phi Mộng Điệp hết mực yêu nước, trước sau như một.

Ông Xuân chia sẻ mẩu chuyện vui: "Một lần tôi dẫn bạn sang gặp bà Mộng Điệp ở Pháp, trong buổi nói chuyện bạn tôi lỡ lời gọi Ngô Đình Diệm là "ngài" liền bị bà mời ra khỏi nhà. Hay như hễ ai nói xấu cách mạng, xuyên tạc lịch sử Việt Nam bà luôn đứng ra bảo vệ hết mình. Đó là một con người trọng đạo nghĩa nhưng rất thẳng tính, dám nói thẳng nói thật".

Ước nguyện chưa thành

Cuộc sống khép kín của thứ phi Mộng Điệp chỉ chấm dứt khi bà đọc cuốn sách "Hỏi chuyện đời bà thứ phi Mộng Điệp với cựu hoàng Bảo Đại" (NXB Thuận Hóa, 2008) do tác giả Nguyễn Đắc Xuân viết. Trong bức thư thứ phi Mộng Điệp gửi về cho nhà nghiên cứu này có câu "Tôi như được sống lại khi đọc cuốn sách này", chính tay hoàng nữ Phương Thảo đã về Việt Nam nhận cuốn sách sang Pháp cho mẹ. Nói về cuốn sách, ông Xuân tóm lược nội dung: "Trong sách tôi ghi lại chuyện đời, chuyện tình, quan điểm sống gắn với những dấu mốc lịch sử của bà Mộng Điệp nhờ 5 cuốn băng phỏng vấn bà" ông Xuân cho hay.

Chia sẻ tâm nguyện bà thứ phi trong những lần tiếp chuyện mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân hé mở: "Nhiều lần bà Mộng Điệp nói với tôi và con gái Phương Thảo rằng muốn về Việt Nam sống hết những ngày cuối đời. Chết đi được chôn cạnh Đức Từ Cung (Lăng Đồng Khánh), nhưng chưa thực hiện được thì bà đột ngột qua đời vì bệnh tim".

Cũng theo nhận định của ông Xuân: "Dù không được học cao, học nhiều nhưng thứ phi Mộng Điệp được nhiều người kính nể vì cách sống, đạo đức, tư cách của bà. Dù trong hoàn cảnh nào bà đều giữ vững tấm lòng yêu nước, là người phụ nữ "công dung ngôn hạnh". Nhà nghiên cứu này tiết lộ thêm một bí mật: "Lúc Đức Từ Cung qua đời, cựu hoàng Bảo Đại, các con Bảo Đại đều không biết. Bà Mộng Điệp đã bí mật đứng ra lo kinh phí tổ chức tang lễ cho Đức Từ Cung".

Xuân Mai