Bị người Việt 'tẩy chay', WeChat 'tụt dốc' không phanh

Bị người Việt 'tẩy chay', WeChat 'tụt dốc' không phanh

Thứ 4, 27/02/2013 | 11:20
0
Sau khi bị người dùng Việt Nam "đồng lòng" quay lưng, WeChat đã bị loại ra khỏi Top 10 những ứng dụng mạng xã hội (MXH) di động được tải nhiều nhất trên Apple AppStore và Google Play. Cộng thêm việc tham gia thị trường của các "đại gia" khác như Line, Kakao Talk... WeChat khó có cửa quay trở lại cuộc đua.

WeChat xuống cuối Top các ứng dụng MXH di động

Theo bảng xếp hạng những ứng dụng hot nhất mục Social Network (MXH di động) của kho ứng dụng Apple ở Việt Nam, trước khi xảy ra sự cố “đường lưỡi bò”, ứng dụng WeChat luôn nằm trong vị trí dẫn đầu các phần mềm chat, nhắn tin miễn phí qua Internet. Như từ thời điểm từ 1/1/2013 đến 30/1/2013, ứng dụng WeChat giữ vị trí số 2 hoặc số 3, sau Facebook Messenger (từ 1/1 đến 7/1) và sau Zalo, Facebook Messenger (từ 7/1 đến 30/1). Tuy nhiên, kể từ sau ngày 30/1 khi cư dân mạng đồng loạt tẩy chay ứng dụng WeChat, phần mềm này đã “tụt dốc” không phanh, có những thời điểm, ứng dụng này chỉ còn xếp ở vị trí số 16 và bị các ứng dụng cùng loại khác như Kakao Talk, Line, Viber, Zalo, Facebook Mesenger vượt qua.

Công nghệ - Bị người Việt 'tẩy chay', WeChat 'tụt dốc' không phanh

Đến thời điểm 15/2, WeChat chỉ đứng ở vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng, trong khi các ứng dụng chat, nhắn tin miễn phí qua Internet khác đều nằm trong Top 5. Đặc biệt, sau sự cố của WeChat, Kakao Talk và Line đã tranh thủ cơ hội vươn lên, Kakao Talk từ vị trí số 7 lên vị trí số 2, còn Line đã tăng 7 bậc (từ số 10 lên số 3).

Trước đó, ứng dụng WeChat bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam từ tháng 4/2012, trong bức thư của ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG chia sẻ trên blog cá nhân gửi các nhân viên của mình, ông Minh cho biết, WeChat đã tăng trưởng nhanh chóng trong suốt 2 - 3 tháng và đạt gần 1 triệu người dùng sử dụng với 2 phiên bản trên hệ điều hành iOS và Android. Theo ông Minh, số lượng thành viên của WeChat là một con số vô cùng lớn với lĩnh vực di động.

Anh Nguyễn Duy Hiến, đại diện kho tải AppstoreVN cho biết, sau khi WeChat bị người dùng tẩy chay, các ứng dụng chat, nhắn tin miễn phí qua mạng khác như Line, Viber, Kakao Talk… đều tăng lượt tải trên AppStoreVN từ 30 - 40%. Nguyên nhân là do sau động thái của người sử dụng, các ứng dụng chat, gọi điện miễn phí khác đã tung ra những “chiêu bài” để thu hút người dùng trong thời điểm chưa có nền tảng nào thống trị rõ ràng, nhất là khi đối thủ nặng ký nhất là WeChat lại đang bị người dùng Việt Nam quay lưng.

Bên cạnh một loạt cuộc thi và truyền thông mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, đầu tháng 2/2013, Line và Zalo cũng đưa ra bộ sticker cho dịp Tết Nguyên đán cho thị trường Việt Nam. “Dù có hay không có WeChat thì thị trường ứng dụng chat vẫn hết sức căng thẳng, trong tương lai sẽ có nhiều đại gia trong và ngoài nước tiếp tục tham gia mảng sản phẩm rất tiềm năng này”, anh Hiến cho biết thêm.

WeChat trước nguy cơ bị loại khỏi cuộc đua?

Cũng theo anh Hiến, khả năng WeChat bị loại khỏi cuộc đua là rất cao vì hiện nay thị trường nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet có khá nhiều đối thủ cạnh tranh, trong đó có nhiều đối thủ mạnh với năng lực truyền thông lớn và bản thân sản phẩm đạt chất lượng tốt như Line, Kakao Talk… Khác với thời điểm WeChat bắt đầu gia nhập thị trường, khi đó các ứng dụng Line, Kakao Talk, Zalo... còn chưa thực sự nhập cuộc nên với tiềm lực tài chính của mình, WeChat đã thu hút được rất nhiều thành viên và trở thành số 1. “Thị trường chat, gọi điện miễn phí qua Internet tại Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh mà Viber hay WeChat là những ứng dụng đóng góp nhiều trong việc định hướng thị trường. Trong 1-2 năm tới, những ứng dụng này sẽ trở nên quen thuộc với người dùng smartphone như Facebook hiện nay”, anh Hiến nhận định.

Mặc dù vậy, theo một chuyên gia trong lĩnh vực Internet, WeChat vẫn có cơ hội quay trở lại cuộc đua vì đây là một sản phẩm khá tốt và đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng. Chưa kể, WeChat không chỉ hướng tới dịch vụ chat, nhắn tin miễn phí mà còn nhắm đến việc cung cấp các chức năng để người dùng có thể hẹn hò (dating) với nhau trên di động. Vì thế, WeChat vẫn có thể chuyển hướng và âm thầm phát triển người dùng. “Cách truyền thông và triển khai, điều hành sản phẩm để chứng minh được ứng dụng WeChat không phải là một sản phẩm mang màu sắc chính trị sẽ quyết định sự thành - bại của sản phẩm này trong thời gian tới”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Tháng 1/2013, KakaoTalk - ứng dụng tin nhắn số một Hàn Quốc, đã phát hành bộ sticker mới cho thị trường Việt Nam theo chủ đề Tết cổ truyền trong khi chưa có ứng dụng nào cung cấp những hình ảnh mang đậm chất Việt như Kakao Talk. Đây được coi là bước đi đầu tiên của Kakao Talk, ứng dụng vẫn còn tương đối mới ở Việt Nam (mới có khoảng hơn 150.000 người dùng) so với các ứng dụng cùng loại như WeChat (có hơn 1 triệu người dùng), WhatsApp, Viber…

Nội dung đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 24 ra ngày 25/2/2013

WeChat bị tẩy chay, đối thủ đồng loạt 'tung chiêu'

Thứ 3, 05/02/2013 | 09:58
Cùng với việc WeChat bị “quay lưng”, các ứng dụng chat, nhắn tin miễn phí qua Internet khác đã lần lượt tung chiêu để tranh thủ hút người dùng. Tuy nhiên, người dùng nên lựa chọn ứng dụng uy tín để tránh nguy cơ mất an toàn thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân.

Wechat và chuyện về phần mềm nhắn tin miễn phí

Thứ 6, 01/02/2013 | 09:25
Hãy biết cách sử dụng những phần mềm này một cách an toàn và hiệu quả.

Trung Quốc đưa 'bản đồ lưỡi bò' vào Việt Nam qua WeChat

Thứ 5, 31/01/2013 | 14:26
Chuyện về WeChat không chỉ dừng ở việc hai ca sĩ trẻ Bảo Anh, Bùi Anh Tuấn bị cộng đồng mạng phản ứng vì quảng cáo cho phần mềm, mà còn nhiều điều nguy hiểm đằng sau công cụ chat của Trung Quốc này.

Tencent và Baidu tăng trưởng mạnh ở Việt Nam

Thứ 6, 28/12/2012 | 15:58
Dù liên tục bị "ném đá" trên truyền thông và mạng xã hội, chỉ sau vài tháng, ứng dụng WeChat (Tencent) đã có khoảng 1 triệu thành viên và Hao123 (Baidu) tăng lượt truy cập gần 30 lần ở Việt Nam.