Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới tầm vóc con người

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới tầm vóc con người

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
0
Theo một nghiên cứu mới do các nhà khoa học thuộc Đại học Hong Kong thực hiện, tình trạng biến đổi khí hậu cách nay vài thế kỷ đã tác động hết sức lớn lao đến mọi mặt của con người từ kinh tế, xã hội tới chính trị.

Hãng thông tấn ABC của Úc dẫn lời giáo sư David Zhang, nhà nghiên cứu địa vật lý tại Đại học Hong Kong, và đồng nghiệp công bố phát hiện nghiên cứu trên tạp chí ‘Proceedings of the National Academies of Sciences’ số ra đầu tháng 10/2011.

“Mọi mặt trong xã hội loài người bị ảnh hưởng bởi đợt khí hậu lạnh giá này”, ông Zhang nói.

Xã hội - Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới tầm vóc con người

Mô hình các chiến binh thế kỷ 17 trong cuộc Chiến tranh Ba Mươi năm – Con người thời đó thấp hơn người sống ở thế kỷ 16 khoảng 2 centimet (Peter Isotalo )

Thời kỳ Băng hà Nhỏ đã khiến cho tầm vóc con người cũng như quy mô nền kinh tế nhỏ lại, dẫn tới cuộc khủng hoảng chung vào thế kỷ 17. Vòng thân cây và các thông số khác cho thấy Bắc bán cầu đã bị tác động bởi khí hậu lạnh giá trong Thời kỳ Băng hà Nhỏ kéo dài từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19.

Theo ông Zhang, khí hậu thời kỳ này lạnh nhất trong vòng 2000 năm qua, đặc biệt giai đoạn từ năm 1560 đến 1660. Thời điểm này trùng hợp với tình trạng khủng hoảng kinh tế, bạo động xã hội và dân số sụt giảm trên diện rộng tại Châu Âu.

Nghiên cứu trước đây cho rằng những cuộc khủng hoảng này liên quan tới hiện tượng biến đổi khí hậu. Tuy vậy, ông Zhang cho biết các nhà khoa học vẫn chưa xác định được mối quan hệ nhân – quả giữa hai tình trạng trên.

Dữ liệu lịch sử

Để tìm hiểu mối quan hệ này, ông Zhang và nhóm nghiên cứu thu thập và lập bảng dữ liệu lịch sử về khí hậu, tình hình nông nghiệp, sức khỏe con người và thực trạng xã hội tại Châu Âu trong giai đoạn từ năm 1500 đến 1800, theo hãng ABC.

Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy thời tiết lạnh đã kích thích một chuỗi phản hồi, bắt đầu với mùa tăng trưởng ngắn hơn dẫn đến hiện tượng hạn chế sản lượng ngũ cốc. Giai đoạn này được nối tiếp với đợt tăng giá ngũ cốc do nhiệt độ tiếp tục giảm, tiếp đó là tình trạng lộn xộn trong xã hội, nạn đói và nạn di cư. Sau cùng, các vấn đề trên đã châm ngòi cho các cuộc chiến tranh, như cuộc Chiến tranh Ba Mươi năm, cùng với dịch bệnh và hiện tượng chậm phát triển ở người do chế độ dinh dưỡng kém.

“Chúng tôi cũng phát hiện thấy vào nửa đầu thế kỷ 17, con người thấp hơn 2 centimet so với những thời kỳ khác”, ông Zhang trả lời hãng ABC cho biết.

Các nhà nghiên cứu cho hay chiều cao của con người tăng trở lại khi nhiệt độ tăng vào thời kỳ sau năm 1650. Theo ông Zhang, trong giai đoạn trên, Châu Âu trải qua thời kỳ ‘dân số suy thoái’ với hơn 10 triệu ca tử vong do dịch bệnh, mùa màng thất bát và chiến tranh.

Mối quan hệ nhân – quả

Nhóm nghiên cứu của ông Zhang đã đề ra một số tiêu chí để kiểm chứng số liệu trước khi kết luận khí hậu là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hồi thế kỷ 17.

Ông Zhang giải thích: “Trước khi nói A gây ra B, cần phải tìm ra mối liên hệ rõ ràng giữa hai yếu tố. A phải xảy ra trước B, phải có cách lý giải hợp lý cho việc tại sao A gây ra B. Hơn nữa, A có thể được sử dụng để dự đoán B. Tất cả các số liệu chúng tôi thu thập được đều đáp ứng được các tiêu chí trên.”

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã lý giải được nguyên nhân tại sao một số nước đã thoát khỏi các cuộc khủng hoảng trầm trọng trong Thời kỳ Băng hà Nhỏ. Các nước ở vùng nhiệt đới ẩm ướt với đất đai có khả năng chịu nước tốt, các nước Thế giới mới với các vùng đất rộng lớn và dân cư thưa thớt, và các nước có nền kinh tế tập trung chủ yếu vào thương mại không chịu tác động của hiện tượng sụt giảm nguồn cung lương thực.

Các nhà nghiên cứu cho rằng phát hiện nghiên cứu trên mang lại một số bài học cho thời kỳ hiện tại. Các nước đang phát triển có mật đô dân cư dày đặc và đất có khả năng thấm nước kém, trong đó phần lớn dân số phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, dễ chịu tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu nhất.

Ông Zhang cũng cho rằng các nước công nghiệp hóa cũng dễ bị ảnh hưởng từ các yếu tố như thiếu nước và tăng giá lương thực do biến đổi khí hậu.

Quỳnh Như