Biểu tượng thiêng liêng của người dân xứ sở sương mù

Biểu tượng thiêng liêng của người dân xứ sở sương mù

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
(Nguoiduatinvn) Nhiều năm nay, cây "tình yêu và tài lộc" ở đồi Mộng Mơ (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) trở thành một biểu tượng thiêng liêng của người dân xứ sở sương mù. Không biết từ bao giờ người ta đã truyền tai nhau về sự linh thiêng của cây đa có thể biến những ước nguyện thành hiện thực.

Nhiều người nguyện cầu đầu năm

Nằm ở vị trí đắc địa gần cửa ngõ đi vào đồi Mộng Mơ, cây "tình yêu và tài lộc" dễ dàng lọt vào tầm ngắm của du khách. Khi đến đây, những người chưa biết về cây "tình yêu và tài lộc" cũng phải ngước nhìn bởi sự lạ kỳ của một cây đa với hàng triệu dải lụa hồng, đỏ nhìn rất bắt mắt.

Những ngày gần đây, rất nhiều du khách đến với đồi Mộng Mơ chỉ để nguyện ước với cây "tình yêu và tài lộc". Bất kể người già hay trẻ, đã có gia đình hay chưa đều có thể thì thầm những lời nguyện ước dưới gốc đa này. Nhiều người lo sợ rồi đến một ngày sẽ có cơn gió mạnh bẻ gãy những cành đa vì nó đã quá nặng bởi những lời nguyện ước. Đã có rất nhiều lượt khách viếng thăm vì tin rằng cây "tình yêu và tài lộc" rất linh thiêng đã biến những lời ước nguyện của họ thành hiện thực.

Theo anh Mai Phước Bình, giám đốc khu du lịch đồi Mộng Mơ thì cây "tình yêu và tài lộc" vốn là một cây đa, được mang từ nước ngoài về trồng cách đây khoảng 10 năm. Chỉ tay vào tượng Phật Di Lặc dưới gốc cây đa, anh Bình cho biết: "Vào thời điểm cách đây 10 năm, một vài cán bộ của khu du lịch đồi Mộng Mơ khi đi tham quan ở nước ngoài đã thấy rằng người châu Á vốn đề cao vấn đề tâm linh.

Bên cạnh đó trong tiềm thức từ ngàn đời nay của người Việt thì cây đa luôn là cây tượng trưng cho sự linh thiêng, xua đuổi tà khí và mang lại nhiều điều may mắn trong cuộc sống. Vì vậy, các cán bộ đã có công mang cây đa về trồng. Hình thức ném dải lụa cầu nguyện lên cây đa, lúc đầu là do từ một số khách du lịch khởi xướng. Về sau do nhu cầu của khách du lịch, ban giám đốc khu du lịch đã cho phép bán những dải lụa cầu duyên ở nơi đây".

Đứng ngắm nhìn cây "tình yêu và tài lộc" một lúc, chúng tôi chứng kiến hàng trăm lượt khách đến cầu nguyện. Nhiều người từ những tỉnh thành xa xôi cũng đến đây để nguyện ước. Dưới gốc đa, nhiều vị khách đang cúi đầu, mắt nhắm, hai tay thành kính trước ngực cầu nguyện trước khi ném dải lụa lên cây.

Khách du lịch tên Nguyễn Văn Hải, ngụ quận 2, TP.HCM, cho biết: "Tôi đã được nghe nhiều về cây “tình yêu và tài lộc” mà giờ mới có dịp tận mắt nhìn thấy. Tôi đang nguyện ước cho năm cũ qua đi và năm mới tới suôn sẻ. Nghe nói cây này thiêng lắm nên phải thành tâm cầu nguyện thì mới được".

Xã hội - Biểu tượng thiêng liêng của người dân xứ sở sương mù

Du khách chuẩn bị ném dải lụa lên cây.

Nhiều du khách thấy cây đa lạ cũng ghé vào cửa hàng bán dải lụa mua để nguyện cầu. Chị Hồ Thị Thu, quê ở Hà Tĩnh, người bán dải lụa ở đây đã 4 năm, cho biết, suốt thời gian qua chị đã chứng kiến nhiều lượt khách đến đây cầu nguyện. Chị Thu nói: "Năm nào cũng vậy, nhất là gần tết, nhiều người đến cây “tình yêu và tài lộc” này để cầu nguyện. Ngày đắt hàng nhất, tôi cũng bán được khoảng 400 dải lụa. Nhiều người đến đây lắm, có người còn đến mấy năm liên tiếp.

Một số người còn cho tôi biết, vì những lời nguyện ước của họ đã thành hiện thực nên họ quay lại. Ở đây, tôi thấy không chỉ có khách Việt mà nhiều người nước ngoài như: Pháp, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc... cũng tới cầu nguyện. Phần lớn họ cầu mong năm mới gặt hái nhiều thành công trong công việc, hạnh phúc trong cuộc sống. Có nhiều người còn ước mình giàu có, vợ chồng hòa thuận, con cái học giỏi. Khách đến mua dải lụa sẵn sàng bỏ ra 12.000 đồng để mua hai dải lụa đỏ, hồng cầu nguyện cho cả một cuộc đời mình vì tin rằng, lòng thành kính sẽ được đức Phật chứng giám và ban ân đức.

Ước nguyện thành hiện thực?

Nhiều người truyền tai nhau, khi đến đây cầu nguyện, nếu thành tâm thì sẽ được đức Phật Di Lặc thấu hiểu và biến ước mơ thành hiện thực. Còn nếu không thành tâm thì lời nguyện ước sẽ không hiệu nghiệm. Phóng viên đã tận mục sở thị những lời nguyện ước của những người đã tới đây. Có những lời nguyện ước được ném lên rất cao và theo một số người thì ném càng cao mà chỉ một lần ném đã dính thì lời nguyện cầu nhanh thành hiện thực. Cẩn thận hơn, nhiều người còn buộc những dải lụa cùng với một viên sỏi để không bị rơi. Nhiều người đã chọn những cành cây thấp để cột thật chặt dải lụa vào đó. Trên dải lụa màu đỏ sẽ ghi tên họ, địa chỉ và cầu tài lộc, còn dải lụa màu hồng sẽ cầu nguyện dùng để cho tình yêu.

Theo quan sát của phóng viên, có một số lời nguyện ước được cột chặt ở dưới thấp với những lời cầu nguyện giản dị mà chân thành. Một dải lụa có ghi: "Con tên là Nguyễn Văn Thành và vợ là Hồ Thị Thu Trang, ở Long Khánh, Đồng Nai. Chúng con cầu nguyện ơn trên ban phước cho năm mới 2013 gia đình được mạnh khỏe, hạnh phúc ấm êm, cả năm làm ăn phát tài, dư dả".

Có nhiều người đã từng có ước nguyện thành hiện thực. Như trường hợp của anh Trần Thế Anh, ngụ ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng là một minh chứng về sự màu nhiệm của cây "tình yêu và tài lộc". Anh Thế Anh cười và cho chúng tôi biết: "Cách đây 3 năm tôi lên cầu nguyện được vợ như ý và cuối năm đó tôi lấy vợ. Cho đến bây giờ tôi vẫn rất hài lòng về sự quan tâm chu đáo của cô ấy.

Năm ngoái, tôi cầu cho vụ mùa thu hoạch được kha khá và có một đứa con trai kháu khỉnh. Kết quả là cả năm tôi làm ăn suôn sẻ, mùa bông cuối năm giúp tôi xây được cả căn nhà. Ngoài ra còn có một nhóc trai, tuy không được mập mạp nhưng rất nhìn rất kháu khỉnh. Năm nay tôi lên để tạ ơn và cũng cầu nguyện cho một năm mới toàn vẹn". Cùng cảm xúc mừng vui vì những lời cầu hiệu nghiệm như anh Thế Anh còn rất nhiều người khác, mà theo lời chị Thu: "Họ còn quay lại cảm ơn tôi và mời tôi đi ăn nữa. Nhiều người còn dẫn cả gia đình lên để cầu nguyện đầu năm".

Tuy nhiên, cũng có người lại tỏ ra nghi ngờ về khả năng thần thánh của cây "tình yêu và tài lộc". Người phụ nữ luống tuổi tên Trâm đang loay hoay viết lời cầu nguyện cho biết: "Thật tình tôi cũng không tin cho lắm vào sự kỳ diệu, phép màu có ở đời này nhưng vì thấy có nhiều người ném dải lụa trên cây quá, cây lại chi chít màu đỏ, màu hồng nên cũng bắt chước họ xem sao".

Hòa thượng Thích Viên Thanh, viện trưởng Thiền viện Vạn Hạnh, Đà Lạt cho biết: "Ở đây, ai cũng biết chuyện cây đa được đặt tên là cây "tình yêu và tài lộc". Việc người ta ném dải lụa cầu nguyện lên cây có lẽ cũng bắt nguồn từ quan niệm dân gian là "thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề". Còn tượng Phật Di Lặc dưới gốc đa, dựa vào thuyết Từ Thị tức là người có lòng từ mà hình thành biểu tượng đức Phật Di Lặc ngồi gốc cây đa. Liệu có phải đức Phật sẽ hiển linh mà ban phước cho chúng sinh đến nguyện cầu ở đồi Mộng Mơ hay không thì tôi không được rõ".

Tuy nhiên, theo khẳng định của anh Mai Phước Bình, thì đã từng có nhiều người đến tạ ơn vì lời nguyện ước thành hiện thực. Anh Bình cho hay: "Có nhiều người đến đây từ tờ mờ sáng xin được vào thắp nhang cúng lạy Phật Di Lặc. Lúc ấy bảo vệ phải báo cho ban giám đốc, ban giám đốc hỏi ý kiến của sở VH-TT&DL thì nhận được chỉ thị không cho thắp nhang ở cây "tình yêu và tài lộc". Lý do vì sao thì tôi cũng không rõ. Mặc dù vậy có nhiều người thổ lộ là họ thực sự muốn thành tâm hơn vì đức Phật đã thấu hiểu tâm can họ mà ban phước, thì họ phải nhang khói tạ lễ. Nhưng quy định là quy định chúng tôi không thể làm khác được".

Hoàng Minh