Blog nhà văn Nguyễn Việt Hà: Bạn ở cùng phố

Blog nhà văn Nguyễn Việt Hà: Bạn ở cùng phố

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
"Con trai mắt thì trầm sang, nửa như tò mò muốn biết nửa như lọc lõi đã biết. Con gái thì dong dỏng thanh thoát, nhiều đứa loay hoay rất xinh, mới tuổi phổ thông đã khát khao nhìn đời, chưa kịp hư bởi cái chất phố phường kiêu sa khinh bạc", nhà văn Nguyễn Việt Hà trở lại với cái nhìn dí dỏm.

Hà Nội có nhiều loại phố. Có phố ven hồ, có phố gần sông. Có phố sáng choang mới, có phố rêu phong cũ. Hoặc ngắn hoặc dài, thong thả ồn ào khác nhau. Theo dọc thời gian của từng phố, cây trồng ở ngoài vỉe hè cũng khác nhau, người già ở sâu trong nhà lại càng khác nhau. Có điều, đám trẻ đang lao nhao mới lớn thì từa tựa giống nhau.

Xã hội - Blog nhà văn Nguyễn Việt Hà: Bạn ở cùng phố

Ảnh minh họa

Con trai mắt thì trầm sang, nửa như tò mò muốn biết nửa như lọc lõi đã biết. Con gái thì dong dỏng thanh thoát, nhiều đứa loay hoay rất xinh, mới tuổi phổ thông đã khát khao nhìn đời, chưa kịp hư bởi cái chất phố phường kiêu sa khinh bạc. Tất cả đám mang vẻ ngây thơ ấy, ở cấp một cấp hai, rồi một phần nào đó ở cấp ba, vẫn ngồi học chung một lớp với nhau. Thế nhưng khi đã dạn dĩ trưởng thành thì bỗng dưng để tuột rơi mất nhau, hiếm hoi lắm mới có người giữ được bạn cùng phố.

Bạn ở cùng phố hầu như không có khác giới. Hoặc lộc ngộc nghịch ngợm bốn năm đứa con giai, hoặc dịu dàng thầm thì vài ba đứa con gái. Tuyệt đối hiếm những cặp cùng phố yêu nhau và nhỡ có thì rất khó lấy nhau. Đã hôn nhân là vòng vèo cách quận, nó khác hẳn truyền thống quấn quýt ở quê “Lấy chồng giữa làng chứ không lấy người sang thiên hạ”. Gái làng là sở hữu của trai làng, được gìn giữ nâng niu bảo vệ gần gần giống mái đình cây đa giếng nước. Ở phóng khoáng của phố, cái kiểu “nhà nàng ở cạnh nhà tôi” rồi nhờ hương bưởi đưa thầm ái tình qua cửa sổ thì duy nhất chỉ thấy xa xa vùng ngoại ô, nơi mà chừng già hai chục năm trước người ta không gọi là phố mà gọi là đường. Ví như đường Yên Phụ, đường Thụy Khuê, đường Cầu Giấy chẳng hạn. Đường tàu điện chạy tới đó không chìm xuông mặt nhựa mịn nữa mà chằn chặn nổi lên cả đám tà vẹt, giống như đường tàu hỏa chạy ngang qua ruộng. Gần đây, loanh quanh ba mươi sáu phố phường cũng có việc ở sát nhà nhau rồi trong trắng lấy nhau, nhưng thường là hàng xóm mới chuyển đến và cái nhà mới chuyển đến đấy vĩnh viễn phải là nhà gái. Tại sao lại vậy, có người thắc mắc hỏi một nhà Hà Nội học, ông này uyên bác chưa kịp trả lời, ông còn bận chạy đi hòa giải bà vợ ông đang cãi nhau với cái bà cũng Hà Nội gốc ở tầng hai về chuyện cơi cái ban công cũ thời tây thành toilet xịn thời nay.

Vài người có vẻ từng trải lại từng có học, thâm thúy nói, phố của Hà Nội vẫn đậm chất làng. Câu này ở ngày xưa thì đương nhiên đúng nhưng ở bây giờ thì chưa chắc. Làng quên Việt là thanh bình là ổn định, nó níu giữ sự bất biến bằng thoai thoải xanh cỏ triền đê, bằng mênh mông lúa vàng đồng gió. Trời thì vừa rộng vừa cao và mây thì nhiều khi rất trắng. Nếu có thay đổi nào đấy thì cũng vô cùng chầm chậm, thậm chí không bao giờ chịu khác. Một người tha hương xa quê lâu năm quay về tìm bạn cũ, đã thật đúng khi xúc động viết “Con đường hàng tỉnh người đi. Ba mươi năm ấy có gì khác xưa. Ông lão dắt trâu đi bừa. Là con ông lão ngày xưa đi cày”. Nhịp điệu sống của phố nóng hơn, năng nổ hơn, biến động hơn và vì thế đôi khi có lổn nhổn nhiều bạc bẽo. Có phải vậy chăng mà văn học đương đại ở ta đã rất nhiều bài thơ rất nhiều truyện ngắn mô tả tuyệt vời tình bạn cùng thôn nhưng chưa có một ai viết thật hay về tình bạn cùng phố.

Để cuộc sống bơn bớt vô nghĩa, bình thường con người ta hay có bạn. Nó tuyệt vời như có người yêu, ngang bằng như có con, đôi khi còn hơn cả anh chị em ruột. Và bạn ở cùng phố bắt buộc phải chơi với nhau từ hồi còn bé. Lúc đã lớn, đã nhanh nhẹn đã hoạt bát đã ngấm đẫm cái tinh ranh của đô thị thì làm sao có thể kết bạn được nữa. Tình bạn giống như đọc sách, điều kiện đầu tiên là phải điềm đạm thong thả, sau đó phải được che đỡ từ vất vả thời gian. Hồi bao cấp, ở ngoài đường trẻ con vui chơi dường như đông hơn, bởi lúc ấy trong nhà chưa có vớ vẩn gameshow trên tivi, chưa có game online trên “nét”. Bọn trẻ sẽ chơi trốn tìm chơi đuổi bắt chơi nhảy ngựa, những trò chơi bần bạch hoang dã hồn nhiên mà khi thấm mệt bao giờ cũng vô tư thăng hoa ra vài người bạn. Nó không bị vẩn đục bằng việc dung tục đem giải thưởng ra dử, những sẽ là triệu phú, những sẽ là giàu không hề khó. Đám trẻ 8x và 9x bây giờ hình như bất hạnh hơn, khi trống vắng đơn côi mệt mỏi đi kiếm bạn đã thỉnh thoảng tuyệt vọng lạc vào chốn vũ trường cố bày đoàn tìm qua thuốc lắc.

Đã là bạn, thì dù xuất xứ ở đâu cũng đều cao cả, trân trọng hiếm quý, nhưng bạn ở cùng phố luôn là nỗi xúc cảm nao nao đọng đầy. Để rồi có lần đi ngang qua phố nhỏ của mùa hè năm nay không hiểu sao mất mùa hoa phượng, bỗng thấy một cặp tuổi teen đang giành nhau trò chơi điện tử cầm tay, chợt âm ẩm ứa nhói nhớ về cái lần ăn chung một que kem tham lam cắn vào tay bạn.

Và người bạn ấy cũng đã dời phố đi xa, chắc vẫn mang theo cả vết răng tuổi thơ li ti sắc trong veo như là nước mắt.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà (trích tản văn Mặt của đàn ông)