Bộ chỉ đạo VNPT phải cổ phần hóa MobiFone

Bộ chỉ đạo VNPT phải cổ phần hóa MobiFone

Thứ 4, 29/05/2013 | 14:43
0
Bộ TT&TT chỉ đạo VNPT phải thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn khỏi MobiFone theo lộ trình phù hợp trên cơ sở kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Như vậy, việc sẽ cổ phần hóa MobiFone và để doanh nghiệp này hoạt động độc lập được xem như nằm trong kịch bản quy hoạch thị trường viễn thông đã được Chính phủ phê duyệt trước đó. Theo quy hoạch này, đối với những thị trường dịch vụ quan trọng như di động phải có ít nhất 3 doanh nghiệp có thị phần tương đồng để tạo sự cạnh tranh và hình thành từ 3 – 4 tập đoàn viễn thông lớn.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, như vậy trong đề án tái cấu trúc thì VNPT sẽ phải xây dựng phương án cổ phần hóa MobiFone và thoái vốn khỏi công ty này. VNPT sẽ phải làm đề án riêng về cổ phần hóa MobiFone và theo lộ trình phù hợp. Theo quy định tại Nghị định 25 thì VNPT sẽ không được sở hữu chéo sang MobiFone quá 20%. Tuy nhiên, các công ty con của VNPT sẽ được mua cổ phần của mạng di dộng được cổ phần. Thế nhưng, các công ty con của VNPT có thể được mua cổ phần của MobiFone, nhưng phải là các công ty hạch toán độc lập chứ không phải các công ty hạch toán phụ thuộc.

Trước đó Bộ TT&TT cho biết, tinh thần của Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông quy định một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông. Sở dĩ Nghị định đưa ra mức “sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần” để tránh tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập mạng MobiFone ngày 16/04/2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ TT&TT, VNPT ủng hộ tạo điều kiện để MobiFone có đủ nguồn vốn đầu tư, có cơ chế tự chủ cao để MobiFone tiếp tục phát triển, đủ năng lực để vươn ra và cạnh tranh thành công trên thị trường trong nước và quốc tế.

Công nghệ - Bộ chỉ đạo VNPT phải cổ phần hóa MobiFoneẢnh minh họa

Tại buổi làm việc với Bộ TT&TT mới đây, ông Lê Ngọc Minh - chủ tịch MobiFone cho biết, MobiFone đã phải “chia lửa” với VNPT trong thời điểm khó khăn bằng hình thức điều chuyển nguồn lợi nhuận lớn cho công ty mẹ. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, suốt thời gian qua, mạng MobiFone chỉ được đầu tư bằng tiền khấu hao nên mạng lưới sẽ bị hạn chế hơn so với doanh nghiệp khác. Vì vậy, để MobiFone phát triển mạnh hơn thì phải tăng vốn điều lệ, tập trung đầu tư, tăng cường cơ sở hạ tầng, tăng quy mô vị thế để trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường viễn thông.

Ông Lê Ngọc Minh cũng đề nghị, trong đề án tái cấu trúc không giải thể MobiFone và để doanh nghiệp này hạch toán độc lập, tiến tới cổ phần hoá công ty theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Việc tái cấu trúc của VNPT và MobiFone phải đảm bảo các yếu tố thị trường, hiệu quả giữa các đơn vị trong Tập đoàn. Các lý luận kinh tế đã chỉ ra rằng khi doanh nghiệp phát triển đến quy mô lớn thì cần tách ra hoạt động độc lập, duy trì mô hình hạch toán phụ thuộc sẽ không phù hợp. Vì vậy, với quy mô hiện nay thì MobiFone muốn được độc lập để hạch toán riêng, minh bạch; đồng thời nâng cao tính chủ động, sáng tạo cho doanh nghiệp.

Trước đó, nguyên thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực cho rằng, “Hiệu quả quản lý và đầu tư viễn thông còn có những hạn chế nhất định khi hầu hết các doanh nghiệp lớn đều là doanh nghiệp Nhà nước, hơn 90% tài sản của mạng viễn thông Việt Nam đều của Nhà nước. Có thể liên tưởng “bức tranh” thị trường hiện nay giống như một gia đình có một ông bố cho các con ăn riêng rồi để các con cạnh tranh với nhau. Khi đó chưa thể có sự cạnh tranh thực sự”,

Để khắc phục hiện trạng này, theo ông Trực, Nhà nước phải vững tay sắp xếp lại các doanh nghiệp viễn thông, thậm chí thu hồi lại một số giấy phép, chỉ duy trì khoảng 4 doanh nghiệp lớn chứ không thể để quá nhiều doanh nghiệp tồn tại như hiện nay.

Tán đồng quan điểm nêu trên, thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cũng cho rằng thị trường viễn thông Việt Nam chưa cạnh tranh đúng nghĩa vì lực lượng chủ đạo vẫn là doanh nghiệp nhà nước. Thời gian tới sẽ tiếp tục xu hướng sáp nhập hoặc giải thể trong ngành viễn thông. Quá trình sáp nhập, cải tổ sẽ đậm “màu sắc” của Nhà nước. Ví dụ việc sáp nhập EVN Telecom vào Viettel vừa qua là quyết định, ý chí của Nhà nước. Bởi khi thị trường chưa thực sự cạnh tranh thì khó có thể bình luận về việc quyết định của Nhà nước phải phù hợp với cơ chế thị trường.

Khánh Tuân (Nguồn: ICTNews) 

MobiFone ‘hành’ khách hàng qua nhiều lần tăng cước

Thứ 5, 04/04/2013 | 15:06
Việc MobiFone tăng cước roaming một cách đột biến đang là đề tài gây sự quan tâm của nhiều khách hàng trong những ngày qua. Không ít chuyên gia cho rằng, việc làm này của MobiFone không khác gì kiểu “ngược đãi khách hàng”.

MobiFone "đánh" khách hàng không kịp trở tay

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
– Anh Nguyễn Cảnh Kiên, một khách hàng của Mobi Fone cho biết, khách hàng này sử dụng thuê bao trả trước, và đến ngày 31/3 thì quyết định chuyển sang sử dụng thuê bao trả sau, giữ nguyên số điện thoại.

Bất cập xung quanh việc thu hồi số Mobifone

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
– Xung quanh bài viết MobiFone có “ép người” quá đáng, đăng tải những phản ánh của ông Đinh Mạnh Đạt về chất lượng dịch vụ của mạng Mobifone đã có nhiều ý kiến trái chiều. Nguoiduatin.vn đã trao đổi lần thứ 2 với ông Đạt để làm rõ một số vấn đề liên quan.

3.800 khách hàng của Mobifone phải ngừng dịch vụ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
– Nhiều thuê bao trả trước của MobiFone tại TP. Hồ Chí Minh phải ngừng dịch vụ do thông tin thuê bao có nhiều sai sót.