Bộ công an rút quy định xóa hộ khẩu

Bộ công an rút quy định xóa hộ khẩu

Thứ 5, 28/02/2013 | 15:08
0
Việc xóa (cắt) hộ khẩu gây nhiều khó khăn cho những người trong cuộc, mặt khác khi nhập hộ khẩu lại cũng không hề đơn giản, dễ dàng.

Sau buổi Ủy ban Thường vụ QH họp, cho ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cư trú (sáng 26-2), đại diện Ban Soạn thảo là Bộ Công an đã ngồi lại với Ủy ban Pháp luật của QH - cơ quan thẩm tra dự luật, thống nhất rút khỏi dự thảo quy định xóa đăng ký thường trú với người đi tù hoặc người xuất cảnh từ hai năm trở lên. Thông tin trên được ông Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế - Bộ Công an, cho biết ngày 27-2.

Cắt và nhập: Nói nghe ngon, thực tế ngán

Trước đó, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH, bảo vệ cho quan điểm của mình trước những ý kiến không đồng tình với quy định trên, đại diện Bộ Công an nói: “Người đi nước ngoài hai năm chỉ xóa tên trong sổ hộ khẩu thôi, khi người ta về thì làm lại. Người đi tù cũng vậy, chỉ cắt khẩu một thời gian, khi về công an sẽ tạo điều kiện nhanh chóng nhập khẩu lại cho họ chứ có gì đâu!”. Thế nhưng thực tế việc cắt và nhập hộ khẩu không hề đơn giản, dễ dàng như vị này khẳng định.

Ông N.T.H (TP.HCM) cho biết: “Năm 2002 khi con trai tôi đi du học, cảnh sát khu vực đã đề nghị tôi nên cắt hộ khẩu của con cho gọn và để hỗ trợ địa phương trong quản lý nhân khẩu. Khi nào con trai tôi về nước, việc nhập lại hộ khẩu như cũ sẽ rất nhanh, đơn giản. Nghe giải thích đây chỉ là cắt hộ khẩu tạm thời và sau này thủ tục nhập lại cũng dễ dàng nên tôi đồng ý”.

Tuy nhiên, khó khăn về giấy tờ đã đến ngay sau khi cắt hộ khẩu không lâu - khi con trai ông làm lý lịch tư pháp số 3 (phiếu xác minh lý lịch tư pháp) tại Sở Tư pháp TP. “Vì con tôi đã cắt hộ khẩu tại TP nên Sở Tư pháp phải gửi hồ sơ lên tới Bộ Công an, chờ đợi xác minh cả hơn tháng trời mới xong. Trong khi cũng là giấy tờ đó nhưng do chưa cắt hộ khẩu nên chỉ trong vòng một tuần người bạn của nó đã làm xong thủ tục” - ông NLH cho hay.

Luật sư - Bộ công an rút quy định xóa hộ khẩu

Trên thực tế việc cắt và nhập hộ khẩu không hề đơn giản. Ảnh minh họa: HTD

Mãi mới té ngửa ra mình bị “cắt”

Gặp khó khăn hơn là trường hợp của anh Nguyễn Quang Vân (Hà Nội). Trước khi sang Pháp du học năm năm, anh cũng cắt hộ khẩu theo hướng dẫn của công an phường nơi anh cư trú. “Mới đầu nghe đi học mà phải cắt hộ khẩu, tôi cũng có phản ứng do xác định học xong quay về chứ có đi luôn đâu mà phải cắt với xóa. Nhưng rồi sau khi nghe giải thích rằng việc này chỉ là tạm thời trong thời gian mình vắng mặt và cũng muốn giấy tờ được nhanh chóng, thuận lợi nên tôi đồng ý” - anh Vân kể lại.

Đầu năm nay, sau khi học được hai năm anh Vân có ý định về nước lấy vợ rồi đi học tiếp vì… “cô ấy chờ tôi đã bốn năm rồi, không thể lâu hơn được nữa”. Nhưng khi tới phường xin giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân, phường trả lời hiện anh không còn hộ khẩu thường trú ở đó nên không thể xác nhận ngay tình trạng hôn nhân được. “Muốn làm thủ tục kết hôn hay chứng nhận bất cứ vấn đề gì trong thời gian này, tôi đều phải làm đơn xin xác nhận của lãnh sự Việt Nam tại Pháp. Tôi đã làm đơn theo hướng dẫn được hai tuần rồi nhưng chưa nhận được kết quả. Mất thời gian quá!” - anh Vân giãi bày.

Cũng theo anh Vân, việc cắt hộ khẩu khi đi du học không phải bây giờ mới được bàn mà nó đã được khá nhiều du học sinh phàn nàn từ nhiều năm trước. Có những người biết việc mình bị cắt hộ khẩu trước khi đi nhưng cũng có nhiều người cho tới khi học xong, về nước làm hồ sơ xin việc, thực hiện các thủ tục mua bán… mới té ngửa mình đã “bị cắt” từ đời nào rồi. “Không rõ người khác thì thế nào nhưng bạn tôi nói nhập lại hộ khẩu cũng không dễ dàng đâu, sau khi đi Nhật về cậu ấy nhập lại hộ khẩu và phải chờ đến mấy tháng, bổ sung đủ thứ giấy tờ mới xong, mất rất nhiều thời gian” - anh Vân cho biết thêm.

Nên xét theo lợi ích của dân

Một vị công an phường (đề nghị không nêu tên) cho biết trước năm 2007 đã có quy định việc xuất cảnh, đi tù phải cắt hộ khẩu. Tuy nhiên, từ sau khi có Luật Cư trú cho đến nay, chỉ các trường hợp như chết, bị tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết, ra nước ngoài định cư… mới phải xóa hộ khẩu. Nơi nào cắt hộ khẩu du học sinh, người đi xuất khẩu lao động nước ngoài từ hai năm trở lên đều là sai.

Vị này cho rằng việc quản lý hộ khẩu trong thực tế ngày càng phát sinh nhiều phức tạp, do đó quy định như trên cũng phần nào giúp cơ quan quản lý làm việc thuận lợi hơn. “Tuy nhiên, trước khi ban hành bất cứ quyết định nào, nhà làm luật cũng cần phải xem xét kỹ thực tế bằng việc xem quy định mình đưa ra có được người dân đồng thuận hay không. Đó là điều quan trọng” - vị này góp ý.

Theo luật sư Lê Văn Hoan, việc cắt hộ khẩu đối với các đối tượng trên có thể chỉ thuận lợi đối với cơ quan quản lý nhà nước nhưng lại gây nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân ngay cả trong những việc bình thường nhất (thừa kế, sang nhượng tài sản, khám chữa bệnh, học hành…). Bởi vậy, vấn đề ở đây không phải là cắt hay không cắt thì có lợi hoặc không có lợi hơn mà các nhà quản lý trước khi ban hành quy định nên dự liệu hết các tình huống cho phù hợp với thực tế để vừa thuận tiện trong quản lý, vừa không ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, trong đó lợi ích người dân phải được đặt lên hàng đầu.

Theo Pháp luật TP HCM

Đi nước ngoài 2 năm bị xóa tên khỏi hộ khẩu?

Thứ 3, 26/02/2013 | 16:19
Đi nước ngoài 2 năm trở lên bị xóa tên khỏi sổ hộ khẩu, nơi đăng ký thường trú phải là nơi tạm trú… - nội dung dự thảo luật Cư trú vừa được trình Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) sáng 26/2.

Hạnh phúc không nằm trong cuốn sổ hộ khẩu

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
Sau khi báo Nguoiduatin.vn có đăng bài viết “Gái Hà Nội, ngoại tỉnh: mèo nào cắn mỉu nào”, tôi ngạc nhiên: tại sao một cô gái Tràng An thanh lịch lại có thể viết ra những lời lẽ độc địa và cay nghiệt thế?