'Bố thằng nhà quê'

'Bố thằng nhà quê'

Thứ 6, 19/04/2013 | 14:55
0
"Bố thằng nhà quê"! Mình vẫn thỉnh thoảng nghe được những câu như vậy ngày mới lên Hà Nội học. Nghe xong, cười thầm và tự nhủ, thây kệ đời, vì "Bố thằng nhà quê" chắc chắn không nghe được câu đó. Ông mất lâu rồi.

1. Mình là một thằng nhà quê chính gốc. Không chỉ mình, mà hàng triệu triệu người ở dải đất hình chữ S này cũng nhà quê cả thôi. Ở một đất nước nông nghiệp với 73,3% dân số là nông dân thì nhà quê mới là chủ đạo. Lập luận là vậy, kiến giải là thế, nhưng đôi khi, ở đất nước mình, dường như tâm lý thoát ly khỏi nông nghiệp, nông dân luôn ăn sâu vào tiềm thức, là động lực để hướng tới của mỗi người. Chẳng thế mà ở quê mình, người ta gọi những người ra thành phố, hoặc làm một công việc nào đó khác với nghề nông là thoát ly. Một khái niệm bao hàm sự tôn trọng của cộng đồng với những người đã thoát khỏi cảnh con trâu đi trước, cái cày đi sau.

Có lần, trong lúc trà dư tửu hậu, bạn mình, HLV nổi tiếng Vương Tiến Dũng tếu táo nói rằng: "ở Việt Nam, tất cả các tỉnh thành là nhà quê hết, chỉ có người sống ở TP.Hồ Chí Minh là thành phố. Người ta thường nói là em sống ở thành phố (Hồ Chí Minh), hoặc tôi lên thành phố (Hồ Chí Minh). Nói vui vậy thôi, người Việt Nam hay có xu hướng nói tắt, viết tắt cho dễ hiểu. Nhưng, ở một góc độ khác, người Việt mình thường có xu hướng phân biệt giữa thành phố và nông thôn. Bởi nói cho cùng, người ta thường có khát vọng vượt lên trên hoàn cảnh, tìm kiếm những cái gì mình không có, hoặc đang thiếu. Và, với một số người, khi đã vượt qua số phận, qua những khúc cua khó khăn thì lại rất sợ nói về thời quã vàng. Chẳng phải họ vong bản đâu, mà bởi, trong thẳm sâu không ít người thường có sự tự ti về quá khứ vốn khốn khó của mình. Họ muốn khẳng định bằng sự phủ định một giá trị nào đó.

Xã hội - 'Bố thằng nhà quê'

Ảnh minh họa

2. 15 năm lăn lộn ở Hà Nội, mình nhận ra rằng, chất nhà quê vẫn còn đậm đặc trong lối hành văn và phát ngôn của mình. Được (bị) dạy mãi mà mình vẫn chẳng thể nói theo giọng và ngữ điệu của người Hà Nội. Đôi lúc tự nhủ rằng, cái gì không xuất phát từ trái tim thì dùng bộ não điều khiển cũng khó có thể nhập tâm. Nghĩ thế rồi cho mọi thứ trôi theo dòng thời gian bất tận. Và mình vẫn thế, đến tận bây giờ, vẫn nhà quê.

Chiều, mình ngồi cạnh một cô bé cũng nhà quê nhưng là Khu vực 2 chứ không phải Khu vực 2 nông thôn như mình. Cô bé này sinh ra ở thành phố Hải Dương. Hay nói nôm na là cô bé "nhà quê" nhưng sinh ra ở thành phố.  Trên khán đài sân vận động, mình ngồi kiểu bó gối và cô bé cũng vậy. Cái tư thế ngồi rất ư là xấu nhưng thoải mái vô cùng. Mình nhớ đến tư thế ngồi... trên dép ở mỗi triền đê vào đêm trăng mùa hạ. Chàng đưa dép cho nàng ngồi để khỏi bẩn quần. Sau đó là những lời ngọt như mật và mát như da thiếu nữ vậy. Chàng: "Em ơi trăng tròn nhỉ"- Nàng: "Rằm mà lại". Triền đề vắng lặng, gió vi vu mươn man da thịt bỗng có tiếng người gay gắt. "Trả dép tao về". Hóa ra, anh chàng cả giận vì cô nàng thật thà như... đếm. Người nhà quê là thế đó, đôi khi, nói một lời bay bướm cũng khó vô cùng.

3. Lại nói về kiểu ngồi bó gối của mình. Mình đã cười thầm khi có thời gian ngắm kỹ bàn chân thô và to của mình. Những cái móng ngả màu vàng nhưng không phải bẩn. Chợt nhớ đến những ngày lội ruộng ở cánh đồng chiêm trũng. 15 năm rồi không lội ruộng nhưng cái dấu tích xưa vẫn còn lưu giữ. Bỗng nhoẻn miệng cười tươi phớ lớ vì phát hiện ra "điểm xấu" khiến cô bé nhà quê ngơ ngác vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ừ, mình là thằng nhà quê và có ngàn năm nữa vẫn là thằng nhà quê. Một thằng nhà quê có thể sống tốt ở thành phố ngột ngạt này. Thế thì có gì mà chạnh lòng...

Mình lại phát hiện ra những cái móng chân được tỉa tót điệu đà của cô bé nhà quê giống mình. Những cái móng chân sơn đủ màu và có cảm giác trước mặt mình là cả một vườn hoa lá". Chẹp, con gái ở đâu và thời nào cũng vậy, họ luôn thích làm đẹp. Đúng thôi, họ làm đẹp để những thằng như mình ngắm. Một cô bé nhà quê với những chiếc móng chân văn hoa bay bướm cũng hay đấy chứ. Đó gọi là sự thích ứng của cuộc sống. Mà, thích ứng chính là sự hoàn hảo.

Sẽ vẫn có những người nhà quê cũng như thành phố vậy. Nó tạo nên sự đa dạng của cuộc sống. Nhưng có lẽ, sẽ chẳng có người nhà quê đáng ghét nếu biết là chính mình và sống hết mình để thực hiện giấc mơ của mình. Hay chí ít là tìm được một cuộc sống có nghĩa bằng sự dâng hiến, trách nhiệm đến tận cùng. Và mình sẽ mãi nhận là "thằng nhà quê" như bố mình vậy. Con mình nữa, sau này chúng sẽ vẫn là "người nhà quê" dù sinh ra ở thành phố. Và người thành phố ơi, bạn hãy cứ là bạn nhé. Cứ bình thường mà sống, chẳng phải lên giây cót tinh thần, chẳng phải phủ định một điều gì đó để tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống này. Hãy sống, chứ không phải là tồn tại. Hãy tìm kiếm sự thừa nhận bằng giá trị tâm hồn, bằng trí tuệ, chứ không phải những thứ  diêm dúa bên ngoài.

Vũ Khắc Gia Trang

Giang hồ “nhà quê” và những kiểu học đòi kinh hoàng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
Trong quá trình phạm tội để "mưu sinh", tên giang hồ Nguyên "tốc độ" đã học đòi, áp dụng rất nhiều "ngón nghề" phạm tội của giang hồ đẳng cấp. Sự tinh vi, xảo quyệt của y thể hiện ở cách chỉ đạo đàn em phạm tội, tạo chứng cứ ngoại phạm làm vỏ bọc cho mình.

Kỳ công chơi sáo diều của ... "người nhà quê" lên phố

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
Gác lại mọi lo âu, bộn bề của cuộc sống đầy bon chen nơi thành thị, những "người nhà quê" tụ họp lại với nhau, tung con diều sáo kêu u...u o ... o giữa trời lộng gió. Ở phương Nam này, sáo diều rất lạ, nên thú vui sáo diều cũng khiến người ta hiếu kì. Bởi sáo diều không ai bán, người chơi phải tự mày mò mà đẽo lấy...

Nhà quê lên phố

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
Một người từ quê lên thành phố thăm con. Sau khi xuống tàu, đứng quan sát cách người ta bắt xe ôm. Đầu tiên, thấy một thanh niên bắt xe nói: