Bô-xít Tây Nguyên: Nguy cơ ô nhiễm nước và bụi đất đỏ

Bô-xít Tây Nguyên: Nguy cơ ô nhiễm nước và bụi đất đỏ

Thứ 2, 27/05/2013 | 14:23
0
GS.TSKH Đặng Trung Thuận, chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam cho rằng, việc hoàn thổ và phục hồi môi trường chắc chắn không dễ như những gì Vinacomin nói.

Phải hoàn thổ trước mùa mưa 

GS.TSKH Đặng Trung Thuận, chủ tịch hội địa hóa Việt Nam cho biết, lần gần đây nhất ông vào Tân Rai là tháng 9/2012. Khi ấy, Tân Rai mới đang chạy thử nghiệm nên khâu hoàn thổ và phục hồi môi trường chưa có gì. Thực tế, việc phục hồi môi trường sau khai thác không phải là không làm được. Về lý thuyết đúng là sau 3 năm là có thể trồng lại cây. Thậm chí, việc trồng cây gì trên đó cũng không đáng lo vì đất ở Tây Nguyên tương đối tốt có thể trồng chè, cà phê, cao su, thông…

Quy trình hoàn thổ đất đai mà tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đưa ra bao gồm các giai đoạn: Chuẩn bị mặt bằng khai thác, khai thác, hoàn thổ đất và tái tạo lại thảm thực vật. Các công đoạn đều đúng và nghe qua tưởng rất đơn giản nhưng thực tế sẽ không dễ như thế.

Trước hết, hoàn thổ và phục hồi môi trường sẽ rất tốn kém, như vậy đồng nghĩa với việc sẽ độn thêm chi phí từ đó làm tăng giá thành của sản phẩm.

Thứ nữa, cả Tân Rai và Nhân Cơ đều nằm ở khu vực có lượng mưa lớn (trung bình từ 2.200 – 2.800mm/năm). Vì thế, hoạt động khai thác chủ yếu tiến hành trong mùa khô và phải hoàn thổ trước mùa mưa. Nếu không hoàn thổ ngay thì khi mưa xuống, đất sẽ nhanh chóng bị rửa trôi. Một điểm nữa, ở một số vùng tại Đăk Nông lớp đất mặt trên tầng quặng bauxite rất mỏng (thậm chí lộ thiên) vì thế không cẩn thận sẽ không có đủ đất mùn để hoàn thổ.

Việt Nam Xanh - Bô-xít Tây Nguyên: Nguy cơ ô nhiễm nước và bụi đất đỏ

Quy trình hoàn thổ đất đai nghe qua tưởng rất đơn giản nhưng thực tế sẽ không dễ

Chỉ sợ cây sống ít, cây chết nhiều 

GS.TSKH Đặng Trung Thuận cho rằng, để phục hồi môi trường sau khai thác bauxite được tốt, cần sử dụng giải pháp thân thiện môi trường bằng phương pháp “đổ thải trong”, nghĩa là chia lô khai thác. Bước đầu tiên là nghiên cứu địa hình ban đầu của khu vực khai thác. Bước thứ 2 là phân lô sau đó san gạt lớp đất mùn phía trên để ra một chỗ, tiếp đến lấy phần đất phủ trên quặng đổ ra bãi thải ngoài tạm thời, sau đó tiến hành bốc quặng để tạo ra bãi thải trong. Bước thứ 3 là tiến hành khai thác lô thứ 2, bóc lớp đất phủ không có quặng đổ vào bãi thải trong ở vị trí của lô thứ nhất, san lấp lại bề mặt công trường khai thác và rải lên đó lớp đất mùn đã tích trữ từ trước. Bước 4, trồng cây đã ươm sẵn lên vị trí công trường khai thác của lô thứ nhất đã hoàn thổ.

Như vậy, sẽ khai thác quặng và hoàn thổ theo phương pháp cuốn chiếu, lô thứ 2 đổ vào lô thứ nhất, lô thứ 3 đổ vào lô thứ 2… Cách làm này thân thiện với môi trường.

Điều đáng nói ngay cả khi thực hiện phương pháp đổ thải trong thì vẫn phải làm đúng các quy trình và phải làm nhanh trước mỗi mùa mưa trong năm.

“Chúng ta có quyền lo lắng bởi các bài học từ than Quảng Ninh và khai thác titan ở Bình Định. Tại Quảng Ninh, cũng do Vinacomin thực hiện khai thác, bao nhiêu diện tích đã được hoàn thổ? Hay như ở Bình Định, đúng là người ta đã trồng cây phi lao. Nhưng sau một thời gian lượng cây sống thì ít mà chết thì quá nhiều. Đúng là sau 2 – 3 năm có thể trồng được cây, nhưng liệu các cây ấy có sống được không mới là vấn đề”, GS.TS Đặng Trung Thuận cho biết.

Lo ngại ô nhiễm bụi đất đỏ 

GS.TSKH Đặng Trung Thuận không tỏ ra lo ngại về khả năng gây ô nhiễm từ việc vận tải alumin vì trong quá trình vận chuyển, alumin chắc chắn sẽ được đóng gói cẩn thận. Tuy nhiên, vị chuyên gia này lại bày tỏ lo ngại về khả năng ô nhiễm nước vào mùa mưa và ô nhiễm bụi đất đỏ vào mùa khô. Vào mùa mưa, mưa Tây Nguyên xối xả sẽ trút xuống toàn bộ khu vực khai trường. Từ đây, nước mưa mang theo đất đổ vào sông, suối ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước sẽ chảy về vùng Đông Nam bộ và các vùng hạ du khác.

Còn vào mùa khô, hoạt động khai thác mỏ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường không khí do bụi và chất thải khí của các phương tiện cơ giới từ khu mỏ đến nhà máy tuyển quặng. Ở mỗi nhà máy như Nhân Cơ hay Tân Rai, để sản xuất 600.000 tấn alumin mỗi năm, vùng khai trường sẽ phải khai thác 3 triệu tấn quặng nguyên khai, tương đương với việc hàng năm có khoảng 300.000 chuyến xe. Trong khi đó, mùa khô Tây Nguyên kéo dài nhiều tháng (từ tháng 10 – tháng 5 năm sau) nên lượng bụi sẽ là rất lớn và có nguy cơ ảnh hưởng tới người dân địa phương.

GS.TSKH Đặng Trung Thuận cho biết, giải pháp vận tải hiện nay mà Vinacomin đưa chỉ mang tính chất tình thế. Ngoài ra, trọng tải từ 15 – 20 tấn/xe không gây ra tác động đến đường sá nhiều. Thế nhưng, nếu vận chuyển với trọng tải nhẹ như thế thì chi phí sẽ rất cao, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá thành của sản phẩm. Còn nếu nâng lên 40 tấn/xe thì các con đường hiện có sẽ không thể chịu đựng được lâu dài. Nếu nâng cấp, cả trường hợp Vinacomin tự thi công, hoặc thuê lại các đơn vị khác để nâng cấp thì cũng vẫn là tiền đó và số tiền đó sẽ được tính vào giá thành của sản phẩm.

Theo Kiến thức

'Xin' khất 2 tháng để nói về kết quả bô xít Nhân Cơ

Thứ 3, 21/05/2013 | 09:09
“Chỉ trong vòng 2-3 tháng nữa sẽ thấy được quyết định rất quan trọng của việc phát triển bô xít ở Đắc Nông (nơi xây nhà máy Nhân Cơ), tất cả các vấn đề sẽ được giải quyết tại chỗ” – chủ tịch Tập đoàn Than – khoáng sản (TKV) Trần Xuân Hòa khẳng định.

'Bô xít Tây Nguyên lỗ hàng chục triệu đôla mỗi năm'

Thứ 6, 10/05/2013 | 19:17
Giá bán thấp, công nghệ lạc hậu hơn nửa thế kỷ, nhà máy Tân Rai bị chuyên gia đánh giá lỗ hàng chục triệu đôla mỗi năm. Giới khoa học kiến nghị dừng Nhân Cơ để tránh rủi ro, trong khi Vinacomin khẳng định vẫn có lãi.

'Dừng dự án bô xít Tây Nguyên là không khả thi'

Thứ 2, 25/02/2013 | 08:53
Tập đoàn Than và Khoán sản Việt Nam khẳng định hai nhà máy alumin Tân Rai và Nhân Cơ gần hoàn thiện, không có lý do để ngừng lại và cũng không bị ảnh hưởng bởi việc dừng xây cảng vận chuyển Kê Gà.