Bộ Y tế kết luận về chữa TCM bằng nước Ozone

Bộ Y tế kết luận về chữa TCM bằng nước Ozone

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Việc sử dụng nước ozone cùng với chanh, muối... chỉ mang tính hỗ trợ cho bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng giai đoạn 1 và giai đoạn 2a về ngoài da chứ không có tác dụng chữa bệnh, không được sử dụng cho bệnh nhân uống.

Ngày 20/11, TS Nguyễn Văn Khuê, cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã họp cùng với các cơ quan chức năng về việc thử nghiệm chữa bệnh dịch tay chân miệng bằng nước ozone của GS.TS Nguyễn Văn Khải.

Xã hội - Bộ Y tế kết luận về chữa TCM bằng nước Ozone

GS.TS Nguyễn Văn Khải chữa tay chân miệng tại Ninh Thuận

Sau khi xem xét và phân tích đánh giá hiệu quả, tác dụng, Hội đồng chuyên môn khẳng định: Việc sử dụng nước ozone cùng với chanh, muối... chỉ mang tính hỗ trợ cho bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng giai đoạn 1 và giai đoạn 2a về ngoài da chứ không có tác dụng chữa bệnh, không được sử dụng cho bệnh nhân uống.

Nước ozone rất thích hợp trong việc khử khuẩn dụng cụ y tế, đồ chơi và các vật dụng sinh hoạt, rửa tay chân,v.v liên quan đến người bệnh. Theo đó, nước ozone không có tác dụng vào nhân tế bào và hệ thần kinh.

Theo Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng không đơn giản là biểu hiện ngoài da. Nguyên nhân bệnh tay chân miệng nặng và tử vong là do vi rút tấn công vào tế bào dẫn đến biến chứng nặng và nguy cơ tử vong cao thời gian qua.

Vì vậy, bài thuốc của GS Khải chỉ mang tính hỗ trợ bên ngoài. Thực tế cho thấy, bệnh nhân mắc tay chân miệng ở độ 1, 2a sẽ tự hồi phục mà không cần có sự hỗ trợ.

Xã hội - Bộ Y tế kết luận về chữa TCM bằng nước Ozone (Hình 2).

Bệnh tay chân miệng không đơn giản là biểu hiện ngoài da

Phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng Bộ Y tế ban hành quy định và hướng dẫn đối với bệnh nhân bị mắc bệnh tay chân miệng, chia làm 4 mức độ: người bị mắc bệnh ở độ 1 chưa có biến chứng, các cơ sở y tế hướng dẫn bệnh nhân điều trị ngoại trú. Độ 2a khi bệnh nhân có biến chứng thần kinh nhẹ, điều trị ngoại trú tại bệnh viện; độ 2 b: biến chứng thần kinh nặng, điều trị tại phòng cấp cứu của khoa Nhi bệnh viện tỉnh, khoa truyền nhiễm của các bệnh viện. Bệnh nhân ở độ 3, 4 biến chứng suy hô hấp - tuần hoàn cần phải được điều trị tại đơn vị hồi sức tích cực.

Hiện nay toàn quốc đã có hơn 90 ngàn ca tay chân miệng lan rộng ra khắp 63 tỉnh thành. Số ca tử vong tính đến nay là 153 trường hợp. Tháng 9 được coi là thời điểm dịch lên cao nhất với 20.000 ca mắc mới. Trong xu hướng các tỉnh, thành phía Bắc số ca tay chân miệng bắt đầu giảm từ đầu tháng 10 thì nhiều nơi ở phía Nam dịch vẫn cao, thậm chí giảm rất chậm.

Tại TP HCM, theo số liệu thống kê từ Sở Y tế TP. HCM, tình hình điều trị tay chân miệng tại 3 bệnh viện chủ lực của TP. là Nhi Đồng 1, 2 và Bệnh Nhiệt Đới khá căng thẳng. Trước diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng, ngành y tế và giáo dục TP. HCM đã có sự phối hợp để phòng, chống dịch ở trường học.

Ngọc Hà (tổng hợp)