Bộ Y tế nói gì về

Bộ Y tế nói gì về "ông già ozone" đề xuất chữa bệnh TCM?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
Sau những "câu chuyện" về bài thuốc "hiếm" của GSTS Nguyễn Văn Khải điều trị căn bệnh tay, chân, miệng(TCM), dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều, đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chính thức có văn bản gửi báo Nguoiduatin.vn nêu quan điểm.

Theo đó, đại diện Cục rất hoan nghênh nhiệt huyết và công sức của GS-TS. Khải, nhưng, việc khám bệnh, chữa bệnh cần tuân thủ quy định của pháp luật, những tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cả nước có 150 ca tử vong vì bệnh TCM

Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh dịch hiện nay đang phát triển, diễn biến phức tạp tại các tỉnh trên cả nước, đặc biệt tại một số tỉnh khu vực phía Nam và đã gây tử vong trên 150 trường hợp.

Về tình hình bệnh dịch, bệnh dịch CTM đã xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt các khu vực nhiệt đới từ chục năm nay và năm nay đã bùng phát thành dịch tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Inedosia, Philipine, Singapore... trong đó có Việt Nam. Bệnh TCM được Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương xếp vào nhóm bệnh dịch mới nổi.

Nhận thấy điểm nóng về dịch bệnh đang rất cần được dập tắt, GS-TS. Nguyễn Văn Khải, nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn đèn tiết kiệm năng lượng và dung dịch hoạt hóa, điện hóa Hà Nội (Viện Khoa học Việt Nam) đã vào cuộc với bài thuốc hiếm nhưng không mấy xa lạ với giới y học nước nhà.

Theo đó, việc chữa bệnh TCM được cho là "có hiệu quả" bằng dung dịch hoạt hóa điện hóa (Anolyte và Catolyte), hay còn gọi là nước Ozone cùng với nước chanh tươi, vitamin B1, muối sạch có nồng độ tinh khiết trên 98% để tắm rửa, bôi ngoài da và cho các cháu súc miệng. Từ thực tế điều trị của GS-TS. Khải tại Ninh Thuận cho thấy đã có nhiều bệnh nhân được chữa khỏi.

Xã hội - Bộ Y tế nói gì về 'ông già ozone' đề xuất chữa bệnh TCM?
TS. Lương Ngọc Khuê.

Tuy nhiên, về cách điều trị bệnh dịch TCM, khẳng định với PV Nguoiduatin.vn, Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết: Năm 2008, Bộ Y tế đã ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh TCM" đã tập huấn, phổ biến để các cơ sở khám, chữa bệnh TCM áp dụng trong công tác chẩn đoán, điều trị.

Năm 2011, Bộ Y tế đã ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng", thay thế hướng dẫn năm 2008 vì nó được cập nhật nhiều nghiên cứu, kinh nghiệm điều trị trong nước và trên thế giới một cách chi tiết và đầy đủ hơn, qua đánh giá kết quả áp dụng thấy đã làm giảm tỷ lệ tử vong trên số mắc rõ rệt. Qua thực tiễn, hướng dẫn năm 2011 được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá rất cao, được nhiều nước tham khảo, học tập và Bộ Y tế đang tiến hành tổng kết theo từng giai đoạn phòng chống dịch bệnh TCM.

Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

Trao đổi với Nguoiduatin.vn, đại diện Cục Khám, chữa bệnh đưa ra quan điểm: Việc GS-TS. Nguyễn Văn Khải tham gia điều trị bệnh TCM tại Ninh Thuận những ngày qua là thể hiện việc xã hội, cá nhân quan tâm đến việc phòng chống dịch bệnh. Bộ Y tế rất hoan nghênh nhiệt huyết và công sức của GS-TS. Nguyễn Văn Khải tại Ninh Thuận.

Phương pháp của GS-TS. Nguyễn Văn Khải đã sử dụng tại Bệnh viện Ninh Thuận là dung dịch chứa Ozone để sát khuẩn. Về nguyên lý sử dụng dung dịch chứa Ozone là rất có ý nghĩa trong việc phòng bệnh, tương tự như một số thuốc sát khuẩn khác sử dụng trong y tế có tác dụng làm sạch vùng da nổi mụn của các trẻ bệnh tại các khu vực tay, chân, miệng để phòng nhiễm khuẩn thứ phát tại vùng da tổn thương.

"Còn liều lượng, hàm lượng Ozone như thế nào để phù hợp với tổn thương da của trẻ nhỏ cũng cần được nghiên cứu, làm rõ trước khi sử dụng. Ozone và máy tạo Ozone được các nhà khoa học trên thế giới và trong nước phát minh, phổ biến áp dụng rộng rãi hiện nay trong nhiều lĩnh vực như bảo quản hoa quả, rửa sạch rau sống vì Ozone tạo ra Oxy nguyên tử có tác dụng diệt khuẩn”.

“Oxy nguyên tử được tạo ra ứng dụng trong ngành y tế như chế phẩm nước Oxy già là một ví dụ. Việc sử dụng chế phẩm Oxy già sử dụng trong y tế cũng có nhiều nồng độ (thể tích) khác nhau tùy mục đích sử dụng nếu sử dụng ở nồng độ cao có thể làm cháy da hoặc niêm mạc, nếu nồng độ thấp thì hiệu quả thấp hoặc không có tác dụng", đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết thêm.

Trước đó, trao đổi với báo giới TS. Lương Ngọc Khuê Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, sau khi GS-TS. Nguyễn Văn Khải, thử nghiệm chữa bệnh TCM bằng nước Ozone tại Ninh Thuận, Hội đồng Khoa học Bộ Y tế đã có cuộc họp xem xét và nhận định:

Việc chữa bệnh bằng nước ozone cùng với chanh, muối chỉ có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh TCM trong giai đoạn 1 và 2 về ngoài da, làm se mặt ngoài da bị lở loét, chứ không có tác dụng chữa bệnh, không có tác dụng kháng bất cứ virus nào nên không được sử dụng cho bệnh nhân uống. Bởi lẽ, căn nguyên của bệnh TCM là do virus xâm nhập vào cơ thể người thông qua đường ruột, tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp sau đó phá hủy sức đề kháng của cơ thể.

Vì thế, trong văn bản gửi Nguoiduatin.vn, đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho rằng: "Việc khám bệnh, chữa bệnh cần tuân thủ quy định của pháp luật. Những tổ chức, cá nhân vi phạm luật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Hiện chưa có thuốc điều trị, phòng bệnh đặc hiệu

Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, nghiên cứu và thực tiễn phòng bệnh, điều trị bệnh của các nước trên thế giới và Việt Nam thì bệnh TCM là bệnh do virus đường tiêu hóa gây nên, hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị, diệt virus đặc hiệu để phòng chống dịch bệnh TCM.

Bệnh xuất hiện ở trẻ nhỏ và gây tử vong đặc biệt nhóm tuổi dưới 5 tuổi, bệnh lây theo đường tiêu hóa. Virus xâm nhập vào trẻ phát triển và gây tổn hại nhiều cơ quan như não, tim, gan, thận, phổi và biểu hiện ra ngoài bằng các dấu hiệu nhiễm khuẩn, suy giảm sức khỏe và nổi mụn ở tay, chân và miệng. Bệnh có thời gian diễn biến rất nhanh dẫn đến bệnh nặng hoặc tử vong trong mấy ngày đầu sau khi trẻ mắc bệnh.

Vương Trần