Thức ăn đường phố bị 'siết', người dân thờ ơ

Thức ăn đường phố bị 'siết', người dân thờ ơ

Thứ 2, 21/01/2013 | 14:19
0
Việc mất vệ sinh ATTP của gánh hàng rong đã khiến cho các cơ quan chức năng tốn nhiều công sức quản lý, khắc phục. Để góp phần đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng, Bộ Y tế đưa ra quy định mới bằng Thông tư 30/2012 cấp giấy chứng nhận cho hàng rong, thức ăn hè phố. Tuy nhiên, thông tư chưa được áp dụng đã gây ra nhiều tranh cãi cho người dân.

Thức ăn đường phố "mọc" khắp nơi

Trên một số tuyến đường tại TP.HCM, hầu hết  hàng rong đều không đạt chuẩn như Thông tư 30 của bộ Y tế đề ra. Tuy nhiên, tại các tuyến đường như: Cộng Hòa (quận Tân Bình), Cách Mạng Tháng Tám, bệnh viện Nhi đồng 1 (đường Lý Thái Tổ, phường 10, quận 10), trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bệnh viện 115, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1), hệ thống công viên việc buôn bán vẫn tấp nập và đông đúc. Những sạp hàng này, bày bán đồ ăn thức uống lộ thiên với ruồi, muỗi, bụi bẩn, còn người bán hàng không sử dụng găng tay ni-lon quy định khi bán hàng nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng.

Tại một điểm bán bánh ướt trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), chủ chiếc xe bánh ướt chỉ mất 20 giây để làm cho khách một hộp bánh ướt với đầy đủ giò, chả, nem, rau. Những hộp bánh ướt này đã được làm sẵn không biết từ bao giờ, đến khi có khách, chị chủ chỉ cần nhanh tay nhón ngay những miếng giò chả, bịch nước mắm là xong. Thậm chí, có những gánh hàng, người bán bày đồ ăn, thức uống không hề được che chắn bằng tủ kính mặc lòng đường, vỉa hè bụi bẩn cuốn mù mịt. Thế nhưng, người dân vẫn ung dung sử dụng những món đồ ăn rẻ tiền này mà không hề để ý đến những hệ luỵ đằng sau đó. Tại cổng bệnh viện Chợ Rẫy (quận 10, TP.HCM), anh L.V.Q (quê ở Long An) cho hay: "Nếu những gánh hàng rong bị dẹp bỏ sẽ khiến cho những người nhà bệnh nhân như chúng tôi lại càng trở nên khốn khó. Dù biết đây là những món ăn không đảm bảo vệ sinh nhưng chúng tôi vẫn phải ăn nhằm tiết kiệm chi tiêu".

Xã hội - Thức ăn đường phố bị 'siết', người dân thờ ơ

Phố bán bánh tét trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.Tân Bình

Khu vực tập trung nhiều hàng thức ăn đường phố bán rong phải kể đến các cổng trường học. Thức ăn ở đây bán với giá rẻ nên thu hút được lượng người mua rất lớn chủ yếu là sinh viên, học sinh.  Cho dù đã được cảnh báo về tác hại thức ăn đường phố nhưng vì thiếu thời gian, tiền bạc, nhiều học sinh vẫn coi đây là những món ăn lý tưởng. Trước cổng trường THCS Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình, TP.HCM), em N.T.V.A hồn nhiên nói: "Những món ăn vặt ở đây đã trở thành món quà không thể thiếu của chúng em mỗi ngày. Những lúc đói, em thấy những món ăn này ngon không kém thức ăn đắt tiền trong siêu thị".

Không chỉ thế, việc có mặt của các gánh hàng rong còn là một vấn nạn giao thông, lấn chiếm lòng lề đường, hè phố gây cản trở, ách tắc giao thông khiến lực lượng bảo vệ trật tự đô thị phải thường xuyên đi dọn đường. Để nhanh chóng thoát khỏi sự rượt đuổi của lực lượng chức năng, chủ những gánh hàng rong này không ngần ngại bỏ bớt những vật dụng trong khi thiết kế xe bán hàng như tủ kính che chắn khói bụi, bàn ghế. Nhiều quán hủ tiếu ven đường chỉ có một thùng nước để rửa hàng trăm cái tô dùng đi dùng lại. Điều này lại càng khiến cho nguy cơ ngộ độc vì thức ăn đường phố ngày càng tăng lên.

Điều đáng nói là, sau nhiều quy định nhằm dẹp bỏ gánh hàng rong của cơ quan chức năng, điểm bán hàng rong vẫn tăng lên vùn vụt. Theo con số thống kê của một số cơ quan chức năng tại TP.HCM cho biết: Tại phường 10 (quận Tân Bình) có gần 400 điểm bán hàng rong, phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) có 400 điểm, các quận khác có số điểm cao hơn gấp nhiều lần. Theo các nhà chức trách ở các quận huyện này cho biết, hiện con số đó chỉ là tương đối vì hàng ngày vẫn phát sinh nhiều điểm bán mới.

Nhiều kịch bản có thể xảy ra

Việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của gánh hàng rong khiến nhiều người phải mất mạng và khốn khổ vì ngộ độc thực phẩm. Hàng ngày, tại các bệnh viện con số ngộ độc vì thức ăn đường phố ngày càng tăng. Trước tình hình báo động này, bộ Y ế đã ban hành Thông tư 30/2012 ngày 5/12/2012 (có hiệu lực từ ngày 20/1/2013) quy định điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá nhân kinh doanh thức ăn đường phố. Ngoài những quy định cũ, điểm mới của Thông tư là người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn và được cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định. Đồng thời, người bán hàng phải được khám sức khoẻ và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe.

Trước quy định mới của bộ Y tế, hầu hết chủ gánh hàng rong trên địa bàn TP.HCM đều tỏ ra ngạc nhiên. Không chỉ vậy, mọi người còn hững hờ với những quy định này. Nhiều người cho rằng quy định chỉ mang tính chung chung, bắt chẹt người dân và khó có khả năng thực hiện triệt để. Đồng thời, không ít người ái ngại về những kịch bản xảy ra thể hiện sự hạn chế và các chiêu lách luật xung quanh quy định này.

Bà N.T.B. (45 tuổi) bán hàng nước trên đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), cho biết: "Tôi bán hàng từ nhỏ đến lớn ở đây chẳng khi nào lại phải học cách làm sao để đồ ăn sạch sẽ cả. Từ nhỏ tôi đã không được đi học, một chữ cắn đôi không biết, giờ bảo tôi phải học theo thông tư gì gì đó thì khó như lên trời". Bà L.N.A bán hủ tiếu bức xúc: "Tôi không hiểu các nhà chức trách đưa ra quy định này có cải thiện được gì cho tình hình khốn khó của gánh hàng rong hiện nay. Chúng tôi rất bức xúc vì mình chẳng hề ăn cắp nhưng khi lực lượng trật tự đô thị mỗi ngày đi dẹp hàng rong đều cư xử với chúng tôi còn hơn những tên… tội phạm".

Lo ngại về những hạn chế trong Thông tư 30/2012 của bộ Y tế, anh N.V.D (quê Long An) bán bánh tét trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.Tân Bình cho biết: "Chúng tôi bán hàng ở đây ngày nào chẳng bị rượt đuổi, bắt bớ. Theo quy định, nếu chúng được đi học, cấp chứng chỉ để hành nghề mà không bị truy đuổi nữa thì chúng tôi sẵn sàng bỏ thời gian để đi học. Thậm chí, nếu có phải đóng thuế chúng tôi cũng sẵn sàng. Tuy nhiên, tôi chỉ sợ rằng vấn đề quản lý và áp dụng thông tư nói trên không những không đem lại thuận lợi mà khiến cho chúng tôi càng khó khăn hơn. Bởi vì tình hình quản lý như hiện nay thì dù có được đi học chúng tôi vẫn bị rượt đuổi như thường".

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế lại cho rằng: Thông tư 30 khó lập lại trật tự của thức ăn đường phố. Điểm quy định mới mang tính hình thức, sẽ dẫn đến chuyện người bán hàng tìm cách đối phó. Ngay cả bằng đại học hay bằng lái xe, mà người ta vẫn có thể làm giả thì giấy chứng nhận như quy định này chẳng mấy khó khăn để có được. Còn về việc bắt người bán hàng rong phải trang bị dụng cụ đúng tiêu chuẩn vệ sinh sẽ khó thực hiện được. Bởi lẽ, người bán hàng rong thu nhập ba cọc ba đồng thì làm sao đủ kinh phí trang bị đầy đủ theo quy định. Trước tình hình trên, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn, TP.HCM), cho biết xã đang quản lý khoảng 200 điểm kinh doanh thức ăn đường phố. Trước khi Thông tư 30 ra đời, xã cũng có kiểm tra nhưng hầu như chưa thể xử lý triệt để bởi người kinh doanh thức ăn đường phố đa phần nghèo.

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, thức ăn đường phố là loại hình kinh doanh đặc thù ở TP.HCM, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động. Nhu cầu sử dụng thức ăn đường phố tương đối cao vì tiện lợi, hợp túi tiền người bình dân, công nhân nhập cư. Vì vậy, từ nay về sau TP.HCM sẽ quản lý chặt loại hình kinh doanh này để vừa đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, vừa phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng.    

Thơ Trịnh- Hoàng Minh

Hôm nay Bộ Y tế 'siết' hàng rong: Dân nghèo ăn đâu?

Chủ nhật, 20/01/2013 | 09:44
Hôm nay (20/1), thông tư 30 của Bộ Y tế về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ có hiệu lực. Nếu Bộ thực hiện "chặt" thì có thể ngàn người sẽ thất nghiệp.

Mông lung dự án “nâng đời” cho hàng rong

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
Sẽ không còn thấy cảnh dăm ba cô túm năm tụm ba bên những gánh bún đậu mắm tôm vỉa hè; không còn nghe tiếng rao: "Cháo trai ơ..." mỗi buổi chiều muộn trong nhiều con phố nhỏ. Bức tranh phố xá Hà Nội sẽ phong quang hơn nếu một đề án mới về quản lý hàng rong được thực hiện...

Cần sắp xếp lại hàng rong

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Mặc kệ biển báo cấm, nhiều người vẫn cứ thảnh thơi buôn bán chốn cửa chùa gây mất trật tự, vệ sinh.

Gánh hàng rong

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
Có một cái chợ chưa từng có tên gọi, chưa từng có địa chỉ cụ thể, cũng chưa ai hình dung được vóc dáng nó ra sao.

Sẽ kiểm tra nghiêm ngặt thực phẩm bán phụ vụ Tết

Thứ 3, 08/01/2013 | 08:45
Ngày 7/1, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: Tết Nguyên đán và các Lễ hội mùa xuân sau Tết Nguyên đán là dịp nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, do đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm gia tăng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, các dịch vụ ăn, uống phục vụ nhu cầu của thực khách tại các khu lễ hội thường là hoạt động kinh doanh thời vụ, có nơi phát triển tự phát nên khó tránh khỏi các vấn đề không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bài toán chưa lời giải trước nỗi lo thực phẩm “bẩn”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
Thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra nhiều vụ buôn bán nội tạng động vật không rõ nguồn gốc. Theo nhiều chuyên gia, số lượng bị phát hiện thu giữ trên không đáng kể so với lượng đã tiêu thụ. Nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán, tình trạng buôn bán thực phẩm bẩn lại càng nóng hơn nữa, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.