Bộ y tế vẫn chưa có giải pháp khống chế bệnh lạ

Bộ y tế vẫn chưa có giải pháp khống chế bệnh lạ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
"Bệnh lạ" ở Quảng Ngãi được giới y học gọi là Hội chứng viêm da dày sừng bàn chân, bàn tay dù cả trăm chuyên gia vào cuộc nhưng vẫn chưa tìm được nguyên nhân.

Người dân đã bước qua ngưỡng cửa tâm linh để chữa bệnh theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Song số ca tử vong vẫn tăng, số người chữa khỏi bệnh lại tái phát khiến dư luận lo lắng, người dân băn khoăn, bất an…

Xã hội - Bộ y tế vẫn chưa có giải pháp khống chế bệnh lạBộ trưởng Bộ Y tế (người bên phải) về vùng "bệnh lạ" tiếp xúc tìm hiểu tình hình qua các bệnh nhân.

Hội chứng bệnh độc nhất trên thế giới

Đại diện Bộ Y tế khẳng định cho đến nay nguyên nhân của "bệnh lạ" đến nay vẫn chưa tìm ra, mặc dù Bộ đã có các đoàn công tác điều tra thực địa, khảo sát và đánh giá các mẫu xét nghiệm. Bệnh nhân mắc bệnh tập trung chủ yếu ở xã Ba Điền, đặc biệt là Làng Rêu với 106 người, có 7 hộ gia đình có 100% thành viên trong gia đình mắc bệnh.

Đại diện Bộ này khẳng định: "Có nhiều nấm mốc và phát hiện thấy Aflatoxin trong mẫu lúa ủ, gạo ủ mà người dân sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Nguy cơ mắc bệnh của người ăn gạo ủ, mốc tăng nhiều. Theo y văn nói tới, Aflatoxin là tác nhân gây ra tổn thương gan, ung thư gan. Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân được nghĩ nhiều đến nguyên nhân nhiễm độc trên cơ địa người bệnh có tình trạng dinh dưỡng kém và thiếu vi chất. 94 mẫu xét nghiệm của người bệnh đều thiếu Vitamin B3 trong máu".

GS.TS Lương Ngọc Khuê -cục trưởng Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế cho rằng: "Nguyên nhân của bệnh chưa được xác định, tuy nhiên Bộ khẳng định chưa tìm được nguyên nhân vẫn phải điều trị tích cực nhằm giảm số người tử vong và giảm số người nhiễm mới.

Chúng tôi có phối hợp với nhiều chuyên gia nhưng chưa tìm ra được hội chứng nào, loại bệnh nào trên thế giới có triệu chứng tương tự như ở Ba Tơ - Quảng Ngãi. Có những bệnh chỉ giống về tổn thương da, không có men gan tăng; có bệnh giống về tổn thương gan nhưng không giống tổn thương da. Vì vậy, Bộ vẫn tiếp tục truy tìm căn nguyên gây bệnh".

Vì chưa tìm được nguyên nhân của "bệnh lạ" nên mọi giải pháp tổng thể được Bộ Y tế triển khai như vệ sinh môi trường sống, cấp gạo cho người dân ở đây để họ không ăn gạo ủ, gạo mốc.

Nhưng theo ý kiến của lãnh đạo huyện Ba Tơ, người dân bao đời vẫn ăn gạo ủ, gạo này không phải là gạo mốc. Việc Bộ Y tế chậm tìm ra nguyên nhân của bệnh nên mọi thứ đều... khả nghi. Chính vì lẽ đó, người dân mắc bệnh "độc nhất vô nhị" trên thế giới này vô cùng lo lắng trong khi Bộ Y tế vẫn... chạy vòng quanh với nhiều xét nghiệm.

Trao đổi với PV báo ĐS &PL, nguyên cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế) TS Trần Đáng cho rằng: "Thực tế tôi cũng không tham gia điều tra nên không dám đưa ra kết luận. Việc này cực kỳ hệ trọng nên cần phải căn cứ trên cơ sở khoa học”.

Việt Nam hoàn toàn có thể tìm ra được nguyên nhân?

Xã hội - Bộ y tế vẫn chưa có giải pháp khống chế bệnh lạ (Hình 2).
TS. Nguyễn Văn Khải

Theo quan điểm của "ông già ô zôn" - TS Nguyễn Văn Khải, Bộ Y tế đã “độc quyền” trong việc chẩn đoán, tìm nguyên nhân và chữa bệnh. "Tại sao Bộ không mở hội thảo, để các chuyên gia đóng góp, tìm ra nguyên nhân điều trị căn bệnh này?Tại sao chỉ Bộ Y tế làm mà không có sự góp mặt của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn? Trong khi đang có sự nghi ngờ nhiễm độc nguồn nước, đất, lương thực, thực phẩm… Bộ Y tế chưa làm được sao không công bố để nhiều bên cùng tham gia, sớm tìm ra nguyên nhân và phương pháp xử lý? K

hông nên để thêm ca tử vong nào nữa. Tôi cho rằng, công nghệ máy móc cộng với chuyên gia của Việt Nam hoàn toàn có thể tìm ra được nguyên nhân nhưng tại sao mãi đến thời điểm này vẫn "giậm chân tại chỗ?”, TS Khải đặt câu hỏi.

Số bệnh nhân tử vong thời gian tới sẽ giảm?

Theo quan điểm của TS Trần Đáng, chúng ta hoàn toàn có khả năng điều tra được mầm mống của căn bệnh này. Điều quan trọng là khâu tổ chức, phác đồ điều trị có vấn đề. "Liệu đã mời đúng chuyên gia, đã đi đúng hướng chưa? Nước ta có rất nhiều nhân tài, liệu đã tạo điều kiện để họ nhập cuộc chưa? Cứ nay phác đồ, mai lại phác đồ mà kết quả người bệnh càng nhiều thêm, thậm chí xuất hiện nhiều người tử vong...

Theo tôi, sau một thời gian, nếu trong nước không điều tra được, có lẽ cũng nên mời thêm các chuyên gia y tế nước ngoài vào cuộc để truy tìm", TS Trần Đáng nói. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ Y học, đại biểu Quốc hội cho biết:

"Tôi nghĩ, Bộ Y tế và những cơ quan liên quan phải vào cuộc mạnh hơn nữa. Trường hợp không tìm ra được nguyên nhân căn bệnh, cần kêu gọi sự giúp đỡ của Tổ chức Y tế Thế giới, những nhà chuyên môn quốc tế. Không nên nay kết luận, mai kết luận, để người dân tiếp tục lo lắng, gây mất lòng tin vào các cơ quan có thẩm quyền.

Nếu không chữa trị sớm dân tình sẽ hoang mang cho rằng có thể đó không phải là bệnh, mà là do những thế lực siêu nhiên đang hại con người. Thực tế, địa bàn mắc bệnh là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết hạn chế, những đồn đoán xung quanh căn bệnh này là hoàn toàn có căn cứ. Để an lòng dân lúc này, không có cách nào khác là tìm ra được nguyên nhân của căn bệnh. Đối với ngành y, lòng tin dường như đã mai một dần?".

Bác sĩ Hồng cũng đánh giá, căn bệnh trên liên quan đến rất nhiều ngành từ hóa học, vi sinh học... nên cần có sự tham gia của các nhà khoa học về ngành này.

"Tôi băn khoăn, tại sao đến thời điểm này, Bộ Y tế vẫn chưa yêu cầu sự giúp đỡ, hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn? Rõ ràng, họ nghi ngờ gạo người dân ăn bị nhiễm độc, sao không yêu cầu Bộ NNPTNT nghiên cứu, đánh giá. Có vẻ như Bộ Y tế vẫn bảo lưu quan điểm, ôm đồm trong công việc của mình mà chưa muốn chia sẻ cho các ngành liên quan?

Thậm chí, do tư tưởng chủ quan, duy ý trí, một số người trực tiếp thu thập chứng cứ một mực khẳng định rằng những điều tra của mình là đúng?... Tôi có cảm giác, ngành y tế trong nước đang hết sức tự tin trước sau gì cũng tìm ra nguyên nhân, nhưng thực tế thời gian đã quá lâu, đã hơn một năm. Làm như thế là gây bất lợi cho việc điều tra, sẽ khiến sự việc càng diễn biến phức tạp thêm", ông Hồng nói.

Đem thắc mắc về căn bệnh lạ đang "tác oai tác quái" thời gian qua tại Quảng Ngãi liên lạc với "ông già ô zôn" TS Nguyễn Văn Khải, ông này tỏ ra khá bức xúc với vòng chữa trị luẩn quẩn của Bộ Y tế.

TS Khải phân tích: "Thực tế bệnh này đã có từ lâu và phạm vi ảnh hưởng trên toàn quốc. Các cơ quan y tế nói rằng đó là "bệnh lạ" xem chừng không được hợp lý cho lắm. Tính từ ngày 19/4/2011 đến nay đã hơn một năm, đau xót nhất, sau khi Bộ Y tế ra pháp đồ lần 1 và 2 đã có một số bệnh nhân tử vong. Điều đó chứng tỏ phác đồ của Bộ Y tế trong điều trị căn bệnh này có vấn đề? Một vòng luẩn quẩn từ đầu đến cuối.

Lúc đầu, Bộ Y tế bảo rằng nhiễm độc từ bọ chét nhưng như thế là thiếu căn cứ, bởi thực tế nhiều người có bị bọ chét cắn đâu. Chưa dừng lại, Bộ Y tế đưa ra kết luận, do gạo mốc. Nhưng tôi xin khẳng định, đây chỉ là loại gạo ủ của dân địa phương. Thực tế, tôi đã từng vào giúp dân Quảng Ngãi năm 2004, cũng từng ăn loại gạo này và thấy rất ngon. Nhiều đời nay, người dân ăn như vậy có sao đâu".

Trước thực tế này, Bộ Y tế cũng phân trần đã chia sẻ mẫu xét nghiệm với các tổ chức y tế, trong giai đoạn nghiên cứu là Bộ các cơ quan chuyên môn đã phối hợp với các phòng thí nghiệm chuẩn thức quốc tế phân tích các mẫu thu được trên thực địa. Với biện pháp can thiệp tích cực đã được triển khai, Bộ Y tế khẳng định số bệnh nhân tử vong trong thời gian tới sẽ giảm.

Vương Hà - Anh Đức