"Bóc mẽ" bác sỹ kê đơn thuốc ăn hoa hồng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Trước thực trạng y đức đang xuống cấp của một bộ phận thầy thuốc, mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) đã có một sáng kiến khá hay, đó là “bình toa thuốc”.

Các toa thuốc do bác sỹ kê sẽ được lưu trên mạng nội bộ của bệnh viện, sau đó được một tổ chuyên môn kiểm tra, đánh giá. Khi thấy toa thuốc có vấn đề, ban giám đốc sẽ xem xét, thậm chí gửi đi thẩm định và lấy ý kiến từ các chuyên gia, bác sỹ, dược sỹ đầu ngành. Các bác sỹ kê toa “có vấn đề” sẽ bị nhắc nhở. Vì vậy, tình trạng lạm dụng kháng sinh, kê toa bừa bãi sẽ giảm. Đây cách làm có lợi cho bệnh nhân, đồng thời góp phần nâng cao lòng tin của người dân vào đội ngũ y bác sỹ hiện nay.

TS. Nguyễn Quốc Anh, giám đốc bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Lạm dụng trong kê đơn thuốc, đặc biệt lạm dụng thuốc kháng sinh là tình trạng nhức nhối của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Với cơ chế chính sách BHYT ở nước ta hiện nay, phía các cơ sở y tế là nơi điều trị cho bệnh nhân BHYT rất mong muốn bệnh nhân được điều trị tốt, đầy đủ thuốc để sớm khỏi bệnh. Còn cơ quan thanh toán chi phí BHYT cho người bệnh là BHXH thì lại lo sợ nguy cơ “vỡ quỹ BHYT” do bác sĩ kê đơn “vung tay quá trán”. Trên thực tế, với cùng một bệnh nhưng mỗi trường hợp khác nhau phải điều trị khác nhau. Do vậy việc kê đơn sử dụng thuốc cũng sẽ khác nhau. Việc lạm dụng kháng sinh, theo tôi còn xuất phát từ chính bác sỹ, nếu sử dụng thuốc kháng sinh mạnh bệnh sẽ mau khỏi, các vết sẹo sẽ liền nhanh hơn".

Bà Tống Thị Song Hương, vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế: "Ngay từ quý I/2012, Vụ đã phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế, các đoàn kiểm tra của BHXH Việt Nam tổ chức kiểm tra công tác khám chữa bệnh BHYT, quản lý và sử dụng quỹ BHYT tại 12 BV trực thuộc Bộ và một số BV đa khoa tỉnh, BV Nhi, BV Điều dưỡng phục hồi chức năng… trên toàn quốc. Trong đó đã phát hiện không ít vi phạm về kê đơn thuốc tại các bệnh viện. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra việc thực hiện BHYT, tập trung thực hiện quy chế chuyên môn chống lạm dụng quỹ BHYT. Đặc biệt, cơ quan BHXH tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT. Cụ thể, sẽ tăng cường giám định hồ sơ theo tỷ lệ xác suất để kiểm soát việc lạm dụng thuốc, dịch vụ y tế để nhằm hạn chế bất cập trong vấn đề kê đơn, sử dụng thuốc".

TS. Lý Ngọc Kính, nguyên cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nêu quan điểm: "Khoa dược tại hầu hết các bệnh viện trong cả nước hiện đều thiếu nhân lực. Còn đối với dược sỹ lâm sàng thì mỗi bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy (TP. HCM) cũng chỉ có vài người. Họ đều làm nhiệm vụ của dược sỹ lâm sàng đa khoa, không đủ điều kiện để nghiên cứu tác dụng của thuốc chuyên khoa sâu, biệt dược nên không thể đánh giá và tư vấn về tác dụng của thuốc cho bệnh viện. Vấn đề đặt ra, chúng ta cần phải có các chính sách đào tạo, bổ sung dược sỹ lâm sàng cho các bệnh viện nhằm tăng cường năng lực kiểm soát cung ứng thuốc cho bệnh viện và giám sát việc kê đơn của bác sỹ. Bởi trách nhiệm của khoa dược bệnh viện là phải thẩm định được chất lượng các loại thuốc, thường xuyên cung cấp thông tin cho bác sỹ về tác dụng của từng dược phẩm, đồng thời theo dõi lâm sàng và giám sát việc kê đơn của bác sỹ".

Tiến sĩ Jean Marc - Olive, nguyên Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chia sẻ: "Không có thống kê về mức độ sai sót của các bệnh viện và các cơ sở y tế khi kê đơn thuốc tại Việt Nam. Năm 2006, Bộ Y tế Việt Nam đã cảnh báo về chứng xơ hóa cơ delta. Ước tính khoảng 16.000 trẻ đã bị teo cơ delta do tiêm một lương lớn kháng sinh vào các cơ đang phát triển. Hậu quả là trẻ bị suy nhược và tiêu tốn một lượng lớn tiền của nhà nước và của cả gia đình bệnh nhân. Trong khi đó thuốc là một hàng hóa đặc biệt, liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người. Nó là con dao hai lưỡi, nếu sử dụng đúng, hợp lý thì có tác dụng chữa bệnh nhưng nếu có sai sót thì có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường".

GS.TS Hoàng Văn Thuận, chủ nhiệm Bộ môn Nội Thần kinh, Bệnh viện 108 cho biết: "Để chữa một căn bệnh nào đó, bên cạnh thuốc đặc trị sẽ có một số loại thuốc đi kèm nhằm tăng cường, hỗ trợ sức khỏe người bệnh. Có một số thuốc đặc trị hiện trên thị trường chưa có thuốc thay thế nhưng cũng có một số loại thuốc có thể thay thế tương ứng. Phần lớn, các bác sỹ hiện nay đều có xu hướng kê đơn theo thuốc ngoại vì nghĩ chất lượng thuốc ngoại tốt, có hiệu quả cao trong công tác điều trị bệnh. Tuy nhiên, thuốc nội cũng có nhiều loại tốt, chất lượng không thua kém thuốc ngoại mà giá thành lại rẻ hơn rất nhiều lần. Do vậy, cần phải tính toán sao cho hợp lý trong việc kê đơn thuốc vừa có hiệu quả tích cực trong chữa bệnh vừa có thể hạn chế tối đa chi phí cho người bệnh"..

Chị Nguyễn Thùy Linh, trú tại tỉnh Lào Cai nêu quan điểm: "Mỗi người bệnh khi đến bệnh viện, các cơ sở y tế khám chữa bệnh đều đặt niềm tin tuyệt đối vào các y bác sỹ. Do vậy, việc các bác sỹ kê đơn thuốc ra sao, như thế nào người bệnh đều một mực tuân theo. Thế nhưng, hiện tại có một số y bác sỹ đã lạm dụng vào kê đơn thuốc để trục lợi đã gây tổn hại không nhỏ về kinh tế đối với người bệnh. Do vậy, người dân chúng tôi chỉ mong sao các y bác sỹ hãy vì cái tâm của mình để giúp đỡ những người bệnh nghèo. Đặc biệt khi mọi người dân đến các bệnh viện khám chữa bệnh có cái nhìn về đội ngũ y bác sỹ theo đúng nghĩa của nó, đó là một nghề cao quý, là nghề chữa bệnh cứu người".

Có những đơn thuốc kê hơn 20 loại

Theo kết quả khảo sát được thực hiện tại một số bệnh viện tuyến Trung ương mới đây cho thấy, trên 50% số đơn thuốc được bác sỹ kê từ 6 - 10 loại thuốc, 10% đơn kê 11 - 15 loại và gần 2% đơn kê từ 16-20 loại, cá biệt có đơn kê trên 20 loại. Đáng chú ý là thuốc kháng sinh được kê một cách lạm dụng, vô tội vạ trong nhiều đơn thuốc. Theo đánh giá của Hội đồng Thuốc và điều trị (Bộ Y tế, trong số này có những đơn kê không tương ứng với tình trạng bệnh được chẩn đoán. Một số đơn còn xuất hiện cả những loại thuốc bị giảm tác dụng khi uống cùng lúc. Ngoài ra việc dùng chung nhiều loại thuốc khác nhau có thể làm tăng độc tính, thậm chí dẫn đến phản ứng xuất huyết, suy tạng, tử vong…

Hoàng Anh-Lê Tuấn