Bóc mẽ

Bóc mẽ "dự án nuôi tê giác lấy sừng" của tội phạm Nam Phi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Bọn tội phạm thường yêu cầu đặt cọc trước tối thiểu 10% giá trị hợp đồng qua hình thức điện chuyển tiền. Tuy nhiên, sau giao dịch đó, đã không ít người ngậm đắng mà không thể kêu ai bởi "đối tác" đã "cao chạy xa bay" không để lại một thông tin.

Thời gian vừa qua, nhiều cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam lên cơn "sốt" với các loại sừng tê giác có nguồn gốc Nam Phi và việc tìm đối tác đầu tư cổ phần trị giá 1 triệu USD cho dự án nuôi tê giác lấy sừng tại nước này do một cá nhân từ nước ngoài gửi về qua email. Thư giới thiệu về dự án trên đưa ra những đảm bảo khá hấp dẫn cho người đầu tư, như khả năng thu hồi vốn trong vòng một năm, kèm một số hình ảnh minh họa được tải từ internet nhằm tăng tính thuyết phục…

Xã hội - Bóc mẽ 'dự án nuôi tê giác lấy sừng' của tội phạm Nam Phi

Người Việt Nam xem sừng tê giác là "thần dược"

"Phát sốt" với sừng tê giác Nam Phi

Thời gian qua nhiều người Việt Nam đổ xô săn lùng sừng tê giác để chữa bệnh. Những người này tin rằng, sừng tê giác có thể chữa được nhiều bệnh mà y học bó tay. Tìm hiểu thông tin qua một đầu nậu chuyên mua bán kinh doanh sừng tê giác tại TP.HCM, người này tiết lộ: "Việc tìm một sừng tê giác có nguồn gốc từ tê giác châu Á là rất khó khăn. Bên cạnh đó, những người mua sừng tin rằng, sừng tê giác Nam Phi có nhiều tác dụng hơn trong việc chữa bệnh, hợp với thị hiếu và sức khỏe của người Việt Nam. Vì thế, sừng hay những sản phẩm làm từ sừng tê giác Nam Phi luôn được ưa chuộng. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn nhảy vào kinh doanh lĩnh vực béo bở này".

Ông Nguyễn Trường Nguyên, ngụ đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP.HCM) cho biết: "Theo quan niệm được gọi là "y học cổ truyền châu Á", những người đàn ông giàu có còn tin rằng, sừng tê giác có tác dụng tốt trong sinh hoạt và kích thích tình dục. Nhưng họ đâu biết rằng, chính việc sử dụng sừng tê giác sẽ gây ra mối đe dọa tuyệt chủng cho loài này trong tương lai gần".

Không ít người cũng tin rằng sừng tê giác Nam Phi có tác dụng chữa những bệnh nan y. Vì niềm tin mù quáng, họ sẵn sàng bỏ ra hàng ngàn USD mua sừng tê giác với mong muốn sẽ khỏi bệnh. Anh Đinh Hà, ngụ Xuân Lộc (Đồng Nai) khẳng định: "Sử dụng sừng tê giác có thể chữa được bệnh ung thư giai đoạn cuối. Không chỉ thế, trong trường hợp trẻ em bị sốt cao, uống thuốc không khỏi, có thể pha bột sừng tê giác với nước cho uống sẽ hạ sốt ngay sau đó". Anh Hà còn dẫn chứng trường hợp người đàn ông gần nhà đã khỏi bệnh ung thư vì dùng sừng tê giác.

Chị Trần Thị Xinh, một nhân viên môi giới bất động sản cho hay: "Sừng tê giác còn được dùng làm quà biếu trong những dịp lễ, tết. Nhiều người dùng thứ vật phẩm xa xỉ này nhằm thể hiện lòng quý mến đối với người khác, hay lòng "trung thành" với cấp trên của mình. Trong nhiều trường hợp, sừng tê giác còn được sử dụng như một loại tiền tệ. Mỗi kg sừng tê giác có giá hơn 45.000 USD, giá trị này sẽ thay đổi theo hướng tăng lên qua nhiều khâu trung gian.

Chính vì thế, nó còn được dùng làm vật trả trước cho một căn hộ, một vật phẩm đắt tiền nào đó. Thông thường, người trả sừng tê giác thay cho tiền bạc bao giờ cũng có lợi hơn là tiền mặt, nên nhiều người rất ưa chuộng".

Công bằng mà nói, sừng tê giác cũng có một vài tác dụng giúp cải thiện sức khỏe, nhưng không có quá nhiều công dụng như mọi người thường tưởng. Việc săn lùng sừng tê giác chữa bệnh yếu sinh lý, ung thư giai đoạn cuối… chỉ là chuyện đồn thổi, chưa có công trình khoa học nào khẳng định điều đó.

Xã hội - Bóc mẽ 'dự án nuôi tê giác lấy sừng' của tội phạm Nam Phi (Hình 2).

Ông Lý Quốc Hùng, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương)

Lừa đảo bằng hình thức điện chuyển tiền

Theo tìm hiểu của PV Người đưa tin, thời gian gần đây một số người ở Việt Nam nhận được email từ một cá nhân giới thiệu là Flip Pretorius đến từ châu Phi và đang tìm kiếm cá nhân muốn mua sừng tê giác Nam Phi và tìm đối tác đầu tư cổ phần trị giá 1 triệu USD vào dự án nuôi tê giác lấy sừng tại nước này. Kèm theo đó là file giới thiệu dự án nuôi, khai thác sừng tê giác hợp pháp ở Nam Phi và các cổ đông tham gia có quyền mua bán và vận chuyển sừng tê giác ra nước ngoài…

Một nguồn tin từ Công an TP.HCM cho biết, các đối tượng lừa đảo ở Nam Phi rất tích cực gửi email cho nhiều người tại Việt Nam. Hiện chưa thống kê được số lượng người đã tham gia dự án này và đặt mua tê giác. Tuy nhiên, chắc chắn các đối tượng này đã lừa được không ít người.

Một chuyên gia bảo vệ người tiêu dùng của Bộ Công thương cho biết, các tên tội phạm Nam Phi sau khi gửi email đến một cá nhân hoặc đối tác, nếu nhận được phản hồi, chúng sẽ tung ra chiêu lừa đảo. Thủ đoạn thấy rõ của bọn tội phạm này là chào hàng sản phẩm là sừng tê giác, thỏa thuận ký hợp đồng bán hàng với điều kiện hấp dẫn và yêu cầu đặt cọc tối thiểu 10% giá trị hợp đồng (thông thường từ 10.000 - 50.000 USD) qua hình thức điện chuyển tiền. Sau khi cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền thực hiện hợp đồng, đối tượng liền chấm dứt mọi giao dịch, thông tin liên hệ, không thực hiện việc giao hàng như hợp đồng đã ký.

Ông Trần Văn Toản (ngụ đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM), một người nhận được email mời hợp tác làm ăn của tội phạm châu Phi cho biết: "Những kẻ lừa đảo sử dụng thủ đoạn không tinh vi, nhưng khiến không ít người sập bẫy. Đó là do chúng nắm được tâm lý và thị hiếu khách hàng. Người bị lừa thường không biết một thông tin nào từ "đối tác" của mình, do đó không thể tố giác chúng với cơ quan chức năng.

Những mặt hàng có giá trị cao như sừng tê giác thì dù mới chỉ đóng trước 10% cũng đã mất một khoản không nhỏ. Để khỏi mất tiền oan, mọi người nên nhờ người thân định cư hay đi du lịch nước ngoài đến địa chỉ ghi trong email gửi để xác minh chính xác trước khi quyết định đầu tư".

Thận trọng với các giao dịch qua internet

Theo ông Lý Quốc Hùng, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương) thì đây là hình thức lừa đảo mới xuất hiện tại Việt Nam thời gian qua. Mặc dù chiêu lừa đảo không quá tinh vi, song lại nhắm trúng vào nhu cầu về sừng tê giác của người châu Á, người Việt Nam thời gian qua. Trước tình hình trên, Bộ Công thương cảnh báo các cá nhân và doanh nghiệp trong nước cần nâng cao cảnh giác và thận trọng trong các giao dịch thông qua internet với các đối tượng nước ngoài, đặc biệt từ Nam Phi.

C.T - T.N