Bóc mẽ mánh khóe Trung tâm giới thiệu việc làm

Bóc mẽ mánh khóe Trung tâm giới thiệu việc làm

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Chỉ với một diện tích mặt bằng nhỏ, vài ba bộ bàn ghế và một tấm bảng ghi chi chít những thông tin tuyển dụng, các Trung tâm GTVL vẫn ngang nhiên tồn tại.

Hằng ngày, luôn có những "con mồi" là sinh viên, người lao động tìm đến mong kiếm được việc làm phù hợp và họ nghiễm nhiên lọt vào bát quái trận đồ.

Mật ngọt chết người

Khi vừa bước chân đến một Trung tâm GTVL, Ngọc Trân - quê Long An, sinh viên năm 3 trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình 2 - được chị nhân viên còn rất trẻ tư vấn cho hàng loạt công việc bán thời gian như: Phát tờ rơi, trực điện thoại, nhân viên phục vụ... Sau quá trình tìm hiểu, Trân chọn việc trực điện thoại. "Đồng ý thì ký vào hợp đồng và nộp lệ phí 100 ngàn đồng, không cần hồ sơ chỉ nộp Chứng minh nhân dân photo là đủ". Nói xong, chị ta đưa cho Trân tờ giấy ghi địa chỉ công ty, nơi Trân sẽ tới làm việc. Lần theo địa chỉ ghi trên tờ giấy, Trân sửng sốt vì địa chỉ đó là nhà của một người dân.

Trân tức tốc quay lại, chị nhân viên ngọt ngào: "Do lỗi đánh máy sai số nhà". Lần này Trân được giới thiệu tới đúng địa chỉ công ty trực điện thoại nhưng khi vào hỏi thì người quản lý nói đã đủ người rồi không nhận nữa. Trân buồn bã quay lại lần nữa thì vẫn giọng mời chào thánh thót, chị nhân viên tư vấn nói: "Em ráng chờ ít bữa nữa có việc phù hợp chị sẽ liên hệ với em ngay".

Trân không đủ kiên nhẫn và cũng mệt mỏi vì phải chạy ngược chạy xuôi, lần này Trân xin rút lại phí. Trân được trả lại 40 ngàn đồng, số còn lại bị trừ vào 2 lần giới thiệu, mỗi lần trừ 30%.

Theo địa chỉ Trân giới thiệu, chúng tôi tìm đến Công ty TNHH TM-DV Linh Tâm tọa lạc trên đường Nguyễn Chí Thanh (Q5). Nhìn bên ngoài không thể nhận ra đây là một công ty vì cửa kính màu đen luôn luôn đóng kín. Diện tích mặt bằng khoảng 16 m2 với 5 bộ bàn ghế kê liền kề nhau. 5 nhân viên mỗi người chịu trách nhiệm một mảng: du lịch, tư vấn, gia sư...

Khi nghe chúng tôi trình bày thời gian, công việc muốn tìm, chị nhân viên niềm nở tư vấn ngay hàng loạt công việc thời vụ cũng giống y như kịch bản Trân kể với chúng tôi. Nào là "Giờ đang là mùa hè, người ta cần nhiều người lắm, làm giỏi sẽ có thưởng rồi được ưu tiên cân nhắc nhiều lợi ích sau này". Nào là những lời có cánh đi vào lòng người: "Nếu các em là sinh viên thì nộp 100 ngàn còn không thì nộp 120 ngàn vì đây là công ty ưu tiên cho những sinh viên. Nếu thấy công việc không phù hợp sẽ đổi lại còn không muốn nữa thì công ty sẽ trả lại tiền phí".

Thấy chúng tôi thắc mắc "Vậy hoàn trả toàn bộ hay sao?", chị nhân viên nghiêm giọng: "Các em nghĩ sao mà hoàn trả toàn bộ. Công ty sẽ trừ phần trăm tiền phí tư vấn, giới thiệu liên hệ nữa chứ". Còn trừ bao nhiêu thì nhận được câu trả lời còn tùy mức độ tính chất công việc của từng người. Thấy chúng tôi hỏi nhiều, chị nhân viên tỏ ra khó chịu: "Thế nào, đã suy nghĩ kỹ chưa? ở đây chị giới thiệu cho nhiều người rồi, tỷ lệ thành công là rất cao, các em nhanh chân ký hợp đồng để chị còn tiếp người khác".

Quả thật phía sau chúng tôi còn 4 - 5 "con mồi" đang ngồi thấp thỏm chờ đợi đến lượt mình tư vấn. Cảm thấy không ổn, chúng tôi hẹn ngày mai quay lại. Sợ vuột mất "con mồi", chị ta đổi giọng dịu dàng: "Giờ các em cứ đóng phí rồi mai đi gặp chủ cũng được". Chúng tôi viện lý do nhà xa, tiền mang theo thì ít, chị nhân viên tỉ tê: "Vậy có 50 ngàn không? Nộp thế chân rồi mai chị để phần công việc cho". Khi nhận ra thái độ cương quyết của chúng tôi, chị nhân viên đành miễn cưỡng: "ừ thôi các em về đi, ngày mai tới sớm nha, có bạn thì rủ cùng đi nữa, ở đây các chị không thiếu việc đâu".

Không chỉ riêng Trân mà còn rất nhiều người lao động khác đã và sẽ rơi vào bẫy tuyển dụng của các Trung tâm này. Chỉ cần đưa ra những lời hứa hẹn về một công việc tốt, thu nhập cao, thủ tục đơn giản cũng đủ khiến người lao động cả tin, nhẹ dạ trở thành nạn nhân bất chấp phải đóng các loại phí thế chân, đồng phục...

Các trung tâm này trung bình mỗi ngày tiếp khoảng 15 - 20 "con mồi" và nghiễm nhiên bỏ túi từ 1 - 3 triệu đồng/ngày. Chỉ có người lao động là thiệt thòi, vừa không có việc làm vừa mất trắng các khoản phí đã đóng. Hình thức trục lợi từ các trung tâm đó là móc nối với nhau để đùn đẩy người xin việc từ trung tâm này qua trung tâm khác hoặc mượn muôn ngàn lý do để sa thải người lao động.

Lợi dụng các trang web miễn phí, họ đăng tải và liên tục cập nhật các thông tin tuyển dụng mới. Cùng với mánh lới gia hạn thời gian xét tuyển, họ thu lệ phí xét tuyển từ những người mới đến. Khi "con mồi" đã không còn khả năng hoặc cảm thấy mệt mỏi, nản chí rồi bỏ cuộc thì họ lại chuyển sang "giăng bẫy" những đối tượng khác cũng đang có nhu cầu việc làm.

Từ số điện thoại ghi trên tờ rơi dán cột điện, chúng tôi tìm đến địa chỉ trên đường Cách mạng Tháng Tám (quận Tân Bình). Trung tâm này có tên: Chi nhánh Công ty TNHH- TM- DV xuất nhập khẩu Việt Phát và ở dưới ghi Trung tâm Linh Đan. Tiếp chúng tôi là một nhân viên nữ còn khá trẻ, lịch sự, nhỏ nhẹ hướng dẫn và tư vấn đặc thù của từng công việc và luôn kèm theo câu nói: "Việc này rất phù hợp với các em, lương lại cao".

Kịch bản hướng dẫn, tư vấn thì không khác gì những công ty chúng tôi đã đến nhưng có một điểm khác đó là: Lệ phí đối với sinh viên là 80 ngàn, người lao động là 120 ngàn đồng. Nhưng khi chúng tôi cầm tờ quảng cáo thì lại ghi "Tư vấn miễn phí cho sinh viên, người lao động; không thu phí người lao động".

Thấy chúng tôi thắc mắc, chị nhân viên bèn phân bua, "trường hợp người lao động quá khó khăn, có giấy tờ chứng thực thì công ty sẽ xem xét miễn phí". "Vậy tại sao không ghi rõ trong tờ quảng cáo, mà ghi chung chung như vậy thi ai mà biết" - Chúng tôi phản ứng. Không để chúng tôi hỏi thêm, chị nhân viên nhanh chóng chuyển sang chủ đề tư vấn việc làm.

Muôn hình vạn trạng

Ngày 28/2/2005, Chính phủ đã ra Nghị định số 19/2005/NĐ/CP quy định điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của Trung tâm GTVL. Theo đó, cá nhân, tổ chức nào muốn thành lập Trung tâm GTVL phải có giấy phép của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, chịu sự quản lý của Sở, tên Trung tâm phải kèm theo tên địa phương, tên cơ quan, bộ, tổ chức chính trị, xã hội hoặc tên đối tượng phục vụ.

Trung tâm phải có ít nhất 5 cán bộ có trình độ từ cao đẳng trở lên, đội ngũ quản lý phải có lý lịch rõ ràng, không có tiền án, tiền sự. Trên thực tế, không biết bao nhiêu trung tâm đáp ứng đủ quy định này?

Ngoài các Trung tâm GTVL như: Nhà văn hóa Thanh niên, Trung tâm hỗ trợ sinh viên và một số Trung tâm GTVL do các quận, huyện thành lập và quản lý còn có nhan nhản những Trung tâm GTVL khác đang mọc ra như nấm trên địa bàn TP.HCM. Chúng tôi đã đến một số trung tâm và thấy tận mắt quá trình hoạt động, tư vấn GTVL tại đây. Chị N.T.A, nhân viên tư vấn việc làm bán thời gian, kể: "Học xong lớp 9, tôi vào TP.HCM xin việc và đã làm ở trung tâm này được 2 năm rồi, mỗi tháng ông chủ trả 2 triệu đồng".

Thực chất nhiều Trung tâm GTVL là do một cá nhân lập ra. Chỉ cần thuê một diện tích mặt bằng nhỏ, kê vài ba bộ bàn ghế, phát tờ rơi quảng cáo với những lời có cánh sau đó mướn một vài người không qua trường lớp đào tạo về làm nhân viên tư vấn là đủ. Chẳng cần phải thông qua cơ quan chức năng nào cho nhọc xác. Về vấn đề con dấu đã có "chuyên gia làm đồ nhái" lo giúp.

Trung tâm GTVL mọc nhan nhản và ngày càng bành trướng với đủ các mánh khóe đánh vào tâm lý cần tìm việc làm của sinh viên và người lao động để lừa đảo. Người lao động chỉ dừng lại ở sự phẫn nộ, bức xúc khi bị các Trung tâm GTVL lừa gạt mà ít ai nghĩ đến việc cần phải viết đơn thư khiếu nại gửi lên cơ quan chức năng.

Hoa Nguyên