“Bún chửi”: tiếng xấu... lưu danh

“Bún chửi”: tiếng xấu... lưu danh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Các vị khách giả câm, giả điếc ăn uống vô tư, mặc cho chiếc loa không có nút tắt muốn nói ngang, nói dọc gì thì nói...

Đây là đề tài của một bài báo tôi viết cách đây cả chục năm có tên là “Những người bán hàng… chửi”, một “đặc sản” của Thủ đô ta. Chuyện đã cũ, những nhân vật đó tự thay đổi, không còn hay chửi nữa. Có người đã chuyển địa điểm và có người đã bỏ nghề.

Thế nhưng gần đây một số bài báo viết về họ cứ chuyện đang xảy ra vậy. Xin chép lại nguyên văn một câu chuyện cũ, rất cũ với lời nhắn nhủ, những chuyện này có thật nhưng nó đã xảy ra từ quá khứ. Giờ đây, mọi chuyện chỉ là hoài niệm.

Xã hội - “Bún chửi”: tiếng xấu... lưu danh

Quán “bún mắng cháo chửi” mà vẫn đông khách.

Chiếc đài không có nút tắt.

Ở phố chợ Ngô Sỹ Liên có một quán bún chân giò ngon nổi tiếng và rất đông khách. Vào tầm ăn trưa, căn nhà nhỏ hơn chục mét vuông dù mùa đông hay mùa hè đều chật ních người. Khách hàng đủ loại, từ người buôn thúng bán rong đến các vị áo comple, giày mõm nghóe.

Nhưng đông nhất là các cô, các bà váy xống ngổn ngang, son phấn rộn ràng. Đẹp tưng bừng và thơm nức nở. Những khuôn mặt xanh đỏ, tím vàng sau khi ăn thường nhớp nháp mồ hôi và nhầy nhụa mỡ.

Chủ quán là một người đàn bà rất khó đoán chính xác tuổi bởi khuôn mặt lúc nào cũng đỏ gay đỏ gắt, nặng chình chịch, khó đăm đăm và hình như lúc nào cũng chỉ chực... tấn công vào mặt khách. “Cho cái ghế bà chủ ơi!”. Một người khách gọi.

Và thế là cái núi lửa được dịp trào ra: “Bác nhìn xem còn chỗ nào thì ngồi. Nhà em đông khách, phục vụ nhiều người chứ có một mình bác đầu. Kia kìa, cái ghế kia bỏ không đấy, không có mắt à? Bác không ngồi được thì thôi. Nhà em có phục vụ một mình bác đâu. Bác ăn được thì ăn, không ăn được thì đi quán khác. Chúng em luôn chân, luôn tay đấy chứ có ai chơi đâu. Muốn ăn sang trọng thì vào cao lâu, nhà hàng có mấy con mắt xanh, mỏ đỏ nó đứng nó hầu, nó xúc, nó nhai, nó đút cho chứ ở đây thì không ai rỗi hơi phục vụ thế được....”

Cái bài ca ấy sẽ tấu lên hàng giờ đồng hồ. Và thường là vị khách trót lỡ mồm ấy giả câm, giả điếc ăn uống vô tư, mặc cho chiếc loa không có nút tắt muốn nói ngang, nói dọc gì thì nói.

Và như để đền bù cho công nghe ca nhạc ấy, quán này bán khá rẻ và ngon. Cứ 10 ngàn đồng/người, hai người thì 20 nghìn, ba người thì 30 ngàn đồng là đã có một bát vừa lưỡi lợn vừa chân giò luộc đầy tú hụ. Và đặc biệt là ngon. Cũng là chân giò nhưng cái thịt chân giò ở đây giòn, ngọt.

Bà mì tôm ở Ngõ Hàng Cháo

Ngõ Hàng Cháo sau sân vận động Hàng Đẫy có một quán bán mì tôm rất nổi tiếng. Chỉ riêng việc nổi tiếng của món mì tôm ở Hà Nội, mảnh đất được coi là thủ đô phở đã là sự lạ và không còn gì để bàn nữa rồi. Thế nhưng chủ quán cũng là một người lạ.

Bà này nghe đâu vốn là vận động viên thể dục dụng cụ cũng rất nổi tiếng, đã từng giành nhiều huy chương các loại. Tiêu chuẩn thời bao cấp, đám vận động viên vốn ăn khỏe nên bị đói triền miên, luôn phải dùng món mì tôm để dằn bụng. Ăn riết rồi nghiện, rồi mày mò nấu nướng. Thế là dần dần thành bí quyết. Cũng là mì tôm nhưng bà này nấu thì “tuyệt cú mèo”, không chê vào đâu được.

Và cũng giống như bà chủ quán chân giò phố Ngô Sĩ Liên, bà suốt ngày sàn sạt. Có một điều hơi khác bà Ngô Sĩ Liên thì hay mắng mỏ “thượng đế” còn bà Hàng Cháo thì chuyên quát tháo người làm và... nói bậy. “Này con kia, mày làm ăn như... ấy à?

Tao đã nói bao nhiêu lần là đưa cho khách thì phải ý tứ. Đấy, tiên sư bố nó, xin lỗi bác chứ chúng nó làm ăn như thế đấy. Này, thằng mặt... kia, làm ăn phải cẩn thận chứ.

Mày có hốc được không mà mày đưa cho người ta ăn, hử”. Chửi chán, bà lại toét miệng ra cười rồi phì phèo châm thuốc. Có lúc hứng chí, hai tay bà chống vào cạnh sườn nhìn bao quát khách hàng như vị tướng nhìn đám binh nhì đang xì xụp húp.

Vợ chồng ông chủ quán cơm

Phố Hòa Mã có vợ chồng một chủ hàng cơm cũng rất nổi tiếng. Khách cực kỳ đông và cặp vợ chồng này có một cách tiêu khiển... chẳng giống ai. Họ nghiện chửi nhau. Hôm nào khách càng đông, hàng bán được càng nhiều thì họ lại càng chửi nhau tợn.

Chị vợ béo phốp, béo pháp như một bao tải thịt. Ngược lại, anh chồng thì gầy nhom như một bộ xương bò hầm phở. Không giống như bà bún móng giò Ngô Sĩ Liên hay bà mì tôm Ngõ Hàng Cháo hay phồng mang trợn

mắt, họ cãi nhau đều đều như một chiếc đài caset cũ với phần cảm ứng âm thanh đã quá thời gian sử dụng và bộ phận màng loa bị thủng vài ba chỗ. Cái giọng khàn khàn, đục đục, đều đều nhiều khi bị tiếng mỡ sôi hay tiếng băm chặt lấp đi. Và giữa khoảng lặng của nước sôi, lửa bỏng thỉnh thoảng lại lèo xèo tiếng vợ chồng cãi cọ.

Hình như họ đã cãi nhau từ lâu, rất lâu rồi. “Cái con mụ ngu như lợn. Nói cho mà biết, ngày xưa bố mày không rước thì ế ênh ế hềnh, chả chó mèo nào nó vãi vào đâu nhé”.

“Thằng già người như con nhái bén kia mày không nhớ mày đã đi mòn ngõ nhà tao, đã lạy van tao bao nhiêu lần hay sao mà mày dám mở miệng ra điêu toa như thế. Của bác hết một trăm mười bốn ngàn, vâng em cám ơn bác.

Tiên sư cái thằng già kia mày có im mồm đi không, dạ, có ngay đây ạ, mày nói từ sáng đến giờ chưa chán à? Đấy, các bác xem em thì đầu tắt mặt tối mà nó có để cho yên đâu. Tao không thèm chấp đâu đấy nhá. Loại đàn bà mồm loa mép giải, nói hết cả phần thiên hạ. Đĩa này 50 ngàn ở bàn số ba, nốc đẫy vào rồi lắm mồm. Ông bảo ai mồm loa mép giải hả lão già kia....”

Và cứ như thế, đan chen giữa những câu chào mời, tính tiền, cám ơn khách hàng là giọng vợ chồng ông chủ chửi bới, cãi cọ lẫn nhau.

Bùi Hoàng Tám


Tag: nói ngang