Bùng nổ clip nhạc chế về xăng tăng giá

Bùng nổ clip nhạc chế về xăng tăng giá

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Chỉ cần một động tác click chuột, sau chưa đầy 0,1 giây, mạng tìm kiếm Google đã cho gần 3 triệu kết quả về cụm từ "Clip giá xăng".

Trên nhiều diễn đàn mạng, mạng xã hội các clip nhạc chế về xăng tăng giá xuất hiện lan tràn, trở thành đề tài bàn tán sôi nổi, số lượng comments (bình luận) cũng tăng lên theo cấp số nhân.

Ảnh chụp clips một "ca sĩ" đang hát nhạc chế xăng tăng giá

Đủ kiểu bi ai

Trong đó, nổi bật nhất là clips của một thành viên có biệt danh Hiếu "orion" tự đệm đàn và hát bài nhạc chế về giá xăng phỏng theo bài "Giấc mơ Chapi".

Clip nhạc chế “Xăng tăng giá” do Tuấn Saker và Rap Soul biểu diễn, cùng với sự phụ họa của một nữ "diễn viên" có khuôn mặt rất khả ái. Chủ đề xoay quanh chuyện giá xăng, giá vàng, giá đô tăng kéo theo hàng loạt những hệ quả dở khóc dở cười.

Giống như clip “Xăng tăng giá”, clip "Mượn xe nhớ đổ xăng" của Yuki Huy Nam cũng có sức ảnh hưởng không kém, khi thu hút được hơn 15 nghìn lượt truy cập.

Một clip khác kể về câu chuyện một anh chàng đánh giầy. Trước kia khi xăng giá còn thấp, ai cũng đi xe máy nên giầy của họ rất khó hư, tuy nhiên, sau khi đột biến xăng tăng giá mọi người chuyển sang đi bộ nên giầy mau hư, thế là công việc làm ăn của anh ngày càng phát triển, và cứ thế, nhiều người đẹp cứ vây lấy anh! Clip này cũng thu hút được lượng truy cập lên đến 18.715 lượt người xem trên mạng xã hội youtobe.com.

Trăm lời bình luận

Ngay sau khi có quyết định tăng giá xăng lên 21.300 đồng /lít của Bộ Tài chính tối 29/3, cộng đồng mạng đã đăng đàn bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Trên diễn đàn khoahocphothong, thành viên Meomat bình luận về clip Xăng tăng giá: "Clip hay quá anh em ạ. Nghe vừa buồn cười vừa thấm thía. Chọn đúng tâm lý người dân. Thành viên này cũng nhận xét: "Tiền lương, tiền thưởng, tất cả nó cứ tăng phải tốt không, còn xăng cứ lên thường xuyên như vậy chỉ chết dân mà thôi".

Thành viên Zaitrairo trên diễn đàn AZ24 nhận định hóm hỉnh: "Sau đây là bản tin giá cả thị trường sau khi xăng lên giá: Cơm văn phòng: 1,5 lít xăng/suất, Rau muống: 500ml xăng /bó, Xe bus: 200ml xăng /lượt đi, Điện sinh hoạt: 100ml xăng /kwh, Nước sinh hoạt: 1 lít xăng /khối, Phòng trọ: 50 lít xăng /1 phòng 10 mét vuông 1 tháng; Ngân hàng Nông nghiệp, Công thương, Vietcombank bắt đầu cung cấp thẻ rút xăng tự động cho khách hàng để có xăng sinh hoạt. Khách hàng lưu ý, siêu thị chỉ nhận thanh toán bằng xăng cho mọi mặt hàng!".

Không dừng lại ở những clip, bình luận, nhiều bạn trẻ còn sáng tạo ra những bài thơ có một không hai chế về giá xăng tăng. "Thứ 2 là ngày đầu tuần. Nên tăng có mỗi giá xăng. Thứ 3, thứ 4, thứ 5, ngày ngày tăng thêm giá khác. Thứ 6 rùi đến thứ 7 chờ mãi không thấy lương tăng. Chủ nhật cả nhà treo niêu vì đã tiêu hết tiền". Thành viên tungmanxai sáng tạo: "Xăng ơi ơi hỡi là xăng. Mi tăng phi mã, ta mần sao đây? Tiền lương thì chẳng đổi thay. Tiền chi hàng tháng thì bay ào ào. Vì mi vật giá tăng cao. Vì mi ta chẳng đêm nào ngủ yên".

Một thành viên khác lại có nhận định: "Xăng không tăng giá, muối, dưa, cà cũng không tăng giá mà là lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá. Trăm năm trong cõi người ta! Lợi nhuận đầy túi vẫn kêu là... lỗ to!.."

Thành viên Nguyễn Trung Thành bình luận trên Vnexpress có cái nhìn sâu hơn: "Chuyện xăng tăng giá, gọi nôm na lâu nay là té nước theo mưa đó thôi, để xem khi xăng có điều chỉnh thì xuống cầm chừng. Không chỉ vận tải khách, còn hàng hóa nữa. Xuống chợ đầu mối, chợ lớn, chợ nhỏ đến người lao động lãnh đủ thôi, lương thì vẫn như cũ. Ủy ban vật giá chính phủ, các bộ ngành kinh tế, thị trường phải lên tiếng và hành động đi chứ hay cứ làm ngơ để tăng thu bù chi, rồi dân nghèo làm gì sống ra sao."

Trên mạng xã hội Facebook, dân nghiền nét đã lập một hội với cái tên khá kêu: "Hội những người phát cuồng vì xăng tăng giá" đã có đến 4142 thành viên tham gia. Nick name Phạm Thị Hạnh chia sẻ: "Công ty cách nhà mình khoảng 10km. Ngày ít nhất hai lần vừa đi vừa về, chưa kể còn lang thang đây đó. Đổ 50 nghìn tiền xăng trước đây đi được gần 1 tuần, nay chỉ 3 - 4 ngày đã cạn. Thời buổi giá cả tăng ầm ầm như hiện nay chắc chuyển sang đi xe bus cho tiết kiệm".

Anh Đức