Bùng nổ Game Online

Bùng nổ Game Online

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Nếu ai đó cho rằng vào Internet để chat là xưa rồi, bây giờ là thời của game trực tuyến. Sau sự thành công vang dội của MU online, các game trực tuyến bắt đầu bùng nổ.

Hiện nay Lineage II đang là một trong những đối thủ đáng gờm nhất của MU online với lượng game thủ đang tăng nhanh. Các trò khác như Gunbound (một trò bắn súng trên mạng) cũng thu hút rất nhiều người muốn thử tài "bóp cò" của mình. Ngoài ra, Võ lâm truyền kỳ cũng là một trò chơi đang rất thịnh hành vì dù sao đây cũng gần với kiếm hiệp, vốn là thể loại mà nhiều người say mê từ trước đến nay.

Từ online đến over night

Quá nửa đêm, đường Lê Thanh Nghị (Hà Nội) vắng tanh, cả con phố im lìm trong giấc ngủ nhưng tại một quán Internet với trên 20 dàn máy tính vẫn gần kín chỗ. Tất cả đều đang online. Những game thủ vẫn mê mải dán mắt vào màn hình vi tính không có vẻ gì chuẩn bị đứng dậy về nhà nghỉ ngơi... 3 giờ sáng, vẫn chưa có game thủ nào rời chỗ.

Nhìn vào những mảnh giấy nhỏ đánh dấu thời gian chơi treo trên từng máy, chúng tôi thấy nhiều máy đã chạy hơn 10 tiếng đồng hồ liên tục. Vài chiếc quạt máy không đủ sức xua đi không khí nồng nặc hơi người. Trong phòng chơi game, những chiếc gạt tàn đầy ắp mẩu thuốc lá, những ly cà phê chỉ còn chút nước đá, cốc trà đá đã cạn, tô mì ăn hết... nằm chỏng chơ trên bàn.

Vinh, cậu thanh niên đang say sưa chơi Lineage II ở máy số 1, đang điều khiển nhân vật Asido Takeda. Nhìn lên góc màn hình, máy hiển thị lúc này cậu ta đang chơi ở level 31. Đây là "thành quả" của 2 ngày "lao động" cật lực trên máy vi tính. "Những bàn thấp thì lên rất nhanh, càng lên cao chơi càng lâu anh ạ" - Vinh trò chuyện mà mắt vẫn không rời khỏi màn hình.

Nhân vật của cậu vừa di chuyển nhoay nhoáy, khi đơn độc, lúc cặp đôi với bạn chơi săn tìm tiêu diệt quái vật để ghi điểm, lượm "tiền" hoặc "đồ" để tăng thêm sức mạnh. Vinh vừa trò chuyện khi bông đùa lúc dọa dẫm kẻ nào vừa "thừa nước đục thả câu" dám tranh thủ cơ hội "ăn hôi" để "chia điểm" với công sức của mình. Màn hình hiển thị lượng máu nhân vật Vinh chọn đang tụt nhanh.

Như thế nghĩa là AsidoTakeda của cậu đã mất máu khá nhiều và sẽ có nguy cơ bị tiêu diệt khi gặp đối thủ mạnh hơn. Xuống sức, Vinh bèn "party" (nghĩa là "bắt cặp" cùng "chiến đấu" và chia điểm cùng một game thủ khác) với nữ nhân vật có cái tên BupBumBoom. Cậu ta chạy đâu, "cô gái" chạy theo đó cùng hợp sức tấn công quái vật. Chơi thế này nhanh hơn và an toàn hơn, Vinh cho biết. Chốc chốc, trên màn hình, quầng sáng lại trùm lên từng nhân vật, BupBumBoom đang truyền thêm sức mạnh cho AsidoTakeda...

Dãy đối diện, một cậu xếp vài chiếc ghế nằm xuống ngủ để nhân vật của mình tự múa may luyện tập. "Chợp mắt một lát đi, anh trông cho" - Cậu chủ quán trẻ gật đầu. Giữa khuya, cậu chủ quán hỏi mọi người có cần ăn gì để cậu đi mua, người thì cái bánh mì, kẻ thì gói xôi, bịch sinh tố... Những game thủ được phục vụ gần như "tận răng" nên đôi khi có thể ở đó từ dăm ngày đến cả tuần mà chẳng cần phải về nhà.

Trời sáng, tôi rời khỏi phòng game nhưng những game thủ vẫn tiếp tục, không mệt mỏi. Có những người chuyên chơi về đêm, hoặc 3 đêm thì nghỉ một đêm nhưng "ác liệt" như Vinh cũng thuộc dạng hiếm. 3 ngày sau, khi trở lại, tôi vẫn thấy Vinh ở trong quán, chỉ khác là máy đã đổi sang số 6 (cậu chủ giải thích là để đỡ hư máy). Người Vinh đã bốc mùi, quần áo nhàu nhĩ. Cậu chủ quán cho biết Vinh đã chơi được 4 ngày đêm liên tục.

Và những hệ lụy

Sức thu hút của các trò chơi trực tuyến quả là ghê gớm. Một khi đã ghiền, người ta có thể quên ăn, quên ngủ, bỏ bê tất cả mọi việc chỉ để theo đuổi niềm đam mê này. Hệ lụy của trò chơi tùy thuộc vào nỗi đam mê của người chơi. Dễ thấy nhất là lớp sinh viên và học sinh. Họ bỏ bê học hành, công ăn việc làm, công việc gia đình, chẳng thèm rèn luyện sức khỏe, tiêu tốn bao nhiêu là thời gian, tiền bạc vào trò tiêu khiển vô bổ này.

Một chi tiết đáng lưu ý là môi trường ở các quán game rất độc hại. Những lần đến quán game trước trường ĐH Bách khoa, chúng tôi gần như chết ngộp trong căn phòng chỉ chừng vài chục thước vuông với bầu không khí đặc sệt, nóng nực bởi sức nóng tỏa ra từ hơn 40 cái máy và ngần ấy con người; đã thế lại còn ám đầy mùi thuốc lá. Đó là chưa kể đến việc ăn uống, ngủ nghỉ bất thường kéo dài quá lâu sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Chơi game online có tốn kém? Nếu chỉ nhìn vào giá 3.000 đồng/giờ có lẽ nhiều người sẽ tưởng chẳng đáng là bao nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến có người phải móc túi 50, 100 ngàn cho đến vài trăm nghìn đồng cho một lần chơi. Còn nếu muốn bao máy cả tháng thì phải trả trên triệu bạc. Đó là chưa tính đến tiền mà các game thủ phải bỏ ra để mua đồ (dù là ảo), thuê game thủ, server riêng... với số tiền có thể gấp 3 - 4 lần lương của một công nhân.

Cái gì thái quá đều không tốt. Game online rõ ràng đang trở thành một trò chơi vô bổ, phá tiền phá sức của rất nhiều đối tượng. Có thể người chơi đã nhận thấy tác hại của nó nhưng vẫn không thắng nổi niềm đam mê của chính bản thân họ. Chơi game để giải trí, tốt thôi, nhưng đừng để quá đà.

Khánh Nhi