Buồn vì những công trình khoa học bị... đắp chiếu

Buồn vì những công trình khoa học bị... đắp chiếu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Trong khi chúng ta đang thiếu những công trình mang tính ứng dụng cao để áp dụng vào thực tiễn đời sống thì vẫn còn rất nhiều ý tưởng có giá trị thực tiễn đang bị đắp chiếu!

Tính ứng dụng cao nhưng vẫn... không được dùng

Công nghệ Trồng rau sạch không đất đã được GS.TS Hồ Hữu An (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu nhằm mang lại nguồn ra an toàn cho người tiêu dùng. Rau được trồng theo công nghệ này không bị nhiễm các kim loại nặng, hóa chất độc hại, vi sinh vật độc hại vốn có trong đất và phân hóa học như khi trồng rau bằng đất.

Mô hình được triển khai đưa vào sản xuất bắt đầu năm 2003, phát triển từ một đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước do Bộ KH&CN đầu tư với công nghệ hoàn toàn của Mỹ. Tuy nhiên, đến nay công nghệ này đã hoàn toàn bị quên lãng.

Công nghệ - Buồn vì những công trình khoa học bị... đắp chiếuMô hình Trồng rau sạch không đất của GS.PTS Hồ Hữu An là một trong vô vàn nghiên cứu khoa học đang bị đắp chiếu. Ảnh: internet.

Đề tài ứng dụng nông nghiệp của giảng viên Đào Hữu Bính - giảng viên khoa Nông - Lâm, Đại học Tây Bắc với Dự án phân ủ tại gia đình đã khiến nhiều người trong giới khoa học quan tâm.

Dự án này không mới nhưng được đánh giá cao bởi tính thực tiễn, hoàn toàn có thể áp dụng. Đó là công nghệ chế biến phân hữu cơ từ phân gia súc, gia cầm, rác thải sinh hoạt.

Dự án sẽ mang lại cho người dân một sản phẩm phân ủ thân thiện với môi trường, giúp người dân giảm 30%- 50% chi phí dành cho phân bón hàng năm và làm trong lành hơn môi trường, hạn chế tình trạng đốt nương rẫy.

Tuy nhiên, sau khi được giải ý tưởng sáng tạo có tính ứng dụng tại E -Ideas năm 2011 do Hội đồng Anh đồng tổ chức cho đến nay thì mô hình vẫn chỉ dừng lại ở 4 hộ gia đình tại Bản Nhộp, xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đưa vào áp dụng?!

Một câu chuyện đáng buồn về những ý tưởng khoa học bị đắp chiếu nữa cần phải kể đến là đề tài khoa học “Tạo cây ghép giữa cà chua và khoai tây” mà cô kỹ sư trẻ Nguyễn Thị Trang Nhã thực hiện trong suốt hai năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thể chuyển giao công nghệ vì thiếu vốn đầu tư.

Từ việc ghép ngọn cây cà chua trên gốc cây khoai tây đã cho ra đời loại cây trồng mới vừa cho thu hoạch củ khoai tây lại vừa cho trái cà chua với năng suất cao, đồng thời hàm lượng các chất trong củ khoai tây cũng như quả cà chua đều cao hơn loại cây đơn tính.

Không chỉ giúp tiết kiệm diện tích, công chăm sóc, phân bón mà còn mở ra nhiều triển vọng mới về cây giống có khả năng kháng bệnh cao cho người nông dân. Tiếc là, đến nay công nghệ này vẫn chưa thể đến với bà con nông dân.

“Đầu ra” vẫn chưa có lời giải

"Từ những chứng minh thuyết phục, đến năm 2003 công trình nghiên cứu của tôi đã vinh dự được chọn là đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước với số kinh phí đầu tư ban đầu là khoảng 2 tỉ đồng.

Đến Techmart Vietnam 2005, tôi đã ký nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ cho đơn vị và cá nhân với tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng. Liên tiếp, tại Hội chợ Thiết bị công nghệ Việt Nam Techmart ASEAN + 3 (9/2009), công nghệ trồng rau không đất mới thực sự gây được sự chú ý và nhanh chóng nhận được nhiều hợp đồng, bản ghi nhớ với tổng số tiền lên tới 74 tỷ đồng. Tuy nhiên con số đó đến nay vẫn chỉ dừng lại ở "bản ghi nhớ" (!)" - GS.TS Hồ Hữu An trần tình.

Chia sẻ với PV báo Nguoiduatin.vn, tác giả Dự án ủ phân hữu cơ tại gia đình Đào Hữu Bính bi quan: "Đã có rất nhiều đơn vị, cơ quan đến để nghiệm thu mô hình này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một doanh nghiệp, chủ đầu tư nào đứng ra bỏ vốn để nhân rộng mô hình. Điều đó làm tôi thấy buồn".

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Kim Thoa - Viện ứng dụng Công nghệ cho biết: "Hiện nay có rất nhiều công trình khoa học chưa được ứng dụng vào thực tế. Nguyên nhân được lí giải từ nhiều phía: Nhà quản lý - doanh nghiệp và nhà nghiên cứu. Việc các doanh nghiệp bắt tay vào đầu tư cho các nghiên cứu ứng dụng cần phải có sự can thiệp từ phía nhà quản lý, để họ thấy rõ được lợi ích lâu dài của ứng dụng mà công nghệ mang lại".

Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Ngọc, cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN &PTNT): "Vì hiện đề tài khoa học của ta chỉ tính đến chuyện hằng năm, chứ không phải là tính đến lúc ra sản phẩm cuối cùng, trong khi các đề tài nghiên cứu về nông nghiệp ít nhất phải 5 năm. Nhiều đề tài khi nghiệm thu, xem xét, thiếu tiền đành phải để đó”.

Xem ra, câu chuyện "đầu ra" cho các đề tài, ý tưởng khoa học có tính ứng dụng cao, để nó thực sự hiện thực hóa và mang lại hiệu quả như mong muốn vẫn còn là bài toán chưa có lời giải, nếu không muốn nói là bế tắc!

Bảo Hằng