Ca khúc về cảnh sát giao thông 40 năm vẫn

Ca khúc về cảnh sát giao thông 40 năm vẫn "hot"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
40 năm nay đã trở thành quen thuộc với hơn 80 triệu người Việt Nam vì hàng ngày được chọn làm nhạc hiệu chương trình "An toàn giao thông" của Đài Tiếng nói Việt Nam; được nhiều ca sĩ ưa thích, hát lại và nhiều triệu lượt người nghe.

Nhưng có thể nhiều người còn chưa biết ca khúc "Từ một ngã tư đường phố" là một bài hát "ngành ca". Ca khúc này còn đặc biệt hơn ở điểm tôn vinh những người mà người ta có thể chạm mặt hàng ngày, hàng giờ: Cảnh sát giao thông. 40 năm sau ngày sáng tác, "cha đẻ" của ca khúc - Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã kể lại những kỉ niệm thú vị về bài hát này.

Cảm xúc từ cột đèn tín hiệu đầu tiên ở Hà Nội

Ngay từ khi ra đời, ca khúc đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của khán thính giả. Đài Tiếng nói Việt Nam nhận được nhiều thư yêu cầu của thính giả gửi về, nên bài hát được phát đi phát lại liên tục, được in nhiều trên báo và tuyển vào các sách nhạc. Nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng nhận được rất nhiều thư chia sẻ của thính giả, trong đó có các em nhỏ gửi về hỏi: "Bác Phạm Tuyên ơi, cái ngã tư bác viết bài hát ấy là cái ngã tư nào mà đẹp thế, lại có cả đèn xanh đèn đỏ?". Trong thư trả lời các em, ông viết: "Đó là ngã tư Cửa Nam, nơi bác thường đi làm qua; là ngã tư Bà Triệu ngay gần cơ quan bác; là bất kỳ một ngã tư nào của Hà Nội... Và ở chỗ các cháu, chắc cũng sắp có các ngã tư có đèn xanh đèn đỏ như thế đấy!"

Giản dị mà lắng đọng, người chiến sĩ công an ẩn mình trong cuộc sống đời thường, lặng lẽ trong công việc của mình, góp phần đem lại sự bình yên trong cuộc sống. Cho đến nay, đây vẫn là một trong những bài hát hay nhất, được yêu thích nhất về lực lượng Cảnh sát giao thông nói riêng và lực lượng CAND nói chung.

Việt Hà

Trong gia tài hơn 600 ca khúc của ông, có người cho rằng bài hát "Từ một ngã tư đường phố" là một trong những ca khúc hay nhất của ông, dù đó là một bài "ngành ca". Nhạc phẩm này được viết trong hoàn cảnh nào, thưa ông?

Hoàn cảnh sáng tác của bài hát "Từ một ngã tư đường phố" khá đặc biệt. Năm 1971, bên Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) có mời tôi và một số nhạc sĩ nữa đi thực tế ở Khu IV, vùng từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị để lấy chất liệu sáng tác bài hát về những chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân. Kết quả của chuyến đi là ca khúc "Đêm trên Cha-lo", viết về những chiến sĩ công an vùng biên giới (nay gọi là bộ đội biên phòng - PV).

Thế nhưng lúc về Hà Nội tôi vẫn còn phân vân lắm. Tôi có bảo với một đồng chí ở Bộ Nội vụ rằng, tôi muốn sáng tác bài hát về cả những chiến sĩ công an mặc áo xanh và những chiến sĩ công an mặc áo vàng (tức cảnh sát giao thông). "công an xanh" thì đã có bài "Đêm ở Cha-lo" còn "công an vàng" thì thú thật khi đó tôi vẫn chưa hình dung được sẽ viết như thế nào.

Rồi tình cờ một lần đi lên cơ quan, qua một ngã tư tôi thấy có mấy cột đèn giao thông mới được dựng. Cạnh đấy là anh cảnh sát giao thông đang đứng chỉ đạo và hướng dẫn người đi đường đi theo tín hiệu đèn giao thông, chịu đựng khói xe tiếng ồn, chịu đựng cái nắng đổ khiến mồ hôi nhễ nhại. Có lẽ đó là những cột đèn tín hiệu đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội, cũng là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh tượng cảnh sát giao thông vất vả như thế nào.

Hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát giao thông chỉ xuất hiện rất ngắn ở cuối bài, nhưng đó lại chính là điều đọng lại. Họ đang âm thầm làm việc vì sự bình yên trong giao thông, cũng là sự bình yêu của đất nước. Tôi chợt nghĩ tại sao mình không viết về chính cái ngã tư đường phố và anh cảnh sát giao thông làm việc ở đây. Thế là về nhà tôi viết ngay. Khi bài hát hoàn thành, tôi đặt tên luôn là "Từ một ngã tư đường phố".

Nhạc sĩ viết bài hát này trong thời gian bao lâu?

Tôi cũng không nhớ chính xác. Nhưng cũng không mất nhiều thời gian đâu.

Cùng viết về một đối tượng và thời gian sáng tác cũng gần nhau nhưng giữa bài "Đêm trên Cha-lo" và "Từ một ngã tư đường phố" lại có rất nhiều điểm khác nhau. Đặc biệt là về nhịp điệu. Sao lại có sự khác biệt như thế, thưa ông?

Đúng là như thế. Bài "Đêm trên Cha-lo" có nhịp điệu trầm hùng, hoành tráng còn "Từ một ngã tư đường phố" lại rộn ràng, sôi động, tươi vui. Thật ra khi đi Khu IV và viết xong bài "Đêm trên Cha - lo" về tôi khá mệt mỏi. Vì chuyến thực tế vào vùng lửa đạn hết sức ác liệt. Không khí trong đó khi nào cũng căng thẳng. Về đến Hà Nội, tự nhiên thấy một nhịp sống hoàn toàn khác. Hết sức bình yên và tươi vui. Tôi muốn đem cái bình yên này vào bài hát để làm dịu bớt "sức nóng" nơi tuyến lửa.

40 năm vẫn... thời sự

Bài hát có câu "Đường phố của ta vẫn đang còn hẹp/ Nhường bước giúp nhau đi xa cũng gần" nghe vừa giống một câu ca ngợi, vừa giống một lời kêu gọi về thái độ tham gia giao thông?

Thật ra khi viết bài hát này, tôi chỉ thuật lại những gì mình quan sát và cảm nhận được thôi. Bây giờ nhiều người bảo bài hát này vẫn tính thời sự vì phản ánh đúng hiện trạng giao thông và thái độ của người tham gia giao thông. Đúng là hồi đó tham gia giao thông ở Hà Nội thích lắm. Đường tuy hẹp nhưng phương tiện ít và người tham gia giao thông cũng rất có ý thức. Ai cũng chấp hành rất nghiêm chỉnh theo sự hướng dẫn của cảnh sát giao thông.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên

Bây giờ đường Hà Nội cũng vẫn hẹp, nhưng phương tiện thì nhiều hơn và người tham gia giao thông thì rất thiếu ý thức. Đúng là nếu biết "nhường bước giúp nhau" như ngày trước thì cảnh hỗn loạn, tắc đường và tai nạn không nhiều như thế.

Trong bài hát rất nhiều lần ông nhắc tới hình ảnh người đi bộ dạo bước trên vỉa hè. So với bây giờ, đường Hà Nội vào thời điểm đó có nhiều vỉa hè dành cho người đi bộ lắm?

Hồi đấy đi ra đường không đáng sợ như bây giờ đâu. Vỉa hè không có hàng quán, không có bãi trông xe. Tất cả đều dành cho người đi bộ. Thế nên tôi mới viết câu "Trong mỗi dáng người ngẩng đầu cao bước nhanh đi trên hè". Bây giờ ra đường mà ngẩng đầu thản nhiên đi như thế thì coi chừng. Lấy đâu ra vỉa hè mà đi nữa. Đi xuống lòng đường mà không quan sát thì rất nguy hiểm.

"Viết về" chứ không "viết cho"

Bài hát này ông viết về những chiến sĩ cảnh sát giao thông. Thế nhưng vì sao mà cả bài hát chỉ có một lần hình ảnh "Thân thiết dáng hình của người chiến sĩ giữ trật tự an ninh" xuất hiện?

Viết về một đối tượng nào đó có hai cách. Thứ nhất là hóa thân vào chính đối tượng để nói về họ. Thứ hai là viết với tư cách mình là người ngoài cuộc, nhìn đối tượng thế nào thì viết thế đấy. Tôi chọn cách thứ hai. Đây là tôi viết với tư cách một người dân "viết về" cảnh sát giao thông chứ không phải "viết cho" họ. Thế nên không cần nhắc đến nhiều mà hình ảnh anh cảnh sát giao thông vẫn rất đầy đủ, gần gũi, thân thương. Cảm xúc rất chân thực, tự nhiên, dễ thuộc, dễ nhớ, lại sử dụng nhiều quãng 7 nên âm điệu rất tươi vui, phù hợp với ngữ âm tiếng Việt.

Đúng là trong bài hát, hình ảnh anh cảnh sát giao thông hiện lên rất đẹp và gần gũi. Chắc hồi đó ông phải yêu mến người chiến sĩ cảnh sát giao thông lắm mới có thể viết lên được những lời ca giản dị mà đẹp về họ như thế?

Đó là điều đương nhiên. Không yêu mến thì không thể ca ngợi được. Đó là quy luật của cảm xúc.

Thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin truyền thông phản ánh khá nhiều về những tiêu cực xuất hiện trong một số cảnh sát giao thông. ông đánh giá gì về điều này?

Điều đó thì tôi biết. Đi đâu cũng nghe nói. Kể cũng buồn thật. Tôi nghĩ nguyên nhân do đời sống cơm áo gạo tiền mang lại. Có thể là chế độ ưu đãi dành cho cảnh sát giao thông ở nước ta còn thấp. Nhiều người không kiềm chế được sự cám dỗ của đồng tiền đã làm sai. Chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng dù sao cũng thấy đáng buồn.

Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện!

Hồng Quý