Ca sinh nở hi hữu trên tàu hỏa

Ca sinh nở hi hữu trên tàu hỏa

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Vô tình có mặt trên cùng chuyến tàu SE2 xuất phát từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội, đoàn y bác sĩ đã làm nên điều kỳ diệu, chỉ với đôi tay trần và sự sáng tạo, các chị đã giúp sản phụ "vượt cạn" thành công trong khoang tàu chật chội.

Giây phút nguy nan

Chị Nguyễn Ngọc Hân (Khoa sản, Bệnh viện 30/4) nữ hộ sinh trực tiếp đỡ đẻ cho sản phụ nhớ lại: "Đoàn của tôi ra Hà Nội tham gia Hội diễn văn nghệ chào mừng ngày 30/4 và 1/5 do Bộ Công an tổ chức. Cả đoàn gồm 14 người, trong đó 13 người là điều dưỡng có cả gây mê, mổ và duy nhất một mình tôi là nữ hộ sinh. Cả đoàn đang ngồi trò chuyện tại khoang số 6 thì bỗng nghe thông báo có một sản phụ sắp sinh và yêu cầu trên tàu có y bác sĩ nào thì đến trợ giúp. Lúc đó là 7h20' sáng ngày 25/4".

Vừa nghe loa thông báo, cả đoàn lập tức ùa xuống toa 4 để khám cho sản phụ. Lúc đó sản phụ nằm trên một chiếc ghế mềm, trong tình trạng đau đớn, vừa lại gần chị ấy đã ghì chặt tay chị Hân, miệng lẩm nhẩm: "Chị ơi cứu em". Chị Hân động viên: "Chị cứ bình tĩnh bọn em sẽ làm hết sức mình".

Qua lời kể của sản phụ và ông bố đi kèm, mọi người được biết sản phụ đang đi với bố ruột từ Quy Nhơn đến nhà mẹ đẻ ở Quảng Ngãi để sinh. Do đoạn đường quá xa, sản phụ lại chọn ghế ngồi, thai lại đủ tháng, bụng rò dẫn đến việc sinh cháu bé mà không kiểm soát được.

Ảnh minh họa

Khi đoàn y bác sĩ lao tới thì sản phụ đã bị vỡ ối. Chị Hân ngay lập tức phân công công việc cho các thành viên, tiến hành đỡ đẻ luôn, sau đó lấy nhau thai. Tìm thấy một cái kéo, kẹp thấm máu trong hộp thuốc y tế trên tàu, các chị nhanh chóng tiến hành sát trùng dụng cụ sau đó cắt rốn cháu bé.

Thường thường, sản phụ khi đẻ sẽ được nằm trên giường mềm hoặc ghế chuyên dụng nhưng trong trường hợp này, sản phụ nằm trên ghế tàu nên thực sự đoàn y tá, hộ lý cũng thấy bất ngờ, lo sợ.

Trên tàu không có phương tiện y tế hỗ trợ, tất cả phải tiến hành thủ công, thậm chí không có găng tay đỡ đẻ, chị Hân phải dùng găng tay nấu ăn để dùng tạm. "Trong đầu tôi chỉ biết tìm mọi cách để cứu người chứ không nghĩ đến chuyện gì khác. Lúc đó, tàu vẫn đang chạy, nhóm đỡ đẻ liên tục ngã dúi dụi, cố gắng xoay xở mọi cách để giúp đỡ sản phụ", chị Hân nhớ lại.

Chị Hân kể tiếp: "Làm nữ hộ sinh gần 10 năm nay nhưng đây là lần đầu tiên tôi tham gia đỡ đẻ trong trường hợp hy hữu như vậy. Cảm giác vừa hồi hộp vừa lo sợ, nhiều lúc sản phụ đau đớn cào chảy cả máu tay mình. Trong đầu tôi thầm nghĩ sinh đẻ không thể nói trước được chuyện gì, có những tình huống ngoài tầm kiểm soát xảy ra như sản phụ chảy máu quá nhiều, băng huyết xảy ra không biết sẽ xử trí bằng cách nào, thậm chí em bé nghẹt thì tìm đâu ra ô xi cho bé thở... Thế nên càng phải cẩn thận hơn, thao tác chính xác hơn để mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, mẹ con em bé được an toàn".

Điều kỳ diệu trên chuyến tàu SE2

Khi ca đỡ đẻ vừa thành công cũng là lúc tàu chạy tới ga Bồng Sơn (Hoài Nhơn, Bình Định). Được thông báo từ trước, xe cứu thương đã hụ còi chờ sẵn ở sân ga, đón hai mẹ con vào bệnh viện. Mọi người nhận xét đó là một bé trai kháu khỉnh, cân nặng 3,1 kg có khuôn mặt rất lanh lợi, đáng yêu.

Rất nhiều người trên tàu tò mò vây quanh để xem. Mấy chị điều dưỡng phải hò hét: "Mấy cô mấy chú xích ra để cho sản phụ có ô xi để thở, lại gần quá chật chội gây khó khăn cho nữ hộ sinh và điều dưỡng làm việc".

Tham gia vào ca đỡ đẻ hy hữu hôm đó ngoài nữ hộ sinh Hân là người trực tiếp đỡ chính, còn có điều dưỡng Phi, điều dưỡng Hằng Nga và hàng chục nữ điều dưỡng khác cùng góp sức đón em bé chào đời.

Điều dưỡng Phi nhớ lại: "Em bé ra đời trong hoàn cảnh có lẽ là đặc biệt nhất trong đời làm nghề của mình. Lúc đó, chị Liễu chẳng lường trước được sự việc xảy ra, thậm chí đồ chuẩn bị cho em bé cũng không có. Trên tàu lại thiếu thốn phương tiện y tế, chỉ có chai thuốc sát khuẩn, bông gạc và một chiếc kéo được lấy từ hộp thuốc y tế ở trên tàu. Cả đoàn lo sợ cho tính mạng của hai mẹ con chị Liễu, tham gia giúp đỡ Hân đỡ đẻ mà tay chân cứ run cầm cập. Nhưng thật kỳ diệu, cháu bé đã chào đời mạnh khỏe trong niềm vui vô bờ bến của chị Liễu và những người có mặt xung quanh".

"Trong lúc khó khăn mới thấy hết được tấm lòng của bà con xung quanh, biết có em bé sinh trên tàu, mọi người ở các toa khác kéo đến cho bé đồ để mặc. Mặc dù không chuẩn bị quần áo sơ sinh cho bé, nhưng trông bé lúc đó khá tươm tất, có cả mũ sơ sinh để đội đầu, khuôn mặt rất kháu khỉnh ai nhìn thấy cũng yêu", chị Phi thuật lại.

Trả lời PV, Bác sĩ Nguyễn Thị Gia Vy, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) thông báo tình hình: "Sản phụ và cháu bé được chuyển vào bệnh viện khoảng 8 giờ sáng ngày 25/4, lúc đó cháu bé đã được cắt rốn trên tàu. Khi xe cứu thương chở mẹ con sản phụ tới, tôi đã ngay lập tức sắp xếp đưa hai mẹ con cháu bé vào phòng cấp cứu. Lúc đó sức khỏe của sản phụ đã khá hơn, sau khoảng 30 phút thì tình trạng của bệnh nhân đã hoàn toàn an toàn. Lúc chuyển vào viện, em bé được đặt trên chiếc cáng, được ủ trong một lớp quần áo, rất nhiều người cùng đưa hai mẹ con em bé vào, thậm chí nhiều người đứng trực ngoài phòng cấp cứu để theo dõi tình trạng của hai mẹ con bé”.

Theo bác sĩ Vy, đến thời điểm này, sức khỏe của mẹ con chị Liễu đã ổn định, chỉ trong một hai ngày tới bệnh nhân có thể xuất viện. Cháu bé cân nặng 3,1 kg, nghe người nhà nói cháu được đặt tên là Sơn.

"Đây là trường hợp rất hy hữu, cháu bé được sinh ra trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn các phương tiện y tế hỗ trợ. Rất may mắn là trên tàu có đoàn y tế đang ra Hà Nội công tác nên mọi việc đã được xử lý nhanh, đảm bảo an toàn cho hai mẹ con. Tôi thấy đây thực sự là một kỳ tích. Không còn gì hạnh phúc hơn khi được chứng kiến một sinh linh ra đời mạnh khỏe trong hoàn cảnh như vậy. Tôi và tập thể y bác sĩ tham gia cấp cứu trường hợp của chị Liễu cũng thực sự vui mừng với niềm vui của chị Liễu cũng như gia đình chị", bác sĩ Vy nhận xét.

Anh Đức - Văn Chương