Các Bộ phải lên tiếng về định kiến tuyển dụng công chức...

Các Bộ phải lên tiếng về định kiến tuyển dụng công chức...

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
Trước việc UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo không tuyển công chức trong các trường dân lập, GS. TSKH Đào Trọng Thi đã phê phán: "Đó là việc đi ngược chủ trương xã hội hóa giáo dục, không đúng tinh thần của pháp luật, vi phạm quyền công dân".

Không đúng với tinh thần của pháp luật

Thưa, ông nói gì khi dư luận vẫn còn xôn xao chuyện UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo không tuyển công chức trong các trường dân lập?

UBND tỉnh Nam Định với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước lại ban hành văn bản như vậy thì không phù hợp. Nói là trái luật thì lại là đao to búa lớn nhưng thực chất nó không đúng với tinh thần của pháp luật. Bởi lẽ, Luật Giáo dục thừa nhận sự tương đương, chính thống của văn bằng của các trường công lập và dân lập trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong khi UBND tỉnh lại chỉ đạo các cơ quan tuyển dụng chỉ tuyển dụng đối với hệ công lập như thế tức là có sự phân biệt đối xử. Có sự phân biệt đối xử đã là vi phạm luật.

Xã hội - Các Bộ phải lên tiếng về định kiến tuyển dụng công chức...

GS. TSKH Đào Trọng Thi

Công dân có quyền, có cơ hội để tham gia vào tuyển dụng, còn có được hay không lúc đó mới xem xét cụ thể, mà ở đây cơ quan tuyển dụng xem xét chứ không phải cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra chỉ đạo.

Điều này, có đi ngược với xu thế xã hội hóa giáo dục không thưa ông?

Chủ trương của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nhằm tăng nguồn đầu tư, trong đó chú trọng phát triển hệ giáo dục ngoài công lập và cho đến nay còn muốn phát triển nữa. (Chủ trương giáo dục ĐH 40% là ngoài công lập cho đến nay mới đạt 14-15%). Nhưng ra lệnh như thế này thì đã ngăn chặn xu hướng phát triển đó.

Nghĩa là văn bản như vậy không phù hợp và các em học hệ dân lập, tại chức chịu thiệt thòi?

Đúng, với cách chỉ đạo như vậy thì nó không phù hợp với tinh thần của luật nhất là UBND tỉnh lại là cơ quan quản lý Nhà nước. Việc phân biệt như vậy tức là khẳng định giáo dục ở các trường ngoài công lập kém. Nếu đánh giá chung thì khối này chất lượng kém hơn nhưng trong tuyển chọn lại là đánh giá một con người cụ thể. Trường tư thục vẫn có những sinh viên giỏi, thậm chí giỏi hơn hẳn một số sinh viên trong các trường công lập.

Tôi nghĩ, thậm chí những sinh viên giỏi nhất các trường này cũng có. Nếu anh đặt ra như vậy, tức là đã chặn đi một nguồn nhân tài có thể có, và anh loại người ta ra trước khi sử dụng. Cứ cho người ta đăng ký, sau đó xem xét đánh giá thực chất. Điều này thể hiện sự tôn trọng quyền của công dân. Còn việc tuyển dụng như một số nơi hiện nay là một định kiến không có cơ sở và không đúng.

Tuyển công chức còn hời hợt nặng về bằng cấp

Không chỉ tại Nam Định, trước đây là Đà Nẵng, Vĩnh Phúc... trong tuyển dụng công chức cũng có nhiều vấn đề. Phải chăng việc tuyển dụng tại các địa phương đang có sự lúng túng?

Tôi nghĩ lúng túng là phải, bởi vì công tác tuyển dụng hiện nay không đúng. Nó quá hình thức, quá hời hợt. Việc tuyển dụng hầu như chỉ nhìn vào bằng cấp mà rất ít quan tâm đến năng lực thực sự của người dự tuyển. Với bằng cấp, điểm số ấy có chắc tìm được những người nổi trội hơn? Trong khi thực tế, chúng ta phải đánh giá năng lực nghiệp vụ, do đó cần xem xét theo một quy trình khác. Tôi cho rằng tốt nhất phải qua quá trình thử việc sau đó có những phần sát hạch thêm.

Như vậy thì sẽ phải thử việc với nhiều người, mà điều này có thể không được phê duyệt với cơ quan hành chính?

Cũng được, bởi vì tuyển dụng trong diện hợp đồng thì nhiều hơn, nhưng chỉ tiêu tuyển công chức thì ít hơn.

Ông có nghĩ, sự phân biệt, ứng xử không công bằng với các hệ học, vi phạm quyền công dân ấy đã có ở một số tỉnh, thành nếu không ngăn chặn sẽ "lây nhiễm" sang nhiều địa phương nữa khiến các trường ngoài công lập sẽ khó khăn?

Nếu tại chất lượng họ kém thì mình không nói làm gì nhưng khó khăn bởi thái độ định kiến thì đó là chuyện rất nguy hiểm. Nói chung thì chất lượng đào tạo ngoài công lập có kém hơn nhưng ở đây các cơ quan tuyển dụng nhân sự chứ không tuyển chọn để xếp hạng trường công lập, dân lập thì lại là chuyện khác. ở đây chúng ta tuyển chọn con người cụ thể thì không thể đánh đồng em kém của công lập chẳng lẽ lại hơn em giỏi của dân lập? Và em giỏi của dân lập lại bị loại ngay từ đầu, điều này là không công bằng.

Vậy thưa ông, trách nhiệm xem xét những chuyện "không đúng tinh thần luật pháp" này thuộc về cơ quan nào?

Việc này các cơ quan có trách nhiệm quản lý Nhà nước như Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Nội vụ trực tiếp liên quan cũng phải lên tiếng.

Khi hai bộ chưa lên tiếng, liệu Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH có lên tiếng, "thổi còi" những chuyện định kiến hay không?

Ủy ban chúng tôi giám sát việc thực thi pháp luật của Chính phủ và các cơ quan, nhưng nếu sự phân biệt này lan rộng ảnh hưởng, tạo ra nguy cơ cho chính sách pháp luật của Nhà nước, ảnh hưởng đến chủ trương giáo dục của Đảng, Nhà nước thì cũng cần xem xét. Tuy nhiên, hiện tượng này mới chỉ là cá biệt ở một số địa phương. Vụ việc còn đang tiếp diễn nên cũng phải... chờ.

Xin cảm ơn ông!

Vương Hà