Các cây bút gạo cội chia sẻ về

Các cây bút gạo cội chia sẻ về "nghề nguy hiểm"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Từng giữ những trọng trách quan trọng trong các cơ quan báo chí, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương..., hầu hết đều ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng các nhà báo lão thành vẫn tràn đầy nhiệt huyết với nghề.

Nhân ngày nhà báo Việt Nam 21.6, với những đúc kết, chiêm nghiệm để đời, các nhà báo lão thành đã chia sẻ với các nhà báo trẻ về nghề.

Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam: Công nghệ không thay thế chất xám

Nhà báo Phan Quang

Thế hệ các bạn làm báo nhanh hơn chúng tôi nhiều. Trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay, chỉ cần ngồi trước máy tính nối mạng Internet các bạn có thể ngay lập tức biết được mọi chuyện xảy ra trên thế giới. Người làm báo phải chịu sức ép về thời gian trước tốc độ thông tin, nếu không muốn mình bị chậm hơn độc giả và các đồng nghiệp khác...

Đây cũng là thách thức của các nhà báo trẻ. Những tờ báo lớn, những hãng thông tấn lớn ở các nước phát triển xưa nay vẫn bố trí người của họ ở nhiều nơi, và bằng sự trợ giúp của các phương tiện kỹ thuật hiện đại, phục vụ độc giả, khán giả trong thời gian sớm nhất.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đặt nhà báo trẻ trước sức ép khủng khiếp của thời gian. Nó tạo nên một hội chứng mang tính toàn cầu: làm sao thông tin nhanh nhất, "trội" hơn so với các đồng nghiệp. Căn bệnh chạy theo thông tin tạo ra nguy cơ người làm báo không có đủ thời gian để kịp trăn trở, cân nhắc, xem xét các khía cạnh của vấn đề, không kịp suy tư, bình luận về sự kiện vừa xảy ra trước khi lao vào tác nghiệp.

Ngày nay, người dân được thông tin nhanh hơn, nhưng thông tin ấy không phải lúc nào cũng cần thiết, cũng bổ ích, bởi thông tin không chỉ để thông tin. Thông tin nhanh nhưng phải chuyển tải một chính kiến, một nhận định, cho dù nhận định ấy mang tính chủ quan của người đưa tin. Nhanh là rất cần, thậm chí phải nhanh thì mới tồn tại. Nhưng nếu quan niệm báo chí hiện đại đồng nhất với nhanh, chỉ có nhanh thôi, coi đó là nguyên tắc tối thượng, thì tôi e khó mà giải đáp được câu hỏi đầu tiên: sinh ra tờ báo để làm gì?

Trong tình hình hiện nay, tôi nghĩ người làm báo phải có hai vấn đề mấu chốt. Thứ nhất, nhà báo phải làm chủ được công nghệ mới, kỹ thuật mới, làm chủ các phương tiện tiếp nhận và truyền tải thông tin, những cái đó hết sức cần thiết cho sự tác nghiệp của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh phương tiện kỹ thuật, nhà báo nên luôn ghi nhớ rằng làm báo là đối thoại, là giao lưu giữa người với người, là truyền thông hai chiều giữa cá nhân với cộng đồng, với xã hội và ngược lại, có nghĩa là phải luôn luôn sử dụng đến trí tuệ, kiến thức, tình cảm, nghệ thuật... Công nghệ không thay thế chất xám, nó không bao giờ làm được việc của con tim. Vì vậy, các nhà báo trẻ hiện nay nên làm chủ thông tin của mình, đừng để nó hất ngã mình.

Nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng ban TT-VH Trung uơng, Nguyên TBT báo Nhân dân: Đừng mắc "bệnh ngôi sao"

Nhà báo Hà Đăng

Ngày nay, báo chí phát triển khá đa dạng. Không chỉ có báo in, báo nói, báo hình, mà còn có báo điện tử. Đặc biệt là trang điện tử thì báo nào cũng có. Các phương tiện thu nhận tin tức rất hiện đại, phóng viên lấy tin từ nhiều nguồn trong nước, ngoài ra, còn có tin tức từ các hãng thông tấn, truyền hình nước ngoài. Bên cạnh đó, các hoạt động như họp, chất vấn Quốc hội ngày xưa là vấn đề nội bộ, giờ cũng được truyền hình trực tiếp, tạo cho anh em có thêm nguồn tin phong phú.

Thời trước, báo chí chúng tôi gặp được những người lãnh đạo cao cấp rất khó. Còn anh em báo chí bây giờ không tiếp xúc bằng cách này thì bằng cách khác, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, rồi Thủ tướng Chính phủ. Tất cả những điều đó là điều kiện thuận lợi cho các bạn làm báo trẻ.

Mặt khác, đội ngũ làm báo hiện nay được đào tạo bài bản, với học vấn, nghiệp vụ, phương tiện tác nghiệp cao. Thời chúng tôi, dù cũng được tạo điều kiện, song vẫn rất hạn chế. Tôi nhớ năm 1955, đồng chí Hoàng Tùng - Tổng Biên tập báo Nhân dân nói một câu thế này: Chúng ta phải tiến lên chứ không thể cứ làm báo theo kiểu học sinh cấp III mãi (nghĩa là làm báo với trình độ cấp III, vì đa số các đồng chí ở cơ quan báo ít ai học qua bậc đại học).

Còn đồng chí Tố Hữu thì nói: Báo chí các anh phải vươn lên, phải đạt được ba cái bằng đại học; một bằng về văn hóa, một bằng về chính trị, một bằng về đường đời. Trong đó, bằng đại học đường đời là quan trọng nhất, tức là đi vào thực tế, nắm lấy thực tế; phải tự mình đi thực tế nắm luồng tin để viết bài, đề xuất những gì có lợi cho thực tế, nói cái xấu để sửa, cái hay phát huy.

Về cơ bản, báo chí của chúng ta là báo Đảng, báo ngành, báo của các cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội, nên đều gọi chung là báo chí cách mạng, và cùng chung định hướng xây dựng, bảo vệ đất nước.

Để nhắn nhủ thế hệ làm báo trẻ bây giờ, tôi chỉ nói một điều, nhà báo trẻ nên tránh mắc "bệnh ngôi sao", tự cho mình là trung tâm. Đây cũng là mặt hạn chế của nhiều anh em phóng viên trẻ hiện nay

Nhà báo Hữu Thọ, nguyên trưởng ban TT-vh Trung ương, nguyên TBT báo Nhân Dân: Thận trọng khi tiếp nhận thông tin

Nhà báo Hữu Thọ

Thời chúng tôi báo chí ít, sự cạnh tranh dường như không có. Ngày nay, xã hội phát triển phong phú, các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận với báo chí thế giới, mà chủ yếu là báo chí các nước TBCN. Xưa, chúng tôi tiếp cận báo chí thế giới chủ yếu là ở các nước XHCN, Liên Xô, khối Đông Âu. Công cụ tác nghiệp cũng rất đơn giản, máy Fax còn chưa có, truyền tin chủ yếu là dùng công cụ Teletuyp và Vacximin (tin tức đánh vào những cái dây, sau đó nghe bằng radio).

Anh nào khá lắm mới có máy ghi âm, to và nặng tới 1-2kg của Liên Xô, còn của các nước XHCN thì chủ yếu là loại máy Tecla của Tiệp Khắc. Đến những năm 1980 mới có máy ghi âm Sony nhỏ bằng bàn tay nhưng nặng hơn 1kg.

So sánh như thế để thấy rằng, thế hệ làm báo của chúng tôi có rất nhiều những thiệt thòi. Nhưng chính từ sự thiệt thòi đó tạo cho chúng tôi ý chí vươn lên. Thời bấy giờ lương ít, nhuận bút cũng chưa có, mà chỉ có phương pháp "Lai Cảo", tức là khi nào các tòa soạn đặt bài, hoặc bài viết đạt chất lượng cao thì mới được trả nhuận bút, nên anh em thi đua viết bài hay.

Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển nhanh và mạnh, các nhà báo trẻ được tiếp cận với các công cụ hỗ trợ làm báo hiện đại. Để làm báo, các bạn phải có ít nhất một bằng đại học, có bạn hai, ba bằng, thậm chí thạc sỹ, tiến sỹ. Tức là xuất phát trình độ của các bạn rất cao. Song, làm báo bây giờ cạnh tranh khốc liệt và nhiều sức ép quá.

Tất nhiên phải có sức ép con người có động lực vươn lên, nhưng đồng thời sức ép đó làm cho con người trở nên vội vàng, thiếu cẩn trọng, điều này dễ gặp ở các nhà báo trẻ. Nhưng, dù ở thế hệ nào người làm báo đều có điểm chung là thông tin phải kịp thời. Bất kỳ thời điểm nào, cũng không đổ lỗi cho phương tiện mà chậm tin tức.

Ngày xưa việc chuyển thông tin rất khó khăn, bưu điện không phải đâu cũng có, nhưng chúng tôi vẫn có tin tức kịp thời. Điều nữa, thông tin phải thật, không phải vì vội vàng mà thông tin sai; tờ báo nào hay cải chính là tờ báo đó kém, tín nhiệm thấp. Điều nữa là, báo chí bảo vệ lợi ích quốc gia, vì bên cạnh làm nghề thì chúng ta còn trách nhiệm công dân, người đảng viên.

Nhiều sai sót của một số bạn trẻ vừa qua mà vẫn gọi là "tai nạn nghề nghiệp" phần lớn do các anh đi - nhìn không đến nơi đến chốn; và đọc ít nên suy nghĩ nông cạn. Nhưng điều đó không quan trọng bằng suy nghĩ vội vàng đã thể hiện trên bản thảo.

Trong đó, phần lớn vẫn là do chủ quan khi tiếp cận sự thật. Mà hiện nay, nhiều điều ta tưởng là sự thật nhưng lại không phải sự thật. Mà khi sự thật mà không phải sự thật nhưng lại được thông tin thì hậu quả khôn lường. Vì vậy, các nhà báo trẻ nên học cách thận trọng khi tiếp nhận thông tin.

Minh Lý - Minh Giang