Các chuyên gia, nhà giáo ủng hộ cách ra đề thi Văn

Các chuyên gia, nhà giáo ủng hộ cách ra đề thi Văn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Cách ra đề vài năm gần đây đã bám sát với thực tiễn xã hội, góp phần đánh thức lương tri của con người. Đây là việc làm đáng hoan nghênh của ngành giáo dục sau bao nhiêu năm trì truệ trong cách ra đề thi Văn.

Trao đổi với PV Người đưa tin, TS Hồ Thanh Trung - Viện xã hội học Miền Nam đánh giá: Cách ra đề vài năm gần đây đã bám sát với thực tiễn xã hội, góp phần đánh thức lương tri của con người. Đây là việc làm đáng hoan nghênh của ngành giáo dục sau bao nhiêu năm trì truệ trong cách ra đề thi Văn. Qua đề thi này, chúng ta có thể nhận thấy thói dối trá chính là nỗi đau của xã hội mà lâu nay ít được ai nói tới.

GS Phạm Tiến Hùng, nguyên giảng viên Trường ĐHQG TP.HCM cho hay: “Đề thi thói dối trá năm nay sẽ tạo ra một làn sóng mạnh mẽ về những thực trạng đáng báo động của xã hội Việt Nam về lòng trung thực sau thi công bố các bài thi của thí sinh. Bên cạnh đó, khi công bố nội dung các bài thi của thí sinh, chúng ta sẽ ngỡ ngàng hơn khi sẽ có rất nhiều bài thi của nhiều thí sinh cổ súy về thói dối trá. Một đề thi gắn liền với thực tế đời sống xã hội sẽ tạo ra hai luồng dư luận trái chiều. Tuy nhiên, chung quy lại đề thì này là một điểm sáng trong kỳ thi quốc gia năm nay”.

Còn Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, tỏ ra khá hào hứng với cách đặt vấn đề này. “Kiểu ra đề thi tốt nghiệp môn Văn PTTH, thậm chí ĐH, đưa những câu tự luận như vậy là một điều rất hay. Tôi đánh giá cao cách tiếp cận vấn đề kiểu này. Không nhàm, không mòn, kích thích tư duy, giúp học trò thể hiện tiếng nói của mình trên bài thi. Còn nhớ, cách đây vài năm, cũng có đề thi dạng tương tự. Đề thi xoáy sâu vào những vấn đề sát sườn, nóng bỏng của cuộc sống. Học sinh phải thực sự “nhập cuộc” mới có được cái nhìn sâu sắc, thể hiện cái nhìn toàn diện về xã hội hiện nay…”.

Xã hội - Các chuyên gia, nhà giáo ủng hộ cách ra đề thi Văn

Thầy Nguyễn Hùng Vĩ - giảng viên Khoa Văn học (ĐHKHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) cũng cho rằng, hiện nay đại bộ phận chúng ta không đói, không khát nhưng luôn cảm thấy ngột ngạt, ấm ức, tức tối, vô vọng… Sở dĩ chúng ta có cảm giác này vì sự dối trá đang tràn lan trong cuộc sống. Hầu như ngày nào chúng ta cũng chạm trán với sự giả dối, nhưng chúng ta lại cố tình lờ đi vì đấu tranh với sự giả dối không đơn giản chút nào. Có những sự giả dối vô hại, thậm chí có chút lợi ích nho nhỏ, nhưng đại đa số giả dối có hại, cái hại đó lớn tới mức làm băng hoại đạo đức xã hội, suy tàn quốc gia”.

Theo đánh giá của thầy Vĩ, kiểu ra đề tự luận sáng tạo lẽ ra phải được thực hiện từ lâu nhưng mấy năm nay không thấy xuất hiện. Tuy nhiên, chậm nhưng vẫn chưa muộn. Đề thi nói đến “sự dối trá”, giúp học sinh nhìn lại xã hội, nhìn lại chính mình, góp thêm một tiếng nói đấu tranh chống lại thói hư tật xấu, suy đồi đạo đức. “Tôi nghĩ, học sinh sẽ rất hào hứng với cách ra đề thi này và thời gian tới nên tiếp tục phát huy. Theo đánh giá chung, đề thi Văn năm nay quen thuộc, vừa sức, không có sai sót và kích thích trí sáng tạo của học sinh”, thầy Vĩ nói thêm.

Còn thầy Nguyễn Thanh Diên (Giảng viên Khoa Văn học, ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) đánh giá, trong những người trưởng thành, không ai dám chắc mình trung thực tuyệt đối suốt đời. Cuộc sống phong phú, đa dạng phức tạp tới mức nhiều khi con người không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Rất nhiều người tự răn mình là không được dối trá. Họ đã cố gắng làm như vậy cho đến lúc hoàn cảnh bắt buộc họ phải nói dối. Lúc đó, họ tự an ủi mình là sự nói dối của mình vô hại, thậm chí là có lợi nho nhỏ. Có những người cứ nghĩ mình rất thành thật, nhưng không biết là đã bị nhiễm thói đạo đức giả vào tận xương tủy. Lại có những người không có khả năng thành thật với chính mình. Mà không thành thật với bản thân mình cũng là một sự giả dối.

“Đề thi tự luận năm nay tuy không mới nhưng trúng. Theo tôi, nên tiếp tục cách ra đề kiểu này và đề cập nhiều đến vấn đề nhức nhối của xã hội hơn nữa”, thầy Diên cho biết thêm.

Nhóm PV Thời sự