Các trường dân lập phản đối Nam Định chê sinh viên

Các trường dân lập phản đối Nam Định chê sinh viên

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
1
Bên lề Hội nghị Đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, các chuyên gia giáo dục đã có trao đổi ngắn với Nguoiduatin.vn về việc tỉnh Nam Định “nói không” với sinh viên ngoài công lập, tại chức.

Ngày 16/10, tại kỳ thi công chức năm 2011 của tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: “Tỉnh Nam Định không chủ trương tuyển dụng công chức là những người tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục hay tại chức”. Trao đổi với Nguoiduatin.vn, nhiều đại biểu ngành giáo dục cho rằng quy định trên hoàn toàn phi lý, sai luật, phân biệt đối xử và cản trở tới sự phát triển giáo dục.

"Sau 4 năm, sinh viên nào 20 điểm cũng tốt hơn 13 điểm?"

GS.TS Hoàng Trọng Yêm (hiệu trưởng ĐH Lương Thế Vinh, Nam Định – nơi có sinh viên tốt nghiệp vừa bị loại khỏi danh sách thi công chức ở Nam Định trong thời gian vừa qua) có ý kiến: “Trường chúng tôi không có suy nghĩ là sẽ đào tạo công chức mà mục đích là đào tạo nhân lực cho các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiêp... Công chức mỗi năm chỉ được vài người thôi vì vậy việc Nam Định không tuyển dân lập trong khi trường tôi là trường dân lập thuộc tỉnh nó cũng không ảnh hưởng lớn gì đến trường cả”.

Ông Yêm còn cho biết thêm: “Chúng tôi cũng cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo để sớm thay đổi được sự nhìn nhận của xã hội về hệ thống trường dân lập”.

Xã hội - Các trường dân lập phản đối Nam Định chê sinh viên
GS Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng (Ảnh: Phan Chính)

GS Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng, bức xúc: “Nam Định không thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục. Luật Giáo dục xem các trường công bằng như nhau, công cũng như tư. Nam Định có thể ra bài, cho thi, loại hết dân lập cũng được nếu sinh viên không đạt. Tuy nhiên, nếu có những sinh viên dân lập vượt tầm sao lại không chọn? Nam Định chọn người tài hay chọn hệ thống là công hay là tư?”.

“Theo tôi, vấn đề này phải đưa lên tầng Quốc hội. Luật Giáo dục đại học đã nêu rõ, tất cả các bằng đều giống nhau. Tôi nghĩ, nếu Nam Định muốn chọn người giỏi thì nên làm như cha ông ta ngày xưa. Cha ông ta không hỏi “Em học ở đâu, học ông đồ nào?”, mà chỉ ra câu hỏi và đề thi để chọn. Nếu không vượt qua những câu hỏi đó thì không được vào, còn nếu đã vượt qua thì dù học ở đâu cũng trở thành người tài, cần được trọng dụng. Riêng khoản nói không dùng ĐH dân lập vào chính quyền này hay chính quyền khác phản ánh ở đó chưa xem xét toàn diện, vì đây là nghị quyết của Đảng, nghị quyết II TW về xã hội hóa giáo dục, nếu Nam Định làm việc ấy có nghĩa xã hội hóa giáo dục ko thực hiện được, nhà nước phải kiểm điểm” – ông Nghị nói.

Xã hội - Các trường dân lập phản đối Nam Định chê sinh viên (Hình 2).
Sinh viên ĐH Dân lập bị coi thường vì trình độ?

GS Trần Hữu Nghị phân tích thêm, cái lý của Nam Định khi nói không đảm bảo chất lượng khi so sánh điểm sàn đầu vào 12, 13 là không chuẩn xác. Điểm sàn vào thể coi như 20, có thể coi như 13, câu hỏi tôi quan tâm là sau 4 năm, anh 20 có hơn anh 13 điểm sàn không? Vấn đề còn phụ thuộc quá trình đào tạo của từng nơi, chứ không phải chỉ có 1 con đường: cứ điểm vào cao thì điểm kia cao.

Thầy Đỗ Doãn Hải, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải, hiệu phó trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Hội đồng cổ đông ĐH Hữu Nghị cho Nguoiduatin.vn biết: “Việc làm của cả Nam Định và Đà Nẵng đều phi lý, sai luật. Luật Giáo dục coi việc tốt nghiệp ĐH công lập, tư thục như nhau, làm như 2 tỉnh trên là phân biệt đối xử”.

"Không ổn về tư duy hội nhập"

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, đồng thời là phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ quan điểm: "Luật Giáo dục cũng đã quy định bằng cấp chính quy và không chính quy đều có giá trị như nhau. Như vậy, Nam Định nói không với sinh viên dân lập là sai. Điều đó đã là cản trở tới sự phát triển giáo dục của nước nhà và vi phạm Luật Giáo dục. Nhà nước cần xem xét và quy định cấm các địa phương từ chối không nhận sinh viên dân lập và tại chức vì đây là việc làm sai trái với pháp luật. Nếu địa phương nào tiếp tục làm như vậy cần có biện pháp xử lý".

Bà Hoàng Thị Lan Phương, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT bày tỏ quan điểm: "Tỉnh Nam Định làm như vậy là không đúng. Thực tế, đối với Luật Giáo dục đã không phân biệt trường công lập hay dân lập. Ngay cả Luật Giáo dục đại học sắp tới cũng không có sự phân biệt".

Nguyên phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn, chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH ThànhTây cho rằng quyết định của Nam Định vừa qua đứng về tư duy hội nhập là không ổn.

Ông Tạn nhấn mạnh: “Nam Định phân biệt đối xử với sinh viên dân lập như vậy không đúng vì Luật Giáo dục đã công nhận bằng cấp của các loại hình đào tạo công lập, tư thục, dân lập đều như nhau. Nếu không tuyển sinh tốt nghiệp trường tư thục thử hỏi trên thế giới như Mỹ toàn trường tư thục thì có tuyển không. Cách nhìn nhận như vậy nếu đứng về tư duy hội nhập là không ổn, lỗi thời và định kiến”.

Phan Chính