Cách làm bài thi trắc nghiệm môn Vật lý

Cách làm bài thi trắc nghiệm môn Vật lý

Thứ 2, 01/07/2013 | 14:05
0
Để làm tốt bài thi môn Vật lý, thí sinh cần đọc kỹ đề, nháp thẳng vào đề thi, biết phân phối thời gian hợp lý, không vội vàng điền vào đáp án.

Dưới đây là những lưu ý của chuyên gia hàng đầu môn Vật Lý, thầy giáo Phạm Khánh Hội, giảng viên khoa Vật lý trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Kinh nghiệm 1: Đọc kỹ đề

Mặc dù đề thi trắc nghiệm khá dài, thời gian làm bài lại ngắn nhưng không phải vì thế mà chúng ta coi nhẹ công việc đọc đề bài.

Trong rất nhiều bài toán Vật lý, chỉ cần thay đổi một vài từ trong đề bài, hoặc thậm chí thay đổi thứ tự từ trong câu hỏi là ý nghĩa của các câu hỏi thay đổi hoàn toàn. Nếu đọc đề bài một cách sơ sài, chúng ta không thể nào phát hiện ra nhưng yếu tố khác biệt đó, vì thế sẽ dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc.

Kinh nghiệm 2: Nháp thẳng vào đề thi

Để trả lời các câu hỏi trắc nghiệm, các bạn nên tìm ra con đường ngắn nhất để đi đến đáp án. Nếu làm được như vậy thì khoảng trống trên tờ đề bài đủ chỗ để cho các bạn làm nháp. Làm như vậy các bạn đỡ mất công chuyển nội dung từ tờ đề bài sang tờ nháp.

Xã hội - Cách làm bài thi trắc nghiệm môn Vật lý

Để làm tốt bài thi môn Vật lý, thí sinh cần biết phân bố thời gian hợp lý (Ảnh: P. Chính)

Thêm nữa, sau khi các bạn trả lời xong câu hỏi nào thì các bạn ghi ngay đáp án ở đầu câu hỏi đó. Ở những câu các bạn chưa chắc chắn được đáp án thì tốt nhất là gạch bỏ toàn bộ đáp án sai, để nếu có thời gian kiểm tra lại các bạn không phải tư duy chúng từ đầu. Ở những câu này tốt nhất các bạn ghi dấu hỏi ở ngay đầu câu để đánh dấu.

Kinh nghiệm 3: Nên phân phối thời gian hợp lý

Chúng ta nên làm bài một cách từ tốn không hấp tấp, chú ý rằng chúng ta phải trả lời 50 câu hỏi trong vòng 90 phút và các câu hỏi dù khó hay dễ đề có điểm số bằng nhau. Vì thế nếu như đọc đề và suy nghĩ đến 2 phút mà không có ý tưởng trả lời thì tốt nhất xếp chúng vào loại câu hỏi mình chưa chắc chắn đáp án.

Đồng thời phải thật cẩn thận ở những câu hỏi dễ, không phải vì nhìn thấy dễ mà chỉ lướt qua vài giây rồi trả lời ngay, vẫn phải đọc câu hỏi một cách cẩn thận rồi mới trả lời, tuyệt đối tránh tình trạng "khó thì không trả lời được còn dễ thì trả lời sai".

Kinh nghiệm 4: Không vội ghi đáp án vào phiếu trả lời

Việc ghi đáp án vào phiếu trả lời tốn khoảng thời gian từ 5 - 10 phút. Chúng ta nên để dành khoảng 10 phút cuối giờ để điền đáp án vào phiếu trả lời, như thế sẽ tiết kiệm thời gian hơn nhiều so với điền từng câu.

Đến khi làm xong bài các bạn điền lần lượt các đáp án vào tờ giấy thi. Chú ý rằng ngay cả các câu hỏi mà bạn không trả lời được thì vẫn phải điền đáp án, làm như thế này chúng ta sẽ hạn chế tối đa việc điền nhầm đáp án.

Các bạn nên nhớ rằng với việc phải làm 50 câu hỏi trắc nghiệm thì dù các bạn có thừa tới 15 phút (1/6 thời gian làm bài) thì các bạn cũng không kiểm tra hết được các đáp án đâu vì thế tốt nhất là căn chỉnh thời gian làm bài cho hợp lý, khi làm xong bài cũng là lúc gần hết giờ chứ không nên cố làm nhanh để có dư thời gian kiểm tra lại.

Kinh nghiệm 5: Chọn bút chì và tẩy

Tốt nhất là sử dụng bút 2B, các bút cứng hơn như 1B, HB... thì khó tô còn các bút mềm hơn như 3B, 4B... thì dễ tô nhưng hay nhòe. Và vì chúng ta dùng bút 2B nên chúng ta cũng chọn loại tẩy cho loại bút 2B.

Những người giỏi dùng bút chì nhất là những sinh viên trường Kiến trúc, Mỹ thuật... Ở gần các trường này chắc chắn có nhiều hiệu bút chì và tẩy tốt, hãy đến và nhờ họ tư vấn.

Đành rằng là trả lời bằng bút chì thì có thể tẩy đi nếu sai nhưng cũng không nên lạm dụng thái quá. Việc tẩy đi tô lại rất mất thời gian và cũng làm cho tờ phiếu trả lời không còn đủ sạch sẽ.

Những yếu tố cần thiết để đạt điểm cao

1. Nắm vững kiến thức Vật lý 12 và các kiến thức Vật lý 10 và 11 có liên quan.

2. Có tinh thần thật thoải mái khi làm bài. Các em làm bài thi môn Vật lý vào buổi chiều. Sau khi thi xong môn Toán vào buổi sáng, nên nhanh chóng rời khỏi hội đồng thi, chọn chỗ nào yên tĩnh mà ăn uống và nghỉ ngơi.

Nếu tranh thủ ngủ trưa được là tốt nhất, không nên đem sách vở ra ôn bài lúc này, đề thi trắc nghiệm rất dài, ôn trúng được một vài câu ngay trước lúc thi không những không giải quyết được gì nhiều mà chỉ khiến mình thêm mệt mỏi và mất tinh thần mà thôi.

Không nên đặt cho mình chỉ tiêu là phải làm được bao nhiêu vì làm được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào đề thi dễ hay khó, những gì mình không làm được cũng không dễ dàng với người khác nên không việc gì phải sợ.

3. Không nên đến trường thi quá sớm hoặc quá muộn, không trao đổi bài thi môn trước với các bạn khác tránh mất tập trung.

4. Phân phối thời gian hợp lý, cẩn thận trong từng câu hỏi làm thế nào để lúc xong bài là lúc hết giờ là đẹp nhất.

Những lưu ý để tránh nhầm lẫn khi làm bài

1. Đọc kỹ câu hỏi.

2. Chỉ điền đáp án vào phiếu trả lời khi có đủ 50 đáp án (kể cả các đáp án của các câu không làm được mà ta gán cho nó)

3. Nên nháp bằng chính bút chì.

4. Chỉ sử dụng máy tính khi thực sự cần thiết.

5. Nên làm bài theo thói quen vốn có của chính mình.

Chúc các em thí sinh thi tốt!

P.C

Chuyên gia tư vấn làm bài thi môn Sinh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
Để giúp các thí sinh có thể làm tốt hơn các đề thi ĐH và CĐ năm 2012, chúng tôi xin gửi tới các thí sinh những kinh nghiệm học và làm bài thi môn Sinh của Thạc sỹ Võ Quốc Hiền – giáo viên trường THPT Đông Đô (Hà Nội).

Chuyên gia tư vấn làm bài thi môn Hóa học

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
– Thầy giáo Trương Minh Lương (ĐH Sư phạm Hà Nội, trưởng ê kíp giải bài thi môn Hóa của trung tâm Bachkhoa – Aptech) đưa ra một số ý kiến tư vấn làm bài thi môn Hóa học cho các thí sinh dự thi ĐH, CĐ 2012.

Chuyên gia tư vấn làm bài thi môn Lịch sử

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Chia sẻ với các thí sinh trước ngày thi, chuyên gia Lịch sử Tưởng Phi Ngọ đến từ Khoa Sử ĐH Sư Phạm thành phố HCM, đã đưa ra những lời khuyên, những lỗi mà thí sinh hay mặc phải khi làm bài thi.

Cách ôn tập và làm bài thi tốt nghiệp môn Toán

Thứ 6, 12/04/2013 | 14:45
Toán là một môn thi cố định hàng năm, môn học này khó với nhiều học sinh, đặc biệt là các bạn theo học khối xã hội, nhưng toán luôn đem lại cho thí sinh những điểm số cao, để học hiểu được Toán học phải năm vững chắc kiến thức cơ bản.