Cái bang Hà thành

Cái bang Hà thành "đại náo" phố "Tây"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
– Để “móc túi” được khách tây những “cái bang” nơi đây có nhiều chiêu độc và lạ.

Nhiều người cho biết, hiện nay, phố Tạ Hiện, Hoàn Kiếm, Hà Nội nhộn nhịp người “ăn xin”. Vì là ăn xin ở phố "Tây" nên “đẳng cấp” cũng khác hẳn những nơi khác…

Tự học tiếng Anh để... ăn xin.

Hai ngày nghỉ cuối tuần, tôi lên phố "Tây" Tạ Hiện để “mục sở thị” cảnh ăn xin đẳng cấp như lời đồn đại gần đây. Người ta gọi những con phố giao nhau với Tạ Hiện là “ngã tư quốc tế” bởi trên những con phố này có rất nhiều khách Tây. Phần lớn họ là những “Tây ba lô” sang Việt Nam du lịch hay những người sang học tập và làm việc ở Việt Nam. Những buổi tối hoặc những ngày cuối tuần, họ lên đây để gặp gỡ, nói chuyện, hay đơn giản chỉ là uống cốc bia hơi đậm chất Hà Nội. Và Tạ Hiện chính là con phố "Tây" “mầu mỡ” để những người ăn xin "hành nghề”.

Xã hội - Cái bang Hà thành 'đại náo' phố 'Tây'

Một “cái bang” đang “hành nghề”

Trong vai một người đang chờ bạn tại quán trà đá trên phố Tạ Hiện, chúng tôi đã có dịp quan sát được nhiều “chiêu trò” “xin đểu” khách Tây của những người “cái bang” trên phố "Tây".

Ngồi phì phèo khói thuốc trên tay, cậu bé tầm 15 tuổi, quần áo tả tơi, với đầy đủ dụng cụ “hành nghề” như nón, túi xách… chờ khách nước ngoài đi qua để ngả nón xin tiền. Thấy một nhóm khách Tây vừa xuống xích lô xì xồ bước tới, cậu bé chạy sấn tới: “Hê lô ông Tây cho một tờ đô đi” làm cả đoàn khách du lịch khựng lại, đảo mắt tìm vội người phiên dịch. Anh hướng dẫn viên mặt méo xệch ra sức giải thích cho khách đồng thời quay sang lườm cậu bé. Nhưng vẫn coi như không, “tiểu cái bang” này vẫn bám theo nhằng nhẵng. Đến khi không chịu nổi, một vị khách trong đoàn phải rút ví đưa cho cậu tờ 20 nghìn tiền Việt để được… yên thân. “Hành nghề” xong, cậu lại tiếp tục ngồi uống trà đá. Cứ thế ngày qua ngày cậu cũng kiếm được chút tiền, đủ để đánh chén phì phò điếu thuốc với bạn bè.

Vì là ăn xin trên phố "Tây", nên khả năng ngoại ngữ của những ăn xin này cũng kha khá. Hầu như những người “cái bang” ấy, đều "dắt lưng” vốn tiếng Anh giao tiếp “bồi”. Những người ăn xin ở đây, già có, trẻ có, từ cậu bé 12 tuổi, đến những người già 80 tuổi. Từ “hê lô”, “thanh kiu”, đến những từ khó hơn, đều được họ học và giao tiếp với khách nước ngoài. Nhiều người không lạ khi thấy hình ảnh, một người ăn xin trong lúc chờ khách tại phố Đào Duy Từ (giao nhau với phố Tạ Hiện) lôi quyển tiếng Anh giao tiếp ra học, để khi có khách đi qua là "thực hành”.

Vừa bước xuống taxi, 2 vị khách nước ngoài đã bị một người cụt tay bám theo, miệng nói liến thoắng: “Hello sir, madam please give me some of ur money pocket!” (tạm dịch là: Ông bà Tây ơi cho tôi vài đồng lẻ đi). Có vẻ đã được đào tạo chuyên nghiệp, anh chàng cụt tay này vừa "bắn" tiếng Anh, vừa khóc lóc rên rỉ rất thảm thiết. Trước tình cảnh ấy, ông bà người Ý đành phải móc ví. Nhận tiền xong, anh chàng cụt lại quay về chỗ cũ ngồi đợi khách.

Ông chủ quán gần đó cho biết: “Cụt gì chứ, nó giả vờ cột tay lại để đi xin tiền khách Tây đó. Không biết nó học được đâu vài ba câu tiếng Anh xin tiền, thế là thấy ai "tây tây" nó cũng nói câu ấy!".

Dường như hình ảnh người Việt lẽo đẽo theo khách Tây đã trở nên quen thuộc trên các phố "Tây” này. Tận mắt tôi đã chứng kiến hình ảnh, một người thanh niên 30 tuổi, lẽo đẽo xin tiền một đôi vợ chồng người nước ngoài từ phố Tạ Hiện lên tận phố Đồng Xuân. Cuối cùng cặp vợ chồng trẻ này đành phải rút tiền cho “quái nhân” để tránh bị làm phiền.

Những “ngón nghề” bí ẩn

Nhiều người bạn có “thâm niên” ngồi trà chanh ở phố Tạ Hiện cho tôi biết, ngoài những “ăn xin” nguyên bản, tức là ngửa nón xin tiền, thì cũng có loại “ăn xin” trá hình bằng cách bán hàng rong. Khi thấy khách Tây có “tiềm lực” là họ mang sản phẩm như: Ví da, tấm lót giầy, bật lửa, hay quạt giấy… Khi khách dừng lại xem sản phẩm, họ dùng tiếng Anh để giao tiếp. Nếu bán được hàng thì không sao, nhưng nếu không bán được hàng, họ sẽ đi theo khắp phố để trắng trợn xin tiền. Câu nói thường trực là: “I'm hungry, please retail me money!” (tạm dịch là, tôi đang đói, làm ơn cho tôi đồng tiền lẻ!). Điều này tạo nên hình ảnh phản cảm.

Bác Linh, nhà ở phố Tạ Hiện chép miệng ngao ngán nói với tôi: “Toàn là ăn xin trá hình thôi cô ạ, mà không hiểu sao họ “dai như đỉa” thế. Khách Tây không cho tiền không được. Bán hàng rong như thế nhưng giá toàn “đội” lên trời. Cái ví hàng Trung Quốc bán đầy ở chợ đêm Đồng Xuân mà hét giá 600.000 thì ai mua? Nếu khách không mua thì “ngửa tay” xin tiền ngay lập tức”. Nhiều khách Tây sau khi thoát khỏi vòng vây của đội quân ăn xin đều thốt lên: “I'm afraid!” (tôi sợ quá!).

Khác với sự lì lợm của cậu bé chuyên ngả nón xin tiền, một chàng trai gần 30 tuổi có kiểu “khổ nhục kế”. Họ ra vẻ đáng thương và tội nghiệp đến chảy nước mắt. Mặt mũi nhem nhuốc, chân tay bẩn thỉu, ngồi lê lết ngay chính giữa đường đi dọc phố Tạ Hiện – Đinh Liệt. Ai đi qua cũng phải cho tiền vì thương quá. Người cho đâu biết rằng chỉ nhận được tiền, xong 1 ngày “thu hoạch”, anh ta lại tung tăng rảo bước về nhà chung vui cùng vợ con.

Lân la nói chuyện với một người làm nghề ăn xin ở phố Tạ Hiện, tôi được biết. Vào những ngày cuối tuần, đông khách Tây, họ có thể “kiếm” được đến… 400.000đồng. Một số tiền đáng mơ ước đối với những người lười lao động, không muốn chịu vất vả. Có lẽ đây cũng chính là lý do để những người làm nghề ăn xin ngày càng đông trên phố phường Hà Nội.

Càng về chiều, phố "Tây" Tạ Hiện càng nhộn nhịp với khách du lịch. Và những “ngón nghề” của ăn xin thời hiện đại vẫn còn là một bí ẩn với những người “ngoại đạo” như tôi.

Lạc Thành

(còn nữa)

Kỳ 2: Vạch mặt những chiêu “làm tiền” của “cái bang” @