Cải cách giáo dục nhìn từ góc độ 'dạy thêm, học thêm'

Cải cách giáo dục nhìn từ góc độ 'dạy thêm, học thêm'

Thứ 5, 14/03/2013 | 07:55
0
Nhiều năm qua, tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan ở các cấp học ngày càng phổ biến và khó kiểm soát.

Cả ba đối tượng chính: Giáo viên, phụ huynh và học sinh đều phải chạy đua với phong trào học thêm, dạy thêm. Cuối cùng học sinh luôn là nạn nhân lãnh đủ. Nhiều trẻ mới chập chững vào lớp 1 mà đã phải nhồi nhét hàng loạt kiến thức vào đầu, khiến các em có tâm lý rất sợ đi học.

Phụ huynh cố ép, học sinh quá tải

Mới vào lớp 1 nhưng con chị Bích Ngà (Thành Công - Hà Nội) đã phải học thêm 3 buổi/tuần. Theo như chị cho biết, thì gần 100% học sinh lớp cháu D. (con chị) đều đi học thêm và các phụ huynh coi đó là điều hiển nhiên. Chị bảo, ai cũng cho con đi học thêm, nếu con mình không đi thì nó sẽ bị thua kém bạn bè và không được thầy cô yêu quý. Thu nhập ở cơ quan của hai vợ chồng không cao, hàng tháng chị phải gồng mình làm thêm giờ để có tiền đáp ứng cho số tiết học thêm của con.

Để tìm hiểu vấn nạn đã tồn tại nhiều năm nay tại môi trường giáo dục, PV Người Đưa Tin đã có cuộc khảo sát tại một số trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội. Thực tế cho thấy, hiện tượng học thêm hầu như không được tổ chức ở trường học mà chủ yếu phụ huynh hướng con em mình đến các trung tâm, hoặc học theo thầy, cô trong trường. Các lớp này được tổ chức tại nhà riêng hay cơ sở gần khu vực trường học. 

Tại các trường tiểu học, hầu hết là không có việc dạy thêm trong trường. Nhưng khi phóng viên trực tiếp hỏi một số học sinh trong trường thì ngoài giờ học trên lớp, các em đều phải học thêm gia sư buổi chiều hoặc tối. Một số em lớp 2 còn được bố mẹ đưa đến những trung tâm Anh ngữ có tiếng của Hà Nội để rèn luyện thêm tiếng Anh. Em Nguyễn Văn B. (học lớp 4 trường tiểu học Phan Đình Giót) "khoe":  Hết giờ học trên lớp em phải đi học tiếng Anh ở nhà cô Hoa, học đàn ở trung tâm. Cả tuần em có một ngày chủ nhật được nghỉ ở nhà chơi với bà nội".

Xã hội - Cải cách giáo dục nhìn từ góc độ 'dạy thêm, học thêm'

Ảnh minh họa

Điểm danh một số trường trung học cơ sở tại khu vực Phùng Khoang, Nhân Chính, Hà Nội, tỷ lệ học thêm, dạy thêm phổ biến hơn so với các trường tiểu học. Các môn học thêm không chỉ tập trung vào các môn  chính như Toán, Văn, tiếng Anh mà còn rải rác ở các môn Lý, Hóa… Tìm hiểu một số học sinh trong trường thì số tiết học thêm chiếm 1/3 đến 1/2  so với số tiết học chính khóa. Việc học thêm của học sinh chủ yếu là do gia đình hướng đi học, hoặc theo phong trào từ các bạn trong lớp.  

Đối với các trường trung học phổ thông, việc học thêm, dạy thêm khá phổ biến. Các môn học thêm mở rộng hơn theo từng khối A, B, C để phục vụ cho các kỳ thi quan trọng. Học sinh gần như không có ngày nghỉ. Đặc biệt, đối với những học sinh lớp 12, ngoài thời gian học chính khóa, lịch học thêm trong trường, ngoài trường đều kín cả tuần. Nhiều em còn phải học thêm cả buổi tối. Em Lã Quốc D. (học sinh lớp 10 tại trường trung học phổ thông Trung Văn- Hà Nội) cho biết:  “Hiện tại số tiết học thêm của em gần bằng số tiết học chính khóa. Ngoài các môn khối A là Toán, Lý, Hóa, và môn Anh văn em học thêm các thầy cô trong trường, mẹ em còn thuê gia sư học thêm cả buổi tối. Sáng học chính khóa, chiều và tối học thêm. Em và nhiều bạn gần như không có thời gian nghỉ”.

Cũng qua cuộc khảo sát này, phóng viên ghi nhận được, dù cha mẹ phải bỏ số tiền khá lớn cho phí học thêm nhưng đa số học sinh các cấp đều không muốn học thêm. Kiến thức học quá nặng, quá nhiều bài tập từ học chính khóa lẫn học thêm khiến học sinh luôn có cảm giác mệt mỏi, nhiều em chỉ học mang hình thức chống đối. 

Trước những bất cập trên, trao đổi với PV Người Đưa Tin, PGS Văn Như Cương, (Hiệu trưởng trường trung học phổ thông dân lập Lương Thế Vinh - Hà Nội) cho rằng: Dạy thêm, học thêm lâu nay đang là vấn nạn xã hội, cần phải có nhiều thời gian để khắc phục. Trước tiên phải là sự nhận thức đúng đắn từ phía những đối tượng chính về việc dạy thêm và học thêm. Sau đó mới có thể đưa ra giải pháp để hạn chế hiện trạng này.

Ông Văn Như Cương cho biết:  Trường Lương Thế Vinh nghiêm cấm tuyệt đối việc dạy thêm, học thêm trong trường. Quy định này nhằm giảm tối đa việc học thêm và dạy thêm tràn lan, gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Nhưng theo ông Cương, đây mới chỉ là biện pháp tình thế khi chính phụ huynh coi việc học thêm là thước đo học lực cho con em mình. Thậm chí, phụ huynh còn xác định việc học thêm là trách nhiệm của học sinh phải thực hiện với thầy cô. Minh chứng cho những nhận định trên, ông Văn Như Cương dẫn chứng trường hợp cụ thể của trường mình. Trong một cuộc họp mặt ban phụ huynh nhà trường, chính các phụ huynh đã đề nghị hiệu trưởng cho học thêm và dạy thêm trong trường. Lý do đưa ra là nhằm đảm bảo việc đi lại và an toàn cho học sinh. Học sinh được bám sát chương trình học với sự hướng dẫn của chính các thầy cô trong trường. Đồng thời, phụ huynh không phải vất vả trong công tác tìm gia sư và thầy cô dạy thêm cho con em họ.

Một cán bộ đề nghị được giấu tên của sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội chia sẻ:  Vấn đề học thêm, dạy thêm trong giáo dục rất nan giải và khó giải quyết. Xét về mặt thực tế, đây cũng là vấn đề có tính hai mặt. Đó là nhu cầu học của phụ huynh, học sinh và có thể chương trình học trên lớp chưa đáp ứng được yêu cầu của các đợt thi cử. Nhiều gia đình lo lắng đã tìm thấy cô xin cho con học ngoài giờ. Ở góc nhìn giáo dục thì giáo viên đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, học sinh trong việc phụ đạo, bồi dưỡng học sinh. Tuy nhiên, trong việc này phải thật nghiêm khắc với những thầy cô ém chương trình chính khoá để dạy ở lớp học thêm, chỉ kiểm tra những kiến thức học thêm, ép học sinh bắt buộc phải đi học thêm…

Từ thực tế đó, ông Văn Như Cương đưa ra ý kiến:  Các trường nhất thiết phải phổ biến định nghĩa thế nào là "học thêm" cho học sinh và phụ huynh. Khi hai đối tượng chính đã xác định được vấn đề thì sẽ không còn cơ hội cho việc học thêm, dạy thêm xuất hiện tràn lan như hiện nay. Theo ông Cương, khái niệm học thêm phải được chuẩn mực là hình thức phụ đạo cho những học sinh yếu kém và bồi dưỡng cho những học sinh có lực học khá để phát triển thêm nhằm đạt được kết quả cao trong học tập.

Ông Cương cũng chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực: "Hiện tại, để có thể đáp ứng chương trình cải cách sách giáo khoa, trường trung học phổ thông dân lập Lương Thế Vinh đã phải nâng số tiết dạy một số môn lên để đảm bảo chất lượng giáo dục tốt cho học sinh. Thông thường các môn học quy định có 4 tiết học (1 tiết học là 45 phút) đều được nâng lên 6 tiết để đảm bảo lượng kiến thức sâu cho học sinh. Nếu đúng như số tiết quy định cho môn học ban đầu thì giáo viên sẽ khó có thể truyền tải hết kiến thức cho học sinh. Theo đó, buộc chúng tôi phải có phương pháp cấu tạo lại số tiết học để cho học sinh có thời gian tìm hiểu và vận dụng bài tốt". Đứng trước vấn đề này, ông Văn Như Cương đánh giá: "Hiện trạng này là bài toán khó cho giáo viên trong cách truyền thụ kiến thức cho học sinh. Và công tác dạy thêm, học thêm cần được cơ quan chức năng quan tâm để có định hướng tốt cho những bất cập từ cải cách giáo dục đưa lại".                                  

Bình Minh

Công nhận dạy thêm là một nghề?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
Với tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm, phải ký cam kết với UBND xã, phường, thị trấn. UBND cấp xã, phường, thị trấn có quyền “cấp phép” và quản lý các tổ chức dạy thêm học thêm.

Dạy thêm, học thêm có phải là... "tệ nạn"?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
"Đá quả bóng" trách nhiệm sang các địa phương về việc quản lí dạy thêm, học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gây nên những tranh cãi gay gắt trong dư luận.

Quản lý dạy thêm, học thêm khó khả thi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
– Để quản lí việc dạy thêm, học thêm tràn lan, Bộ GD – ĐT đã có thông tư 17 quy định việc dạy thêm học thêm cụ thể đối với từng cấp học. Theo đó, kể từ ngày 17 2012, hàng loạt quy định mới về DTHT sẽ chính thức được áp dụng.

Chưa nghỉ hè thầy cô đã “tiếp thị” học thêm

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
"Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy" câu tục ngữ đó đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân Việt Nam.