"Cái chết" bất ngờ của cân đối chứng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Giá thực phẩm tăng cao, nạn cân điêu, cân thiếu càng được dịp hoành hành. Trong khi đó, những chiếc cân đối chứng thường được đặt ở đầu các khu chợ dân sinh nhằm hỗ trợ người dân thì lâu nay đã dần mất tích.

Nghệ thuật chỉnh cân

Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, hầu như chợ nào cũng có nạn cân điêu. Với những thực phẩm mua - bán thường xuyên như thịt gà, thịt bò, thịt lợn... thì người bán chỉnh cân sai lệch vài hoa, còn những hàng hoa quả, hải sản thì một vài lạng. Trong khi đó, người tiêu dùng hoàn toàn không tìm ra cách "chống đỡ" với thói quen gian lận của người bán. Hoặc có biết, người mua cũng phải "ngậm bồ hòn làm ngọt".

Chị Hoàng Lan (ở Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội) than thở: "Giá thực phẩm cứ tăng vùn vụt mỗi ngày mà người mua lại chịu thêm cảnh cân điêu. Tính ra mỗi lần đi chợ, người tiêu dùng mất đến vài chục nghìn do người bán móc túi công khai từ nạn cân điêu. Các loại thực phẩm như: Thịt lợn, thịt bò, thịt gà... đắt đỏ thế này người bán chỉ cần ăn gian vài hoa, một lạng/lần bán cũng lời được mười mấy nghìn đồng rồi.

Nhiều khi, người mua biết bị người bán cân điêu mà vẫn "nhắm mắt" cho qua. Bởi có quay lại đối chất với người bán hàng cũng chẳng được gì, vì không có bằng chứng để chứng tỏ họ cân điêu.

Ngay tại các khu chợ lớn, nạn câu điêu còn diễn ra ngang nhiên như thế, thì tại các quầy bán hoa quả, thực phẩm lưu động, cân điêu còn "hoành hành" dữ dội hơn. Hàng hóa có giá rẻ hơn hẳn, người mua tha hồ mặc cả thì chuyện cân thiếu là việc quá bình thường. Bởi không cân thiếu, lại bán rẻ, lấy đâu có lãi - một chủ cửa hàng bán hoa quả trên đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) thừa nhận.

Cũng là nạn nhân của "nghệ thuật" cân điêu, chị Minh Hương (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) bức xức kể lại, nhà gần chợ Ngã Tư Sở nên chị thường mua thực phẩm, rau, củ, quả. Có hôm tìm được hàng bán xoài Thái chỉ 30.000 đồng/kg rẻ hơn hẳn các hàng khác trong chợ, nghĩ giá rẻ, chị mua liền 2kg, đến hàng bán dưa, nhờ cân lại chỉ còn 1,7kg. Quay lại mắng người bán, chị nhận được lời giải thích: Muốn cân đủ thì đúng 40.000 đồng/kg nhé, còn muốn mua rẻ thì chỉ có cân thiếu thôi.

Theo "cái lý cân điêu" của người bán hàng thì, thực phẩm hầu như đều có giá chung mà người mua lại cứ thích trả giá, mua được giá rẻ nhất. Thế nên mới có chuyện, những cửa hàng nào bán phá giá, giá rẻ hơn các cửa hàng khác thì người bán cân điêu mới có lãi, người mua cứ tưởng vớ được giá hời thành ra lại là đắt.

Xã hội - 'Cái chết' bất ngờ của cân đối chứng

Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

Một chuyên gia kinh tế làm phép tính, cứ mỗi kg bị ăn bớt 100gr, làm phép tính đơn giản sẽ thấy, trung bình mỗi tháng, người dân tại Hà Nội và TP. HCM bị móc túi 69 - 77,5 tỷ đồng khi mua rau, củ (tính trung bình 5.000 đồng/kg), xấp xỉ 300 tỷ đồng khi mua trái cây (với giá trung bình 20.000 đồng/kg), 60 - 70 tỷ đồng khi mua thực phẩm các loại...

Nếu tính trong cả nước, mỗi tháng, người tiêu dùng bị móc túi khoảng 1.000 tỷ đồng (mỗi năm 12.000 tỷ đồng). Như vậy, chỉ tính riêng ba mặt hàng rau củ, trái cây và thực phẩm, bình quân mỗi ngày người tiêu dùng trong cả nước bị móc túi hơn 30 tỷ đồng vì cân điêu.

"Nghệ thuật" cân điêu ở những khu bán hàng trong chợ lại chủ yếu nằm ở chiếc cân. Hầu như loại cân nào, người ta cũng dùng thủ thuật để vênh lên từ vài hoa đến vài lạng. Với những chiếc cân bàn khoảng 30kg chuyên dùng ở các hàng bán hoa quả, người bán luôn để cân bằng ở con số 0 nhưng thực chất đã được chỉnh vênh lên 2 - 3 lạng. Nổi tiếng trong... "nghệ thuật" cân điêu ở chợ phải kể đến những người bán hàng hoa quả. Chiếc cân bàn 30kg được đặt ở trên kệ lúc nào cũng ở con số 0, nhưng đã được chỉnh để ăn gian thêm 3 lạng mỗi cân.

Tại phố Thuốc Bắc (Hà Nội), cân đĩa, cân đồng hồ được bày bán khá nhiều. Tuy nhiên nếu muốn tìm mua được cân đã được căn chỉnh thì phải là người quen giới thiệu hoặc phải tạo được độ tin cậy với thợ chỉnh cân. Mỗi chiếc cân có thể chỉnh vênh lên được 2 - 3 lạng/kg, với tiền công chỉnh là 50.000 đồng/chiếc. Đối với cân đồng hồ dạng này, chỉ cần dùng kìm xoay cái tai ấn lò xo lên một vài nấc hoặc kéo giãn dây lò xo ở bên trong là trọng lượng tăng lên, sau đó kẹp lại chì, cân lại như mới.

Với loại cân điện tử, do cấu tạo phức tạp nên thường chỉ có thợ chuyên nghiệp mới chỉnh được. Và, phương pháp phổ biến là gắn thêm các chíp phía trong kết cấu của cân. Những chiếc chíp này có điều khiển từ xa, tác dụng trong phạm vi 10m. Chỉ số trọng lượng mọi vật đặt lên cân sẽ được điều khiển theo ý muốn của chủ hàng. Con chíp gian lận này chỉ thích hợp với loại cân từ một tạ trở lên và có giá khá cao trên 1 triệu đồng/chiếc. Nhưng do độ phức tạp của cân điện tử, đa số người bán hàng đều mua các loại cân đĩa, cân đồng hồ đơn giản.

Còn với chiếc cân dùng tay thô sơ, người bán chỉ cần có kỹ năng một chút là có thể đánh lừa được người mua. Mọi nguyên tắc của chiếc cân nằm ở ngón tay cái, móc của cân. Chỉ một cú lẩy nhẹ, nhịp nhàng lên hoặc xuống theo cán cân là điều chỉnh ngay được trọng lượng theo ý muốn.

Biết cân chuẩn ở đâu?

Để giải quyết vấn nạn cân điêu, cân thiếu, từ cuối năm 2006, chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội đã lắp đặt hàng chục chiếc cân đối chứng tại các chợ, hỗ trợ người mua chống lại nạn cân điêu. Còn có một quy định, tại các điểm cân đối chứng phải có nhân viên điều hành ghi lại kết quả kiểm tra, nhắc nhở người cân thiếu có trách nhiệm cân đủ cho khách hàng.

Theo quan sát của PV Người Đưa Tin, tại hầu hết các chợ lớn ở TP.Hà Nội đều đặt cân đối chứng để người tiêu dùng cân kiểm tra lại hàng hóa nếu thấy nghi ngờ. Tuy nhiên, một thực tế tồn tại nhiều năm qua là dường như những chiếc cân này đang bị chính người tiêu dùng cho vào quên lãng. Khảo sát tại các chợ Ngô Sĩ Liên (Đống Đa), chợ Xanh (Thanh Xuân), chợ Bưởi (Tây Hồ), chợ Quan Nhân (Đống Đa)... đều không thấy có chiếc cân đối chứng nào. Thậm chí, khi hỏi đến chiếc cân này, ai cũng ngơ ngác vì không biết đó là loại cân gì.

Một số chợ vẫn còn cân đối chiếu nhưng chiếc cân đã hoen gỉ hoặc bị che lấp bởi đống hàng hóa. Chiếc cân này thường để chỏng chơ, không có người giám sát và cũng không ai dám chắc chắn, chiếc cân cũ nát ấy có còn chính xác nữa hay không.

Tại khu vực chợ Long Biên, phóng viên tìm thấy một chiếc cân bằng sắt khá mới được đặt trong trạm ngay đầu chợ bên cạnh các hàng bán hải sản, hoa quả. Nhưng hiếm có khách mua hàng nào lại mang đồ ra đây để cân kiểm tra lại. Thử hỏi những người dân quanh chợ về tác dụng của chiếc cân này thì đa số mọi người đều lắc đầu hoặc tỏ thái độ không biết đến sự tồn tại của chiếc cân này. Chẳng nhẽ mua đồ ở cuối chợ lại mang về đầu chợ để cân đối chứng sao - một khách hàng mua hoa quả gần cổng chợ cho biết.

Đến chợ Hôm (Hà Nội), chúng tôi thấy chiếc cân đối chứng đặt ngay lối vào khu mua bán thực phẩm. Chiếc cân đồng hồ loại 20kg đã cũ, gỉ sét, còn bị một tấm bạt trùm lên quá nửa, cũng không có bất cứ một nhân viên điều hành nào gần đấy. Do đó, có đặt ngay đầu khu bán thực phẩm, cũng chẳng mấy ai để ý tại đấy có chiếc cân đối chứng.

Cân đối chứng ở chợ Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng được đặt ngay lối vào cổng chợ, nhưng từ rất lâu rồi không ai dùng đến nên bục để cân đã được tận dụng để trở thành nơi bày bán hàng hóa. Một thời gian sau, chiếc cân hoàn toàn biến mất, nhường chỗ làm nơi trông xe đạp, xe máy vào chợ.

Thờ ơ và bỏ ngỏ

Theo bà Đỗ Thị Thoa, trưởng ban quản lý chợ Mai Động (Hà Nội) thì, cân đối chứng xuất hiện tại chợ nhưng chỉ ít người dân biết và sử dụng, đa số người tiêu dùng chưa quan tâm đến cân này, nhiều người còn chưa biết đến nó. Từ trước tới giờ, hầu như không thấy bất kỳ một cơ quan quản lý nào đến kiểm tra những chiếc cân của tiểu thương trong chợ. Còn quy định về việc nhân viên điều hành phối hợp với ban quản lý chợ nhắc nhở người bán hàng cân thiếu thì phải có biện pháp cân bù đủ cho người mua cũng chưa ai biết, nhân viên này thực hiện công việc như thế nào? Thực tế, người tiêu dùng hầu như không quan tâm đến vấn đề này, dù đó là quyền lợi thiết thực của họ.

Ngân Giang - Lê Tuấn