“Cái đẹp phải song hành cùng đạo đức”

“Cái đẹp phải song hành cùng đạo đức”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Những ngày qua, dư luận liên tiếp có những phản ứng xoay quanh vấn đề đúng sai khi trường ĐH Tây Đô đặc cách hai kỳ thi liên tiếp cho Đặng Thu Thảo kịp tham dự cuộc thi HHVN 2012 với tư cách là sinh viên của trường.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng, tân Hoa hậu Thu Thảo đã quá háo danh khi cố tìm mọi cách để có được cái mác sinh viên cao đẳng. Dù căn cứ theo quy chế, điều đó là không cần thiết.

Thông cảm không có nghĩa là im lặng

Dư luận sẽ không có gì phải thắc mắc nếu Thu Thảo tham gia cuộc thi HHVN 2012 với tư cách là một học sinh hệ trung cấp của ĐH Tây Đô. Bởi chưa từng có quy định bắt buộc các thí sinh tham gia thi HHVN phải là sinh viên của một trường ĐH, CĐ. Thế nhưng, không hiểu vì sao cô tân Hoa hậu vội vàng xin thi đặc cách qua hai kỳ thi liên tiếp và được trường ĐH Tây Đô chấp thuận trong một thời gian ngắn (chưa đầy một tháng, vừa thi tốt nghiệp hệ trung cấp, vừa thi liên thông hệ cao đẳng). Một phút huy hoàng có thể giúp con người ta trở thành bất tử, nhưng cũng có thể chỉ nửa phút vội vàng tạo nên những sai lầm không đáng có.

Xã hội - “Cái đẹp phải song hành cùng đạo đức”

Sau sự cố bằng cấp, vấn đề tư cách đạo đức của Thu Thảo đang bị đưa ra bàn luận.

Trao đổi với PV Người đưa tin, Nhà văn - Nhà báo Trần Thị Trường, phó giám đốc khu vực phía Bắc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho rằng: "Chúng ta nên có cái nhìn rộng lượng hơn trong vấn đền này. Vì bản thân HH còn trẻ và còn rất nhiều cơ hội làm việc có ích cho xã hội. Thế nhưng thông cảm không có nghĩa là chúng ta sẽ im lặng trước những điều sai trái. Nhất là sự không chân thành nó liên quan đến vấn đề đạo đức nhân cách của con người".

Cũng theo Nhà văn - Nhà báo Trần Thị Trường, trường ĐH Tây Đô nên xem xét việc cho tân Hoa hậu Thu Thảo hai lần thi đặc cách để được làm sinh viên cao đẳng có đúng quy định hay không. ĐH Tây Đô không nên vòng vo trong việc giải thích trước dư luận. Vì như thế rất có thể sẽ càng gây những hiểu lầm không đáng có. "Tôi nghĩ trong trường hợp nếu có sai lầm thì nên thẳng thắn thừa nhận. Như thế cũng là một cách để chúng ta nhận khuyết điểm và không lặp lại những sai lầm đáng tiếc nào nữa. Như thế dư luận mới có thể rộng lượng tha thứ", bà Trường chia sẻ.

Không phải cứ nhiều "mác" là đẹp

Về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với TS, nhà tâm lý học Trịnh Trung Hòa, chuyên gia tư vấn Tổng đài 1088. TS. Hòa cho rằng: Việc làm của Hoa hậu Đặng Thu Thảo không chỉ làm ảnh hưởng đến danh hiệu hoa hậu nói chung mà còn gây phiền hà đến cả BTC cuộc thi và trường ĐH Tây Đô. Thu Thảo dường như cũng đang là một trong những cá nhân chạy theo xu hướng háo danh. Cô cố trang bị cho mình thật nhiều "nhãn mác" để sao cho hồ sơ của mình lấp lánh. Là một người trẻ tuổi, đáng lẽ ra Thu Thảo nên học cho mình những kĩ năng, chuyên môn thực sự chứ không nên tìm cách có được cái danh hão.

Đánh giá về trường ĐH Tây Đô, TS. Trung Hòa cho rằng, một trong những nét cơ bản của đức hạnh là phải trung thực, thật thà. Nếu Thu Thảo xin thi trước cả tốt nghiệp trung cấp và liên thông lên cao đẳng để cho có mác sinh viên chẳng khác nào chạy bằng cấp và là việc làm gian dối. "Tôi không hiểu tại sao Trường ĐH Tây Đô lại chấp nhận làm việc đó. Chắc chắn nhiều người nghĩ rằng, sẽ có vấn đề tiêu cực nào đó phía sau. Đáng lẽ ra trường đó phải hướng dẫn, giải thích rõ cho Thu Thảo thấy rằng, việc làm đó là không cần thiết và không nên. Đã là thầy thì phải chỉ dạy cho trò làm điều hay lẽ phải".

Trong cuộc trao đổi với Nhà văn - Nhà báo Trần Thị Trường, PV cũng đặt vấn đề cho rằng, việc gần đây nhiều người đẹp được mệnh danh là "chân dài, hoa hậu" nhưng lại có trình độ học vấn kém dẫn đến ứng xử không đẹp và bị dư luận lên án. Có lẽ điều đó đang là áp lực khiến một số thí sinh cố tìm mọi cách trang bị cho mình một bộ hồ sơ đẹp trước khi đến với những đấu trường hoa hậu. Nhà văn - Nhà báo Trần Thị Trường bày tỏ quan điểm: "Tất cả những người đi thi về nhan sắc nên tự tin về trình độ của mình. Trình độ đến đâu thì khai đến đấy. Trung thực là tiêu chuẩn đầu tiên của văn hóa. Còn vì chuyện bằng cấp đẹp, hồ sơ sang mà cố tìm mọi cách chạy chọt thì không nên".

Nhìn nhận mặt trái của vấn đề, bà Trường chia sẻ, áp lực về chuyện bằng cấp cũng có mặt hay của nó. Bình thường họ sống rất bản năng và chỉ sử dụng vũ khí sắc đẹp của mình thì giờ đây muốn vượt qua áp lực xã hội cho rằng "chân dài óc ngắn" thì các người đẹp, hoa hậu phải tự trau dồi cho mình kiến thức để họ không chỉ là người đẹp người mà còn đẹp cả nết nữa. Tuy nhiên, không nên vì thế mà bằng mọi giá các người đẹp của chúng ta phải chạy bằng cấp cho đẹp hồ sơ. Điều đó không chỉ vi phạm đạo đức nhân cách con người mà càng chứng tỏ họ chỉ biết nghĩ gần mà không biết nghĩ xa.

"Tôi luôn nghĩ rằng "tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt". Vẻ đẹp đích thực luôn ẩn chứa chiều sâu nội tâm văn hóa ở trong thì mới được đánh giá là đẹp. Khi ấy là tướng có tâm. Còn người xấu xa, tâm địa không tốt nhìn kỹ đâu có đẹp. Như vậy, cũng còn một yếu tố để phân định cái đẹp là con mắt người nhìn. Chúng ta nên cố gắng để đạo đức song hành cùng cái đẹp", Nhà văn - nhà báo Trần Thị Trường nhấn mạnh.

Đạo đức luôn được xếp hàng đầu trong các cuộc thi

Ông Hòa quan ngại, hiện tượng gian dối trong các cuộc thi sắc đẹp gần đây diễn ra khá phổ biến và đáng để ban tổ chức phải xem xét lại. Những sự việc này cho thấy phẩm chất trung thực của các người đẹp là quá kém, không tương xứng với nhan sắc mà trời phú cho họ. Xã hội không chấp nhận chuyện đó là điều đương nhiên. "Người ta có thể chấp nhận học vấn trình độ chưa cao, chuyện hôn nhân dang dở nhưng không thể chấp nhận tính dối trá, háo danh, thiếu trung thực. Trong quy chế thi hoa hậu, tiêu chí về đạo đức, tư cách được đặt trước tiên và sau đó mới đến ngoại hình", TS. Hòa nhấn mạnh.

Dương Thu - Phạm Hạnh