Cám cảnh cửa khẩu thời...

Cám cảnh cửa khẩu thời... "cấm biên"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Nhiều doanh nghiệp lo ngại nếu bị "cấm trại" bất đắc dĩ tại cửa khẩu, hàng hóa không lưu thông thì chỉ có nước… phá sản.

Điềm lạ ở cửa khẩu

Cửa khẩu Ka Long là nơi xuất hàng nhiều nhất TP.Móng Cái (Quảng Ninh) - với 9 điểm xuất hàng. Thế nhưng, theo ghi nhận của PV Người đưa tin, ngày cuối tháng 8/2012, tại cửa khẩu này chỉ lác đác vài xe hàng nông sản đang làm thủ tục, phía bến sông hàng trăm con thuyền "lặng im".

Biết chúng tôi là nhà báo, bà chủ quán nước chè thao thao kể: "Khổ thế, cách đây vài ngày, báo đài thông tin ùn tắc hàng ngàn container trước cửa khẩu. Nếu có chuyện tắc thế thì tôi được nhờ vì có khách mà phục vụ, nhưng hiện nay, cửa khẩu "vắng như chùa bà đanh", hàng hóa thì thưa thớt, người lao động thì lác đác việc làm".

Đem không khí ảm đạm bắt chuyện một vài lái xe, chúng tôi nhận được những cái lắc đầu ngao ngán.

Anh Lê Văn Tuấn, chuyên chạy hàng đông lạnh cho hay: "Trước đây, mỗi chuyến lên chờ cùng lắm cũng chỉ nửa ngày là xuống được hàng, nhưng độ vài tháng nay, phía Trung Quốc làm thủ tục gắt gao nên nhiều xe phải nằm dài đến hai, ba ngày". Cũng theo tính toán của anh Tuấn, nếu một xe container hàng đọng lại cửa khẩu một ngày thì chủ hàng phải mất thêm chi phí từ 1,2 - 1,5 triệu đồng, bao gồm tiền thuê container (khoảng 800 - 1 triệu đồng), tiền thuê sân bãi (300 - 500 ngàn đồng).

Đó là chưa kể, với hàng đông lạnh thì phải cần bảo quản với chi phí cao hơn. Đã có doanh nghiệp nằm chờ lâu quá hàng hỏng phải chấp nhận đem đổ xuống biển".

Xã hội - Cám cảnh cửa khẩu thời... 'cấm biên'

Cửa khẩu Ka Long đìu hiu một cách khác thường

Sự thật, tại cửa khẩu Ka Long đang thưa vắng, nhưng trước đó lại có thông tin về hàng ngàn container ùn ứ. Điều này rất cần được thông tin minh bạch thì cánh PV lại nhận được những cái lắc đầu khó hiểu của người phụ trách Ban quản lý Cửa khẩu Móng Cái với lý do: Trách nhiệm trả lời thuộc về thành phố???

“Hầu như năm nào cũng có hiện tượng này”

Nguyên nhân được xác định là do phía Trung Quốc tăng cường quản lý các hoạt động thương mại biên mậu nên đã ảnh hưởng đến các hoạt động XNK hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng tạm nhập - tái xuất (đông lạnh).

Đầu tháng 3/2012, Cục Kiểm nghiệm - Kiểm dịch Trung Quốc đã có thư gửi Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương về việc tạm ngừng cho phép nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc động vật từ Việt Nam, kể cả các sản phẩm quá cảnh đi nước thứ ba (hàng đông lạnh, tạm nhập - tái xuất).

Tuy nhiên, do nhu cầu lớn đối với loại mặt hàng này, phía Trung Quốc cho phép nới lỏng đối với một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản như cao su, tinh bột sắn, thuốc lá điếu, thủ công mỹ nghệ song ít hơn trước rất nhiều.

Ông Phạm Quốc Hưng, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Móng Cái - Phụ trách Cửa khẩu Ka Long cho biết: Đúng là trong khoảng thời gian hơn một tháng nay, phía Trung Quốc tăng cường quản lý các hoạt động thương mại biên mậu nên một số mặt hàng của các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn khi xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Hưng, khó khăn hơn được hiểu là do thủ tục phức tạp hơn nên mất thời gian hơn chứ không có chuyện "cấm biên" hay "mở biên". Nó được lý giải nôm na, trung bình một ngày doanh nghiệp có thể xuất được 5 container hàng thì nay thủ tục nhiều hơn, phức tạp hơn thì chỉ được 2 container.

Một lãnh đạo Chi cục Hải quan Móng Cái cho hay, hầu như năm nào cũng có hiện tượng này, nhưng năm nay kéo dài hơn. Thực tế này, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp là điều không thể tránh khỏi, song ảnh hưởng ra sao, đến mức nào và tháo gỡ đến đâu chỉ có doanh nghiệp là nắm rõ nhất.

Tuy nhiên, vị này cũng lo ngại, việc hàng đông lạnh tồn đọng tại khu vực cửa khẩu thật sự là nỗi lo không chỉ về thương mại mà có nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mới đây, các cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện chủ hàng mang cả container tai heo bị hư hỏng đổ xuống biển.

Ngoài ra, tình trạng trên không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội mà còn tiềm ẩn những bất ổn khác do hàng vạn lao động vùng biên mất việc, mất thu nhập.

Vấn đề cần doanh nghiệp hai phía Việt Nam - Trung Quốc ngồi lại với nhau để tháo gỡ

"Đây là vấn đề chỉ có doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc ngồi với nhau để cùng tháo gỡ chứ cơ quan chức năng không thể can thiệp được. Có chăng, do hàng hóa chưa xuất kịp, TP. sẽ bố trí kho bãi thuận tiện nhất cho doanh nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang lâm vào tình cảnh khó khăn vì việc này", (Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Móng Cái Phạm Quốc Hưng

Vương Trần