Chị họ dìu em tật nguyền bán vé số mưu sinh

Chị họ dìu em tật nguyền bán vé số mưu sinh

Chủ nhật, 12/05/2013 | 19:49
0
Căn bệnh quái ác đã khiến cơ thể chị bị biến dạng và không thể đi đứng được. Mỗi lần di chuyển, chị phải dùng tay để chống rồi lết đi từng chút khó nhọc. Dù vậy, người phụ nữ này lại không muốn mình trở thành gánh nặng cho gia đình, nên chị đã bỏ xứ vào TP.HCM tìm việc làm. Thấy đứa em một mình ra đi với thân thể bị dị tật, người chị họ (con dì) đã hy sinh cuộc sống riêng, chấp nhận bỏ lại chồng con để đi theo chăm sóc cho đứa em tội nghiệp.

Số phận bi đát của người mang căn bệnh quái ác

Trong cái nắng của những ngày đầu tháng năm nóng bức và ngột ngạt, mọi người đều cố tìm nơi để tránh nóng thì trên hè phố, hình ảnh một phụ nữ với thân thể dị tật xuất hiện bò lết trên mặt đường rồi vào từng quán cafe bán vé số đã khiến không ít người phải động lòng xót thương. Với cơ thể cao vỏn vẹn hơn 1m, đôi chân thì teo lại, chỉ còn da bọc xương, khuôn mặt khắc khổ xuất hiện một cách bất ngờ, chị bò lết ngay dưới chiếc bàn nhựa chúng tôi ngồi, rồi cố ngước lên mời khách mua vé số trong hơi thở mệt lả. Hỏi chuyện, chúng tôi mới biết chị tên là Phan Thị Mỹ Uyên (41 tuổi, quê Phú Yên).

Xã hội - Chị họ dìu em tật nguyền bán vé số mưu sinh

Chị Uyên với cơ thể khuyết tật phải bò lết hết sức khó nhọc mỗi lúc di chuyển

Chị là con gái thứ tư, trong gia đình có sáu anh chị em. Nhưng không hiểu lý do gì mà từ năm lên ba tuổi, chị mắc một căn bệnh lạ khiến cơ thể bị biến dạng gần như hoàn toàn. "Từ lúc phát bệnh, cơ thể tôi bắt đầu suy nhược dần và ngày càng xuất hiện nhiều biến chứng hơn. Ban đầu thì ba mẹ tôi nghĩ đó là căn bệnh bình thường nên chỉ dừng lại ở việc chích thuốc tại địa phương mà không đưa đi chữa trị ở những nơi khác. Cho đến khi nhận thấy cơ thể tôi có những dấu hiệu suy nhược rồi ngày càng xuất hiện nhiều biến chứng thì ba mẹ mới đem đi chữa trị. Nhưng kết quả thì vẫn không thay đổi được gì", chị Uyên tâm sự.

Ròng rã suốt mấy chục năm trời, chị phải sống dựa vào ba mẹ. Mặc dù sống trong sự đùm bọc, che chở của gia đình nhưng lúc nào chị cũng cảm thấy phiền lòng khi nhìn thấy ba mẹ phải cực khổ chăm sóc cho mình. Trong tâm tư, chị vẫn luôn ấp ủ phải làm được một việc gì đó để có thể tự mình nuôi sống bản thân mà không phải nhờ cậy đến người khác. Sau nhiều ngày suy nghĩ, chị đã quyết định rời quê vào TP. HCM để tìm việc làm. Khi chị nói sẽ đi tìm việc để làm thì ai nấy trong gia đình đều không đồng ý và kiên quyết không để chị đi, vì lo lắng cho cơ thể dị tật, đi lại vốn rất khó khăn của chị.

Nhưng trong số những anh chị em của mình có một người đã thấu hiểu được nỗi lòng của đứa em tội nghiệp nên đã tình nguyện đi cùng và chăm sóc cho Uyên. Người đó không phải là người anh hay người chị trong gia đình của Uyên mà là người chị họ thân thiết với chị Uyên từ nhỏ. Đó là chị Trương Thị Hiếu (44 tuổi).

Xã hội - Chị họ dìu em tật nguyền bán vé số mưu sinh (Hình 2).

Hai chị em hằng ngày vẫn mưu sinh trên những hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn

Quyết rời quê đồng hành cùng em họ

Kể về chuyện để lại chồng con ở nhà để đi theo người em tật nguyền vào Sài thành mưu sinh, chị Hiếu thật thà chia sẻ: "Tôi và đứa em họ chơi với nhau từ nhỏ nên rất hiểu tính nhau. Thấy em nó muốn đi đây đi đó rồi những mong tìm được một công việc gì đó nuôi sống bản thân nên tôi đã bàn bạc với gia đình để đi cùng em. Thật tình, cũng vì hoàn cảnh gia đình tôi nghèo đói, ở quê cũng không biết làm gì nên một phần vừa đi cùng em họ vào Sài Gòn kiếm việc cho nó, phần khác do tôi cũng mong sẽ tìm một việc gì đó cho mình. Thế nhưng, cô em họ thì lại tật nguyền nên lúc nào tôi cũng phải theo để chăm sóc…".

Sau khi thử nhiều công việc khác nhau, cuối cùng hai chị em quyết định đi bán vé số. Chị kể về một ngày làm việc của mình bắt đầu từ 6h sáng đến 11h trưa. Sau giờ nghỉ trưa, hai chị em lại tiếp tục đi bán vé số cho tới 12h khuya mới về. Chị Hiếu cho biết, lúc mới bắt đầu đi bán vé số, phía đại lý cho mượn một chiếc xe đẩy cũ để Uyên ngồi vào đó cho chị đẩy đi bán dạo. Và trong một lần đi bán hai chị em đã được một nhà hảo tâm cho một chiếc xe đẩy mới. Nói về công việc của mình, chị Hiếu chia sẻ: "Thời gian đầu, bán được rất ít nhưng hai chị em rất vui vì đã có một công việc phù hợp để mình có thể chăm sóc được cho em nó. Một điều vui hơn là cô em họ đã có thể tự kiếm tiền để nuôi sống bản thân mình". 

Chị Phan Thị Mỹ Uyên cũng không mong muốn điều gì lớn lao mà mong mỗi ngày bán được nhiều tờ vé số hơn rồi góp tiền mua một chiếc xe lăn tự lái. Có như thế thì người chị họ của mình mới có thể yên tâm đi làm việc khác. Bởi với công việc bán vé số hằng ngày, số tiền kiếm được sẽ không đủ để chị gửi về cho gia đình. Mặc dù những lúc trái gió trở trời, cơ thể chị luôn đau nhức nhưng chị vẫn mong muốn người chị họ của mình có việc làm để có khoản thu nhập gửi về lo cho gia đình.       

Bao năm qua vẫn không biết mình mắc bệnh gì

Từ khi mang trong mình căn bệnh ấy cho tới nay, chị vẫn không rõ là mình mắc bệnh gì, bởi các bác sĩ không ai cho chị biết điều ấy. Sau nhiều năm chạy khắp nơi tìm thầy chữa trị mà không có kết quả, gia đình đã quyết định đưa chị về nhà chăm sóc. Căn bệnh đã làm toàn thân chị bị co rút khiến cơ thể bị biến dạng và mất đi khả năng di chuyển. May mắn cho chị là đôi bàn tay tuy bị co rút nhưng vẫn có thể vận động được nên chị đã cố gắng tập luyện hằng ngày, dùng lực của đôi tay yếu ớt để di chuyển cả thân mình. Chị Uyên cho biết, những lúc dùng tay để di chuyển thì chị phải cố gắng dồn sức lên đôi bàn tay rồi nhẹ nâng người lên. Cũng bởi thế mà lúc di chuyển, chị cứ phải cúi mặt xuống đất mới có thể di chuyển nhanh được.     

Ái Minh

Chuyện tình cảm động của hai người điên ở viện tâm thần

Thứ 5, 11/04/2013 | 15:20
Bản thân là hai người "tưng tửng", như một quy luật họ gặp nhau trong bệnh viện tâm thần. Chính lúc rơi vào cảnh ngộ ấy, khao khát yêu đương trong họ bỗng trỗi dậy.

Những người mò mẫm mưu sinh giữa lòng thành phố

Thứ 5, 31/01/2013 | 08:27
Ngâm mình dưới dòng nước thải đen ngòm, chịu đựng mọi thứ mùi hôi thối, đi theo những con vật trú ngụ ở nơi bẩn thỉu nhất, mang theo những mầm mống gây bệnh, hay chuyền cành là những loại nghề "độc" được một số người lựa chọn để mưu sinh giữa thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam này.

Thắt lòng cảnh "công nhân trẻ con" mưu sinh

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
"Công nhân" Bảo mới 12 tuổi, mặt mày nhem nhuốc, ngước đôi mắt đen láy nói hớn hở với tôi: "Tách mỗi kí hạt điều được 3700 đồng, mỗi ngày con làm hơn 4 kí cũng đủ tiền phụ gia đình mua gạo".

Quặn lòng “xóm không chồng” mưu sinh trên lưng “thần chết”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
(Nguoidjuatin.vn) Họ trả giá cho những bát cơm bằng tiếng nổ của trái bom bi, lựu đạn còn sót từ thời chiến tranh.