Chuyện lạ lùng về ông chủ 'cô nhi viện tư nhân'

Chuyện lạ lùng về ông chủ 'cô nhi viện tư nhân'

Thứ 5, 03/10/2013 | 16:52
0
Cuộc sống vốn nghèo khó, nhưng với tình thương vô hạn dành cho trẻ em nghèo, lang thang, cơ nhỡ, ông Đoàn Minh Hùng mạnh dạn bán mảnh đất hương hỏa ở quê nhà, gom tiền mở lớp học tình thương Hòa Hảo.

Mặc dù chưa từng được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm nhưng hơn ba năm qua, ông vẫn âm thầm mang con chữ đến với những đứa trẻ kém may mắn... 

Lớp học của ông lão bán cơm chay

Lớp học tình thương Hòa Hảo của ông Đoàn Minh Hùng (khu phố 5, đường Liên khu 5 - 11 - 12, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM) nằm giữa dãy phòng trọ lụp xụp trong xóm lao động nghèo. Người ở đây đa số là dân nhập cư kiếm sống bằng đủ các nghề. Trẻ em trong xóm cũng không được học hành như bạn bè đồng trang lứa; thậm chí, có em hơn 10 tuổi đầu vẫn chưa hề biết "mặt mũi" con chữ ra sao.

Khi phố xá lên đèn cũng là lúc những đứa trẻ quanh khu vực lục tục kéo đến lớp học tình thương của "thầy" Hùng để tìm giấc mơ con chữ. Không bàn ghế khang trang, không một tiếng trống báo hiệu giờ vào lớp, nhưng đúng 18h mỗi đêm, căn phòng trọ chật hẹp mà ông thuê vẫn rộn rã tiếng đọc bài ê, a của trẻ thơ. Những đứa trẻ theo học ở lớp học tình thương Hòa Hảo, một số là trẻ mồ côi, một số là con của những gia đình nghèo khó ở các tỉnh lên Sài thành kiếm sống.

Thành lập từ năm 2010, lúc đầu lớp học của "thầy" Hùng chỉ vẻn vẹn có hai "học sinh". Trong một lần tình cờ nhìn thấy hai đứa con của người hàng xóm (ở chung dãy phòng trọ) rất ham học nhưng gia đình không có điều kiện cho các em đến trường, vợ chồng ông thương cảm và tận tình dạy chữ cho các em. Dần dần, người trong xóm gửi con đến nhà ông học mỗi lúc một đông. Chỉ vài tháng sau, căn phòng ông thuê trở nên "quá tải". "Lúc đó, các cháu đến nhà tôi học rất đông. Căn phòng tôi đang thuê không đủ chỗ để các cháu ngồi học. Nhà tôi không khá giả, nhưng người ta đến nên tôi lo lắm, phải tìm đủ mọi cách xoay sở, làm thế nào đó để tiếp tục duy trì lớp học này", ông nhớ lại.

Cả hai vợ chồng ông Hùng đều không có nghề nghiệp ổn định nên thu nhập cũng lắm bấp bênh. Vì thế, cuộc sống gia đình ông cũng rất chật vật, lắm lúc phải lâm vào cảnh "chạy ăn" khốn đốn. Quyết tâm giữ cho lớp học do chính mình gây dựng chỉ có "khai sinh" không có "khai tử", ông bàn tính với gia đình bán mảnh đất hương hỏa ở quê nhà gom tiền chuyển sang thuê phòng trọ kiên cố hơn để học trò ông tiếp tục được đến lớp hằng đêm. Sau khi bán đất có trong tay một ít tiền, ông thuê hai căn phòng trọ ở mặt tiền một bên để bán cơm chay, một bên mở rộng lớp học đón thêm học trò. Và cũng từ đây, người dân quanh khu vực còn gọi lớp học tình thương Hòa Hảo bằng một tên gọi thân thương: "Lớp học của ông lão bán cơm chay".

Xã hội - Chuyện lạ lùng về ông chủ 'cô nhi viện tư nhân'

Ông Đoàn Minh Hùng thương trẻ em nghèo như con ruột của mình. (Ảnh Vinh Điền).

Hiện thực hóa giấc mơ dang dở

Nghèo, nhưng ấm áp nghĩa tình

Bà Nguyễn Thị Cẩm, đại diện UBND phường Bình Trị Đông (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết: "Tuy nghèo khó nhưng vợ chồng "thầy" Hùng sống chan chứa nghĩa tình. Lúc nào, ông cũng nghĩ cho người khác, nhất là đối với những đứa trẻ không may mắn. Quanh năm không thấy vợ chồng ông diện quần áo mới, bao nhiêu tiền của dành dụm được, ông đều dùng mua sách vở cho những đứa học trò đáng thương của mình".

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo trên quê hương Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tuổi thơ của ông Đoàn Minh Hùng là những chuỗi ngày lận đận. Vừa tròn một tuổi, cha mẹ ông đã ly hôn. Ông lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình cha. Mẹ ông là một giáo viên nên ý định nối nghiệp của mẹ sớm hình thành trong ông từ rất sớm. Nhưng cảnh nghèo túng bủa vây khiến ông phải bỏ học giữa chừng. Lớn lên, ông lặn lội vào Sài Gòn tìm lại cha ruột, nhưng sum họp chưa được bao lâu thì cha ông mất. Và cuộc sống mưu sinh cuốn ông vào những tháng ngày bôn ba tứ xứ, với nghề sửa cân dạo.

Cuộc đời lắm thăng trầm và từng sống trong cảnh khổ nên ông dễ đồng cảm với người cùng cảnh ngộ. Nhìn những đứa trẻ con nhà nghèo không được học hành, ông như thấy lại thời thơ ấu đã xa. Trước đây, những đứa trẻ quanh khu vực ông sinh sống không được quan tâm dạy dỗ nên hành xử thiếu lễ phép. Nhìn cảnh chúng sống lang thang nơi đầu đường, xó chợ nói năng tục tĩu mà ông thấy nhói lòng. Ông mở lớp học tình thương Hòa Hảo ngoài dạy chữ còn hướng các em vào lối sống lành mạnh. "Tiên học lễ - hậu học văn", trước khi bắt đầu dạy cách đọc, cách viết, ông dành một vài buổi dạy đạo đức, giúp các em hiểu thế nào là lễ nghĩa, phép tắc. "Nhìn các cháu ngày một lễ phép, không còn đánh nhau, không còn nói tục, chửi thề như trước, tôi thấy an ủi lắm. Tôi  hy vọng sau này các cháu sẽ nên người", ông bộc bạch. 

Hầu hết các bé khi mới vào học đều không biết chữ, nhưng sau một thời gian được dạy dỗ, các bé đã viết và đọc tốt. Không tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm, không một mảnh bằng trong tay nhưng mọi người vẫn xem ông là một người thầy thực thụ. Vậy là ước mơ trở thành một giáo viên mà ông ôm ấp trong lòng mấy mươi năm, nay mới thành hiện thực.

Hiện tại, lớp học tình thương Hòa Hảo của ông có hơn 70 em theo học, lúc cao điểm lên đến 90 em. Trong đó, có những em đang được đi học ở các trường công lập, nhưng buổi tối vẫn đến đây để được ôn tập kiến thức. Các em nghèo, không có tiền học thêm nên đến đây để được "phụ đạo" miễn phí. Do số lượng các em đến học ngày càng nhiều nên bốn thành viên của gia đình ông (vợ chồng ông và hai con) phải cùng nhau lên lớp. Thậm chí, một số sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học, nghe tiếng cũng tìm đến góp chút ít công sức vào sự nghiệp "đưa đò" thầm lặng của “thầy” Hùng.

Ngoài mở lớp học tình thương, ông Đoàn Minh Hùng còn nhận nuôi 13 trẻ cơ nhỡ, mồ côi. Mỗi em có một hoàn cảnh nhưng điểm tương đồng ở chúng là không có nơi nương tựa. Trong số đó, hoàn cảnh của bé Phú (10 tuổi) thật đáng thương. Cha mẹ Phú mất sớm, em sống với bà ngoại. Nhưng nhà quá nghèo, bà ngoại tuổi già sức yếu không thể tiếp tục cưu mang nên đành gửi em cho "thầy" Hùng nuôi nấng. Số phận bi thảm không kém, Phương (bé gái 8 tuổi) ra đời đã không thấy mặt cha. Mẹ của em bị người ta lừa bán sang Trung Quốc đến nay vẫn "bặt vô âm tín". Ông Hùng mới đón em về nuôi mấy tháng nay. "Mọi người ở đây nói đùa với tôi rằng, nhà tôi sẽ là cô nhi viện trong tương lai. Thực sự tôi không có ý định đó, vì cuộc sống của tôi khá khó khăn. Tôi chỉ tạm thời đón các cháu về sống chung để các cháu có nơi nương tựa. Khi nào người thân của các cháu tìm đến, tôi sẽ để các cháu về sum họp với gia đình", ông chia sẻ thêm.

Vinh Điền

Chàng lính phòng không xây chợ tiền tỷ cho làng

Thứ 2, 19/08/2013 | 06:20
Vì mê bánh ú "lót bụng" mà thuở bé Nam suốt ngày lon ton theo mẹ qua bến đò ngang vượt sông Bến Hải đi chợ Kên. Đường xa, mỏi chân, mồ hôi nhễ nhại, cậu bé tự hứa với lòng mình một ngày nào đó xây cái chợ gần nhà cho mẹ bớt nhọc nhằn...

Chợ tiền tỷ biến thành…bãi chăn thả trâu bò

Thứ 5, 29/08/2013 | 16:06
Người tham gia giao thông trên Tỉnh lộ 15B, đoạn qua xã Tân Long, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) không khỏi ngạc nhiên trước cảnh một cái chợ lớn được xây khang trang rộng rãi nhưng không hề có bóng người qua lại thông thương, mà chỉ toàn…trâu bò lởn vởn.

Lớp học tình thương của chàng bí thư 9X

Thứ 5, 14/03/2013 | 20:39
Ở KP Thái Bình 1, phường Long Bình (quận 9, TP.HCM) có lớp học tình thương tối nào cũng sáng đèn, đem con chữ đến với những bạn nhỏ khó khăn - do bí thư chi đoàn KP Thái Bình 1 Đặng Đức Tính đứng lớp.

"Lớp học tình yêu" đầu tiên giữa lòng Hà Nội

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
Lần đầu tiên trên giảng đường đại học xuất hiện những chiếc gối hình trái tim, bộ bàn ghế nhiều sắc màu, những con thú ngộ nghĩnh và ánh đèn lung linh... Đó chính là khu nhà tự học mang tên "Lớp học tình yêu" của trường đại học Thăng Long (Hà Nội).

Giáo viên đỡ đẻ cho đồng nghiệp tại lớp học

Thứ 3, 17/09/2013 | 22:22
Một giáo viên tiểu học ở Anh ngày 12-9 vừa qua đã vượt cạn thành công ngay tại phòng học trường tiểu học nơi cô đang công tác nhờ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp.

Lớp học bơi miễn phí giúp nhiều em tránh khỏi chết đuối

Thứ 2, 29/07/2013 | 13:38
Suýt chết đuối trong một lần đi tắm lúc 10 tuổi, cậu bé Lê Văn Tùng ngày nào đã tâm niệm: Mình là dân sông nước, bản thân phải tập bơi mới có thể tự cứu mình và cứu được người khác. Từ đó, ngoài những buổi đến trường, Tùng ra sức học bơi. Sau này, cậu bé Tùng năm nào đã trở thành một giáo viên công tác tại quê nhà.

Đua nhau cho con chen chân vào lớp học 'quý tộc'

Thứ 6, 01/03/2013 | 16:08
Mỗi buổi học "quý tộc" có giá từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/2 tiếng, kèm theo đó còn là công sức của cả cha mẹ các bé.