Hành trình bước vào đại học của chàng trai mù

Hành trình bước vào đại học của chàng trai mù

Thứ 5, 18/04/2013 | 14:53
0
Chàng trai khiếm thị lăn lóc theo gia đình bán vé số khắp ngõ ngách ngày nào nay đã là sinh viên khoa Ngữ Văn (trường ĐH Sư phạm TP.HCM).

Tấm gương chàng khiếm thị đỗ hai trường đại học

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Trường Phước (xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh), Lê Minh Tâm (SN 1990) là con út trong gia đình nghèo, đông anh em. Gia đình có tới 5 người bị mù nên cả nhà phải gắn liền với những cây đàn hát dạo bán vé số để mưu sinh. Bố mẹ luôn tần tảo với ruộng đồng nhưng vẫn không đủ sống.

Cuộc sống luôn tất bật vất vả, chồng chất khó khăn. Bố mẹ Tâm mong muốn sinh thêm người con út mong có được người con khỏe mạnh, không bị tật nguyền. Nhưng trớ trêu thay, người con trai út là Tâm vẫn không thoát khỏi định mệnh khiếm thị.

Xã hội - Hành trình bước vào đại học của chàng trai mù

Sinh viên Lê Minh Tâm.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cùng với sự tật nguyền khiếm thị không cho phép Tâm có được tuổi thơ bình thường. Nhận thấy các bạn đồng trang lứa tung tăng cắp sách đến trường, trong lòng Tâm luôn vang lên những khát khao được đi học. Thế rồi, năm lên 10 tuổi, cuộc đời đã cho Tâm một niềm hi vọng.

Lúc bấy giờ, tại địa phương mở trung tâm học tập dành cho người khiếm thị nên Tâm có cơ hội được đến trường. Lên cấp 2, Tâm lại phải bắt đầu một cuộc sống mới với bao khó khăn của cuộc sống xa nhà. Tâm chuyển lên TP.HCM để theo học tại trường THPT dành cho học sinh khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, TP.HCM).

Trong thời gian học, khó khăn nhất đối với Tâm vẫn là kinh tế. Ngoài thời gian lên lớp, tranh thủ những ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, Tâm lại lê bước hát rong trên đường phố bán vé số để có tiền ăn học. Dù trời mưa gió bão bùng hay rét mướt Tâm cũng vẫn đi bán vé số, kể cả ra các tỉnh lân cận.

Tâm chia sẻ: "Cuộc đời tôi trôi đi với những lo toan tất bật của một người khiếm thị. Việc học với người bị mù rất khó khăn. Tôi phải lần mò từng chữ cái, ghi nhớ từng kí tự. Có những lúc quá mệt mỏi, tôi dường như muốn gục ngã nhưng khi nghĩ đến kì vọng của gia đình, những gì mà xã hội đã cho tôi thì điều đó càng thúc giục mình vượt lên hoàn cảnh".

Với khả năng tự học đặc biệt và nghị lực phi thường, Tâm hoàn thành tốt việc học của mình. Tâm không chỉ học giỏi môn Toán mà còn có năng khiếu với môn Văn, năm lớp 12, Tâm đạt giải nhì môn Văn cấp thành phố.

Bên cạnh đó, để tự khẳng định mình và hòa nhập với cộng đồng, Tâm đã tham gia nhiều hoạt động của trường lớp, gặt hái được rất nhiều thành công được Thành đoàn TP.HCM trao tặng Huy chương Thanh niên ưu tú làm theo lời Bác. Năm 2012, khi các bạn đồng cảnh ngộ đã xác định được cho mình hướng đi trên đường đời, thì Tâm phải băn khoăn trăn trở để tìm cho mình một lối đi thích hợp.

Tâm cho hay: "Tôi yêu thích nghề giáo, muốn trở thành một giáo viên dạy Văn nhưng một số người lại nói "người mù học từng ấy được rồi, mù thì dạy được ai" khiến tôi phân tâm lo lắng. Nhưng rồi tôi nghĩ: "Dạy cho những người bình thường thì tôi chưa dám nghĩ tới, nhưng dạy cho những người đồng cảnh ngộ thì tôi có thể. Bởi hơn ai hết, tôi hiểu họ cần gì? Muốn gì? Và cách học như thế nào?". Và trong kì thi tuyển sinh vào đại học và cao đẳng năm 2012, tôi đã xuất sắc đậu vào cả hai trường sư phạm Nhạc và sư phạm Ngữ Văn".

Xã hội - Hành trình bước vào đại học của chàng trai mù (Hình 2).

Lê Minh Tâm tại sân trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Tâm hồn tỏa nắng

Nhìn nụ cười thân thiện đang hòa cùng lớp sư phạm Ngữ Văn (khóa 38), có ai biết được rằng đằng sau đó là một màn đen đang khát khao tìm tới ánh sáng. Tâm mong muốn được một lần nhìn thấy vạn vật cỏ hoa đang đâm chồi nảy lộc, nhìn thấy khuôn mặt mẹ cha thân yêu, nhìn thấy nụ cười tươi sáng của em thơ và nhìn thấy chính khuôn mặt mình. Nhưng bất hạnh thay, đó chỉ là điều không tưởng đối với Tâm. Cuối cùng, Tâm nhận ra rằng mình phải biết chấp nhận những gì không thể thay đổi và cố gắng thay đổi những gì có thể.

Bước vào quãng đời sinh viên thực sự là bước ngoặt trong cuộc đời của cậu học sinh nghèo khiếm thị. "Lúc này, tôi không còn sống trong môi trường của trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, trong vòng tay những người quen thân đồng cảnh ngộ nữa, mà tôi sẽ phải thích nghi lại với cuộc sống và môi trường mới, của những người trẻ có đôi mắt sáng. Lúc vừa mới vào nhập học, cũng có người nhìn tôi với cái nhìn sợ sệt, tò mò. Thậm chí, có người xầm xì sau lưng "mù học hay không cũng vậy", Tâm chia sẻ.

Nhưng sau một thời gian, Tâm đã chủ động bắt chuyện với mọi người, tham gia đầy đủ các phong trào của lớp. Tâm đã học tập và cống hiến hết mình để chứng minh cho mọi người thấy, Tâm có đôi mắt bị mù, nhưng tâm hồn, trái tim của Tâm không hề khuyết tật, mù lòa.

Tâm luôn đặt ra cho mình một phương châm sống là phải cống hiến, luôn mong muốn đóng góp một chút ít nhỏ nhoi của mình cho đời. Bằng sự thân thiện và mở lòng của Tâm nên khi tiếp xúc quen rồi thì mọi người cũng thấy Tâm bình thường như bao người khác. Cuộc sống mới bắt đầu, cũng giống bao sinh viên khác...

Mọi sinh hoạt học tập Tâm đều phải tự mò mẫm trong bóng tối. Đôi khi bị vấp váp, ngã nhào mà không biết kêu ai. Sống lâu trong cái khổ nên Tâm cũng đã quen khổ dần. Thêm vào đó, cuộc sống đắt đỏ ở thành thị lại tạo thêm cho Tâm vấn đề về cơm áo gạo tiền.

Tâm cho biết: "Bố mẹ ở quê đã già cả, sức khỏe yếu không thể chu cấp cho tôi ăn học. Bởi vậy, sau buổi đến trường là tôi lại ngược xuôi với công việc làm thêm. Tôi làm bất cứ việc gì để có tiền trang trải. Đôi khi, những buổi đi học về muộn đói lả cả người, bước vào căn nhà trọ trống vắng, lắng nghe tiếng rả rích của màn mưa, lòng tôi lại dấy lên sự cô đơn và nhớ nhà da diết. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi gục ngã...".

Năm nay chỉ là năm đầu trên giảng đường đại học, không biết Tâm sẽ tiếp tục vượt qua quãng đời sinh viên như thế nào. Nhưng khi tiếp xúc với Tâm chúng tôi đều dễ dàng nhận ra sự lạc quan và niềm tin chiến thắng trong con người cậu. Tâm luôn tự tin ở bản thân mình và không cảm thấy mặc cảm. Bởi cậu biết rằng tất cả chỉ là những chông gai, thử thách mà cuộc đời đặt ra với mình.

Tâm chia sẻ: "Mỗi một con người dù đầy đủ, bình thường hay khiếm khuyết thì muốn sống tốt cần phải có nghị lực. Nhất định không được buông trôi cuộc đời".

Một sinh viên khiếm thị luôn nỗ lực hết mình

Giảng viên Lê Thị Ngọc Chi (Giáo viên Chủ nhiệm, cố vấn học tập của lớp sư phạm Ngữ Văn, khóa 38, trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: "Em Tâm là một trong ba sinh viên khiếm thị trong lớp. Mặc dù có hoàn cảnh đặc biệt nhưng em Tâm là một trong những sinh viên chăm chỉ, rất tích cực trong việc học tập cũng như tham gia đầy đủ các hoạt động của lớp và đoàn trường. Kết quả học tập trong kì học vừa qua của em cũng đạt loại khá giỏi, không thua kém so với các sinh viên bình thường. Đặc biệt, Tâm rất hòa đồng với các bạn trong lớp và luôn không thấy mặc cảm gì. Bản thân em biết rằng mình không có đủ thuận lợi học tập như các bạn cùng trang lứa nên cần phải nỗ lực hơn nữa. Em xem trọng việc tự học là chính và luôn xem mình như một người bình thường phải biết phấn đấu, vươn lên trong mọi việc".

Hạ Du

Cảm phục những tấm gương người trẻ vượt lên số phận

Thứ 6, 12/04/2013 | 11:30
Bằng nghị lực phi thường và sự ham học, những học sinh, sinh viên khuyết tật đã vượt lên số phận trở thành những tấm gương sáng cho các bạn trẻ.

Thầy giáo anh hùng vượt lên số phận

Thứ 6, 18/01/2013 | 08:43
Xếp bút nghiên, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) lên đường chữa trị căn bệnh nan y - bệnh phong. Những cơn đau thấu xương, như khoan vào xương tủy, nhưng thầy vẫn hát, làm thơ và viết nhật ký để quên đi nỗi đau và chiến thắng bệnh tật. Thầy không cho phép mình gục ngã mà phải gắng sống để trở về với gia đình và thực hiện những công việc còn dang dở.

Sina Vann – tấm gương vượt lên số phận

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
Mỗi khi nhớ lại quãng thời gian ác mộng sống trong nhà thổ, Sina Vann vẫn không kìm được nước mắt. Nhưng cô phải nén nỗi đau để lên tiếng vạch trần tội ác của những kẻ vô nhân tính và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như mình.

Chàng thanh niên 'đi bằng bốn chân' ước thay đổi số phận

Thứ 3, 26/02/2013 | 16:17
Dù cho cuộc sống có quá nhiều khó khăn vất vả thì ước mơ đến trường luôn là động lực để chàng thanh niên khuyết tật Phạm Như Ý (SN 1987) viết tiếp những trang đời của mình.