Cảm phục những chiến sĩ mang cá Hồi lên biên cương

Cảm phục những chiến sĩ mang cá Hồi lên biên cương

Thứ 5, 21/02/2013 | 14:30
0
Giữa chốn khô cằn sỏi đá với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, nơi biên ải xã Pa Vây Sử (huyện Phong Thổ, Lai Châu) mấy năm gần đây trở thành địa phương phát triển thủy sản không ngờ tới với hệ thống bể cá hồi, cá tầm cho giá trị kinh tế cao. Trước đây không ai nghĩ rằng nơi địa đầu Tổ quốc này có thể nuôi dưỡng được những con cá đỏng đảnh, khó tính ấy.

Những nàng "công chúa đỏng đảnh"

Sau hơn 4 tiếng đồng hồ "vật lộn" với chiếc xe U-oát dã chiến, vượt qua những cung đường gập ghềnh, khúc khuỷu, men theo những triền núi cao thăm thẳm, thỉnh thoảng lấp ló một vài nóc nhà sàn tỏa khói, đứng cheo leo bên sườn núi ở cao độ 1.600m so với mực nước biển, cuối cùng nhóm phóng viên chúng tôi cũng đặt chân được đến bản Pa Vây Sử (huyện Phong Thổ, Lai Châu) - một trong những vùng khó khăn nhất của cả nước, đời sống đồng bào các dân tộc vừa "nghèo" vừa "khó".  Được sự giới thiệu của Chính ủy Nguyễn Thế Kiên, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu, chúng tôi tới thăm Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 (KT-QP 356) - đơn vị đã mang tới "luồng gió" kinh tế mới cho vùng địa đầu Tổ quốc này.

Đoàn KT-QP 356 tuy mới được thành lập từ năm 2008, nhưng các cán bộ chiến sĩ nơi đây đã làm lên những kỳ tích không nhỏ trên mảnh đất nghèo nhất của huyện Phong Thổ. Kỳ tích được nhiều người biết tới và khâm phục nhất có lẽ là chuyện đơn vị mạnh dạn mang loại cá hồi khó nuôi nên vùng đất khô cằn sỏi đá này. Trung tá Lê Tuấn Anh - Giám đốc xí nghiệp 56, Đoàn KT-QP 356 cho chúng tôi biết cơ duyên dẫn các anh đến với mô hình nuôi cá hồi là những lần đi kiểm tra Đồn biên phòng 293 Vàng Ma Chải. Đứng chân trên địa bàn xã Pa Vây Sử, các anh nhận thấy nơi đây độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, quanh năm mát lạnh, lại có con suối Pờ Sa không bao giờ cạn, khí hậu có nét giống như vùng ôn đới, xứ lạnh châu Âu. Sau những lần kiểm tra ấy, các anh đã dần hình thành ý tưởng nuôi cá hồi - loại cá khó nuôi nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Dẫn chúng tôi đi tham quan trại cá, Trung tá Lê Tuấn Anh cho biết: "Cá hồi là giống cá Tây cực kỳ khó tính, đòi hỏi chế độ chăm sóc thường xuyên, liên tục, cẩn thận. Chúng đòi hỏi môi trường sống sạch sẽ nên việc thiết kế xây dựng bể nuôi cũng rất công phu và phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Ngày nào cũng vậy, các cán bộ, chiến sĩ đều phải "ăn cùng, ngủ cùng" với cá hồi. Có những đêm mưa, rét như cắt da cắt thịt nhưng chúng tôi vẫn phải thức. Cứ nửa tiếng, một giờ lại phải mang đèn, leo núi đi dọc đường ống để kiểm tra có rác, lá cây trôi vào đường ống hay không. Chỉ cần rác làm tắc ống, không kịp khắc phục ngay thì chỉ trong thời gian ngắn là cá có thể chết hàng loạt...".

Xã hội - Cảm phục những chiến sĩ mang cá Hồi lên biên cương

Thượng úy Đoàn Hải Thịnh bên bể cá hồi

Từ cuối tháng 4/2010, với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng, Đoàn KT-QP 356 bắt tay vào triển khai kế hoạch "Xây dựng mô hình nuôi cá hồi tại vùng cao huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu". Các chiến sĩ đã kỳ công dẫn nước từ các khe núi, suối chảy từ rừng già về hệ thống 10 bể. Trong đó, năm bể có diện tích 50m², một bể 30m², hai bể tròn có đường kính 4m và hai bể đường kính 2m. Mỗi bể có độ sâu trung bình là 1,8m, được xây dựng kiên cố, từ đáy bể đến bờ bể đều được xây lát bằng bê tông cốt thép. Hệ thống bể được xây dựng kiên cố này là để có thể chịu đựng trong mùa mưa lũ. Các bể cá đều được thiết kế theo mô hình "ruộng bậc thang" để luôn luôn tạo ra nguồn nước "động" cho cá hồi sinh sống. Hệ thống ống dẫn, thoát nước và bể lọc nước cũng được bố trí một cách khoa học nhằm đảm bảo cung cấp lượng nước cần thiết và đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho mỗi bể cá. Nước suối được lấy từ đầu nguồn sẽ chảy qua cống theo đường dẫn vào bể lọc rồi từ đây phân phối đi các bể nuôi, ở mỗi bể nuôi đều có hệ thống thoát nước ra ngoài. Điều đó khiến nguồn nước luôn sạch sẽ và tuần hoàn, đảm bảo môi trường sống cho loài cá khó nuôi này.

Vượt hàng trăm cây số xa xôi, trước đây không ai dám nghĩ loài cá "khó chiều" như cá hồi lại có thể sinh sôi, phát triển ở nơi khó khăn như Pa Vây Sử. Các chiến sĩ Đoàn KT-QP 356 thường ví von loài cá này là những "nàng công chúa đỏng đảnh" bởi việc chăm sóc chúng thực sự rất tốn công sức. Vừa cho cá ăn, Thượng úy Đoàn Hải Thịnh vừa trò chuyện với chúng tôi: "Cá hồi rất khó nuôi, đầu tư tốn kém và đòi hỏi những điều kiện kỹ thuật rất khắt khe. Thức ăn cho cá chủ yếu phải nhập. Môi trường nuôi cũng phải là nơi nước chảy, đảm bảo luôn luôn sạch và hàm lượng ôxy hòa tan luôn phải đảm bảo đạt từ 5 đến 6mg/l... Mỗi loại cám cho cá ăn chỉ phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng của cá. Muối cũng được cung cấp định kỳ vào bể đủ để cung cấp Ion kim loại cần thiết, nhất là vào những ngày nắng gắt và sau mỗi đợt mưa nước đục lại cần phải bổ sung thêm nước muối loãng... Tuy phải cầu kỳ bỏ ra nhiều công sức như vậy nhưng mỗi khi nhìn đàn cá tung tăng bơi lội anh em chúng tôi đều rất vui. Hi vọng đây sẽ làm một mô hình làm kinh tế mới giúp người dân nơi đây thoát khỏi cái nghèo".

Tia sáng nơi khô cằn sỏi đá

Ngoài việc lo chăm sóc những con cá khó tính thì việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cũng khá nan giải. Ở vụ thu hoạch đầu tiên, do không có xe chuyên dụng nên cá không vận chuyển được xa, chỉ có vài nhà hàng, khách sạn lớn tiêu thụ, với số lượng "khiêm tốn". Còn dân nghèo trong vùng, hàng ngày lo chạy ăn từng bữa, đâu dám mua 200.000 đồng/kg cá về để "thưởng thức". Cá không bán được nhưng đơn vị vẫn phải nuôi. Trọng lượng cá tăng không đáng kể, trong khi đó, thức ăn lại tốn hơn. Vụ đầu tiên này tuy không thu được lãi nhưng đã mang lại cho các chiến sĩ nhiều kinh nghiệm bổ ích. Sau khi mua một xe tải vận chuyển cá thu hoạch tới các thị trường xa hơn như Hà Nội và các tỉnh lân cận, các lứa cá sau này, thu hoạch đến đâu đều bán hết đến đó. Từ đầu năm 2010 đến cuối năm 2011, trung bình trại cá của Đoàn KT-QP 356 thu hoạch từ 5,2- 6,5 tấn cá, trị giá từ 1,2- 1,6 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2011, với 15.000 con cá giống, trại thu hoạch khoảng 6,5 tấn cá thương phẩm, trị giá trên 1,6 tỷ đồng. Hiện nay, trại luôn duy trì từ 1,7-2 tấn cá thương phẩm, có những con cá tầm trọng lượng lên tới 16-18kg, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhìn đàn cá ào ào rẽ nước thi nhau tranh thức ăn, trên khuôn mặt những người lính trẻ chúng tôi thấy một niềm vui thầm lặng. Ngoài nhiệm vụ quốc phòng thì nhiệm vụ phát triển kinh tế, cùng nhân dân làm giàu nơi biên cương đối với các chiến sĩ nơi đây cũng hết sức thiêng liêng. Cuộc sống của đồng bào người Mông ở Pa Vây Sử còn nhiều khó khăn. Việc tiếp cận với khoa học công nghệ còn chậm mà vốn đầu tư cho mô hình nuôi cá hồi là rất lớn. Vấn đề giúp người dân ở Pa Vây Sử tìm hướng thoát nghèo bằng nuôi cá hồi cũng không phải chuyện một sớm một chiều nhưng trại cá của Đoàn KT-QP 356 sẽ là mô hình trực quan sinh động cho đồng bào đến tham quan học tập. Trung tá Lê Tuấn Anh cho biết, đã có một số cán bộ xã và người dân các dân tộc xuống trại xem cá và hỏi về cách nuôi. Truyền đạt lại kinh nghiệm nuôi cá cho người dân địa phương và giúp bà con làm giàu có lẽ chính là một trong những trăn trở lớn nhất của các chiến sĩ nơi đây.

Hơn một tuần "làm khách" tại đơn vị, bữa cơm chiều chia tay nơi biên cương xa xôi, chúng tôi được thưởng thức món gỏi cá do tự tay các chiến sĩ trong đoàn chế biến thật ngon và ngập tràn ý nghĩa. Chúng tôi đã hòa mình trong hơi men, ngập tràn trong những câu chuyện ấm áp nghĩa tình quân dân. Tự hào biết bao, cảm phục những khó khăn mà các cán bộ chiến sĩ nơi đây đang thầm lặng cống hiến để nâng cao đời sống cho người dân, giữ vững bình yên Tổ quốc.                                     

Ngoài tiếp thu các kỹ thuật, công nghệ nuôi cá hồi từ cách xây dựng hệ thống bể, chọn cá giống, chăm sóc cá, theo dõi sự sinh trưởng, phát triển cho tới kỹ thuật phát hiện và phòng, trừ bệnh... qua thực tế địa bàn, địa hình đặc thù khắc nghiệt, Đoàn KT-QP 356 còn đưa ra sáng kiến thiết kế cho nguồn nước chảy mạnh theo vòng xoáy nhằm tăng cường oxy cho cá. Sáng kiến này đã được trao tặng giải nhì toàn quân. Mô hình nuôi cá hồi chỉ là một trong số những mô hình kinh tế mà Đoàn KT-QP 356 đã triển khai có hiệu quả, góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con đồng bào các dân tộc về cách làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống nơi miền đất "khô cằn sỏi đá" này.   

Mộc Miên

Bí ẩn những mộ đá ở ngã ba biên giới

Chủ nhật, 13/01/2013 | 10:31
Có một nơi mà nếu đi Tây Bắc không đặt chân đến thì là một thiếu sót lớn của kẻ du hành. Đó là Mường Nhé, Điện Biên, đại bản doanh của dân tộc Hà Nhì. Nơi đây, anh hùng Trần Văn Thọ đã có công đầu tiên khai rừng, mở bản, kéo người dân tộc về tụ họp sinh sống đoàn kết. Anh cũng là liệt sĩ đầu tiên được Bác Hồ phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lực lượng bộ đội biên phòng.

Đắt khách tour du lịch đặc biệt vào... ngã ba biên giới

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
– Trong "bản đồ phượt" của giới trẻ, cột mốc ngã ba biên giới Việt Trung Lào luôn là một điểm đỏ cần phải chinh phục. Còn với nhiều người đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, việc đặt chân lên điểm mốc ấy lại là để thỏa nỗi khao khát cháy bỏng: Tri ân với dải chữ S thân yêu!

Tình người miền biên ải

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
Thầy Dũng bảo: "Chưa thấy nơi nào, tình người lại tốt như ở PêtaPoót. Thương các em học sinh, thương PêtaPoót nên mình không được phép... ốm. Mình ốm là cả bản mất ăn, mất ngủ".

'Không có nghĩa là trang sử về chiến tranh biên giới đã khép lại'

Thứ 2, 18/02/2013 | 09:34
Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hà, viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nguyên đại tá, chính ủy sư đoàn 308 anh hùng, nhiều năm là viện phó Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng) chia sẻ về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc từ ngày 17-2 đến 5-3-1979.