Cứu vớt những người chán sống... nhảy sông

Cứu vớt những người chán sống... nhảy sông

Thứ 3, 05/03/2013 | 17:19
0
Ít ai biết rằng, từ ngày khánh thành cầu Cần Thơ đến nay đã có 17 vụ nhảy cầu tự tử. Trong số đó chỉ một số ít trường hợp được cứu sống, và cũng từ đó một đội tuần tra trên sông được lập để bảo vệ sự an toàn cho cây cầu và bất đắc dĩ trở thành một đội chuyên cứu sống những người nhảy cầu tự tử.

Giành giật mạng sống từ tay Hà bá

Cầu Cần Thơ nối liền tỉnh Vĩnh Long và TP. Cần Thơ, phía bên kia cầu thuộc tỉnh Vĩnh Long là xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Đến đây, hỏi đội dân phòng hiệp sĩ đường sông thì người dân ai cũng biết. Đội trưởng của đội dân phòng là ông Dương Công To (72 tuổi) một người nổi tiếng trong vùng bao năm qua về công tác bảo vệ an ninh trật tự cho xóm làng. Hàng ngày, ông To cùng anh em trong đội tuần tra ngày đêm trên một khúc sông Hậu để kịp thời bắt cướp hay cứu giúp cho những trường hợp đuối nước khẩn cấp.

Trò chuyện cùng ông Dương Công To tại nhà riêng, ông cho biết, không hiểu lý do vì đâu mà rất nhiều người chán sống lại lựa chọn cầu Cần Thơ để làm nơi kết liễu cuộc đời mình. Những trường hợp nhảy cầu đều được ông To ghi chép lại cẩn thận, bất kể người đó còn sống hay đã chết. Ông To kể lại, trường hợp đầu tiên được cứu sống là một nữ sinh của trường đại học Cần Thơ vào sáng sớm 5/5/2011. Sau khi nhảy cầu tự tử, rất may nữ sinh này được một ngư dân trên sông phát hiện và kịp thời cứu vớt, nên chỉ bị thương nhẹ. Tiếp sau đó 4 ngày, một phụ nữ tên P.T.H. (ngụ tại quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) vì buồn chuyện làm ăn thua lỗ cũng đã tìm đến cầu Cần Thơ để quyên sinh. Đúng lúc đó, anh Bùi Minh Tâm, đội phó của đội dân phòng đường sông phát hiện nên đưa thuyền ra cứu. Nhận được tin báo, ông To cùng anh em trong đội đã có mặt kịp thời để hỗ trợ cứu người bị nạn. Mọi người  đưa chị H. lên bờ, tổ chức sơ cứu và chuyển tới bệnh viện.

Một trường hợp khác mà ông To nhớ rất rõ là vào ngày 4/2/2012, chị N.T.L.L. (ngụ huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) đi xe máy từ nhà lên cầu Cần Thơ để tự tử vào lúc giữa đêm khuya. Khi nhảy xuống nước, chị L. may mắn gặp một người dân đi giăng lưới kịp thời cứu vớt. Sau khi nhận được tin báo, ông To đã cùng anh em trong đội đến ngay hiện trường, kịp thời hỗ trợ đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Xã hội - Cứu vớt những người chán sống... nhảy sông

Ông Dương Công To

Tự tử đúng 2 năm ngày khánh thành cầu

Chỉ sau đó hai tháng, thêm một vụ nhảy cầu khác lại được người dân bàn tán xôn xao. Đó là trường hợp anh N.H.G. (26 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) đã nhảy cầu tự tử vào đúng ngày kỉ niệm 2 năm khánh thành cầu, ngày 24/4/2012. Anh G. tự tử vào lúc 2h sáng nhưng may mắn một thành viên trong đội dân phòng có việc dậy sớm, kịp thời phát hiện nên đã được cứu sống. Một trường hợp gần đây nhất được cứu sống là vào ngày 3/5/2012, đội dân phòng của ông To đã cứu kịp thời trường hợp của ông P.M.H. (ngụ tại quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ). Vào lúc 12h trưa ông H. đã lên cầu Cần Thơ tự tử.

Hiệp sĩ Dương Công To cho biết, từ ngày cầu Cần Thơ thông xe đến nay đã có 17 trường hợp nhảy cầu tự tử, trong số đó chỉ có 5 trường hợp được phát hiện và cứu sống. Cầu Cần Thơ là một trong những cây cầu có chiều dài và chiều cao thuộc hàng khủng của Việt Nam. Từ trên thành cầu xuống mặt sông  vào khoảng 40m, nếu nhảy từ độ cao này xuống mà không phát hiện kịp thời thì không thể nào sống sót. Ông To cho biết thêm, những trường hợp may mắn được cứu sống thì những người này cũng đã phải chịu những tác động tâm lý xấu, và sức khỏe cũng có phần giảm sút. Họ có một điểm chung là sau khi thoát chết đều có suy nghĩ… sợ chết. Vì vậy, họ càng nhận ra cuộc sống này quý giá đến nhường nào. Từ khi những vụ nhảy cầu liên tiếp xảy ra, ông To đã cùng anh em thường xuyên tuần tra đề phòng trường hợp bất trắc.

Lá chắn thép giúp nhiều người thoát nạn

Ông Dương Công To năm nay đã 72 tuổi, nhưng tiếng nói vẫn còn sang sảng, phong thái nhanh nhẹn. Ngồi trò chuyện một hồi, ông mới tiết lộ bản thân ông là một võ sư Việt ,võ đạo và nhu đạo của ông đã đạt đến mức nhất đẳng quyền đai. Ông bảo: "Tôi có chút võ nghệ trong người đi đâu cũng được anh em ủng hộ, và cảm thấy yên tâm. Công việc của đội dân phòng là bảo vệ bình yên cho bà con trong địa bàn nên việc đối mặt với nhiều nguy hiểm cũng là chuyện thường tình. Có chút võ thuật trong mình cũng phần nào an tâm hơn". Ông To cho biết, từ thuở nhỏ ông đã có niềm say mê học võ. Cứ mỗi cuối tuần, ông đều đạp xe lên Cần Thơ để học võ, đến sáng hôm sau mới đạp xe về nhà. Liên tục trong nhiều năm liền khổ luyện ông mới đạt được thành tích như ngày hôm nay. Ông tự hào nói: "Tuy già rồi nhưng với sức tôi bây giờ, 2, 3 thanh niên chưa chắc địch lại nổi".

Điều thú vị, đội dân phòng tuần tra trên sông này cũng do chính bản thân ông To thành lập ra cách đây đã 15 năm. Ông tự nguyện dùng thuyền máy của gia đình để đội có phương tiện hoạt động. Trong hơn 15 năm, ông đã cùng các thành viên trong đội trực tiếp cứu hộ 129 tàu, ghe các loại gặp nạn, cứu sống 149 người, vớt nhiều xác chết. Ngoài ra ông, cùng các thành viên trong đội nhiều lần phối hợp với công an để truy bắt nhiều vụ cướp, mang lại bình yên cho nhân dân trong vùng. Chia sẻ về công việc "vác tù và hàng tổng"  này, ông To cho biết, bản thân ông ngày xưa cũng là bộ đội. Khi hòa bình lập lại, nhận thấy tình hình trong vùng còn nhiều bất ổn nên ông đã tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh xóm làng.

Phần lớn những thành viên trong đội dân phòng đều là những người lao động nghèo tự nguyện tham gia. Khu vực cầu Cần Thơ là điểm nóng của những tệ nạn xã hội nên các anh em trong đội dân phòng luôn đề cao cảnh giác. Ông tâm sự: "Công việc này không mấy ai mặn mà để làm cả, vì vừa nguy hiểm, lại vừa tốn công, tốn của. Đội tuần tra trên sông của chúng tôi được thành lập và hoạt động tốt dưới nước, lúc đó trên bờ chẳng có ai làm nên mấy cán bộ trong xã động viên chúng tôi nhận luôn phần tuần tra trên bờ".

Đội dân phòng của ông To hoạt động được là nhờ sự giúp đỡ của bà con trong vùng và chưa nhận được bất kì sự hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương. Ông To cho biết, lúc trước khi ông vẫn còn đi làm thì có tiền mua xăng dầu để cho thuyền tuần tra trên sông, nay công việc đóng đáy sông ông đã nghỉ, tiền bạc cũng không còn dư dả nên thời gian tuần tra cũng thưa hơn.

Khi cây cầu Cần Thơ được thông xe, lượng tàu, ghe đi qua khúc sông Hậu cũng giảm đi nhiều. Tình hình an ninh trên sông cũng phần nào được bảo đảm. Ông To cho biết, trước kia khúc sông này rất nhiều tàu, ghe qua lại nên tình hình an ninh cũng rất phức tạp. Trộm cướp từ những vùng khác tập trung về đây và thường mai phục "chờ ăn hàng".

Nhưng những tường hợp nhảy cầu Cần Thơ tự tử mới khiến cho công việc của ông và đội dân phòng thêm phần căng thẳng tột độ. Nhiều người dân nói rằng, những người tự tử đã muốn chết, tại sao không để cho họ toại nguyện, cứu làm gì cho mất công. Trước những ý kiến đó, ông bảo: "Dù gì họ cũng là con người, mình thấy chết chẳng lẽ không cứu. Hơn nữa, những người đó nhất thời suy nghĩ nông cạn mới hành động liều lĩnh như vậy”. Thực tế, công việc của các thành viên trong đội tuần tra đều xuất phát từ cái tâm, với mong muốn góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho người dân trong vùng. Chính với quan niệm “cứu một người phúc đẳng hà sa”, nên mỗi khi nhận tin báo có người tự tử thì dù mưa gió bão bùng hay nắng cháy thịt da, ông và các anh em lại lập tức lao vào cứu giúp.

Vinh dự lớn lao

Năm 2012, ông Dương Công To vinh dự được phong danh hiệu Hiệp sĩ giao thông vì những đóng góp của mình trong vấn đề an toàn giao thông ở địa phương. Trước đó, ông cũng đã nhận được bằng khen của Bộ trưởng bộ GTVT vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng giao thông và bảo đảm an ninh trật tự trong tham gia giao thông. Vinh dự hơn, vào năm 2010, ông được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những cống hiến của mình.

Nguyên Việt

Lão bà gần 60 năm hái thuốc cứu người

Thứ 2, 07/01/2013 | 10:08
Nhiều lần bà cứu được những người đang bệnh nặng tưởng không qua khỏi mà không nhận lấy một đồng công. Gần 60 năm qua bà vẫn âm thầm chữa trị cho những người mắc bệnh sỏi thận, tiết niệu, lậu, gan bằng những lá thuốc tự nhiên vô cùng hiệu nghiệm. Bà tên là Đặng Thị Tân (thường gọi là bà Đức), ngụ xã Lộc Nga, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Đã 89 tuổi nhưng hàng ngày bà vẫn lặn lội ở các rẫy cà phê tìm cây thuốc chữa bệnh cứu những người nghèo.

Gặp người thương binh băng mình vào đường ray cứu người

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
Chỉ trong vòng một năm kể từ ngày băng mình vào đường ray cứu người bị nạn, 12 lần anh trinh sát trẻ Phạm Văn Nhuận phải lên bàn mổ với những cơn đau tê dại, tưởng chừng như không chịu đựng nổi, song anh vẫn cố gắng vượt qua và trở lại đơn vị công tác…

30 năm đi dọc quốc lộ cứu người dưng bị tai nạn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
Chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm và cảnh hôi của quá đáng ông Tuy day dứt và lóe lên ý tưởng phải làm cái gì đó để giúp người bị nạn và bảo vệ tài sản cho họ. Nghĩ sao làm vậy, ông đã làm công việc này từ đó đến nay tính ra đã hơn 30 năm.

Gặp ngư phủ “đánh vật” dòng nước dữ sông Lam cứu người

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
Đến miền Tây Nghệ An, vào mùa lũ mọi thứ ngập chìm trong biển nước, dòng Lam trở nên hung dữ điên cuồng. Nơi đó có một ngư phủ ngày đêm liều mình đánh vật với dòng nước dữ để cứu người. Người dân ở đây gọi anh là "Yết Kiêu" trên dòng Lam.