Sửa Luật Đất đai: Cần bổ sung quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công

Sửa Luật Đất đai: Cần bổ sung quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công

Thứ 7, 17/09/2022 | 13:00
0
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công và đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư.

Vừa qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Xem xét quy định về việc “nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp”

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ đất đai, sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp, phát huy nguồn lực từ đất đai, song cũng còn một số vấn đề cần trao đổi, thảo luận để hoàn thiện.

Cụ thể, quy định tại Điều 147 đã cụ thể hóa được giải pháp về cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Tuy nhiên cũng cần làm rõ nội dung “nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch” bởi vì khi cho phép “sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ” tức là diện tích đất nông nghiệp sẽ giảm do một phần đất nông nghiệp đã chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp. Như vậy vấn đề “đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch” ở đây được hiểu như thế nào trong khi diện tích đất nông nghiệp giảm do chuyển sang “xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ”.

Mặt khác, theo bà Cao Xuân Thu Vân, quy định tại Điều 214 cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân. Quy định này là phù hợp và đã cụ thể hóa được tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Mở rộng đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp” cũng như Nghị quyết số 20-NQ/TW về “... khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp...”.

Vấn đề đặt ra là cần quy định cụ thể về “đối tượng tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng” và “điều kiện được nhận chuyển nhượng” để vừa thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển vừa đảm bảo ổn định cuộc sống của nông dân, tránh tình trạng nông dân không còn tư liệu sản xuất, không có việc làm, thu nhập sau khi chuyển nhượng đất trồng lúa cho các tổ chức kinh tế.

Đồng thời cũng nên xem xét quy định về việc “nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp” đối với các tổ chức kinh tế giữa Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để đảm bảo tính thống nhất, tránh vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện sau khi 02 Luật này được ban hành.

Cụ thể, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho phép người có đất nông nghiệp được góp vốn bằng quyền sử dụng đất với tổ chức kinh tế, trong khi Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) quy định quyền sử dụng đất là một trong những loại tài sản góp vốn của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân (Điều 50), người tham gia góp vốn phải chuyển quyền cho tổ chức kinh tế hợp tác (Điểm a Khoản 1 Điều 51) và đây là tài sản chung không chia của tổ chức kinh tế hợp tác (Điều 61). Như vậy, trong trường hợp người có đất nông nghiệp tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất với tổ chức kinh tế nhưng sau một thời gian không có nhu cầu tham gia nữa thì quyền sử dụng đất sẽ được giải quyết, xử lý như thế nào ? Nếu theo Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) thì người có đất nông nghiệp tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất sẽ mất quyền sử dụng đất do đã chuyển quyền cho tổ chức kinh tế hợp tác, trong khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không quy định việc người tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải chuyển quyền sử dụng đất, nghĩa là việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp không làm mất quyền sử dụng đất của người tham gia góp vốn nếu người đó không còn nhu cầu tham gia góp vốn.

Cần bổ sung vào Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công và đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư và gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp.

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đang áp dụng kinh tế thị trường để thực hiện công nghiệp hoá, kinh tế tư nhân đang đóng vai trò động lực phát triển, chuyển dịch đất đai đang diễn ra rộng khắp và phức tạp. Trong hoàn cảnh này, một khái niệm tương tự “đất công” và “đất tư” như ở các nước khác cần được đặt ra. Về nội dung cụ thể, có thể thấy “đất có quyền tài sản tư” là đất do khu vực tư nhân sử dụng bao gồm đất đã giao, cho thuê đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân.

Nhà nước quản lý khu vực đất đai này chỉ bằng giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và thu thuế. Đối với đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công, gồm đất do Nhà nước giao không thu tiền cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức được Nhà nước cho phép, đất sử dụng vào mục tiêu công cộng, đất chưa giao, chưa cho thuê và đất chưa sử dụng. Công việc quản lý đất đai ở các nước phát triển chủ yếu tập trung cào khu vực đất công.

Ở Việt Nam, đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công thường không được các cơ quan quản lý đất đai đặt thành trọng tâm. Chính vì vậy mà nguồn lực công sản bị rơi vào hoàn cảnh dễ dàng bị tham nhũng, lãng phí. Để khắc phục tình trạng quản lý lỏng lẻo này, cần bổ sung vào Luật Đất đai sửa đổi quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công và đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư và gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp.

GS.TS Đặng Hùng Võ cho biết, vào năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167/2017/NĐ-CP nhằm hoàn chỉnh cơ chế sắp xếp lại việc sử dụng nhà đất thuộc khu vực công. Trên thực tế triển khai, chỉ có một số công ty nhà nước thực hiện được các cơ chế theo quy định tại các Nghị định 67 của Chính phủ, còn các đối tượng khác, phần lớn là doanh nghiệp cổ phần và các cơ quan, đơn vị, tổ chức của nhà nước chưa tích cực thực hiện. Các cơ quan, đơn vị của nhà nước thường lấy thế mạnh của các cơ quan trung ương không trả lại nhà đất tại các cơ sở cũ cho địa phương sau khi đã di dời đến các cơ sở mới.

Nhìn vào thực chất, đây là cách thức vốn hóa đất đai rất hiệu quả đối với các nước có nền kinh tế chuyển đổi, nhà nước phải thu được giá trị đất đai rất lớn từ khối lượng tài sản công hình thành từ thời kỳ bao cấp trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường. Để làm được việc này, cần phải có những quy định pháp luật thực sự rõ ràng với bản chất là vốn hóa đất đai. Các quy định của pháp luật không chỉ liên quan đến pháp luật đất đai, mà liên quan tới cả pháp luật ngân sách. Sự sắp xếp lại việc sử dụng nhà đất thuộc tài sản công có kết quả là phần nhà đất công dôi dư sẽ mang lại nguồn thu ngân sách rất lớn, đó là hệ quả tài chính và phải được coi như một nguồn thu từ đất, phải được định giá thành tiền để đưa vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Điều khó khăn mà Việt Nam chưa vượt qua được vẫn là việc giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích công và lợi ích từ trong quá trình chuyển đổi.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật đất đai cần có quan tâm đặc biệt tới quá trình giải quyết chuyển dịch từ quyền tài sản công đối với quyền sử dụng đất về thỏa mãn nhu cầu các nhà đầu tư tư nhân, nhưng Nhà nước phải thu đầy đủ quyền tài sản đó. Luật Đất đai sửa đổi cần quan tâm tới việc luật hóa Nghị định 67/2021/NĐ-CP có bổ sung cho hợp lý.

Phải rõ tiêu chí, nguyên tắc và theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam đề xuất, cần bổ sung, làm rõ quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền tham gia quản lý nhà nước về đất đai; quyền khiếu nại, tố cáo về đất đai cũng như việc thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân về đất đai của MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam, đất đai, hơn bất kỳ thứ gì, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đa số nhân dân. Nhưng tiếng nói của nhân dân trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này có phần mờ nhạt. Theo Điều 29 về quyền công dân đối với đất đai, công dân có 03 quyền: quyền tham gia đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất, đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá, đấu thầu,…. quyền nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn ….; quyền tiếp nhận các thông tin về đất đai.

Các quyền dân chủ trực tiếp của công dân như quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tham gia quản lý nhà nước về đất đai chưa được quy định hoặc quy định quá chung chung, không cụ thể; công dân không thực hiện được. Công dân thực hiện các quyền của mình vừa trực tiếp vừa thông qua tổ chức của mình cũng chưa được quy định đầy đủ.

Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam với tư cách là một liên minh, chính trị, liên hiệp tự nguyện,… có chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân,… Giám sát và phản biện xã hội được Hiến pháp năm 2013 quy định, được thể hiện trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này chưa tương xứng và chưa phù hợp với vị trí và vai trò của MTTQ Việt Nam. Nội dung của các quy định về Mặt trận Tổ quốc cấp xã chỉ là xây dựng, thuyết phục người dân thực hiện, xác nhận biên bản việc tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, tái định cư; được Chủ tịch UBND xã phối hợp với MTTQ cấp xã hoà giải tranh chấp đất đai. Chỉ có 1 quy định ở điều 221 của Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc thực hiện quyền giám sát về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định của Hiến pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Giám sát như thế nào, giám sát ai và giám sát công việc gì về quản lý và sử dụng đất đai, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) không quy định cụ thể.

Vì vậy, GS.TS Trần Ngọc Đường đề xuất, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cần bổ sung vào mục 3 Chương II: quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền tham gia quản lý nhà nước về đất đai bao gồm những quyền gì? Quyền khiếu nại, tố cáo về đất đai trong những trường hợp nào? Quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân về đất đai của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện như thế nào? Đồng thời, bổ sung vào Chương IV: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát và phản biện xã hội việc lập quy hoạch và kế hoạch; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp mình.

Tại Chương quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; nếu các Chương trước không bổ sung quyền và trách nhiệm của MTTQ các cấp trong các khâu của quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai thì Chương này phải quy định cụ thể, không thể quy định chung chung như Khoản 2 Điều 221. Cùng với đó, Điều 222 về giám sát của công dân đối với việc quản lý sử dụng đất đai cũng cần bổ sung vào Khoản 4 hình thức giám sát qua các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của mình.

Góp ý vào việc thu hồi đất để thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại, bà Trịnh Thị Thanh Bình, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật Uỷ ban MTTQ tỉnh Bến Tre nhận định việc thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội trong đó có thu hồi đất để thực hiện khu đô thị được ghi trong Luật Đất đai năm 2013 đã mở ra việc phát triển đô thị. Tuy nhiên trong thực tế tình trạng thu hồi đất để thực hiện các dự án này rất phức tạp.

Bà Bình nêu thực tế, ở những vùng người dân đã ổn định rồi nhưng lại “vẽ” ra một dự án đô thị là bị giải tỏa đền bù, nhà cửa của người dân phải di dời gây lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực về tài nguyên môi trường. Hay như việc thu hồi đất đất nông nghiệp để thực hiện các dự án đô thị gây nguy cơ mất an ninh lương thực và nhiều vấn đề khác.

“Không lĩnh vực nào lợi nhuận cao như thu hồi đất để làm các khu đô thị. Không lĩnh vực nào người dân chịu bất công khi bị thu hồi đất để làm các khu đô thị, khu dân cư theo dự án của doanh nghiệp”, bà Bình nêu thực trạng.

Để khắc phục tình trạng này, bà Bình kiến nghị việc thu hồi đất để thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại trong dự thảo Luật cần cụ thể hơn nữa theo đúng tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW. Đặc biệt phải rõ tiêu chí, nguyên tắc và theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo thẩm quyền quản lý đất đai.

“Nếu cứ quy định chung chung thì sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng các khoảng trống pháp lý để các nhóm lợi ích lợi dụng không đem lại nguồn lợi cho ngân sách Nhà nước, cho sự phát triển đô thị mà người dân lại thiệt đơn, thiệt kép”, bà Bình nói.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, trong thời gian vừa qua, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động quan trọng để tập hợp ý chí, trí tuệ góp ý cho các dự thảo. Đến nay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp nhận những đóng góp quan trọng, có giá trị từ các tổ chức, cơ quan và thành viên của MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các ý kiến đóng góp tại Hội nghị sẽ được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc. Đặc biệt là những nội dung liên quan đến việc thể chế mục tiêu chính sách, giải pháp và điều kiện thực hiện chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai; chế định những nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề tài chính và định giá đất đai, về thu hồi đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư nhằm đảm bảo mọi quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và quyền của người bị thu hồi đất sẽ được đảm bảo công bằng, chia sẻ lợi ích.

Cùng với đó, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục làm rõ, thể chế hóa các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW trong đó làm rõ được vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, thực hiện và giám sát, phản biện xã hội chính sách pháp luật về đất đai.

Tiếp thu 18 ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, các ý kiến đều ghi nhận, đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và Chính phủ đã chuẩn bị Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) công phu, bài bản, khoa học, bám sát nội dung Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; bám sát thực tiễn và tuân thủ Hiến pháp, cơ bản tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành và giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng đặt ra trong thực tiễn. Bước đầu đã tạo được niềm tin về một Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ đáp ứng mong đợi của nhân dân.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị ban chuyên môn UBTƯ MTTQ Việt Nam tập hợp, tổng hợp ý kiến tham luận của đại biểu tham dự Hội nghị để gửi tới cơ quan chủ trì soạn thảo; đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chỉ đạo Ban Soạn thảo tiếp thu và phản hồi với UBTƯ MTTQ Việt Nam theo quy định.

Tuệ Minh

Đề nghị tăng thời gian thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Thứ 5, 15/09/2022 | 16:25
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề xuất tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tiếp và bố trí liền mạch từ phiên khai mạc đến phiên bế mạc.

Dự báo khiếu nại, tố cáo lĩnh vực đất đai tiếp tục diễn biến phức tạp

Thứ 3, 13/09/2022 | 10:50
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tư pháp có xu hướng tiếp tục tăng, nhất là án hành chính, dân sự - kinh tế.

Sửa Luật Đất đai: Cần tập trung vào đấu thầu dự án có sử dụng đất

Thứ 3, 06/09/2022 | 14:39
Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nên tập trung vào đấu thầu dự án có sử dụng đất, trong khi hình thức đấu giá đất hiện nay chỉ lựa chọn nhà đầu tư có vốn lớn.
Cùng tác giả

Thấy gì từ số lợi nhuận "khủng" của doanh nghiệp bán bảo hiểm xe máy bắt buộc?

Thứ 2, 25/05/2020 | 14:10
Nếu chia bình quân cho 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang bán bảo hiểm bắt buộc xe máy, thì doanh thu mảng này của mỗi công ty bảo hiểm vào khoảng 26,3 tỷ đồng/năm.

Thi trắc nghiệm môn Toán: Học sinh lười tư duy, chỉ học mẹo làm trắc nghiệm

Thứ 4, 06/11/2019 | 07:30
Hình thức thi trắc nghiệm môn Toán sẽ khiến cách dạy và học bị thay đổi. Lúc đó, thầy cô chỉ dạy học sinh cách làm bài thi trắc nghiệm sao cho đạt kết qua cao bằng cách mẹo làm bài. Còn học sinh chỉ khoanh tối đa các phương án đúng, còn lại là khoanh xác xuất.

Hoang mang vì sếp bỗng đi công tác cả tuần trước 20/10

Thứ 6, 18/10/2019 | 09:00
Sếp nam bỗng đi công tác cả tuần trước 20/10, lịch công tác "bất thường" khiến các chị em hoang mang về những lời hứa, những món quà ngày Phụ nữ Việt Nam.

Nhức nhối vết chém ngang lưng đỉnh Mã Pí Lèng

Thứ 6, 04/10/2019 | 12:06
Đỉnh Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) từ lâu đã được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam. Nơi đây là di sản đặc sắc về địa chất, cảnh quan và là ước mơ chiêm ngưỡng của bao du khách nước ngoài.

Sóc Trăng lắp camera nhà riêng cán bộ: Cẩn trọng mức kinh phí tiền tỷ

Thứ 2, 30/09/2019 | 06:48
Những ngày qua, người dân tỉnh Sóc Trăng xôn xao trước thông tin ông Huỳnh Văn Sum, Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng ký quyết định số 1542-QĐ/TU về việc cấp kinh phí lắp đặt camera an ninh nhà riêng của các đồng chí trong ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Cùng chuyên mục

Thị trường bất động sản Việt Nam 2024 đã vượt qua giai đoạn khó khăn

Thứ 3, 16/04/2024 | 21:00
Theo VARS, bất động sản những tháng đầu năm 2024 đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và sẽ ghi nhận các động thái tích cực, mở ra những cơ hội cho thị trường.

Đề xuất quy định mới về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Thứ 3, 16/04/2024 | 10:08
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Long An: Mời gọi nhà đầu tư cho dự án khu đô thị gần 9.300 tỷ đồng

Thứ 3, 16/04/2024 | 09:00
Tỉnh Long An mời gọi nhà đầu tư tham gia dự án Khu đô thị Bình An Đức Hòa có quy mô 13,2ha, tổng vốn đầu tư gần 9.300 tỷ đồng tại xã Đức Hòa Hạ (huyện Đức Hòa).

Lý do nhà riêng trong ngõ tại Hà Nội liên tục tăng giá

Thứ 2, 15/04/2024 | 21:31
Khi nguồn cung hạn chế, giá căn hộ sơ cấp Hà Nội “neo" cao, các dự án mới mở bán đều thuộc phân khúc cao cấp,nhà riêng trong ngõ là lựa chọn hấp dẫn của nhiều gia đình.

Thị trường bất động sản Việt Nam đã sẵn sàng tái nhập cuộc?

Thứ 2, 15/04/2024 | 19:56
Chuyên gia đánh giá tiến trình phục hồi của thị trường BĐS Việt Nam đang ngày càng rõ nét và lạc quan với nhiều dư địa để phát triển rực rỡ hơn nữa.
     
Nổi bật trong ngày

Giá xăng điều chỉnh sớm, có thể vượt 25.000 đồng/lít?

Thứ 3, 16/04/2024 | 16:43
Giá xăng trong nước tại kỳ điều hành ngày mai (17/4) được dự báo tăng.

Đề xuất quy định mới về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Thứ 3, 16/04/2024 | 10:08
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Giá vàng 16/4: Vàng trong nước tiếp tục tăng

Thứ 3, 16/04/2024 | 09:49
Sáng 16/4, giá vàng trong nước tiếp tục tăng thêm 100 - 400 ngàn đồng/lượng so với hôm qua.

Thị trường bất động sản Việt Nam 2024 đã vượt qua giai đoạn khó khăn

Thứ 3, 16/04/2024 | 21:00
Theo VARS, bất động sản những tháng đầu năm 2024 đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và sẽ ghi nhận các động thái tích cực, mở ra những cơ hội cho thị trường.

Long An: Mời gọi nhà đầu tư cho dự án khu đô thị gần 9.300 tỷ đồng

Thứ 3, 16/04/2024 | 09:00
Tỉnh Long An mời gọi nhà đầu tư tham gia dự án Khu đô thị Bình An Đức Hòa có quy mô 13,2ha, tổng vốn đầu tư gần 9.300 tỷ đồng tại xã Đức Hòa Hạ (huyện Đức Hòa).