Muôn kiểu 'chém gió' của teen

Muôn kiểu 'chém gió' của teen

Chủ nhật, 31/03/2013 | 14:08
0
Chỉ cần đi qua khu vực các quán nước được mệnh danh là nơi chuyên dành cho teen "chém gió" là có nhân viên vẫy khách. Đây là những quán nước ở khu Bà Triệu hay những quán nước vỉa hè, cà phê bụi ở khu phố cổ Hà thành. Nhìn thấy khách là teen hoặc trông xì-tin một chút là nhân viên phục vụ của quán đã tận tình hướng dẫn khách chỗ để xe, thậm chí dắt xe giúp, đưa vào chỗ ngồi.

Từ "chém gió" đến chém nhau thật

Trong vai một cô gái rất xì-tin, tôi được Lan Chi (phố Ấu Triệu, Hà Nội) cho đi cùng, nhập cuộc để cận cảnh các kiểu "chém gió" của teen. Lan Chi là "tín đồ" của trà chanh khu vực Nhà Thờ (khu phố cổ Hà Nội) chia sẻ: "Tối nào em cũng ngồi trà chanh "buôn chuyện", vì nhà ngay gần, chỉ cần bạn gọi là em đi bộ ra tụ tập ngay. Ngày nghỉ (thứ 7 và chủ nhật), chúng em ngồi "chém gió" cả ngày với nhau”. Tôi bất ngờ về "thời gian biểu" của teen "chém gió", Chi chìa môi, nói: "Thế là còn ít đấy chị ơi. Nhiều "đội" (tức nhóm - PV) còn bỏ cả học để ngồi "chém gió" ở quán nước cơ. Chúng em vẫn là "con nhà lành", chỉ "chém" khi được nghỉ hoặc đã học xong bài ở lớp, ở nhà rồi”. Hoá ra, cứ "hở" thời gian ra là đi chơi, là "chém gió", thế vẫn là "con nhà lành", sợ cái quan niệm, suy nghĩ của teen quá.

Bất ngờ với tần suất cũng như khả năng ngồi trong thời gian lâu như vậy của Chi, tôi bắt chuyện với một cậu nhân viên bưng bê của quán trà "chém gió" tên Béo. Đó là tên khách gọi, vì Béo có hình dáng to, béo thật. Béo là nhân viên lâu năm, kì cựu của quán từ khi mới mở cách đây vài năm, cậu rất vui tính nhưng có vẻ hơi ngoa ngoắt. Qua quan sát, tôi phát hiện ra, hầu hết khách teen đến đây có vẻ rất thân thiện với anh chàng Béo này. Béo nói: "Khách ngồi đây thì đủ thứ chuyện trên đời, hết chuyện rồi thì quay sang "soi" nhau, "soi" nhóm khác. Nào thì em này xấu, em kia xinh, túi em kia bao nhiêu tiền, hàng "fake" hay hàng "xịn"”... Béo kể: "Chém gió" và "soi" ở quán cũng phải có nghệ thuật, phải kín đáo. Quán này nhiều nhóm teen lấy là địa điểm "chém gió" nên đã mấy lần chém nhau thật rồi. Họ cứ nhìn nhau rồi bảo "soi đểu" thế là cầm ghế nện nhau thôi. Có lần, họ còn gọi cả "hội" ở đâu mang gậy gộc, dao kiếm đến chém nhau cứ như phim chưởng ấy".

Béo trò chuyện đến đây, tôi nhớ đến lúc bắt đầu đi, hỏi Chi về chủ để "buôn chuyện" là gì, sao nhiều thế? Chi thành thật nói: "Chị ạ, chúng em toàn "chém" lung tung, lia lịa thôi, chẳng có chủ để cố định nào hết. Cũng may, "chém gió" lung tung còn hơn là hết khôn dồn đến dại, chém nhau thật". Chính Chi cũng đã từng vài lần dại miệng nhưng nói nhỏ, chưa xảy ra chém nhau thật. Chi kể: "Có lần đang nói chuyện vào "gam" với một nhóm bạn. Vốn dĩ em và cậu bạn ấy thân nhau từ hồi học cấp 1. Em bị nhóm bạn đó tẩy chay nên được đà em cũng "chém" mấy chuyện ngộ nghĩnh của cậu ta. Thế rồi câu chuyện tam sao thất bản thế nào, đến tai cậu bạn, em thành người đi nói xấu, rồi mất luôn bạn thân". Biết là ngồi nói những chuyện dông dài như vậy lắm khi "vạ miệng" nhưng Chi vẫn không thể từ bỏ được thói quen uống nước hoa quả "chém gió" triền miên ngày này, sang tháng khác của mình.

Xã hội - Muôn kiểu 'chém gió' của teen

Trà chanh, shisha được giới trẻ yêu thích

Chi chỉ tay, liếc mắt về phía bên phải, bảo tôi: "Chị nhìn nhóm teen kia đi. Chúng đang chờ nhóm khác đến để "giải quyết" (tức đánh nhau - PV) đấy. Mấy hôm trước, hai nhóm này "chém gió" cùng một chủ đề khá "xôm". Chẳng hiểu thế nào, đang vui thì lại có "sự cố". Một bạn trong nhóm A tự nhiên chỉ mặt cậu nhóm B, nói rằng, mày "chém" ai thì "chém", chừa mặt "con" này ra. Mẹ có xấu, có không ra gì mới đi ngồi "chém gió" với chúng mày. Chúng mày có ra gì mà lại đòi chơi với "con nhà lành"... Thế là "hỗn chiến". Chỉ khi chủ quán lên tiếng thì hai nhóm mới bỏ đi nhưng vẫn hậm hực và hẹn rằng, sẽ quay lại chém thật chứ không "chém gió". Họ đang ngồi đây chờ để "giải quyết sự cố" đấy".

Theo Béo thì chém nhau thật, choảng nhau chỉ có thể xảy ra ngay lập tức, khi chủ quán không kịp can thiệp, còn lấy quán làm địa điểm hẹn hò, đánh nhau thì không bao giờ thực hiện được ý định đó. Béo đã gọi điện cho nhóm kia, bảo rằng, không đến quán, đang có "thích khách". Thế là nhóm này ở tại quán, tha hồ "chém gió" đến mệt thì thôi.

Những chiêu trò  câu khách

Đi với Chi, ngồi tại quán nước mía phố Hàng Vải (Hà Nội), tôi hoa mắt với "thực đơn" nước mía ở đây: Nước mía dâu, lựu, đào, chuối,... gọi thử một cốc. Tôi ngỡ ngàng vì thật ra đây không phải nước mía hoa quả như Chi quảng cáo mà thực chất chỉ là nước mía cho thêm các loại siro làm sẵn. Chỉ với một chiêu trò nhỏ như vậy, chủ quán đã dễ dàng nâng giá trị của một cốc nước mía lên từ 5.000- 7.000 đồng. Còn những teen chuyên "chém gió" như Chi thì cứ nức nở, giá rẻ, ngon, mùi dễ chịu... Tôi hỏi Chi, sao không ra quán cũ "chém gió" cho gần nhà? Chi nói: "Mỗi nhóm như chúng em, có khoảng 3-4 quán ruột. Quán nào cũng "chém gió" mái thoải. "Chém gió" ở đây thích hơn, vì không khí nó "bụi bặm". Tôi chưa hiểu lời Chi nói nhưng chứng kiến các "sự kiện" xảy ra xung quanh, rồi cười cho cái suy nghĩ "ở đây bụi bặm" hơn của Chi. Đó là nước mía hương vị hoa quả và trộn lẫn mùi của thuốc lào. Quán nước này không chỉ dành riêng cho teen "chém gió" mà còn là nơi tụ tập của cánh xe ôm, người qua đường, dân nhàn tản xung quanh... Đúng là nó lộn xộn, ra vào liên tục và bụi bặm theo đúng nghĩa đen.

Tại một phố trà chanh của teen "chém gió" khác, cũng khá nổi tiếng là phố Chợ Gạo. Thật bất ngờ đã 22h mà teen học sinh vẫn chăm chú "chém gió". Theo anh phục vụ tên Đức thì, từ 21h trở đi, trà chanh "chém gió" mới sôi động. Phố Chợ Gạo tấp nập hơn bao giờ hết, khách hàng 100% là teen. Sau khi phải xếp hàng để gửi xe, tôi tiếp tục xếp hàng để có chỗ ngồi. Gọi là chỗ ngồi cho oai chứ thật ra chỉ là ngồi trên một cái ghế nhựa con con. Người nọ phải ngồi sát vào người kia thì mới có thể tìm nơi "hạ cánh an toàn". Thực đơn của quán trà chanh này phong phú bởi các loại chè : Xoài, mãng cầu, ngô,... được làm chủ yếu từ... thạch.  Có đến 3-4 hàng bán nước hoa quả ở khu vực Chợ Gạo nhưng hàng nào cũng đông nghìn nghịt với số lượng khách lên đến cả trăm người. Anh Thế Tuấn chủ quán trà chanh, nói vui: "Giới trẻ giờ rảnh rỗi quá, có nhu cầu thì mình phục vụ thôi. Muốn thu hút khách thì phải bán cái gì ngon miệng mà rẻ tiền. Mở quán này thì phải chiều lòng khách, có em ngồi tới 3-4h sáng, người bán cũng chấp nhận".        

“Chém gió” dễ thành chém nhau thật

Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Thu Hà (trường đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: "Teen có nhiều chuyện để nói với nhau. Tính cách của teen giống một phần tính cách của những người yêu nhau. Nó có khác ở chỗ, dễ bị kích động mà ít giận hờn. Ở cái tuổi các cụ nói "dở dở, ương ương" này, nếu gia đình, nhà trường không quản lý tốt, teen sẵn sàng bỏ học, chỉ ngồi túm năm, tụm ba chuyện này, chuyện khác là hết ngày. Teen còn say "buôn chuyện" hơn cả học, về với bố mẹ. Đây là một thói quen hay sở thích xấu. Cha mẹ cần phải tâm sự, tạo môi trường sống trong gia đình cho con tốt hơn để con cái có thể tâm sự được với cha mẹ, ông bà, anh chị, em, để teen không hình thành thói quen "buôn chuyện" với người ngoài. Mà "buôn chuyện với người ngoài nhiều, ắt nảy sinh nhiều rắc rối, dễ dàng dẫn đến việc từ "chém gió" thành chém nhau thật."    

Phương Linh

Nhạt nhẽo với trò… “lên mây chém gió”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
Bệnh "chém" đang lây lan với tốc độ chóng mặt. Bất cứ chỗ nào cũng có thể gặp "trà chanh chém gió", "trà đá chém gió"; đến cơ quan thì gặp đồng nghiệp... "chém", sếp ..."chém"; vào internet thì gặp "chém gió bang", "hội những người thích chém gió”, thậm chí có cả trang web chuyên về... chém gió.

Phát hoảng với “bệnh chém gió”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Nhiều người thích thể hiện đẳng cấp bằng việc được công nhận là “cử nhân chém gió”, “tiến sỹ chém gió”

Lạ đời Tây học tiếng ta qua “trà chanh chém gió”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Bị “nhiễm” ngôn ngữ của 9X nên trong văn bản cuộc họp của Jacky Tommy có rất nhiều từ “chém gió”.