Cận cảnh những 'vòi bạch tuộc' trên cửa Ba Lạt

Cận cảnh những 'vòi bạch tuộc' trên cửa Ba Lạt

Thứ 3, 16/07/2013 | 11:12
0
Cửa Ba Lạt, địa danh đã đi vào thi ca, là nơi con sông Hồng kết thúc cuộc hành trình dài hơn 500km trên lãnh thổ Việt Nam trước khi đổ về biển lớn, giờ đây đang đứng trước nguy cơ bị sạt lở nghiêm trọng bởi nạn khai thác cát trái phép.

Có lẽ, bởi đặc thù địa lý "cha chung không ai khóc" là nằm giữa ranh giới hai tỉnh Thái Bình và Nam Định nên việc quản lý của các cơ quan hữu quan nơi đây có phần lỏng lẻo và kém hiệu quả (?!). Chỉ sau vài giờ thị sát, PV đã mục sở thị cảnh tượng khai thác hết sức khẩn trương và rậm rộ của cánh "cát tặc", bất chấp cách đó không xa là đồn biên phòng 84, thuộc Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Nam Định.

"Cát tặc" lộng hành

Một ngày đầu tháng 7/2013, nhóm PV chúng tôi có mặt tại cửa sông Ba Lạt để tận mắt chứng kiến những gì khủng khiếp đang diễn ra nơi đây. Lãnh trách nhiệm "hoa tiêu" trong suốt cuộc hành trình 2 ngày là anh Nguyễn Văn Tuân, 31 tuổi, người địa phương, cũng là một trong nhóm người đã cung cấp thông tin về nạn "cát tặc" đến tòa soạn báo Người đưa tin.

Anh Tuân người dong dỏng cao, gương mặt xương xương, bên vai trái có một vết thương lớn đang lên da non. Hỏi về vết thương, anh Tuân đưa tay xoa xoa rồi nói giọng tự hào: "Chợ Tết cách đây 2 năm, tôi đang mua hàng thì thấy một thằng móc túi nên xông vào bắt, bị đồng bọn của nó ném cả cái cối đá vào người làm gãy xương vai, thế nhưng tôi vẫn không thả tay ra và đưa được nó lên công an. Năm ngoái tưởng lành thì đi xe máy ngã bị lại, đến vừa rồi mới chính thức được tháo đinh".

Việt Nam Xanh - Cận cảnh những 'vòi bạch tuộc' trên cửa Ba Lạt

Một con tàu cỡ lớn đang "ăn cát" trên sông.

Anh Tuân vốn người gốc TP.Nam Định, vì mưu sinh nên phiêu bạt xuống xã Giao Thiện (huyện Giao Thủy, Nam Định). Chứng kiến hai bên bờ cửa Ba Lạt ngày càng sạt lở nghiêm trọng bởi hàng chục tàu cát ngày đêm khai thác trên sông, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của người dân nên đã cất công đi tìm hiểu ngọn ngành. Qua tìm hiểu, anh Tuân biết việc khai thác cát này là hoàn toàn trái phép nên đã vô cùng bức xúc, quyết định nhờ báo chí đưa sự việc ra trước công luận để làm sáng tỏ.

Anh Tuân đưa nhóm chúng tôi ra sông bằng một chiếc xuồng gỗ loại nhỏ có lắp động cơ, phát cho mỗi người một chiếc mũ rộng vành và bộ quần áo công nhân màu xanh đã sờn cũ, dặn dò kỹ lưỡng: "Các anh có quay chụp thì nên thật khéo léo, thực ra những người làm công trên tàu thì hiền lành thôi, nhưng các chủ tàu thì hết sức manh động và hung bạo, không thể lường trước được hậu quả". Nghe xong chúng tôi hơi chờn chợn, nhưng cuối cùng, cả anh Tuân nữa là 4 người, chúng tôi vẫn quyết định khởi hành cuộc thị sát trên cửa sông Ba Lạt, chấp nhận hiểm nguy đang rình rập.

Không khó để bắt gặp cảnh "cát tặc" ở khúc sông này. Chỉ một loáng, trước mắt chúng tôi là cảnh hàng chục con tàu cỡ lớn không mang biển kiểm soát với đầy đủ những vòi ống, máy móc đua nhau "dàn trận" ở phía bờ sông Nam Định. Những tiếng hò hét, tiếng máy nổ xình xịch vang cả một vùng rộng lớn, giống như một đại công trường. Suốt chiều dài nhiều cây số của khúc sông Hồng nơi đổ ra cửa biển bị cát tặc chia nhỏ, băm nát, đâu đâu cũng thấy những vòi ống buông từ tàu cát xuống sông.

Chứng kiến cảnh tượng đó, anh Tuân chua xót nói: "Từ nhiều năm rồi, ngày nào cũng thế. Những "vòi bạch tuộc" này vươn dài, hút cát từ lòng sông rồi vận chuyển đi nơi khác khiến hai bên bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, vậy nhưng chẳng thấy các cơ quan chức năng ra tay dẹp bỏ".

Việt Nam Xanh - Cận cảnh những 'vòi bạch tuộc' trên cửa Ba Lạt (Hình 2).

Ông Trần Bình Lục - chủ tịch UBND xã Giao Thiện khẳng định không có tình trạng “cát tặc” ở địa phương ông quản lý.

Những món lợi khổng lồ từ lòng sông

Được biết, lịch trình hoạt động của cánh "cát tặc" thường được chia làm 2 ca. Buổi sáng, bắt đầu từ khoảng 8h, tàu cát rời nơi trú ẩn đổ về khúc sông này rồi mạnh ai nấy thả neo, luồn tua vòi xuống sông sùng sục hút cát. Trong khi hàng chục chiếc tàu hút hoạt động thì hàng chục chiếc khác nằm san sát dọc bờ sông Hồng phía xã Giao Thiện (Nam Định) chờ đến lượt mình.

Một chủ tàu cát tiết lộ, mỗi chiếc tàu hút cát thường được trang bị khoảng 5 máy hút loại lớn. Thông thường, sau chừng 2 tiếng "ăn hàng", tàu sẽ đầy và lặc lè xuôi dòng đến các bãi tập kết tự phát nằm ở ngã ba Ba Lạt hoặc bán lại ngay cho các đầu nậu thu gom. Giá bán cát tại thị trường ở thời điểm hiện tại khoảng 35.000đ/m3.

Như vậy, ngày hút 2 ca, mỗi tàu cát thu về 6 triệu đồng. Chính vì lợi nhuận khủng khiếp như vậy mà "cát tặc" ngang nhiên hoành hành suốt nhiều năm tại khu vực này. Trong khi, điều đáng nói là toàn bộ khúc sông Hồng đang bị "oanh tạc" lại nằm ngay trước mặt trạm kiểm soát Ba Lạt, thuộc Đồn biên phòng 84, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nam Định.

Vì vị trí khai thác nằm ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh nên cánh "cát tặc" đã sử dụng thủ thuật khai thác hết sức khôn ngoan, đó là đứng ở bên này, khai thác cát bên kia. Cụ thể, những tàu "cát tặc" nếu đỗ ở bên bờ sông thuộc địa phận Nam Định thì chĩa "vòi bạch tuộc" sang hút cát thuộc bờ sông Thái Bình và ngược lại. Giải thích về điều lạ lùng này, anh Tuân cho biết, đó là cách để các đối tượng lách luật, qua mắt lực lượng chức năng nếu bị kiểm tra đột xuất.

"Tại khu vực các anh đang đứng đây, trong suốt nhiều năm qua không có lũ. Vì vậy với lượng cát đáy sông đang bị ngày ngày bị lấy cắp đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đê điều và dòng chảy của con sông, các con nước trở lên thất thường, gây khó khăn cho mùa màng, tưới tiêu", anh Tuân bức xúc nói.

Có hiện tượng "bảo kê"?

Trong buổi PV làm việc với ông Trịnh Bình Lục - chủ tịch UBND xã Giao Thiện, ông này lại phủ nhận tình trạng đó. Ông Lục cho hay "không hề có chuyện các tàu cát tặc khai thác cát trái phép tại khu vực cửa sông Ba Lạt trong địa giới hành chính của xã Giao Thiện" và "cũng chưa tiếp nhận thông tin về tàu cát tặc hoành hành". "Tôi khẳng định tại xã Giao Thiện không có tàu hút cát trái phép nào tại khúc sông này mà tàu cát đa phần đều từ xã Giao Xuân", ông Lục thẳng thắn nói.

Còn ông Nguyễn Văn Đồng - chủ tịch UBND huyện Giao Thủy lại cho biết: "Khu vực cửa sông Ba Lạt tại xã Giao Thiện vẫn chưa được cấp phép khai thác cát, tuy nhiên các quy trình làm thủ tục xin cấp phép khai thác cát để nuôi ngao nhuyễn thể đã làm xong. Hiện việc xin cấp phép vẫn đang phải đợi các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt".

Tuy nhiên, dù vị lãnh đạo huyện Giao Thủy có nói gì đi nữa thì thực trạng khai thác cát ở cửa Ba Lạt là điều không thể chối cãi, đã, đang và sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến cuộc sống của mỗi người dân địa phương.  

Hút cát để... nuôi ngao?

Nói về thực trạng nhức nhối này, thiếu tá Nguyễn Thanh Tuyền - phó phòng CSGT đường thủy (PC68) - công an tỉnh Nam Định thừa nhận, có tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực cửa sông Ba Lạt. Phòng PC68 tỉnh đã nhiều lần ra quân kiểm tra, xử lý nhưng chưa thể triệt để vì nhiều lý do. Trước hết phải kể đến cách hoạt động hết sức tinh vi của các nhóm đối tượng sau đó vì địa lý hành chính ranh giới rất phức tạp. Ngoài việc dùng các mưu mẹo kiểu "đứng bên này, hút bên kia" hay sử dụng các tàu không có biển kiểm soát, nhiều tàu cát còn lợi dụng cả việc gia nhập vào các hội, đoàn thể để qua mặt cơ quan chức năng.

Ở một diễn biến khác, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Cửu - chủ tịch Hội nuôi ngao nhuyễn thể huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định thừa nhận một số tàu hút cát trên đoạn sông được phản ánh là thuộc sở hữu của các thành viên của hội. Tuy nhiên, ông này phủ nhận việc hút cát đi bán mà chỉ nói "hút cát để phục vụ nuôi ngao".

Phóng sự của Long Nguyễn

* Vì lý do an toàn cho người cung cấp thông tin, tên nhân vật dẫn đường trong bài viết đã được thay đổi.

Cát tặc 'lộng hành', đê Văn Nhân – Phú Xuyên kêu cứu

Thứ 6, 28/06/2013 | 13:46
Những người dân đang sinh sống tại khu vực xóm Đề Thám - xã Văn Nhân - huyện Phú Xuyên - Thành phố Hà Nội đang phải sống trong tâm trạng hết sức hoang mang vì lo lắng cho tính mạng, tài sản của gia đình mình có thể bị sông Hồng nuốt trôi bất cứ lúc nào. Họ đồng tình ký tên vào bản kiến nghị gửi lên các cơ quan chức năng kèm theo lời khẩn cầu kêu cứu: hãy bảo vệ tính mạng và tài sản cho bà con chúng tôi.

Cát tặc băm nát một khúc sông Hồng

Thứ 2, 10/06/2013 | 14:14
Cả dãy dài bờ sông Hồng tại xã Đại Mạch (huyện Đông Anh, Hà Nội) chất đầy những núi cát. Cát được hút lên bởi những chiếc vòi rồng ngoạm sâu xuống đáy sông rồi nhả thẳng lên bờ…

"Cát tặc" xứ Thanh lại lộng hành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
Tình trạng khai thác, tập kết cát trái phép ven sông Mã diễn ra công khai trắng trợn như thách thức các cơ quan chức năng, nhất là Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa.

Cát tặc vẫn lộng hành, 'xẻ thịt' sông Nậm Rốm lịch sử

Thứ 6, 12/07/2013 | 11:13
Nhiều năm qua, tại tỉnh Điện Biên, dòng Nậm Rốm lịch sử đã phải oằn mình trước nạn khai thác cát, sỏi.