Cận cảnh “vàng tặc” Bồng Miêu

Cận cảnh “vàng tặc” Bồng Miêu

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Nói đến khai thác vàng, người ta thường nghĩ ngay đến những vùng đá núi khô cằn, nơi có những chiếc lều lụp xụp, tạm bợ, những phu vàng gầy như mo, những chủ bưởng loang lổ sẹo, xăm trổ đầy mình, trong người lúc nào cũng giắt một vài em "chó lửa" luôn sẵn sàng nhả đạn.

Đó là sự khốc liệt tại những bãi vàng chui, phần lớn là hoạt động không phép của các "vàng tặc". Thế nhưng ít ai ngờ rằng ngay tại những nhà máy khai thác vàng được phép hoạt động thì mọi thứ cũng khốc liệt chẳng kém. Tại đây, các "vàng tặc" luôn luôn rình rập để trộm quặng bất kể ngày đêm bất chấp sự ngăn cản của bảo vệ, công an. Có lẽ câu nói của một tay tội phạm khét tiếng xứ Quảng truyền tụng từ đầu những năm 90 vẫn luôn là “chân lý”: "Vàng được chắt ra từ máu".

Đâu có quặng, ở đó có “vàng tặc”

Thời gian gần đây, dư luận nóng lên câu chuyện về sự ngang nhiên lộng hành của "vàng tặc" nơi xứ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Phóng viên đã tìm đến địa phương để mục sở thị. Xứ vàng như mọi người vẫn nói thuộc quyền khai thác của Công ty TNHH Khai thác Vàng Bồng Miêu. Công ty nằm không xa khu dân cư là bao. Ấn tượng ban đầu đập vào mắt chúng tôi là hệ thống tường rào dây thép gai được bao bọc cẩn mật và một biển thông báo được đặt ở ngay đầu cổng: "Cấm quay phim chụp ảnh". Suốt quãng đường vào, chúng tôi luôn có cảm giác như đang đi vào vùng chiến sự.

Được biết, cách đây không lâu, hàng trăm người đã đột nhập vào Công ty đánh bảo vệ, cướp vàng và quặng vàng. "Vàng tặc" còn ngang nhiên và liều lĩnh hơn trên các mỏ khai thác quặng vàng. Khu khai thác số 6 nằm cách trung tâm Công ty Vàng Bồng Miêu vài cây số là điểm nóng nhất. 12h trưa, nắng như đổ lửa, không có lấy một ngọn gió khiến cho cái nóng như hắt thẳng lên từ từng phiến quặng. Thế mà trên mỏ vàng vẫn có hàng trăm người đang hì hục đào bới, khuân vác các bao tải lớn nhỏ lên xe máy rồi vụt biến mất vào những con đường mòn bụi đỏ, khẩn trương và gấp gáp như không khí làm việc trong các công trường xây dựng.

Đôi mắt nhăn nheo mệt mỏi tỏ rõ sự ngán ngẩm, ông Võ Hoàng Anh - Trưởng Ban Giám sát an ninh mỏ vàng, Công ty Vàng Bồng Miêu chỉ tay về phía những người đó bảo: "Người mới đến không biết, nhìn cảnh này cứ tưởng đó là công nhân của Công ty nhưng không phải. Họ là những người dân sống của các xã lân cận vào mỏ trộm quặng".

Để khai thác vàng ở một địa điểm nào đó, Công ty phải trải qua nhiều công đoạn thăm dò, lấy mẫu rất phức tạp. Nếu hàm lượng vàng từ 1g/1 tấn quặng trở lên Công ty mới quyết định tiến hành các bước của quá trình khai thác. Đến khi chọn được địa điểm rồi lại phải bóc một lớp đất đá dày ở bên trên. Công việc này có khi mất đến cả tuần, thậm chí hàng chục ngày liền. Khi lớp đất đá dầy che phủ lớp quặng bên dưới được bóc ra, Công ty mới bắt đầu tiến hành đặt nổ mìn lấy quặng. Thế nhưng, cứ vừa đến khi khai thác được thì người dân lại ùn ùn kéo đến, đổ xuống đào bới, trộm quặng bất chấp bảo vệ và công an ngăn cản. Tình trạng trộm quặng vàng đã kéo dài suốt nhiều năm nay. "Vàng tặc" tấn công từ những khu khai thác lộ thiên đến khu khai thác trong hầm. Khi chính quyền địa phương và công ty siết chặt hàng rào bảo vệ tại các hầm vàng thì họ lại chuyển sang lộng hành trong hai khu khai thác lộ thiên là khu số 6 và số 7.

Theo sự chỉ dẫn của nhân viên an ninh Công ty, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh lộng hành của "vàng tặc" tại các mỏ quặng trên. Tại các mỏ lộ thiên, bất kể nắng, mưa, ngày, đêm từng đoàn người từ già trẻ lớn bé, từ thanh niên trai tráng đến phụ nữ đều đi... trộm quặng vàng. Họ mang theo búa, tràng để đục quặng rồi dồn vào các tải lớn. Phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe máy. Dù lực lượng bảo vệ và cảnh sát cơ động vào cuộc rất quyết liệt nhưng cũng không làm giảm đi sự liều lĩnh và manh động của "vàng tặc". Cứ thấy Công ty khai thác ở điểm nào là họ xúm lại đào quặng ở khu vực ấy. Có thời điểm, một ngày có tới hơn 700 lượt người xông vào khu khai thác, khiến công nhân của Công ty không thể nổ mìn để khai thác tiếp.

Trắng trợn hơn, có lần họ còn liều mình chặn xe chở quặng vàng của Công ty, ép lái xe dừng lại rồi nhao nhao trèo lên xe để cướp vàng. Có lần "vàng tặc" còn đánh lại bảo vệ của Công ty, phá hỏng xe ôtô. Mới đây các đối tượng quá khích đã cướp đi 5 tấn quặng vàng, hai thùng than hoạt tính bên trong có chứa khoảng 1kg vàng và phá hoại tài sản của Công ty, thiệt hại ước tính nhiều tỷ đồng.

Đất vàng sắp thành... đất chết

Mấy năm gần đây giá vàng cứ tăng vùn vụt khiến "vàng tặc" ngày càng táo tợn hơn. Được biết, đa số những người trộm vàng là dân của mấy xã quanh mỏ vàng. Tuy sống chủ yếu bằng nghề nông và trồng rừng nhưng thu nhập chính của họ lại từ việc đi đào vàng, mót vàng, hôi vàng.

Do sức hút ma mị của vàng mà hàng ngày không chỉ những người dân sống quanh mỏ còn có cả dân tứ xứ cũng ùn ùn kéo về khiến tình hình an ninh trật tự ở đây trở nên vô cùng phức tạp. Nghiện ngập, mại dâm, đâm chém... đủ cả.

Dạo một vòng quanh địa phận xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh) và những xã lân cận mỏ vàng, không khó để nhận thấy những bao quặng chất la liệt trong sân nhà dân, tối đến họ mới ùn ùn mang đi xay nghiền đá quặng. Để nghiền một tạ quặng, chủ máy thu 40.000 đồng. Xã Tam Lãnh có khoảng 20 máy xay nghiền đá quặng hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm, váng động cả một vùng.

Người dân địa phương đã làm vàng cả chục năm nay. Một đứa trẻ cũng hiểu khá rõ các bước của quá trình làm vàng. Cả xã Tam Lãnh có hơn 6700 dân thì có hơn 60% tham gia hoạt động khai thác vàng. Hàng ngày, từ trẻ em người già hay phụ nữ miễn là có sức khỏe đều vác bao đi đào vàng, hôi vàng. Công việc nhặt, mót, xay nghiền, chế biến vàng mang lại lợi nhuận quá lớn biến nhiều "vàng tặc" trở thành tỷ phú, nên họ bất chấp tất cả, lao vào các mỏ vàng của Công ty để trộm, cướp.

Vàng đã trở thành một nguồn thu khổng lồ, nhưng cũng chính nó đang từng ngày hủy hoại cuộc sống của người dân nơi đây. Những người không làm vàng ở đây phản ánh: "Họ (những người khai thác vàng trái phép- PV) xay quặng suốt ngày đêm khiến cho chúng tôi không thể ngủ được. Bã quặng đổ tùm lum ra khắp nơi làm tắc cống rãnh. Nguy hiểm hơn là việc họ dùng bồn xyanua và dùng thủy ngân để ngâm quặng vàng ngay trong vườn nhà rồi đổ khắp nơi, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước. Ở đây chả có thứ gì mà không bị nhiễm độc cả. Một số người dân đã nhiều lần làm đơn đến các cơ quan chức năng để xử lý tình trạng này thế nhưng đã nhiều năm trôi qua, dường như việc quản lý hoạt động của vàng tặc và khai thác vàng trái phép ở đây vẫn không có gì biến chuyển, thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn".

Trước sự lộng hành của "vàng tặc", Giám đốc Công ty Vàng Bồng Miêu đã phải cầu cứu đến lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam. Và mới đây, công an tỉnh Quảng Nam đã có nhiều biện pháp mạnh tay với "vàng tặc" như: Thu hồi quặng vàng đang tàng trữ trong dân, cấm các máy xay nghiện quặng hoạt động... Nhưng có lẽ sức hút từ vàng quá lớn khiến cho nạn "vàng tặc" khó có thể dẹp ngay trong ngày một ngày hai.

Chẳng lẽ chỉ khi nào Bồng Miêu hết vàng thì người dân nơi đây mới được sống yên ổn, mới được uống nước không có thủy ngân.

“Vàng tặc” có gián điệp

Do chính sách của Nhà nước và Công ty cố gắng hướng đến việc giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân địa phương, thế nên phân nửa số công nhân là người bản địa. Bồng Miêu vẫn được biết đến là xứ vàng, nhưng ở đâu vàng nhiều thì chỉ có cán bộ trong Công ty biết. Thế nhưng "vàng tặc" luôn biết đích xác chỗ nào nhiều vàng để đua nhau vào trộm. Ông Trần Hà Tiên, Giám đốc Công ty cho biết, chính một số công nhân trong Công ty đã thông đồng với người nhà của họ để trộm cắp quặng vàng. Đây là việc luôn khiến lãnh đạo Công ty đau đầu.

Thành Huế