“Cân đong” tình lý vụ thừa kế ngàn tỷ

“Cân đong” tình lý vụ thừa kế ngàn tỷ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
"Chuyện về “cô gái nghìn tỷ” ở TP.HCM là một trường hợp đặc biệt. Việc tranh chấp pháp luật sẽ giải quyết nhưng cô gái sẽ xử sự thế nào cho thấu tình đạt lý với những người em của mẹ”.

Cuộc tranh chấp tài sản 1000 ngàn tỷ đồng do bà chủ cơ sở sản xuất bún tên là Thạch Kim P. ở phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM qua đời để lại giữa cô con gái nuôi và anh em người phụ nữ xấu số đã để lại nhiều điều đáng suy nghĩ trong dư luận những ngày vừa qua. Hơn 1 năm giằng co giải quyết, cho đến nay, những “người ở lại” vẫn chưa tìm được một tiếng nói chung.

Pháp luật - “Cân đong” tình lý vụ thừa kế ngàn tỷ

Một trong những khu đất thuộc tài sản của bà P. để lại được dùng làm kho bãi cho thuê

“Sóng to gió lớn” vì tài sản kếch xù

Nhiều ý kiến cho rằng, một số người ruột thịt của bà Thạch Kim P. đã tỏ ra quá tham lam khi để việc tranh chấp tài sản làm sứt mẻ tình cảm. Lối nghĩ “một giọt máu đào hơn ao nước lã” đã khiến họ có những cái nhìn phiến diện về mối quan hệ và tình cảm của bà P. và cô con gái nuôi. Họ đáng trách hay đáng thương khi không thể chia sẻ số tài sản quá lớn của người chị gái xấu số với cô con nuôi.

Về phần Thạch Thị Huệ L., con gái nuôi 22 tuổi của bà P., nhiều ý kiến cho rằng, cô đã quá cứng nhắc theo pháp luật để xử lý việc tranh chấp cũng như sở hữu tối đa khối tài sản khổng lồ này. Bức tâm thư mới đây của cô gái được dư luận quan tâm sâu sắc. Tuy nhiên, rất nhiều độc giả cho rằng, họ chưa thấy được khía cạnh tình cảm mà chỉ thấy Huệ L. đề cập nhiều tới luật. Nếu khối tài sản này được trích ra 1/3 hoặc một nửa để chia cho những người thân thì liệu cô có làm được không? Không ít bạn đọc bày tỏ quan ngại: “Có nhiều tiền mà tinh thần không thanh thản thì cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

Bàn về chữ tình trong câu chuyện này, PGS, TS Tâm lý Nguyễn Hồi Loan cho rằng, việc xảy ra tranh chấp giữa người con nuôi và anh em người phụ nữ ấy là tất yếu, vì khối lượng tài sản thừa kế quá lớn. Hơn nữa, người Việt Nam rất coi trọng và đề cao quan hệ huyết thống như “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Chính vì vậy, gia tộc bà P. luôn cố hữu ý nghĩ, khối tài sản ấy đương nhiên phải thuộc về người cùng dòng máu. Xã hội đã xảy ra vụ tranh chấp tài sản giữa anh em, họ hàng trong gia đình dẫn đến sứt mẻ tình cảm, thậm chí là gây ra án mạng cũng vì nguyên nhân tương tự. Trong chuyện này, cần có một cách giải quyết mềm dẻo. Về mặt luật pháp, nên tuân thủ các quy định chung, về mặt tình cảm, người con gái kia cũng nên ứng xử thật khéo léo.

Ở một quan điểm khác, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng QH nhận định, mọi căng thẳng trong gia đình nên được nhìn nhận và xử lí ở góc độ tình cảm. Có như thế mới giữ được đạo lí truyền thống. Tất nhiên, trong trường hợp này, pháp luật đang đứng về phía cô gái trẻ. Và pháp luật thì luôn đúng. Bản thân cô gái cũng là một người có học và biết cách ứng xử. Điều đáng nói và đáng bàn lại nằm ở người lớn, những người anh em ruột của bà P.

“Theo tôi, họ nên giữ bình tĩnh và đừng để lòng tham lấn át. Ai cũng muốn lợi ích về mình nhưng phải biết tôn trọng pháp luật và mối quan hệ tình cảm mẫu tử thiêng liêng. Cho dù bà P. không phải là người mang nặng đẻ đau cô con gái hiện tại thì những năm tháng gắn bó, yêu thương đã gắn kết họ với nhau”, ông Thuận phân tích.

Trên góc độ của một luật sư, ông Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, vấn đề trở nên phức tạp là do hiện nay hầu hết mọi người đều khẳng định bà P. không để lại di chúc. Nhưng theo tôi, cơ quan chức năng và gia đình cần làm rõ xem người phụ nữ kia mất có để lại di chúc không? Và nếu có, thì di chúc ấy có hợp pháp không? Vì theo quy định của pháp luật, trong vòng 1 năm, từ khi người lập di chúc qua đời, bản di chúc ấy vẫn còn hiệu lực. Nếu không có bản di chúc, thì việc thừa kế tài sản phải tuân thủ theo quy định của văn bản pháp quy. Về chuyện con nuôi, cũng phải xem xét có giấy tờ hợp pháp, được pháp luật thừa nhận hay không.

Đau lòng “người ra đi”

Bàn về tâm lý chung của người phụ nữ Việt Nam, nhà tâm lý - luật sư Võ Thị Minh Huệ ở TP.HCM cho rằng, từ xưa đến nay, nhiều người, nhất là phụ nữ thường có thói quen làm việc chăm chỉ, sống tiết kiệm, tằn tiện để tích góp của cải cho con cháu. Trên thực tế một số trường hợp, sau khi các cụ qua đời, con cháu mới phát hiện những hũ vàng, bạc chôn dưới chân giường, ngoài vườn... Cũng theo bà Huệ, vấn đề tồn tại hiện nay người Việt Nam vẫn chưa có thói quen làm di chúc. Một phần do chủ quan, một phần do lo sợ sẽ bị con cháu hắt hủi nếu làm thủ tục cho tặng khi còn sống hoặc sợ mất lòng mọi người. Trong trường họp này, những người trong nhà cần phải biết cách ứng xử khéo léo. Nếu ai cũng đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của người khác thì người đau lòng không phải là người đang sống mà chính là linh hồn của người đã chết.

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) bình luận: “Những câu chuyện “nồi da nấu thịt” bao giờ cũng đau lòng và tàn khốc nhất. Bình thường thì không sao, nhưng khi động đến quyền lợi, nhiều người sẵn sàng bỏ cả tình thân ruột thịt để chiếm đoạt tài sản. Chuyện về “cô gái nghìn tỷ” ở TP.HCM là một chuyện như thế. Nó đặc biệt là bởi một cô con gái bỗng nhiên được thừa kế hàng nghìn tỷ từ người mẹ nuôi. Việc tranh chấp đó, pháp luật sẽ giải quyết nhưng điều đáng nói là cô gái sẽ xử sự thế nào cho thấu tình đạt lý với những người em của mẹ, để cho sự việc không đi quá xa”.

“Chuyện hi hữu nhưng không quá khó để giải quyết” là kết luận của luật sư Hà Đăng (văn phòng luật sư Hà Đăng, Hà Nội). Ông phân tích: “Thực tế để mối xung đột giữa cô con nuôi và gia tộc bà P. không quá phức tạp như mọi người vẫn nghĩ. Luật pháp quy định con nuôi hay con đẻ, trong hay ngoài giá thú đều có quyền ngang nhau và là hàng thứ nhất trong quyền thừa kế. Bởi vậy, cô con nuôi hợp pháp của bà P. nghiễm nhiên sẽ là người được thừa kế số tài sản khổng lồ do bà để lại. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cô gái cần biết nghĩ cho những người họ hàng để có cách xử lý phù hợp. Tuy nhiên, tôi cho rằng, xung đột mà gia tộc bà P. đưa ra là ở chỗ: Họ cho rằng mình có công lẫn vốn trong khối tài sản khổng lồ của chị gái để lại. Bởi vậy, việc họ lên tiếng đòi quyền chia sẻ là điều hợp lí. Cả đại gia đình họ từng mở xưởng lớn để kinh doanh bún thì việc góp vốn giữa những người trong nhà là điều dễ xảy ra. Vấn đề là những người này có đưa ra được bằng chứng cho việc góp vốn, đóng công hay không? Nếu không, họ chỉ có thể chờ đợi sự cư xử nghĩa tình ở cô con gái nuôi mà thôi. Nếu đưa ra trước pháp luật thì họ sẽ thất bại. Nhưng nếu xét trên chữ tình, tôi nghĩ một phần nào đó, họ cũng là người đáng thương”, luật sư Hà Đăng nhấn mạnh.

Nên lập di chúc khi còn minh mẫn : Nhà tâm lý - luật sư Võ Thị Minh Huệ Văn phòng tư vấn Tâm Lý Trẻ - TP. HCM

“Đối với phụ nữ không có gia đình, các nhu cầu tiêu xài cũng ít nên họ dễ dàng tích góp hơn. Tuy nhiên, khi họ qua đời đột ngột không để lại di chúc thì dễ xảy ra tranh chấp giữa những người liên quan. Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra sau này về việc tranh chấp tài sản, các bậc cha mẹ nên quan tâm đến vấn đề lập di chúc ngay khi còn minh mẫn.Việc chia gia tài cũng cần thể hiện sự khách quan, sòng phẳng không thiên vị. Hãy tìm đến văn phòng luật sư để nhờ họ tư vấn những vấn đề pháp lý và điều khoản ràng buộc trong bản di chúc hoặc hợp đồng trao tặng”.

Giải quyết thừa kế không lệ thuộc vào tình cảm : Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân (Đoàn luật sư Hà Nội)

“Việc thừa kế tài sản phải tuân theo quy định của pháp luật, không nên lệ thuộc vào tình cảm. Bởi mọi tranh chấp đều được giải quyết theo pháp luật hiện hành. Khi hai bên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, Tòa án sẽ giải quyết bằng những chứng cớ xác đáng. Nếu đúng Huệ L. là con nuôi và được pháp luật thừa nhận, thì cô hoàn toàn có quyền thừa kế tài sản do bà mẹ để lại”.

Khi tài sản quá lớn, người ta sẽ ích kỷ : Phó giáo sư, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hồi Loan

“Khi lợi ích quá lớn, người ta sẽ ích kỷ đòi quyền lợi của mình. Cũng tùy theo nhận thức của các bên liên quan mà vụ việc sẽ đi tới đâu. Khi khối tài sản quá lớn, nhiều người bất chấp đạo ly, tình cảm để dành của cải về phần mình. Nhưng chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, vì thế mọi việc sẽ giải quyết bằng pháp luật, chứ không phải bằng mối quan hệ gia đình”.

Hiểu biết pháp luật thể hiện đạo đức : Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình

“Khi con người ta thực dụng và vòng quay của xã hội được điều chỉnh bởi nền pháp luật thì trong chừng mực nào đó, sự hiểu biết pháp luật lại thể hiện đạo đức của thời kỳ mới. Bởi có pháp luật căn chỉnh thì các hành vi vi phạm chuẩn mực sẽ không có cơ hội xảy ra. Trong vụ tranh chấp ngàn tỷ kia, nếu cả hai đều hiểu biết pháp luật thì giải quyết sẽ nhanh hơn, có tình hơn. Người Việt mình còn đang dùng dằng giữa bên tình và bên lý, nên nhiều khi đẩy mâu thuẫn đi lệch khỏi quy chuẩn đạo đức”.

Vì sao bà P. định hướng cho con nuôi đi du học? : Luật sư Hà Đăng (Đoàn luật sư Hà Nội)

“Luật pháp quy định con nuôi hợp pháp thì sẽ có quyền thừa kế thứ nhất. Trong câu chuyện này không có gì để bàn cãi về điều đó. Con nuôi trong quan niệm của người Việt Nam vẫn được xem là nước lã. Nhưng trên thực tế, không ít mối quan hệ giữa bố mẹ và con nuôi còn khăng khít và thiêng liêng hơn cả con đẻ hay người thân ruột thịt. Cần đặt ra câu hỏi vì sao bà P. không dành quyền quản lí cho em trai hay bất cứ người họ hàng nào mà định hướng cho con nuôi đi du học để về cai quản gia đình, tài sản thay bà”.

Cô con nuôi là người hiểu biết : Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó CN VPQH

“Tôi nhận thấy cô con gái nuôi của bà P. tỏ ra là người có học và biết trước biết sau. Cô gái ấy đã lên tiếng cho rằng, sẽ sẵn sàng trao trả tài sản nếu những người họ hàng kia đưa ra được bằng chứng về quyền sở hữu theo đúng quy định pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng, con nuôi như thế là quá may mắn và những người thân ruột thịt phải chịu thiệt thòi. Nhưng luật pháp lại không quy định thế. Theo tôi, đây cũng là một trường hợp để chúng ta cần xem xét và sửa đổi về luật. Hiện nay, ở nhiều vấn đề, luật chưa thỏa mãn được lòng dân nên gây nhiều bức xúc trong dư luận”.

Đào Bích - Lạc Thành


Cùng chuyên mục

Tp.HCM: Triệt phá vụ nhà hàng thu hàng chục tỷ đồng nhờ cho "trai xinh, gái đẹp" bán dâm

Thứ 5, 28/03/2024 | 22:00
Nhà hàng Crystal cho tiếp viên nữ phục vụ khách nước ngoài. Khi khách có nhu cầu mua dâm sẽ ra giá và cùng khách đến các khách sạn để mua bán dâm.

Chuyển công an điều tra vụ kho hàng lậu của hot girl bán hàng online

Thứ 5, 28/03/2024 | 20:30
Đây là vụ việc vi phạm điển hình trong kinh doanh trên thương mạ điện tử, có tính chất, quy mô phức tạp mà lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phát hiện, xử lý.

Lên mạng xã hội tìm "của lạ", người đàn ông bị lừa 600 triệu đồng

Thứ 5, 28/03/2024 | 20:20
Lên mạng tìm "của lạ" trong lúc đi công tác, người đàn ông ở tỉnh Gia Lai đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền 600 triệu đồng.

Truy tố 24 bị can trong đường dây khai thác cát trái phép

Thứ 5, 28/03/2024 | 19:49
Công an Tp.Hồ Chí Minh đã kết thúc điều tra vụ án khai thác cát trái phép, chuyển hồ sơ cho Viện KSND Tp.Hồ Chí Minh đề nghị truy tố 24 bị can trước pháp luật.

Tạm giữ 26 đối tượng mang hung khí đuổi đánh nhau trong đêm ở Hà Nội

Thứ 5, 28/03/2024 | 16:19
Ngày 27/3, Công an quận Hà Đông, Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Gây rối trật tự công cộng, tạm giữ hình sự đối với 26 đối tượng có độ tuổi từ 16-20.
     
Nổi bật trong ngày

Tạm giữ 26 đối tượng mang hung khí đuổi đánh nhau trong đêm ở Hà Nội

Thứ 5, 28/03/2024 | 16:19
Ngày 27/3, Công an quận Hà Đông, Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Gây rối trật tự công cộng, tạm giữ hình sự đối với 26 đối tượng có độ tuổi từ 16-20.

Giám đốc “bùng tiền” vay nợ lĩnh 20 năm tù sau 16 năm trốn chạy

Thứ 5, 28/03/2024 | 15:26
Chiều 27/3 ,TAND TP.Hà Nội xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Quyền (SN 1954, Tây Hồ, Hà Nội) 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Lên mạng xã hội tìm "của lạ", người đàn ông bị lừa 600 triệu đồng

Thứ 5, 28/03/2024 | 20:20
Lên mạng tìm "của lạ" trong lúc đi công tác, người đàn ông ở tỉnh Gia Lai đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền 600 triệu đồng.

Truy tố 24 bị can trong đường dây khai thác cát trái phép

Thứ 5, 28/03/2024 | 19:49
Công an Tp.Hồ Chí Minh đã kết thúc điều tra vụ án khai thác cát trái phép, chuyển hồ sơ cho Viện KSND Tp.Hồ Chí Minh đề nghị truy tố 24 bị can trước pháp luật.

Tạm giữ hình sự đối tượng mang theo ma túy, nổ súng khi bị công an khống chế

Thứ 5, 28/03/2024 | 06:30
Trong quá trình khống chế đối tượng, lực lượng chức năng phát hiện trên tay phải của Nguyễn Bình Minh có một khẩu súng ngắn màu đen.