Cần phong tỏa tài khoản ngay, tránh tài sản tham nhũng bị tẩu tán

Cần phong tỏa tài khoản ngay, tránh tài sản tham nhũng bị tẩu tán

Dương Thị Thu
Thứ 2, 06/11/2017 | 19:01
1
“Qua công tác thanh tra, tỉ lệ thu hồi tài sản là 54%; qua công tác điều tra, truy tố, xét xử, tỉ lệ này giảm xuống còn 25,8%; qua công tác thi hành án, tỉ lệ thu hồi chỉ còn 19,1%. Càng ở giai đoạn đầu của việc giải quyết các vụ án tham nhũng, tỉ lệ thu hồi tài sản càng cao”, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa nói.

Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp

Chiều 6/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) nhất trí với nhiều đánh giá của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 và báo cáo thẩm tra của ủy ban Tư pháp về công tác này.

Quan tâm đặc biệt tới việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, vị Ủy viên Thường trực ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, khi xử lý các vụ án tham nhũng, xã hội không chỉ quan tâm đến hình phạt đối với người phạm tội mà còn quan tâm đến việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Bà nhận định, cho dù cơ quan điều tra, VKS có làm tốt công tác điều tra, truy tố đến đâu, tòa án tuyên những bản án có nghiêm khắc đến đâu mà lại không thu hồi được tài sản tham nhũng thì việc xử lý tham nhũng coi như chưa triệt để, không đạt được mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Xã hội - Cần phong tỏa tài khoản ngay, tránh tài sản tham nhũng bị tẩu tán

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa. (Ảnh: Quochoi.vn).

 

Báo cáo của Chính phủ đã nêu: “Thu hồi tài sản tham nhũng đã được chú ý và có kết quả tích cực hơn nhưng tỉ lệ thu hồi còn thấp”.

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 và báo cáo Thẩm tra của ủy ban Tư pháp đều nhận định: “Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi”, “nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng được phát hiện, xử lý”. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng số lượng tài sản do tham nhũng chắc chắn là không hề nhỏ.

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện luật Phòng, chống tham nhũng, thiệt hại được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và 400ha đất. Tuy nhiên tỉ lệ thu hồi lại thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt, chỉ thu hồi được 7,82% về tiền, tài sản và 54,75% về đất. Trong những năm gần đây, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy có tăng nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Năm 2016, tỉ lệ thu hồi đạt 38,3%.

Nhận diện tài sản tham nhũng khó khăn

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa chỉ ra một số nguyên nhân như: Đa số các tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn, người phạm tội thường là người có chức vụ, có trình độ học vấn và chuyên môn nhất định. Vì vậy, việc phạm tội thường có sự chuẩn bị kỹ càng, với nhiều thủ đoạn tinh vi và tài sản do phạm tội mà có thường được che giấu kỹ lưỡng…

Trong nhiều trường hợp, phần lớn khối tài sản tham nhũng đó đã được ngụy trang, chuyển hóa, chuyển đổi, tẩu tán, hợp pháp hóa. Thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt được tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả.

Trong quá trình tiến hành tố tụng, một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa quyết liệt trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng; chưa kịp thời trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, tạm giữ, cấm chuyển dịch tài sản để ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản.

Bên cạnh đó, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng đạt hiệu quả thấp như: Việc kê khai tài sản mới chỉ chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của người kê khai; chưa có quy định những trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản, thu nhập một cách chủ động; chưa có quy định công khai rộng rãi kết quả kê khai tài sản để người dân giám sát; chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát tài sản, thu nhập của người dân nói chung và của người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước nói riêng. Chính những điều này làm cho việc nhận diện tài sản tham nhũng trở nên khó khăn.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa cho rằng, cần hoàn thiện pháp luật về phòng chống tham nhũng theo hướng mở rộng một cách hợp lý diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản; việc công khai bản kê khai phải thực chất hơn; quy định những trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản, thu nhập một cách chủ động.

Qua quá trình tố tụng, khi đã xác định được khối tài sản là do hành vi phạm tội tham nhũng mà có, cần có biện pháp để kiên quyết thu hồi triệt để trả lại cho chủ sở hữu, quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ Nhà nước.

Trong việc xử lý các vụ án tham nhũng, cơ quan tiến hành tố tụng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa trong điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này; đồng thời kịp thời áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn đầu của quá trình giải quyết vụ án để tránh tài sản tham nhũng có thể bị tẩu tán, tạo điều kiện để có thể thi hành án sau này.

Cần quyết liệt hơn nữa

Về tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, điều đáng lưu ý là năm 2017, theo Báo cáo thẩm tra của ủy ban Tư pháp cho thấy qua công tác thanh tra, tỉ lệ thu hồi được là 54%; qua công tác điều tra, truy tố, xét xử, tỉ lệ thu hồi giảm xuống, còn 25,8%; qua công tác thi hành án, tỉ lệ thu hồi chỉ còn 19,1%.

Thực trạng này là do qua hoạt động thanh tra, trừ trường hợp đối tượng phạm tội có tâm lý sẵn sàng chấp nhận hình phạt để giữ lại tài sản tham nhũng, các đối tượng vi phạm còn lại luôn mong muốn chấp hành quyết định thu hồi tiền, tài sản để được coi là khắc phục hậu quả. Từ đó, hy vọng được xử lý bằng biện pháp hành chính mà không bị chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự, nên tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thông qua công tác thanh tra bao giờ cũng cao nhất.

Đến giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, những đối tượng vi phạm thường tìm cách trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Mặc dù tài sản thu hồi không cao như ở giai đoạn thanh tra, nhưng vẫn thu hồi được ở tỉ lệ nhất định.

Do đó, cần làm tốt hơn nữa công tác vận động tuyên truyền đối với bị can, bị cáo về việc tự nguyện giao nộp tài sản, bồi thường thiệt hại thì số lượng tài sản tham nhũng thu hồi được sẽ còn cao hơn.

Ở giai đoạn thi hành án, là khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, đa số các trường hợp người phải thi hành án cố tình chây ỳ, tìm cách tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án nên tỉ lệ thu hồi tài sản ở giai đoạn này bao giờ cũng thấp nhất.

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những quy định: Nếu người bị kết án chủ động nộp lại tiền hoặc tài sản tham nhũng thì có thể được xem xét giảm nhẹ hình phạt hoặc tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Như vậy, càng ở giai đoạn đầu của việc giải quyết các vụ án tham nhũng thì tỉ lệ thu hồi tài sản càng cao. Càng làm tốt công tác tuyên truyền vận động đối với bị can, bị cáo trong việc trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại thì tỉ lệ thu hồi tài sản càng cao. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngay từ giai đoạn đầu không chỉ chú trọng đến vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự mà còn phải quan tâm đến việc áp dụng pháp luật để thu hồi được tối đa tài sản tham nhũng.

“Thu hồi tài sản tham nhũng là hoạt động quan trọng và là thước đo hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần có sự quyết liệt hơn nữa trong công tác này, có như vậy sẽ giúp khắc phục hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi tham nhũng, trả lại nguồn lực cho đất nước, góp phần hạn chế, triệt tiêu mục đích kinh tế của tội phạm tham nhũng”, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh.

 

Bộ Tư pháp: Thu hồi được 3/4 tài sản mà 'bầu' Kiên phải nộp

Thứ 5, 19/10/2017 | 19:29
Vào 14h ngày 19/10, tại buổi họp báo công tác tư pháp Quý III, bộ Tư pháp đã thông tin với báo chí về việc thi hành án tại số 5, Hồ Biểu Chánh, TP.Hồ Chí Minh.

Tài sản gia đình thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa “bốc hơi” trăm tỷ

Thứ 7, 11/02/2017 | 10:09
Cổ phiếu DQC đỏ sàn liên tục trong một tháng qua khiến tài sản trên thị trường chứng khoán của đại gia đình thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bốc hơi hàng trăm tỷ đồng.

Phong tỏa tài khoản người bị thanh tra để thu hồi tài sản tham nhũng

Thứ 4, 09/12/2015 | 07:30
Đây là giải pháp quyết liệt để các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện tốt kết luận thanh tra, xử lý tốt vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng.
Cùng tác giả

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai: Đầu tư công hiếm nơi nào như Việt Nam

Thứ 2, 29/10/2018 | 09:44
Đề cập đến vấn đề đầu tư công dàn trải thời gian qua, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (TP.Hà Nội) cho rằng, từ “đầu tư dàn trải” trở nên quen thuộc.

Tín dụng đen tạo ra “chị Dậu thời đại mới”

Thứ 6, 26/10/2018 | 15:27
Thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại, băn khoăn về tình trạng tín dụng đen hoành hành gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

"Chúng ta không được phép quên những hy sinh của thế hệ cha anh"

Thứ 6, 27/07/2018 | 08:30
Trong 71 năm qua, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn quan tâm chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

"35 cảnh sát cơ động được tổ chức ôn thi rất kỹ"

Thứ 6, 20/07/2018 | 06:00
PV báo Người Đưa Tin có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Vân, Cục trưởng cục An ninh chính trị nội bộ A83, (bộ Công an) về những bất thường trong điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Lạng Sơn, nơi có 35 cảnh sát cơ động dự thi.

Nguyên ĐBQH Phạm Thị Mỹ Lệ đột ngột qua đời

Thứ 4, 04/07/2018 | 11:26
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước khóa XIII đột ngột qua đời sau khi đến một cơ sở làm đẹp trên địa bàn.