Cẩn thận với trẻ “thần đồng”

Cẩn thận với trẻ “thần đồng”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
– Các chuyên gia tâm lý bình luận về khả năng “thần đồng” của cháu Nguyễn Tuấn Kiệt trên báo Nguoiduatin.vn.

Chuyên gia tâm lý Võ Thanh Giang (Công ty tư vấn tình cảm Linh Tâm) cho biết, những cháu bé trong khoảng từ 2 - 4 tuổi có khả năng: đọc, viết, chơi games là thông minh hơn hẳn đồng lứa có thể là do não bộ có sự phát triển vượt bậc ở một khu vực nào đó dẫn tới trẻ có những khả năng vượt trội hơn các bạn khác. Tuy nhiên, rất có thể khi trẻ lớn lên thì cũng bình thường như bao đứa trẻ khác vì theo quy luật, cái gì đã phát triển và hoàn thiện rồi thì nó không phát triển thêm là bao.

Cháu Nguyễn Tuấn Kiệt đang thử đọc báo ĐS&PL

> Video "thần đồng" 3 tuổi gây sửng sốt tại Nghệ An

“Vấn đề đặt ra cho phụ huynh của những cháu bé đặc biệt đó là giáo dục và tạo cho con họ một đời sống hồn nhiên, để trẻ có thể phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Cụ thể, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ có thể phát triển những tài năng đang có, nhưng không nên quá chú trọng vào điểm khác biệt của trẻ khiến các khả năng và sự phát triển khác của trẻ bị lu mờ và trẻ sẽ dễ phát triển lệch lạc. Nếu trẻ tiếp tục có những khác biệt phi thường so với những đứa trẻ bình thường thì nên trao đổi thêm với các bác sỹ tâm lý và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực liên quan để có hướng giáo dục và bồi dưỡng thích hợp nhất”, chuyên gia nói.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Quyết - nguyên trưởng bộ môn Tâm lý Trường ĐHSP Huế cho rằng, hiện tượng này chủ yếu là do năng khiếu bẩm sinh di truyền nên trẻ phát triển sớm hơn so với bình thường. Để khả năng của cháu không bị thui chột, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ vào những lớp giáo dục đặc biệt để phát triển tài năng.

Thực tế, nếu được đào tạo và giáo dục trong môi trường tốt thì gần như chắc chắn những đứa trẻ này sẽ là nhân tài của đất nước trong tương lai. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay không có nhiều trung tâm có thể đáp ứng được sự phát triển của những đứa trẻ đặc biệt này nên chủ yếu vẫn là do gia đình. Trong trường hợp này, các bậc phụ huynh cần có sự quan tâm đặc biệt và tạo những điều kiện tốt nhất để cho con phát triển.

“Nhưng nên nhớ, những trẻ thế này thường rất khó sống khi bị sức ép, nên các bậc phụ huynh cần khéo léo để không tạo ức chế dẫn đến những hậu quả không tốt”, bà Quyết nhận định.

Thoa Quyết (ghi)