Cần trưng cầu ý kiến người dân trước khi ban hành luật

Cần trưng cầu ý kiến người dân trước khi ban hành luật

Thứ 2, 22/04/2013 | 14:54
0
"Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn kết hôn sớm, thậm chí có những chàng trai, cô gái mới 15 tuổi đã yên bề gia thất.

Cá nhân tôi cho rằng, dự thảo hạ tuổi kết hôn của bộ Tư pháp chỉ là cách hợp thức hóa việc nam nữ lập gia đình sớm tránh vi phạm pháp luật. Vấn đề đặt ra tại sao chúng ta không trưng cầu ý kiến người dân, từ đó đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục giới tính đến họ biết hệ lụy của việc tảo hôn", PGS.TS Lê Quý Đức - Viện Văn hóa và Phát triển chia sẻ.

PGS. nghĩ thế nào nếu như ý kiến hạ tuổi kết hôn được đưa vào Luật HN&GĐ sửa đổi và được thông qua?

Đây là vấn đề không mới và đã được đưa ra thảo luận rất nhiều lần. Ở đây có hai vấn đề được đề cập, thứ nhất là quyền con người tức là nhu cầu họ muốn kết hôn sớm để lo toan công việc gia đình rồi cả nhu cầu sinh lý con người...; Thứ hai phải nhìn nhận đến vấn đề bảo vệ sức khỏe nòi giống, vấn đề dân số và những hệ lụy từ việc kết hôn sớm.

Liệu rằng có nên đưa ra quy định "mềm" về vấn đề hạ tuổi kết hôn để giúp người dân tộc thiểu số không vi phạm pháp luật, thưa PGS.?

Hiểu đơn giản như thế này, nếu giảm tuổi kết hôn thì phải sửa đổi Hiến pháp, Luật... Vì khi đủ tuổi kết hôn tức là đã là người lớn, có thể chịu trách nhiệm hình sự. Tiếp đó phải điều chỉnh tiếp Bộ luật Lao động (giảm tuổi lao động), Luật Thanh niên, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (hạ tuổi coi là trẻ em)... Cũng như vậy, các điều trong Bộ luật Hình sự quy định về "tù có thời hạn" đối với người chưa thành niên phạm tội phải sửa đổi, vì nếu để như luật hiện hành thì người đàn ông lấy vợ tuổi 16 hóa ra phạm tội "giao cấu với trẻ vị thành niên" à?

Vấn đề ở đây còn là nhu cầu tình dục, sinh lý con người. Ở nhiều nước phát triển cho phép kết hôn sớm vì người dân có quan niệm quan hệ tình dục không đồng nghĩa với việc sinh con. Còn ở chúng ta, thường thì các dân tộc kết hôn sớm gắn với thời gian sinh con, rồi chất lượng cả một thế hệ sau bị ảnh hưởng. Chúng ta đang không nghĩ đến việc giáo dục tuyên truyền giới tính mà lại đi hợp thức hóa việc này bằng cách hạ tuổi kết hôn. Vậy là quá vô lý!

Luật sư - Cần trưng cầu ý kiến người dân trước khi ban hành luật

PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, việc hạ tuổi kết hôn sẽ nảy sinh ra nhiều hệ lụy xấu khó khắc phục (ảnh Nguyễn Huệ).

Với một số đồng bào dân tộc thiểu số, nạn tảo hôn khá phổ biến và điều này gắn liền với phong tục tập quán nên chuyện kết hôn sớm với họ là điều tất yếu. PGS. nghĩ sao?

Chính cái tâm lý chung ấy mà chúng ta đã "bảo hộ" cho tập tục lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, càng khiến khu vực này chậm phát triển. Khi hành động bảo hộ theo nghĩa cản trở sự phát triển sẽ mang lại hậu quả tiêu cực. Có thể bây giờ chỉ một bộ phận dân tộc thiểu số tảo hôn, nhưng nếu được cho phép, tình trạng này sẽ diễn ra ồ ạt. Trẻ hóa độ tuổi kết hôn có nguy cơ làm hạn chế khả năng phát triển thể trạng nòi giống của dân tộc, trong khi thực tế hiện nay, sự phát triển đó đã rất chậm, nhất là về mặt chiều cao.

Do trình độ dân trí của người dân miền núi thấp, họ kết hôn sớm để có người đi làm nương rẫy, do vậy khó thể xây dựng gia đình bền vững được. Ở mỗi cấp địa phương có bao nhiêu cơ quan được thành lập để tuyên truyền, giáo dục họ về việc chống tảo hôn. Vậy phải chăng những ban bệ ấy lập ra chỉ cho có à?!

Ý kiến về việc hạ độ tuổi kết hôn hiện đang gây tranh cãi, phải chăng cơ quan chức năng cần phải trưng cầu ý kiến người dân, đặc biệt là tiếng nói của người dân tộc thiểu số để có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, thưa PGS.?

Tất nhiên về các vùng núi, vùng cao thì người dân tộc bao giờ cũng ủng hộ và cho rằng nên hạ tuổi kết hôn để họ lấy vợ hoặc chồng được chính danh, không vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên tôi nghĩ việc ấy cũng nên làm, chúng ta vừa trưng cầu ý kiến vừa phổ biến tuyên truyền đến người dân việc tảo hôn, kết hôn sớm sẽ xảy ra nhiều hệ lụy xấu từ sức khỏe, tâm lý, chất lượng nòi giống, dân số, kinh tế... Để họ nhận thức được và thay đổi tâm lý muốn sớm có "con đàn cháu đống", nhu cầu có thêm lao động cho gia đình.

Tất nhiên như lời của Bộ trưởng bộ Tư pháp Hà Hùng Cường "Nếu cố gắng nhìn ở góc độ quyền con người, sửa Luật HN&GĐ lần này nên mở ra một con đường cho đồng bào dân tộc thiểu số. Không cho phép đồng bào dân tộc kết hôn sớm thì cũng không nên trói họ vào con đường vi phạm pháp luật chỉ vì mưu cầu hạnh phúc" là có lý. Tuy nhiên chúng ta cần có cái nhìn toàn diện và thấu đáo hơn về vấn đề này. Đừng thực hiện vội vàng, phiếm diện rồi phát sinh ra hệ lụy xấu, khi đó sẽ rất khó khắc phục.

Xin cảm ơn PGS.!                             

Cao Tuân

Luật sư bị cáo buộc hàng chục tội có cứu được mình?

Thứ 4, 17/04/2013 | 09:39
Một lần nữa Paul W. Bergrin, vị luật sư danh tiếng của New Jersey lại ra toà.

Hôn nhân thực tế đang ‘đứng’ ngoài luật

Thứ 5, 18/04/2013 | 20:15
Báo cáo tổng kết 12 năm thực hiện Luật hôn nhân và gia đình của Bộ Tư pháp đã chỉ ra những bất cập, hạn chế trong những quy định về hôn nhân thực tế. Dường như quy định hiện hành đang không “phủ sóng” hết những phát sinh thực tiễn đối với những trường hợp chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn.