Cảnh báo truyện ngôn tình tạo xu hướng lệch lạc cho giới trẻ

Cảnh báo truyện ngôn tình tạo xu hướng lệch lạc cho giới trẻ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Thời gian gần đây, rất nhiều tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc (tiểu thuyết viết về tình cảm nam nữ) đã thực sự trở thành một trào lưu đáng báo động khi giới trẻ say mê truyền tay nhau những tác phẩm nổi bật, các diễn đàn, website với tốc độ chóng mặt. Sự phát triển quá ồ ạt và bền bỉ của dòng văn học này cũng gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.

Ảo giác cảm xúc

Có rất nhiều lý do để lý giải vì sao truyện ngôn tình Trung Quốc hiện nay đang khiến nhiều độc giả, phần lớn là những độc giả nữ say mê. Theo cô giáo Lê Thị Định, giáo môn văn trường năng khiếu Nguyễn Hiền (Nam Định) thì tác giả loại truyện này đã nắm bắt được tâm lý yêu thích sự lãng mạn ở phái nữ. Các tiểu thuyết ngôn tình với cốt truyện có thể xa rời thực tế nhưng được hoàn chỉnh bởi những chi tiết sâu sắc, tràn đầy tình cảm luôn chạm đến tận góc sâu nhất trong trái tim mỗi độc giả, nhất là độc giả nữ. Cuộc sống hiện đại, guồng quay không ngừng nghỉ của cuộc sống, ở góc độ nào đó, ngôn tình là cách được nhiều bạn trẻ lựa chọn để cân bằng cuộc sống, khỏa lấp những ước mơ, mộng tưởng ẩn giấu trong tâm hồn.

Xã hội - Cảnh báo truyện ngôn tình tạo xu hướng lệch lạc cho giới trẻ

Tràn lan các loại sách ngôn tình.

Trên một số diễn đàn, nhiều bạn nữ lý giải cho việc say mê này. Họ đưa ra câu hỏi: "Sao không để văn chương tô hồng cuộc sống?". Trớ trêu ở chỗ, vẫn biết đó là thế giới hư cấu, không thực tế nhưng độc giả vẫn say mê với từng trang sách với khát vọng về một cuộc sống đẹp như cổ tích. Họ cho rằng, dù thực tế có thể khác xa nhưng đắm chìm trong hạnh phúc ảo giác cũng là một niềm hạnh phúc. Đó là câu chuyện tình yêu giữa Vi Vi và Tiêu Nại đã thoát khoải cuộc hôn nhân ảo trong game để làm nên một câu chuyện tình thật ngoài đời đầy lãng mạn với lời kết ngọt ngào: "Nếu như, anh biết rằng sẽ có một ngày anh yêu em đến thế, anh nhất định sẽ yêu em ngay từ cái nhìn đầu tiên" trong tác phẩm "Yêu em từ cái nhìn đầu tiên". Cùng môtip này là truyện "Gặp anh là điều mỹ lệ" đầy bất ngờ của tác giả Diệp Tử, một câu chuyện tình yêu ảo - thật rất nổi tiếng trên mạng với 2 nhân vật Diêu Thiên Thiên và Thẩm Hạo.

Song điều khiến những người có trách nhiệm không khỏi băn khoăn, nhiều tác phẩm ngôn tình có cốt truyện đi ngược lại đạo lý, quá viễn tưởng. Trong đó, nó cổ súy cho thứ tình yêu lệch lạc, thiếu chuẩn mực như chuyện người yêu thú (Bạn trai tôi là sói) hoặc quá thoáng trong mối quan hệ nam nữ khi nhân vật nữ chính tự nguyện dâng hiến cho nam chính khi chưa đến tuổi thành niên trong "Chuyện cũ của Lịch Xuyên", "Cẩm Tú Duyên", "Sói và dương cầm", "Hãy chờ em lớn lên nhé"...

Chúng ta đều dễ dàng đồng ý rằng ngôn tình là thể loại tiểu thuyết tình cảm Trung Quốc. Nội dung chủ yếu là các câu chuyện lãng mạn. Mô-típ lãng mạn kiểu chàng đẹp trai lạnh lùng và giàu có tài ba nhưng say mê vì một cô gái cá tính, giàu tự trọng. Kết quả tình yêu được tôn vinh, trai đẹp quỳ cầu hôn gái nghèo. Chuyện tình đẹp như mơ khiến các bạn trẻ đọc sách không thể rời mắt.

Cô giáo Lê Thị Định nhìn nhận: "Tôi cũng giống mọi phụ huynh và giáo viên là rất quan tâm đến con em và học trò của mình nhưng theo cách của thời bận rộn. Thường tự an tâm với những gì mình liếc qua mà cho rằng không sao cả để quay sang các mối lo cụ thể hơn, sát sườn hơn- tôi đã từng nghĩ thế”. Cô giáo Định chia sẻ.

Cô giáo này cho biết thêm: Lần thứ nhất, khi thấy một học trò cầm trong tay cuốn sách Đề thi đẫm máu tôi thấy chột dạ về nguy hại. Cuốn Đề thi đẫm máu kể về một một tên sát thủ có sở thích uống chất hỗn hợp máu nạn nhân với sữa tươi. Trong thành phố liên tiếp xảy ra 4 vụ cưỡng hiếp giết người, nạn nhân đều là những cô gái trí thức từ 25 - 35 tuổi, đây rốt cuộc là giết người trả thù hay chỉ đơn giản là cưỡng dâm? Hàng loạt cái chết bí ẩn thảm khốc của những người sống trong trường Đại học nọ liên tiếp xảy ra. Ở mỗi hiện trường vụ án, hung thủ đều để lại gợi ý cho vụ án tiếp theo, nhằm mục đích gì? Có thể khẳng định nội dung các cuốn sách kiểu này rất nguy hại đến nhận thức của lớp trẻ nếu các em cứ đua nhau đọc và học theo.

Đánh trúng điểm yếu tâm lý giới trẻ

Một điều không thể thiếu trong mỗi cuốn tiểu thuyết ngôn tình, dù là HE (Happy ending kết thúc có hậu) hay SE (Sad ending kết thúc buồn) đó là một nhân vật nam chính có sức quyến rũ mạnh mẽ, dẫn dắt độc giả đi hết câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn. Nam chính thường là những chàng trai được tác giả miêu tả với những nét đẹp như một bức tượng thần được tạo hóa ưu ái tạo nên. Đi kèm vẻ ngoài hoàn mỹ là một cá tính lạnh lùng khiến người đối diện có cảm giác băng giá giữa tiết hè oi ả, hoặc là thâm trầm, sâu sắc khiến không cô gái nào có thể không động lòng.

Trong hầu hết các tác phẩm ngôn tình đều có hình ảnh đối lập: Nam chính lạnh lùng như băng nhưng lại có lúc dịu dàng như nước, bề ngoài lạnh lùng nhưng bên trong luôn dõi theo quan tâm cô gái mà mình yêu thương. Đó là Hàn Trạc Thần một trùm xã hội đen lui về ở ẩn dành tình yêu thương cho cô gái Thiên Thiên bé nhỏ, thuần khiết trong Sói và dương cầm của tác giả Diệp Lạc Vô Tâm; là Hà Dĩ Thâm thông minh với vẻ ngoài sắt đá nhưng lại có tình yêu và lòng cảm thông, đã hoàn toàn chinh phục được Triệu Mặc Sênh, phá vỡ được rào cản của hai gia đình để đến bên nhau trong tác phẩm Bên nhau trọn đời của tác giả Cố Mạn; Hay những nam chính thâm trầm, sâu sắc, lúc đầu khiến độc giả có thể chưa cảm ngay nhưng càng về sau càng chinh phục độc giả bằng những cử chỉ quan tâm chân thật, với suy nghĩ luôn vươn lên trong cuộc sống, luôn nhận phần thiệt thòi để người mình yêu hạnh phúc.

Mẫu nhân vật này có thể kể đến Diệp Quân với tình yêu dành cho chị dâu Hướng Viễn trong Ánh trăng không hiểu lòng tôi của Tân Di Ổ; là Hạ Dịch Dương yêu sâu sắc, mãnh liệt và luôn chờ đợi Diệp Phong trong Thế nào là một loại yêu không đau của tác giả Lâm Địch Nhi. Chính những chàng trai cá tính, mạnh mẽ, quyến rũ đã làm mê mệt biết bao trái tim độc giả nữ để họ không thể rời mắt khỏi tiểu thuyết, bởi dù có thực tế đến đâu, trong sâu thẳm trái tim mỗi người phụ nữ vẫn có một hình ảnh chàng bạch mã hoàng tử theo mộng tưởng riêng của mình.

Còn rất nhiều lý do để ngôn tình Trung Quốc ngày càng đi sâu và trở thành một cách giải trí quen thuộc của giới trẻ. Đó là những nhân vật nữ chính được miêu tả xinh đẹp, thuần khiết, tâm hồn trong sáng hay những nữ chính cá tính mạnh mẽ, thông minh, sắc sảo vượt lên hoàn cảnh. Cách miêu tả đi sâu vào những tình nhỏ nhặt trong cuộc sống thường nhật mang lại cảm giác gần gũi, chân thật cho độc giả, các tác giả Trung Quốc đã tìm đến những đề tài mới lạ, sát với cuộc sống bùng nổ thông tin hiện nay.

Theo TS. XHH Lưu Hồng Minh (Học viện báo chí tuyên truyền) thì sách báo, truyền thông đại chúng luôn có sự ảnh hưởng nhất định, nhiều hay ít đến mỗi người. Mặc dù ai cũng có sự chọn lọc thông tin, biết phân biệt thực tế và thế giới ảo, hành động theo những gì mình cho là đúng nhưng dù gì đi nữa cũng sẽ phần nào bị ảnh hưởng bởi những thông tin mình tiếp cận hàng ngày. Với lứa tuổi teen thì sự ảnh hưởng đó sẽ nhiều hơn. Với những sách truyện ngôn tình dành cho lứa tuổi 18+, 20+ với rất nhiều những từ ngữ ướt át, gợi tình, gợi dục có thể sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và gu thẩm mỹ chưa được định hình của các em. Nếu đọc quá nhiều để rồi chìm sâu vào thế giới ảo trong những chuyện tình ướt át đó, có thể một số người với tâm lý yếu đuối sẽ rơi vào một sự thất vọng trước những sự thực không giống như mình vẫn hình dung và cũng có thể sẽ dẫn đến những hành động dại dột, thiếu suy nghĩ. Và không gì có thể chứng minh rằng những trang viết mang tính ướt át, gợi dục được gọi là H văn sẽ không gây nghiện cho nhiều người. Một lối sống lành mạnh, tích cực tham gia các hoạt động xã hội sẽ giúp họ có cái nhìn toàn diện hơn về thực tế khó khăn, khắc nghiệt và thay đổi gu thẩm mỹ cũng như tư duy chọn sách của mình.

Nhà văn Dương Hướng, (tác giả Bến không chồng, Dưới 9 tầng trời): Các cơ quan quản lý văn hóa phải thẩm định, nhìn nhận đúng đắn, có biện pháp xử lý nếu thực sự những ấn phẩm này gây hại đến xã hội.

Truyện ngôn tình của trung Quốc tràn ngập thị trùong sách Việt Nam làm cho phần lớn số độc giả là chị em phụ nữ, đăc biệt là lớp trẻ thích đọc nó tới mức mê mụ thì quả là chuyện cần quan tâm. Tôi chưa tìm hiểu kỹ nội dung loại sách này nên chưa thể nói gì nhiều. Nhưng tôi không tin nó là những ấn phẩm có giá trị về văn chương đích thực. Tôi nghĩ nó cũng chỉ giống như trò chơi giải trí, gây tò mò, gây sốc bằng những thủ thuật đánh vào tâm lý, tình cảm riêng tư, vào những góc khuất của tâm hồn chị em phụ nữ, hoặc gây cho giới trẻ cảm giác lạ. Đọc nó có thể rất mùi mẫn dễ dãi như ta nghe cải lương hoặc nó cũng hấp dẫn như phim sex, hoặc như chơi Game. Có người đọc giải sầu, có người đọc vì tò mò. Nhưng sự tò mò dẫn đến mê mụ, say mê cuộc sống ảo trong truyện mà quên đi thực tại, có nguy cơ gây hại đến cả một lớp người, đặc biệt là giới trẻ thì quả là chuyện không thể làm ngơ. Các cơ quan quản lý văn hóa phải thẩm định, nhìn nhận đúng đắn để có biện pháp xử lý, các cơ quan đoàn thể phải vào cuộc, nếu thực sự những ấn phẩm này có nguy cơ gây ảnh hưởng tư tưởng người đọc, gây hại đến xã hội.

D.Dung - Minh Hương