Đời bi thảm của hai huyền thoại điền kinh Việt Nam

Đời bi thảm của hai huyền thoại điền kinh Việt Nam

Thứ 2, 01/07/2013 | 20:19
0
"Nữ hoàng điền kinh" Trần Thị Soa hơn 30 năm nay cơ cực với công việc tạp vụ ở CLB Sông Lam Nghệ An, còn "Vua tốc độ" Nguyễn Quyền trở về công việc của một nông dân quen thuộc.

Hai huyền thoại, một số phận

Trần Thị Soa sinh ra, lớn lên tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh và bén duyên với môn điền kinh cũng rất tình cờ. Ngày ấy, cô gái trường làng vì căm thù giặc đã xếp bút nghiên xung phong vào chiến trường đánh giặc. Bởi đặc thù công việc phải chạy nhiều, di chuyển nhiều để hạn chế những quả bom nổ chậm nên Trần Thị Soa nhận ra mình có một khả năng đặc biệt: Chạy rất nhanh!

Xã hội - Đời bi thảm của hai huyền thoại điền kinh Việt Nam

Kiện tướng Nguyễn Quyền bên căn nhà của mình.                                         

Những cuộc thi ở chiến trường rồi sau đó là thông qua các đại hội thể thao của ngành, của tỉnh Nghệ Tĩnh, tài năng của Soa được tất cả mọi người biết tới. Chị được cử đi thi ở các giải quốc gia và trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến 1980, thành tích của chị trên các đường đua trong nước là vô đối.

Trong các năm 1978 và 1979, chị đứng đầu trong danh sách 10 VĐV thể thao tiêu biểu toàn quốc, được cử đi tham dự Olympic Moscow 1980. Với sự vượt trội như vậy, người ta không ngần ngại gọi chị với cái tên "huyền thoại điền kinh".

"Lần đi thi Olympic ấy phải đi giày thi đấu tui (tôi) không quen nên phải tập nhiều tháng trời. Trong nước mình hồi ấy cứ chân đất thế mà chạy, chứ làm gì biết đến giày. Tui vẫn cố bởi đây là niềm tự hào của cả dân tộc.

Không có huy chương nhưng nỗ lực về đích ở nhóm đầu được rất nhiều thành viên BTC khen ngợi. Ngày tôi về Việt Nam, cũng rất nhiều người nghênh đón...", Trần Thị Soa nói về kỷ niệm lần tham gia Olympic năm 1980 tại thủ đô nước Nga.

Là dân xứ Nghệ và cũng đại diện cho Việt Nam tham dự Olympic Moscow 1980 nhưng con đường đến với điền kinh của kiện tướng Nguyễn Quyền lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Là học viên K17 của Học viện Cảnh sát nhân dân, Nguyễn Quyền có nhiều điều kiện để tập luyện và thi đấu thể thao.

Dù sau này, do yêu cầu của công việc phải chuyển về Cục cảnh vệ, thuộc bộ Tư lệnh Cảnh vệ nhưng Nguyễn Quyền vẫn bùng cháy đam mê và luôn có mặt trong các cuộc thi đấu thể thao của ngành.

Danh hiệu lớn đầu tiên đến vào năm 1975 khi Nguyễn Quyền vượt qua 60 VĐV khác để giành giải nhất cuộc thi toàn ngành tổ chức ở Hà Nội. Một năm sau, ở giải việt dã toàn quốc tại Nha Trang, Nguyễn Quyền là đại diện cho thể thao công an nhân dân đã giành ngôi quán quân.

Từ đó cho đến năm 1981, ông luôn có mặt trong các giải việt dã quốc gia dành cho nam và hầu như năm nào, ông cũng giành giải nhất.

Giống như Trần Thị Soa, Nguyễn Quyền được mệnh danh là "Vua tốc độ", được ghi danh một trong 10 VĐV tiêu biểu toàn quốc năm 1979. Trong thời gian chuẩn bị cho Olympic Moscow, ông được đưa sang Liên Xô rồi một số nước châu Mỹ khác tập huấn.

Xã hội - Đời bi thảm của hai huyền thoại điền kinh Việt Nam (Hình 2).

  Bà Soa làm công việc trông xe ở sân Vinh.

Nghiệt ngã số phận

Có tên tuổi, có công trạng và khi trở về đời thường sau rất nhiều những vinh quang, Trần Thị Soa cũng được hứa hẹn những công việc khác nhau để có thu nhập đảm bảo cuộc sống. Thế nhưng, mọi thứ không đơn giản khi vinh quang dần lùi xa và những lời hứa cũng bị lãng quên.

Chị chấp nhận bởi thực trạng xã hội lúc bấy giờ như thế nhưng cuộc sống gia đình lại là trăn trở, khiến cho nỗi đau thêm kéo dài. Ngày ấy, sau khi trở về từ Moscow, chị gác lại đam mê để lập gia đình với anh lái xe cũng là dân trong nghề.

Cuộc sống gia đình làm chị cảm thấy được chia sẻ nhưng đứa con đầu lòng năm lên 7 tuổi bị ốm rồi bại liệt nằm một chỗ khiến áp lực cuộc sống tăng thêm. Chồng phải nghỉ công việc lái xe để chăm con, chị từ đó một mình bươn chải để lo cho cuộc sống gia đình với 5 thành viên (hai vợ chồng sau đó sinh thêm được 2 người con nữa).

Nhiều khi chị như muốn gục ngã, bởi những trận ốm vì mất sức. Nhưng rồi sự động viên của đồng nghiệp và bạn bè, chị gượng lấy sức tiếp tục chiến đấu với số phận. Ngoài công việc chính là làm tạp vụ ở CLB Sông Lam Nghệ An, chị còn tranh thủ về quê Can Lộc buôn gạo, và làm thuê đủ thứ ở khắp mọi nơi. Chính sự bươn chải ấy đã giúp chị có một nghị lực phi thường, làm nên những điều kỳ diệu giống như sự nghiệp vẻ vang vô tiền khoáng hậu của chị.

Ở thập niên 90, chị một lần nữa nổi tiếng khắp xứ Nghệ, với kỳ tích suốt hơn 2 năm trời một mình đi nhặt gạch cho đến khi tròn 1000 viên, rồi tự mình xây căn nhà cấp 4 hiện tại. Bản lĩnh phi thường ấy của VĐV điền kinh chân đất dự Olympic ngày nào được hết thảy mọi người thán phục.

Khi có chỗ để chui ra chui vào và áp lực kinh tế cũng giảm đi đôi phần thì cũng là lúc chị về hưu, mất đi một khoản thu nhập được xem là "hũ gạo". Chị lại phải xoay đi buôn, bán hàng rong và xin làm phụ hồ cho một số công trình xây dựng gần nhà để có cái ăn cho cả gia đình.

Cho mãi tới cuối năm 2009, khi ông Nguyễn Hồng Thanh về lại SLNA, chị mới được ưu ái làm hợp đồng quét dọn tại CLB. Biết rằng công việc nó hèn, nhưng dẫu sao một tháng còn có một khoản thu nhập cứng, đó là nguyện ước không chỉ của bản thân chị mà còn của cả gia đình.

Hình ảnh "huyện thoại" năm nào gắn với công việc tạp vụ, giữ xe và những thứ lặt vặt khác khi CLB SLNA thi đấu ở sân nhà khiến không ít người thực sự xót xa.

Tương tự, khi thấy sức khỏe có dấu hiệu suy yếu và nghĩ cho gia đình, năm 1982, Nguyễn Quyền xin chuyển về làm ở phòng Chính trị, thuộc sở Công an Nghệ Tĩnh. Đến năm 1991, ông xin nghỉ hưu theo chế độ bệnh binh, mất sức và trở về quê nhà xã Song Lộc, huyện Can Lộc để sinh sống. Bắt đấu từ đây, kiện tướng lừng danh một thời cũng bị người ta quên lãng.

Về lại quê nhà, lẽ ra ông được nghỉ ngơi, vui thú tuổi già để bù đắp cho những vất vả của mình nhưng bởi kinh tế gia đình khó khăn, ông lại phải bắt đầu với những "cuộc chiến" khác cũng đầy khó khăn và thử thách. Là con liệt sỹ, mồ côi bố năm 4 tuổi, mẹ tái giá nên cuộc sống gia đình ông cũng nhiều những câu chuyện khó nói.

Năm 1972, Nguyễn Quyền lập gia đình với cô thanh niên xung phong Trần Thị Lộc và có với nhau 4 đứa con. Tuổi thơ lắm thiệt thòi nhưng khi có gia đình riêng, ông cũng phải gồng mình bởi áp lực kinh tế lúc nào cũng đè nặng.

Bởi kinh tế gia đình khó khăn nên ông không thể đầu tư cho các con ăn học tới nơi tới chốn. Đó cũng là trăn trở rất lớn của ông khi nhìn hai đứa con thứ hai và thứ ba sống ở quê chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng và buôn bán vặt.

Cựu kiện tướng lừng danh một thời nhớ lại, ngày đó vinh quang luôn bủa vây, đỉnh cao sự nghiệp cứ vin vào ông hết năm này đến năm khác, nhưng giải thưởng thì chẳng có gì ngoài biểu tượng của chiếc cúp vô địch, có khi là bình hoa bằng nhôm, khi thì vỏ đạn cối có khắc tên của cuộc thi mình tham gia. Tuy vậy, lúc bấy giờ, vật chất là điều gì đó xa xỉ, tinh thần "fair play" mới là yếu tố tiên quyết nên có nhiều hôm phải nhịn đói, nhưng đã ra đường đua là phải gắng chạy ở mức tốt nhất có thể.

Trong nghiệp marathon của mình, đã không ít lần Nguyễn Quyền tiểu tiện ra máu vì cố gắng quá sức. Và sự lao lực ấy đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho đến ngày hôm nay, ấy là hai quả thận của ông đã bị sỏi, trong đó thận trái bị ứ nước độ 2. Cách đây 2 năm, chịu không thấu nên ông phải vay mượn tiền bạc để đi mổ.

Hiện, thận trái còn một viên sỏi có đường kính 16mm. Ngoài ra, ông còn phải chung sống với căn bệnh tá tràng và gan nhiễm mỡ. Đôi chân của ông cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ những lao lực của thời trai trẻ, giờ đây mỗi khi trái gió trở trời, khớp gối lại đau nhức.

Vậy nên, không ngoa khi nói rằng, Nguyễn Quyền giờ đây như cái ống đo nhiệt biểu, thời tiết thay đổi là cơ thể ông lại run bần bật như lò xo, đau đớn vô cùng. Mấy chục năm qua, ông đã quen với sự quên lãng của mọi người, quen với những khốn khổ và cả lo lắng tủn mủn, tầm thường về vật chất mỗi ngày.

Thời điểm hiện tại, bệnh tật hành hạ khiến toàn thân ông đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Nhưng buồn tủi hơn, là kiện tướng lừng danh một thời như vậy nhưng ông và vợ đang phải sống trong căn nhà cấp 4 tồi tàn xây từ năm 1984 nay đã xuống cấp trầm trọng.

Những khi mưa xuống là vợ ông phải cơ cực để nước không vào nhà. Ước mơ có căn nhà chắc chắn hơn để tránh mưa, tránh bão và an tâm hơn lúc tuổi già dường như quá xa xỉ.                

Kim Thoa -  Phạm Phạm

Đằng sau 'lùm xùm nữ hoàng điền kinh' Trương Thanh Hằng

Thứ 3, 25/06/2013 | 16:24
Mọi chuyện đã được xử lý nội bộ, nhưng thông tin về sự việc người trong cuộc chưa biết thì người ngoài cuộc đã hiểu rồi? Chuyện lạ gì đang xảy ra những ngày qua.

Số phận nghiệt ngã của một huyền thoại điền kinh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
(Nguouduatin.vn) Không ai có thể ngờ rằng, con người đang cặm cụi quét rác ở thành Vinh kia một thời từng là nữ hoàng điền kinh.

Thầy thể dục điển trai, hát hay trường Sư phạm

Thứ 6, 24/05/2013 | 10:16
Thầy Huỳnh Trung Phong từng đoạt giải Én bạc và là gương mặt dẫn chương trình quen thuộc trên kênh HTV.